Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 17-BTC/TT

Hà Nội, ngày 17 tháng 3 năm 1990

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 17-BTC/TT NGÀY 17-3-1990 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHỈ THỊ 21/CT NGÀY 19-1-1990 CỦA CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG VỀ TĂNG CƯỜNG KỶ LUẬT THU NỘP NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TRONG CÁC ĐƠN VỊ KINH TẾ QUỐC DOANH;

Thi hành chỉ thị số 21/CT ngày 19-1-1990 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về tăng cường kỷ luật thu nộp ngân sách Nhà nước trong các đơn vị kinh tế quốc doanh; Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể việc thực hiện như sau:

1. Tất cả các đơn vị kinh tế quốc doanh (bao gồm cả các tổ chức xuất nhập khẩu ) thuộc tất cả các ngành kinh tế quốc dân, lực lượng vũ trang, các tổ chức Đảng , đoàn thể có trách nhiệm đăng ký sản xuất kinh doanh và nộp đầy đủ, kịp thời mọi khoản thu như: Thu quốc doanh, lợi nhuận, khấu hao cơ bản và chênh lệch giá (Nếu có)... vào ngân sách Nhà nước theo đúng chế độ hiện hành.

2.Đối với những đơn vị không chấp hành nghiêm chỉnh kỷ luật thu nộp ngân sách sẽ bị phạt chậm nộp bằng tỷ lệ (%) trên tổng số tiền chậm nộp.

a) Tỷ lệ phạt chậm nộp:

Tỷ lệ phạt chậm nộp cao hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn và có kỳ hạn (do Ngân hàng Nhà nước công bố) là 1% tại cùng thời điểm.

Ví dụ: Đơn vị A chậm nộp ngân sách Nhà nước số tiền là 10 triệu đồng. Lãi suất tiền gửi tiết kiệm do ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm: Không kỳ hạn 4%; có thời hạn 3 tháng 6%.

Nếu chậm nộp dưới 3 tháng mỗi ngày phải nộp phạt:

5%x10 triệu đồng

= 16.666,000 đồng

30 ngày

Nếu nộp chậm trên 3 tháng mỗi ngày phải nộp phạt:

7% x 10 triệu đồng

= 23.333,000 đồng

30 ngày

Đối với các tổ chức kinh doanh nhập khẩu Nếu quá 10 ngày kể từ ngày bốc dỡ lô hàng đầu tiên tại cảng mà đơn vị không hoàn thành việc nộp tiền bán hàng nhập khẩu sẽ bị nộp phạt 0,2% ngày số tiền chậm nộp theo quy định tại thông tư số 53/TCĐN ngày 11-11-1989 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện quyết định số 288/CT ngày 16-10-1989 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về thanh toán và cho vay xuất nhập khẩu theo nghị định thư đối với khu vực xã hội chủ nghĩa.

b) Thời điểm xác định chậm nộp:

Đối với khoản thu quốc doanh: là ngày kế theo ngày đơn vị nhận được tiền bán hàng, tiền công, tiền cước.

Đối với lợi nhuận, và khấu hao cơ bản nộp ngân sách:

Các đơn vị có kế hoạch nộp lợi nhuận và khấu hao cơ bản phải đăng ký với cơ quan tài chính sổ nộp và ngày nộp từng tháng nhưng phải đảm bảo trước ngày mồng 5 của tháng tiếp theo. Nếu quá ngày đăng ký mà chưa nộp thì bị phạt chậm nộp.

Trường hợp xí nghiệp không được giao kế hoạch nộp lợi nhuận vào ngân sách nhưng thực tế có phát sinh thì ngày chậm nộp là ngày kế tiếp sau ngày phải nộp báo cáo kế toán quy định tại Điều 25 quyết định số 25/HĐBT ngày 18-3-1989 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành điều lệ tổ chức kế toán Nhà nước; cụ thể:

Là ngày thứ 41 sau khi kết thúc quý báo cáo.

Là ngày thứ 61 sau khi kết thúc năm báo cáo.

Các khoản nộp ngân sách khác: Là ngày kế tiếp sau ngày quy định phải nộp ngân sách Nhà nước theo chế độ hiện hành.

c) Số tiền phạt chậm nộp các đơn vị không được hạch toán vào giá thành hoặc phí lưu thông mà phải hạch toán trừ vào hai quỹ: khen thưởng và phúc lợi (mỗi quỹ 50% số tiền phạt)

3/ Trách nhiệm của cơ quan trong việc tăng cường kỷ luật nộp ngân sách nhà nước:

a) Sở Tài chính (chi cục thu quốc doanh) tăng cường, đôn đốc và kiểm tra việc chấp hành kỷ luật thu nộp ngân sách của các đơn vị kinh tế quốc doanh (trung ương, tỉnh, huyện) đóng trên địa bàn, có quyền ra lệnh thu, lệnh phạt trên cơ sở xác định rõ: số tiền nộp ngân sách, thời gian chậm nộp ngân sách, khả năng thực hiện thu lệnh phạt của đơn vị: Số dư tài khoản tiền gửi tại ngân hàng đơn vị giao dịch, số dư tièn mặt tồn quỹ, số dư quỹ phúc lợi và quỹ khen thưởng...

Ở những địa phương có tổ chức Chi cục thu quốc doanh thì lệnh thu, lệnh phạt và mọi văn bản xử lý nghiệp vụ nộp ngân sách Nhà nước đều dùng dấu của Chi cục thu quốc doanh, ở những địa phương chưa thành lập Chi cục thu quốc doanh thi dùng dấu của Sở Tài chính.

b) Ngân hàng nơi đơn vị giao dịch khi nhận được lệnh thu, lệnh phạt của cơ quan tài chính có thẩm quyền, trong ngày phải trích ngay tiền gửi của đơn vị nộp vào ngân sách Nhà nước (quy định tại thông tư số 09/TT-LB ngày 27/2/1990 Liên Bộ Tài chính- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định tạm thời về việc mở tài khoản quan hệ thanh toán và tiền mặt giữa hệ thống ngân hàng và kho bạc Nhà nước) và đồng thời thông báo cho cơ quan ra lệnh thu và lênh phạt biết.

Nếu ngân hàng chậm thực hiện lệnh thu, lệnh phạt thì phải chịu phạt theo quy định tại điểm 2 nói trên tính trên tổng số tiền đơn vị chậm nộp và số tiền đơn vị bị phạt.

c) Các đơn vị kinh tế quốc doanh có trách nhiệm tạo điều kiện thuậnh lợi để cơ quan tài chính thực hiện công tác kiểm tra hạch toán kế toán và thu nộp ngân sách, đồng thời thực hiện nghiêm chỉnh lệnh thu, lệnh phạt chậm nộp ngân sách. Trường hợp các đơn vị lỗ do nguyên nhân khách quan mà không thực hiện được các khoản nộp ngân sách Nhà nước theo chế độ hiện hành, phải làm đầy đủ thủ tục theo quy định tại thông tư số 29/TT-TC-TQĐ ngày 9-7-1988 hướng dẫn thực hiện quyết định số 188/CT ngày 21-6-1988 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Chỉ khi có quyết định xử lý chính thức của các cơ quan tài chính cấp có thẩm quyền, đơn vị mới được phép giữ lại khoản phải nộp ngân sách mà không bị phạt theo quy định của thông tư này.

Các đơn vị kinh tế quốc doanh nếu giấu giếm doanh thu, trốn tránh nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước, khi bị phát hiện thì cơ quan tài chính có thẩm quyền ra lệnh thu toàn bộ số doanh thu đã giấu và bị phạt chậm nộp Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Hồ Tế

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 17-BTC/TT năm 1990 hướng dẫn Chỉ thị 21/CT 1990 về tăng cường kỷ luật thu nộp NSNN trong các đơn vị kinh tế quốc doanh do Bộ tài chính ban hành

  • Số hiệu: 17-BTC/TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 17/03/1990
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Hồ Tế
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 17/03/1990
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản