Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 17-TT-CT/XH

Hà Nội, ngày 19 tháng 08 năm 1958

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ ĐAU ỐM CHO CÁN BỘ VÀ ĐỒNG BÀO MIỀN NAM AN DƯỠNG PHÂN TÁN

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG

Kính gửi:

-Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh
-Ủy ban hành chính khu vực Vĩnh Linh

Hiện nay, ngoài số cán bộ và đồng bào miền Nam đi sản xuất tự túc ở nông thôn, còn có đến 220 người là cán bộ miền Nam của các cơ quan Nhà nước già yếu, mất sức lao động, được trợ cấp theo chế độ an dưỡng phân tán về các địa phương, các tập đoàn sản xuất. Trong số người đi sản xuất tự túc ở nông thôn, có trên 500 người cũng được hưởng chế độ trợ cấp già yếu. Nhưng đến nay đối với những người già yếu nói trên, khi ốm đau đi nằm bệnh viện chưa có một chế độ bồi dưỡng, thuốc men rõ ràng, nên có nơi thi hành theo Chỉ thị 1000-TTg của Thủ tướng phủ ngày 09/8/1956 (mục 2) điều khoản đối với “cán bộ đồng bào miền Nam tự túc ở các địa phương”, có nơi chưa biết giải quyết thế nào.

Để cho việc áp dụng được thống nhất, sau khi trao đổi với Ban Thống nhất trung ương và dựa vào Chỉ thị 1000-TTg của Thủ tướng phủ ngày 09/8/1956 Bộ hướng dẫn cụ thể như sau:

1. Trường hợp đau ốm thông thường:

Đối với cán bộ và đồng bào miền Nam già yếu mất sức lao động, được trợ cấp theo chế độ an dưỡng phân tán về các địa phương, hay các tập đoàn sản xuất miền Nam, không phân biệt người trợ cấp 25đ00 hay 22đ00 mỗi tháng, khi đau ốm thì cơ quan y tế của huyện, thành phố, thị xã sẽ cấp phát thuốc cho những anh chị em ở trong phạm vi huyện, thành phố, thị xã của mình và được dù trù thêm một số tiền để mua thuốc theo tiêu chuẩn 0đ50 một người mỗi tháng cho mỗi cán bộ, đồng bào miền Nam. Cụ thể là khi đau ốm thông thường, các an dưỡng viên phân tán ở địa phương nào sẽ đến cơ quan y tế ở trong khu vực địa phương đó mà xin thuốc, như những cán bộ đồng bào miền Nam sản xuất tự túc ở địa phương.

2. Trường hợp ốm đau nặng đi bệnh viện:

Trường hợp đau ốm nặng đi nằm bệnh viện thì phải có giấy giới thiệu của cơ quan y tế huyện, khu phố, thị xã và phải ghi chú rõ là cán bộ, đồng bào miền Nam được trợ cấp theo chế độ an dưỡng phân tán. Để bảo đảm việc ghi chú rõ vào giấy giới thiệu của cơ quan y tế, các an dưỡng viên phải trình sổ cấp phát của mình cho cơ quan y tế biết, người nào chưa có sổ thì phải có giấy chứng nhận của Ủy ban hành chính địa phương mình ở (xã, thị xã).

Khi nằm ở bệnh viện, người bệnh được xem như cán bộ và phải nộp khoản tiền ăn theo tiêu chuẩn ở bệnh viện, tiền thuốc men và bồi dưỡng do bệnh viện đài thọ, thanh toán vào khoản chi tiêu về cứu tế xã hội theo tiết “b” điểm 4 mục II Chỉ thị 1000-TTg ngày 09/08/1956 của Thủ tướng phủ.

Để việc thi hành được thông suốt và thống nhất, đề nghị các Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh nghiên cứu Thông tư này, có kế hoạch hướng dẫn các cấp dưới thi hành và giải thích cho các an dưỡng viên bị đau ốm biết.

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Minh Hiền

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 17-TT-CT/XH năm 1958 quy định chế độ đau ốm cho cán bộ và đồng bào miền Nam an dưỡng phân tán do Bộ Lao động ban hành

  • Số hiệu: 17-TT-CT/XH
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 19/08/1958
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động
  • Người ký: Lê Minh Hiền
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 39
  • Ngày hiệu lực: 03/09/1958
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản