Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 16-BYT-TT

Hà Nội, ngày 26 tháng 03 năm 1965

THÔNG TƯ

TUYỂN SINH Y TÁ VÀ DƯỢC TÁ TRONG BIÊN CHẾ NHÀ NƯỚC ĐI HỌC BỔ TÚC LÊN Y SĨ VÀ DƯỢC SĨ TRUNG CẤP NIÊN KHÓA 1965 – 1966

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Kính gửi

- Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh
- Các sở, ty y tế,
- Các đơn vị trực thuộc

Thi hành chính sách đào tạo và bổ túc cán bộ của Đảng và Nhà nước, để tiếp tục chính sách bổ túc chuyển cấp cho cán bộ sơ cấp chuyên môn của ngành lên trung cấp, niên khóa 1965-1966 Bộ Y tế chủ trương tuyển một số y tá và dược tá công tác lâu năm trong ngành để học bổ túc lên y sĩ và dược sĩ trung cấp.

Để thống nhất các tiêu chuẩn từ trung ương đến địa phương, Bộ Y tế quy định những đối tượng, tiêu chuẩn và kế hoạch tuyển sinh cụ thể dưới đây:

I. ĐỐI TƯỢNG TUYỂN SINH

1. Những y tá, dược tá đã được Chính phủ tặng thưởng huân chương hoặc huy chương Kháng chiến và Chiến thắng, huân chương Lao động;

2. Y tá và dược tá là người các dân tộc thiểu số;

3. Các chiến sĩ thi đua, cán bộ miền Nam, phụ nữ, cán bộ công tác lưu động, hải đảo, cán bộ công tác lâu năm ở miền núi.

II. TIÊU CHUẨN TUYỂN SINH

1. Chính trị: Lý lịch rõ ràng và trong sạch, có phẩm chất chính trị tốt, ý thức tổ chức kỷ luật, tư cách đạo đức phải tốt, chấp hành đầy đủ mọi chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, có nhiệt tình hăng say công tác, được tín nhiệm với cán bộ và quần chúng ở cơ quan và bệnh nhân.

2. Thâm niên chuyên môn: Các y tá, dược tá được xét chọn đi học nói chung phải có 6 năm thâm niên công tác chuyên môn kể từ ngày được công nhận là y tá hay dược tá chính thức và liên tục công tác chuyên môn từ ngày tốt nghiệp y tá hay dược tá cho đến khi được xét chọn đi học.

Riêng các đối tượng sau đây được chiếu cố hạ thấp tiêu chuẩn thâm niên chuyên môn:

a) Thâm niên 5 năm:

- Là cán bộ đã được Chính phủ tặng thưởng huân chương và huy chương Kháng chiến, Chiến thắng;

- Các chiến sĩ thi đua năm 1964;

- Các cán bộ miền Nam tập kết, phụ nữ;

- Cán bộ công tác lưu động, hải đảo, miền núi liên tục 4 năm liền: 1961, 1962, 1963, 1964 và hiện nay vẫn làm công tác lưu động, ở hải đảo, miền núi.

b) Đối với anh chị em y tá, dược tá là người thuộc các dân tộc thiểu số, chiến sĩ thi đưa liên tục 3 năm liền thì thâm niên chuyên môn được rút xuống 3 năm (Thâm niên chuyên môn tính đến 30-09-1965).

3. Văn hóa:

a) Đối với người Kinh: Nói chung phải tốt nghiệp văn hóa cấp II phổ thông hoặc bổ túc; đối với anh chị em nằm trong diện chiếu cố thâm niên 5 năm thì văn hóa chỉ cần học hết lớp 7.

b) Đối với người dân tộc thiểu số và chiến sĩ thi đua liên tục 3 năm: Tốt nghiệp văn hóa lớp 4.

(Tất cả các đối tượng trên đều phải có giấy chứng nhận về học lực văn hóa).

4. Sức khỏe: Phải có đầy đủ sức khỏe để theo học và công tác sau này, những người mắc các bệnh truyền nhiễm, mãn tính đang trong thời kỳ điều trị thì chưa xét chọn đi học.

5. Tuổi: Tối đa là 40 tuổi.

III. NHỮNG NGUYÊN TẮC, THỦ TỤC VÀ KẾ HOẠCH TUYỂN SINH

1. Căn cứ vào tình hình cơ sở và yêu cầu đào tạo cán bộ. Bộ quy định chỉ tiêu đào tạo ở các trường như sau:

- Y tá người Kinh: 150, học ở trường Y sĩ Hải Dương.

- Y tá người dân tộc: 35, học ở trường Y sĩ Việt Bắc.

- Y tá người dân tộc; 15, học ở trường Y sĩ Tây Bắc.

- Dược tá người Kinh: 30, học ở trường Y sĩ Nam Định.

- Dược tá người dân tộc: 20, học ở trường y sĩ Nam Định.

2. Việc tuyển chọn cán bộ sơ cấp đi học bổ túc lên trung cấp là một chính sách đề bạt những cán bộ lâu năm trong ngành có nhiều thành tích công tác, có tài, có đức xứng đáng được bồi dưỡng, đề bạt lên cán bộ trung cấp, vì vậy khi xét chọn cán bộ đi học, các địa phương cần chú ý đầy đủ cả hai mặt: thâm niên công tác chuyên môn trong ngành và tư cách đạo đức, tinh thân phục vụ, không nên quá chú ý tới thâm niên chuyên môn mà coi nhẹ các tiêu chuẩn đạo đức, tinh thần phục vụ và sức khỏe.

3. Khi xét duyệt tuyển chọn học sinh vào học thì các đối tượng sau đây được ưu tiên chọn trước:

- Cán bộ kháng chiến công tác lâu năm trong ngành có nhiều thành tích công tác trước đây và hiện nay;

- Cán bộ là người thuộc các dân tộc thiểu số;

-Các chiến sĩ thi đua cơ sở

- Cán bộ công tác lưu động, miền núi, hải đảo lâu năm;

- Cán bộ miền Nam, phụ nữ.

4. Những cán bộ bị thi hành kỷ luật năm 1964, 1965 từ cảnh cáo trở lên thì không nằm trong diện xét chọn đi học.

5. Các y tá, dược tá ở các đơn vị trực thuộc trung ương đóng ở địa phương nào thì các Sở, Ty Y tế ở địa phương đó phụ trách việc tuyển chọn đi học.

6. Việc ra quyết định cử cán bộ đi học quy định như sau:

- Đối với cán bộ công tác ở các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế thì Ban lãnh đạo các đơn vị xét duyệt và ra quyết định cử cán bộ đi học;

- Đối với cán bộ công tác ở các Sở, Ty Y tế thì Ban lãnh đạo Ty xét duyệt và trình Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh ra quyết định cử cán bộ đi học;

- Cán bộ công tác biệt phái ở các đơn vị thuộc các Bộ sở quan quản lý thì do các Bộ sở quan ra quyết định cử cán bộ đi học.

7. Các y tá, dược tá công tác bên quân y theo chế độ công nhân viên quốc phòng cũng được nằm trong diện xét chọn đi học.

8. Sau khi xét duyệt xong các Sở, Ty y tế sẽ gửi hồ sơ và danh sách học viên về các trường:

- Y tá, dược tá người dân tộc thiểu số của khu Tây bắc thì gửi hồ sơ về trường Y sĩ Tây bắc;

- Y tá, dược tá người dân tộc thiếu số của khu tự trị Việt bắc và các tỉnh trực thuộc trung ương thì gửi hồ sơ về trường Y sĩ Việt bắc;

- Y tá và dược tá là người Kinh thì: nếu là dược tá thì gửi hồ sơ về trường Y sĩ Nam Định, nếu là y tá thì gửi hồ sơ về trường y sĩ Hải Dương.

Thời hạn gửi hồ sơ về các trường nói trên hạn cuối cùng là ngày 30 tháng 05 năm 1965.

9. Tất cả y tá và dược tá trước khi vào học chuyên môn đều phải qua kỳ thi kiểm tra văn hóa và chuyên môn, thi kiểm tra gồm 3 môn: toán, văn lớp 4 cho y tá, dược tá, người dân tộc, lớp 7 cho y tá và dược tá người Kinh và kiểm tra nghiệp vụ chuyên môn cho cả y và dược, cho cả người Kinh và người dân tộc thiểu số.

Việc tổ chức thi kiểm tra văn hóa và chuyên môn cho y tá và dược tá năm nay Bộ giao cho các Sở, Ty Y tế phụ trách, sau khi thi kiểm tra văn hóa và chuyên môn ở các Sở, Ty Y tế xong, các Sở Ty Y tế thu bài và niêm phong lại rồi gửi về cho các trường phụ trách công tác đào tạo chấm và xét duyệt, cụ thể là:

- Nếu là y tá, dược tá người dân tộc Tây bắc thì gửi về trường y sĩ Tây Bắc; nếu là y tá, dược tá người dân tộc công tác ở khu tự trị Việt Bắc và các tỉnh trực thuộc trung ương thì gửi về trường Y sĩ Việt Bắc;

- Nếu là y tá người Kinh thì gửi về cho trường Y sĩ Hải Dương; nếu là dược tá người Kinh thì gửi về trường Y sĩ Nam Định.

Ngày thi kiểm tra văn hóa và chuyên môn quy định thống nhất cho tất cả các Sở, Ty Y tế như sau: 26-06-1965

10. Các y tá, dược tá được xét chọn đi học phải nộp đầy đủ các hồ sơ cần thiết dưới đây:

- Một đơn xin học và cam đoan sau khi tốt nghiệp sẽ công tác bất kỳ nơi nào theo yêu cầu công tác;

- Một quyết định cử cán bộ đi học;

- Một bản sơ yếu lý lịch (theo mẫu lý lịch quản lý cán bộ của Bộ Nội vụ) có xác nhân và nhận xét của thủ trưởng đơn vị mà cán bộ đang công tác;

- Một bản kiểm điểm về tinh thần và thái độ công tác, lập trường, tư tưởng, tư cach đạo đức có nhận xét của cơ quan trực tiếp quản lý;

- Một giấy khám sức khỏe;

- Một bản sao văn bằng y tá, dược tá sơ cấp:

- Một bản sao giấy chứng nhận được huân chương, huy chương (nếu có);

- Một giấy chứng nhận là chiến sĩ thi đưa (nếu là chến sĩ thi đua);

- Một giấy chứng nhận trình độ văn hóa hoặc bản sao văn bằng tốt nghiệp (tất cả các bản sao đều do Ủy ban hành chính từ cấp huyện hoặc tương đương trở lên ký).

IV. QUYỀN LỢI VÀ NHIỆM VỤ CỦA HỌC VIÊN TRONG THỜI GIAN HỌC TẬP

1. Các y tá, dược tá được cơ quan xét chọn đi học, mỗi tuần được nghỉ một buổi để ôn tập văn hóa và chuyên môn kể từ ngày có quyết định cử đi học cho đến ngày đi thi.

2. Trong thời gian học ở các trường, học viên được hưởng mọi quyền lợi của cán bộ đi học theo chế độ hiện hành của Nhà nước.

3. Trong thời gian học tập, nếu vì một lý do gì không đủ tiêu chuẩn để theo học nữa thì Bộ Y tế sẽ trả học sinh đó về cơ quan cũ công tác.

Nhận được thông tư này, đề nghị các khu, thành, tỉnh, các Sở, Ty Y tế, các cơ quan trung ương cho phổ biến và tuyển sinh đúng kế hoạch và thủ tục như đã quy định. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ban hành; khi thi hành nếu gặp những khó khăn gì thì báo cáo ngay cho Bộ biết để nghiên cứu và giải quyết.

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ




B.s Phạm Ngọc Thạch

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 16-BYT-TT-1965 về việc tuyển sinh Y tá và Dược tá trong biên chế Nhà nước đi học bổ túc lên Y sĩ và Dược sĩ trung cấp niên khóa 1965 - 1966 do Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 16-BYT-TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 26/03/1965
  • Nơi ban hành: Bộ Y tế
  • Người ký: Phạm Ngọc Thạch
  • Ngày công báo: 16/04/1965
  • Số công báo: Số 4
  • Ngày hiệu lực: 26/03/1965
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản