Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 15-TC/HCP

Hà Nội, ngày 26 tháng 01 năm 1957

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC TRẢ LƯƠNG VÀ PHỤ CẤP CỦA CÁN BỘ ĐI SỬA SAI

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Kính gửi:

- Ủy ban hành chính các khu, tỉnh, thành phố
- Các Khu, Ty Tài chính

Tại Thông tư số 1331-TC/HCP ngày 18/12/1956, chúng tôi có quy định nguyên tắc và thể thức thanh toán sinh hoạt phí cho cán bộ bộ đội và cán bộ các cơ quan, đoàn thể Trung ương tham giam công tác sửa sai ở địa phương.

Để việc thanh toán được kịp thời và việc quản lý kinh phí được chặt chẽ hơn, sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh, việc cấp phát cho cán bộ bộ đội đi sửa sai nay sửa đổi lại như sau:

Kể từ 1/1957, tất cả cán bộ bộ đội được cử đi tham gia công tác sửa sai sẽ do bên bộ đội chịu trách nhiệm đài thọ về mọi mặt: sinh hoạt phí, phụ cấp tiêu vặt, thâm niên, phụ cấp con, quân trang xuân hạ 1957… về mặt tổ chức ở mỗi tỉnh sẽ có một cán bộ bộ đội phụ trách chung số anh em công tác trong tỉnh ấy và chịu trách nhiệm cấp phát cho anh em hàng tháng.

Các khoản chi tiêu khác về y dược phí, văn phòng phí, tập thể phí, học tập phí, công tác phí trong thời gian công tác ở địa phương, cơ quan tạm sử dụng cán bộ sẽ chịu trách nhiệm thanh toán theo nhu cầu công tác của từng người và dựa theo tiêu chuẩn quy định về công tác sửa sai.

Đối với cán bộ trong biên chế các cơ quan, đoàn thể Trung ương, và cán bộ doanh xí nghiệp cử đi tham gia công tác sửa sai ở địa phương, chúng tôi giải thích thêm một số điểm đã được quy định trong Thông tư nhắc trên.

Cán bộ trong biên chế các cơ quan, đoàn thể Trung ương:

1) Theo chỉ thị của Trung ương, vì cán bộ đi sửa sai vẫn nằm trong biên chế của cơ quan cũ và vì thời gian công tác ngắn, nên nguyên tắc là cơ quan nào cử cán bộ đi thì cơ quan đó vẫn đài thọ lương và phụ cấp (trừ doanh xí nghiệp) kinh phí sửa sai chỉ đài thọ các khoản chi tiêu về thuốc men và công việc (y dược phí, văn phòng phí, tập thể phí…).

Tuy nhiên, để bảo đảm trả lương kịp thời cho số cán bộ trên, hàng tháng Bộ Tài chính sẽ cấp thẳng cho các địa phương để thanh toán phần lương trong những tháng công tác, còn các khoản truy lĩnh, phụ cấp con hoặc quyền lợi khác đều do cơ quan cũ chịu trách nhiệm thanh toán.

Mỗi lần cử cán bộ đi sửa sai, cơ quan cũ sẽ gửi ngay về Bộ Tài chính (Vụ Quản lý kinh phí hành chính) một danh sách theo mẫu đính trong Thông tư số 1334/TC/HCP ngày 18/12/1956 để đối chiếu với các bảng thanh toán lương của địa phương. Bộ Tài chính sẽ theo dõi, và khi xong công tác sẽ báo cho cơ quan cũ biết số tiền đã thanh toán để mỗi cơ quan xin kinh phí hoàn trả lại Bộ Tài chính.

2) Cán bộ doanh xí nghiệp Trung ương và địa phương (khu, tỉnh, thành) tham gia công tác sửa sai: lương và phụ cấp gia đình do cơ quan có cán bộ đến công tác thanh toán vào kinh phí sửa sai.

3) Cán bộ ở Trung ương, trong 3 tháng đầu về địa phương, vẫn được hưởng mức lương đã tăng theo tỷ lệ tăng và phụ cấp khu vực ở Hà Nội là 18%. Ngoài 3 tháng mà còn công tác địa phương thì kể từ tháng thứ tư, mức lương tăng sẽ theo tỷ lệ tăng của mỗi địa phương.

4) Cán bộ thuộc biên chế các khu, tỉnh, thành (trừ cán bộ doanh xí nghiệp): lương và phụ cấp gia đình do cơ quan cử đi chịu trách nhiệm thanh toán, không trả vào kinh phí sửa chữa.

5) Đối với quân nhân chuyển ngành đến nay chưa thuộc biên chế cơ quan nào, và đối với cán bộ đi cải cách ruộng đất đã cắt biên chế ở cơ quan cũ hay cơ quan đã giải thể, và cán bộ cải cách ruộng đất về học tập ở các trường Trung ương, nay đương làm nhiệm vụ sửa sai, thì cơ quan có cán bộ công tác (tức là Ban sửa sai) chịu trách nhiệm thanh toán lương và phụ cấp gia đình (nếu cán bộ thuộc vào loại được hưởng phụ cấp gia đình). Mức lương thanh toán là mức lương sắp xếp tăng theo tỷ lệ tăng ở địa phương, không tăng theo tỷ lệ 18%, vì thời học tập ở Trung ương không xem là ở trong biên chế của Trung ương.

Trong việc trả lương và phụ cấp cho loại cán bộ này, cần chú ý nghiên cứu áp dụng các Thông tư sau đây:

a) Thông tư số 35-NV-TT ngày 5/11/1956 của Bộ Nội vụ về việc xếp bậc lương cho cán bộ chủ lực cải cách ruộng đất, nhất thiết không thanh toán theo mức lương đoàn ủy viên, đội trưởng, đội phó cải cách ruộng đất nữa.

b) Thông tư số 1390-TC-HCP ngày 27/12/1956 của Bộ Tài chính về việc hoãn thanh toán các khoản truy lĩnh lương mới về điều kiện ngạch bậc mới sắp xếp vào thang lương.

c) Thông tư số 42-TT-LB ngày 17/12/1956 của Liên Bộ Nội vụ - Lao động – Tài chính giải quyết vấn đề lương của quân nhân chuyển ngành.

Các điểm khác quy định trong Thông tư số 1334-TC-HCP ngày 18/12/1956 không thay đổi.

TL. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
PHÓ GIÁM ĐỐC QUẢN LÝ KINH PHÍ HÀNH CHÍNH





Nguyễn Kim Sơn

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 15-TC/HCP năm 1957 về việc trả lương và phụ cấp của cán bộ đi sửa sai do Bộ Tài Chính ban hành.

  • Số hiệu: 15-TC/HCP
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 26/01/1957
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Nguyễn Kim Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 6
  • Ngày hiệu lực: 10/02/1957
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản