Hệ thống pháp luật

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 16/2012/TT-NHNN

Hà Nội, ngày 25 tháng 05 năm 2012

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 24/2012/NĐ-CP NGÀY 03 THÁNG 4 NĂM 2012 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH VÀNG

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 46/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 96/2008/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Căn cứ Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối;

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng,

MỤC 1. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn về hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ; hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng và hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng theo quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (sau đây gọi là Nghị định số 24/2012/NĐ-CP).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với doanh nghiệp, tổ chức tín dụng có hoạt động kinh doanh vàng trên lãnh thổ Việt Nam và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

MỤC 2. ĐIỀU KIỆN CẤP GIẤY PHÉP XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU VÀNG NGUYÊN LIỆU

Điều 3. Điều kiện cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu đối với doanh nghiệp hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ

1. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có đăng ký hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

2. Có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước) cấp.

3. Nhu cầu nhập khẩu vàng nguyên liệu phù hợp với kế hoạch sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

4. Không vi phạm quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh vàng trong thời hạn 12 (mười hai) tháng liền kề trước thời điểm đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu.

Điều 4. Điều kiện cấp Giấy phép tạm nhập vàng nguyên liệu để tái xuất sản phẩm đối với doanh nghiệp có hợp đồng gia công vàng trang sức, mỹ nghệ với nước ngoài

1. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có điều kiện hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

2. Có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ do Ngân hàng Nhà nước cấp.

3. Nhu cầu nhập khẩu vàng nguyên liệu phù hợp với kế hoạch sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và hợp đồng gia công vàng trang sức, mỹ nghệ với nước ngoài.

4. Không vi phạm quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh vàng trong thời hạn 12 (mười hai) tháng liền kề trước thời điểm đề nghị cấp Giấy phép tạm nhập vàng nguyên liệu để tái xuất sản phẩm.

Điều 5. Điều kiện cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ

1. Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, có đăng ký hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

2. Nhu cầu nhập khẩu vàng nguyên liệu phù hợp với năng lực sản xuất, kế hoạch sản xuất, kinh doanh và hợp đồng gia công vàng trang sức, mỹ nghệ.

3. Không vi phạm quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh vàng trong thời hạn 12 (mười hai) tháng liền kề trước thời điểm đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu.

Điều 6. Điều kiện cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu đối với doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực khai thác vàng

1. Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, có đăng ký hoạt động khai thác vàng trong Giấy chứng nhận đầu tư.

2. Có tài liệu chứng minh nguồn vàng nguyên liệu dự kiến nhập khẩu là do doanh nghiệp khai thác ở nước ngoài hoặc được phân chia sản phẩm theo thỏa thuận khai thác vàng ở nước ngoài.

3. Vàng nguyên liệu nhập khẩu chỉ được sử dụng để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

4. Không vi phạm quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh vàng trong thời hạn 12 (mười hai) tháng liền kề trước thời điểm đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu.

Điều 7. Điều kiện cấp Giấy phép xuất khẩu vàng nguyên liệu đối với doanh nghiệp có Giấy phép khai thác vàng tại Việt Nam

1. Là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập theo quy định của pháp luật.

2. Có Giấy phép khai thác vàng.

3. Có tài liệu chứng minh nguồn vàng nguyên liệu dự kiến xuất khẩu là do doanh nghiệp khai thác ở trong nước.

4. Không vi phạm quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh vàng trong thời hạn 12 (mười hai) tháng liền kề trước thời điểm đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu.

MỤC 3. HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐỦ ĐIỀU KIỆN SẢN XUẤT VÀNG TRANG SỨC, MỸ NGHỆ, GIẤY PHÉP KINH DOANH MUA, BÁN VÀNG MIẾNG VÀ GIẤY PHÉP XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU VÀNG NGUYÊN LIỆU

Điều 8. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ

1. Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ (theo mẫu tại Phụ lục 1 Thông tư này).

2. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có đăng ký hoạt động kinh doanh vàng.

3. Văn bản hoặc tài liệu chứng minh quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp địa điểm kinh doanh; bản kê khai về cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

Điều 9. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng

1. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng đối với doanh nghiệp bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng (theo mẫu tại Phụ lục 2 Thông tư này);

b) Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có đăng ký hoạt động kinh doanh vàng;

c) Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh;

d) Xác nhận của cơ quan thuế về số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng trong 02 (hai) năm liền kề trước đó.

2. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng đối với tổ chức tín dụng bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng (theo mẫu tại Phụ lục 3 Thông tư này);

b) Giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng có đăng ký hoạt động kinh doanh vàng.

Điều 10. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu đối với doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh vàng trang sức, mỹ nghệ

1. Đơn đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu (theo mẫu tại Phụ lục 4 Thông tư này).

2. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

3. Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

4. Báo cáo tình hình nhập khẩu vàng nguyên liệu và sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ của doanh nghiệp trong thời hạn 12 (mười hai) tháng liền kề trước thời điểm báo cáo, kèm tờ khai Hải quan nhập khẩu vàng và phiếu trừ lùi có xác nhận của Hải quan (theo mẫu tại Phụ lục 6 Thông tư này).

5. Bản kế hoạch sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ của doanh nghiệp.

Điều 11. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép tạm nhập vàng nguyên liệu để tái xuất sản phẩm đối với doanh nghiệp có hợp đồng gia công vàng trang sức, mỹ nghệ với nước ngoài

1. Đơn đề nghị cấp Giấy phép tạm nhập vàng nguyên liệu để tái xuất sản phẩm (theo mẫu tại Phụ lục 4 Thông tư này).

2. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

3. Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

4. Hợp đồng gia công vàng trang sức, mỹ nghệ với nước ngoài.

5. Báo cáo tình hình nhập khẩu vàng nguyên liệu, sản xuất và xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ của doanh nghiệp trong thời hạn 12 (mười hai) tháng liền kề trước thời điểm báo cáo, kèm tờ khai Hải quan tạm nhập - tái xuất vàng và phiếu trừ lùi có xác nhận của Hải quan (theo mẫu tại Phụ lục 7 Thông tư này).

6. Bản kế hoạch sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ của doanh nghiệp.

Điều 12. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ

Chậm nhất vào ngày 15 tháng 12 của năm trước năm kế hoạch hoặc khi cần bổ sung khối lượng nhập khẩu vàng nguyên liệu theo kế hoạch, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gửi hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu. Hồ sơ bao gồm:

1. Đơn đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu (theo mẫu tại Phụ lục 5 Thông tư này);

2. Giấy chứng nhận đầu tư;

3. Báo cáo tình hình thực hiện xuất khẩu, nhập khẩu và tiêu thụ sản phẩm vàng tại thị trường Việt Nam trong thời hạn 12 (mười hai) tháng liền kề trước thời điểm báo cáo, kèm tờ khai Hải quan xuất khẩu, nhập khẩu và phiếu trừ lùi có xác nhận của Hải quan (theo mẫu tại Phụ lục 8 Thông tư này);

4. Bản kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; văn bản, tài liệu chứng minh năng lực sản xuất của doanh nghiệp;

5. Hợp đồng gia công vàng trang sức, mỹ nghệ với nước ngoài.

Điều 13. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu đối với doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực khai thác vàng

1. Đơn đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu (theo mẫu tại Phụ lục 4 Thông tư này).

2. Giấy chứng nhận đầu tư.

3. Tài liệu chứng minh nguồn vàng nguyên liệu dự kiến nhập khẩu là do doanh nghiệp khai thác ở nước ngoài hoặc được phân chia sản phẩm theo thỏa thuận khai thác vàng ở nước ngoài.

4. Văn bản, tài liệu chứng minh việc sử dụng nguồn vàng nguyên liệu nhập khẩu phù hợp với quy định tại Khoản 3 Điều 6 Thông tư này.

5. Báo cáo tình hình khai thác và nhập khẩu vàng nguyên liệu của doanh nghiệp trong thời hạn 12 (mười hai) tháng liền kề trước thời điểm báo cáo, kèm tờ khai Hải quan nhập khẩu vàng và phiếu trừ lùi có xác nhận của Hải quan (theo mẫu tại Phụ lục 9 Thông tư này).

Điều 14. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép xuất khẩu vàng nguyên liệu đối với doanh nghiệp có Giấy phép khai thác vàng

1. Đơn đề nghị cấp Giấy phép xuất khẩu vàng nguyên liệu (theo mẫu tại Phụ lục 4 Thông tư này).

2. Giấy chứng nhận đầu tư.

3. Tài liệu chứng minh nguồn vàng nguyên liệu dự kiến xuất khẩu là do doanh nghiệp khai thác.

4. Báo cáo tình hình khai thác và xuất khẩu vàng nguyên liệu của doanh nghiệp trong thời hạn 12 (mười hai) tháng liền kề trước thời điểm báo cáo, kèm tờ khai Hải quan xuất khẩu vàng và phiếu trừ lùi có xác nhận của Hải quan (theo mẫu tại Phụ lục 9 Thông tư này).

MỤC 4. THỦ TỤC CẤP GIẤY PHÉP KINH DOANH MUA, BÁN VÀNG MIẾNG; GIẤY PHÉP XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU VÀNG NGUYÊN LIỆU VÀ GIẤY CHỨNG NHẬN ĐỦ ĐIỀU KIỆN SẢN XUẤT VÀNG TRANG SỨC, MỸ NGHỆ

Điều 15. Thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng; Giấy phép xuất khẩu vàng nguyên liệu; Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực khai thác vàng

1. Doanh nghiệp, tổ chức tín dụng có nhu cầu kinh doanh mua, bán vàng miếng; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có nhu cầu nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ; doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực khai thác vàng có nhu cầu nhập khẩu vàng nguyên liệu do doanh nghiệp khai thác ở nước ngoài và doanh nghiệp có Giấy phép khai thác vàng có nhu cầu xuất khẩu vàng nguyên liệu do doanh nghiệp khai thác nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện 01 (một) bộ hồ sơ quy định tạiĐiều 9, Điều 12, Điều 13 và Điều 14 Thông tư nàyđến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Quản lý Ngoại hối) để được cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng hoặc cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu.

2. Căn cứ các quy định về điều kiện, hồ sơ, thủ tục tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP và Thông tư này, Vụ Quản lý Ngoại hối trình Thống đốc xem xét, quyết định việc cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.

3. Căn cứ mục tiêu chính sách tiền tệ, cung - cầu vàng trong từng thời kỳ và các quy định về điều kiện, hồ sơ, thủ tục tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP và Thông tư này, Vụ Quản lý Ngoại hối trình Thống đốc xem xét, quyết định cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu.

4. Trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cấp hoặc từ chối cấp (ghi rõ lý do) Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng; Giấy phép xuất khẩu vàng nguyên liệu hoặc Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu (theo mẫu tại Phụ lục 13, 14 hoặc 15 Thông tư này). Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng do Ngân hàng Nhà nước cấp cho tổ chức tín dụng là bộ phận không tách rời của Giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng.

Điều 16. Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và Giấy phép tạm nhập vàng nguyên liệu để tái xuất sản phẩm

1. Doanh nghiệp có nhu cầu sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu vàng nguyên liệu để gia công vàng trang sức, mỹ nghệ cho nước ngoài nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện 01 (một) bộ hồ sơ quy định tạiĐiều 8 và Điều 11 Thông tư nàyđến Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố) để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và Giấy phép tạm nhập vàng nguyên liệu để tái xuất sản phẩm.

2. Căn cứ các quy định về điều kiện, hồ sơ, thủ tục tạiNghị định 24/2012/NĐ-CPvà Thông tư này, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố xem xét, quyết định việc cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và Giấy phép tạm nhập vàng nguyên liệu để tái xuất sản phẩm.

3. Trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ của doanh nghiệp, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố cấp hoặc từ chối cấp (ghi rõ lý do) Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và Giấy phép tạm nhập vàng nguyên liệu để tái xuất sản phẩm (theo mẫu tại Phụ lục 1617 Thông tư này).

Điều 17. Thủ tục cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ

1. Doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện 02 (hai) bộ hồ sơ quy định tạiĐiều 10 Thông tư nàyđến Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố để được cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu.

2. Trong thời hạn 7 (bảy) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ của doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố gửi hồ sơ đề nghị xem xét việc cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Quản lý Ngoại hối). Hồ sơ bao gồm:

a) Văn bản của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố có ý kiến về việc doanh nghiệp có đủ điều kiện hoặc không đủ điều kiện quy định tại Điều 3 Thông tư này;

b) Hồ sơ đề nghị cấp phép của doanh nghiệp.

3. Trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gửi văn bản thông báo việc chấp thuận hoặc từ chối cấp phép đến Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố.

4. Trong thời hạn 3 (ba) ngày làm việc kể từ ngày nhận văn bản thông báo của Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố cấp hoặc từ chối cấp (ghi rõ lý do) Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ (theo mẫu tại Phụ lục 15 Thông tư này).

Điều 18. Nguyên tắc lập hồ sơ

1. Các văn bản, tài liệu trong hồ sơ quy định tại Mục 3 Thông tư này phải là bản chính hoặc bản sao có chứng thực theo quy định của pháp luật.

2. Doanh nghiệp, tổ chức tín dụng phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của các văn bản, tài liệu trong hồ sơ.

MỤC 5. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO VÀ TRÁCH NHIỆM THANH TRA, GIÁM SÁT

Điều 19. Trách nhiệm báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố

1. Định kỳ hàng tháng, năm, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố tổng hợp báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (qua Vụ Quản lý Ngoại hối) tình hình quản lý hoạt động kinh doanh vàng trên địa bàn (theo mẫu tại Phụ lục 12 Thông tư này). Thời hạn nộp báo cáo chậm nhất là ngày 05 (năm) của tháng tiếp theo đối với báo cáo tháng; ngày 15 (mười lăm) tháng 1 (một) của năm tiếp theo đối với báo cáo năm.

2. Khi cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và Giấy phép tạm nhập vàng nguyên liệu để tái xuất sản phẩm cho doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố gửi 01 (một) bản sao đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Quản lý Ngoại hối).

Điều 20. Trách nhiệm báo cáo của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng hoạt động kinh doanh vàng

1. Định kỳ hàng tháng, năm, doanh nghiệp, tổ chức tín dụng được cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng thực hiện báo cáo tình hình kinh doanh mua, bán vàng miếng cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Quản lý Ngoại hối) và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố (theo mẫu tại Phụ lục 10 Thông tư này). Thời hạn nộp báo cáo chậm nhất là ngày 05 (năm) của tháng tiếp theo đối với báo cáo tháng và ngày 15 (mười lăm) tháng 1 (một) của năm tiếp theo đối với báo cáo năm.

2. Định kỳ hàng quý, năm, doanh nghiệp kinh doanh vàng thực hiện báo cáo tình hình kinh doanh vàng cho Ngân hàng Nhà nước (Vụ Quản lý Ngoại hối) và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố theo quy định sau:

a) Doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ thực hiện báo cáo tình hình sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ (theo mẫu Phụ lục 11 Thông tư này);

b) Doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ được cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu thực hiện báo cáo tình hình nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ (theo mẫu tại Phụ lục 6 Thông tư này);

c) Doanh nghiệp kinh doanh vàng có hợp đồng gia công vàng trang sức, mỹ nghệ cho nước ngoài được cấp Giấy phép tạm nhập vàng nguyên liệu để tái xuất sản phẩm thực hiện báo cáo tình hình nhập khẩu vàng nguyên liệu, sản xuất và xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ (theo mẫu tại Phụ lục 7 Thông tư này).

d) Doanh nghiệp kinh doanh vàng có vốn đầu tư nước ngoài được cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu thực hiện báo cáo tình hình xuất khẩu, nhập khẩu vàng và tiêu thụ sản phẩm vàng tại Việt Nam (theo mẫu tại Phụ lục 8 Thông tư này).

3. Thời hạn nộp báo cáo theo quy định tại Khoản 2 Điều này chậm nhất là ngày 15 (mười lăm) của tháng đầu tiên quý tiếp theo đối với báo cáo quý và ngày 15 (mười lăm) tháng 1 (một) của năm tiếp theo đối với báo cáo năm.

4. Định kỳ hàng năm, chậm nhất vào ngày 15 (mười lăm) tháng 1 (một), doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực khai thác vàng và doanh nghiệp có Giấy phép khai thác vàng được cấp Giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu vàng nguyên liệu thực hiện báo cáo tình hình nhập khẩu, xuất khẩu vàng nguyên liệu cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Quản lý Ngoại hối) và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố (theo mẫu tại Phụ lục 9 Thông tư này).

5. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ khi có thay đổi về mạng lưới chi nhánh, địa điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng, doanh nghiệp, tổ chức tín dụng phải thông báo bằng văn bản cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Quản lý Ngoại hối) và kèm theo bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh (đã được cấp lại, cấp mới hoặc sửa đổi, bổ sung).

Điều 21. Trách nhiệm thanh tra, giám sát

Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố có trách nhiệm thực hiện thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các hoạt động kinh doanh vàng quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP, Thông tư này và các quy định pháp luật có liên quan.

MỤC 6. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 22. Điều khoản chuyển tiếp

1. Trong thời hạn 06 (sáu) tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng đang kinh doanh mua, bán vàng miếng được tiếp tục kinh doanh mua, bán vàng miếng và phải hoàn tất thủ tục đăng ký kinh doanh lại với cơ quan đăng ký kinh doanh và hoàn tất thủ tục đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo quy định tại Thông tư này và các quy định pháp luật khác có liên quan của pháp luật.

2. Sau thời hạn chuyển tiếp quy định tại Khoản 1 Điều này, các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng đang kinh doanh mua, bán vàng miếng không có Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng do Ngân hàng Nhà nước cấp không được phép thực hiện kinh doanh mua, bán vàng miếng.

3. Sau thời hạn chuyển tiếp quy định tại Điều 21 Nghị định 24/2012/NĐ-CP, các doanh nghiệp đang sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ không được phép thực hiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

Điều 23. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 7 năm 2012.

2. Bãi bỏ Thông tư số 10/2003/TT-NHNN ngày 16/9/2003 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thi hành Nghị định số 174/1999/NĐ-CP ngày 09/12/1999 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng và Nghị định số 64/2003/NĐ-CP ngày 11/6/2003 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 174/1999/NĐ-CP; bãi bỏ Quyết định số 1703/2004/QĐ-NHNN ngày 28/12/2004 sửa đổi bổ sung Thông tư số 10/2003/TT-NHNN.

3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc (Giám đốc) các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh vàng và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 16/2012/TT-NHNN hướng dẫn Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 16/2012/TT-NHNN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 25/05/2012
  • Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước
  • Người ký: Lê Minh Hưng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 387 đến số 388
  • Ngày hiệu lực: 10/07/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản