Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ NỘI THƯƠNG - TỔNG CỤC VẬT TƯ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ |
Số: 145-NT-LB | Hà Nội, ngày 28 tháng 03 năm 1963 |
VỀ VIỆC CẢI TIẾN CÔNG TÁC PHÂN PHỐI VẬT TƯ KỸ THUẬT GIỮA BỘ NỘI THƯƠNG VÀ TỔNG CỤC VẬT TƯ
BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI THƯƠNG VÀ TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC VẬT TƯ
Kính gửi: | - Ông Chủ tịch Uỷ ban hành chính các thành phố và các tỉnh |
Chấp hành Chỉ thị số 1922-CN của Thủ tướng Chính phủ, cuối năm 1961, Bộ Nội thương căn bản đã làm xong nhiệm vụ, kế hoạch, tài sản, tổ chức, cán bộ… của phần quản lý cung cấp nhiên liệu, kim khí thiết bị… sang cho Tổng cục Vật tư đảm nhiệm.
Trong khi tiến hành giao nhận, Bộ Nội thương và Tổng cục Vật tư đã có Thông tư liên Bộ số 569-LB ngày 10 tháng 07 năm 1961 và số 754-LB ngày 14 tháng 09 năm 1961 để quy định ranh giới nhiệm vụ giữa hai ngành. Thời gian qua, các đơn vị thuộc hai ngành đã tích cực giúp đỡ lẫn nhau, nên đã giải quyết tốt nhiều khó khăn trong công tác cung cấp, phân phối vật tư kỹ thuật.
Sau một thời gian thực hiện, Bộ Nội thương và Tổng cục Vật tư nhận thấy tình hình tổ chức còn có chỗ chưa hợp lý, vật tư kỹ thuật có loại vừa là tư liệu sản xuất, vừa là vật phẩm tiêu dùng, bộ máy phân phối cung cấp vật tư ở các địa phương cho các loại nhu cầu sản xuất và xây dựng quốc doanh, sản xuất và xây dựng của khu tập thể và cho khu vực tiêu dùng chưa được phân biệt, cần có sự phân định lại giữa hai ngành trong công tác phân phối vật tư kỹ thuật để giúp cho mỗi bên hoàn thành tốt được nhiệm vụ kế hoạch Nhà nước đã giao.
Nghị định số 165-CP ngày 18 tháng 10 năm 1961 của Hội đồng Chính phủ đã quy định: Tổng cục Vật tư có trách nhiệm thống nhất quản lý công tác cung cấp; điều hoà, phân phối và dự trữ vật tư kỹ thuật cho sản xuất và cho xây dựng, nhằm đảm bảo cho các ngành kinh tế quốc dân hoàn thành kế hoạch Nhà nước, phục vụ dân sinh, phục vụ quốc phòng…
Nghị định số 80-CP ngày 16 tháng 07 năm 1962 của Hội đồng Chính phủ đã quy định: Bộ Nội thương có nhiệm vụ quản lý công tác Nội thương và toàn bộ thị trường nội địa, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ và kế hoạch lưu thông vật phẩm tiêu dùng cá nhân bán tư liệu sản xuất cho các ngành thủ công nghiệp…và chế biến một số mặt hàng công nghệ tiêu dùng cần thiết…
Căn cứ nhiệm vụ, chức năng nói trên, Tổng cục Vật tư và Bộ Nội thương, sau khi đã cùng với một số ngành có liên quan thảo luận, thống nhất quy định những nguyên tắc trong việc phân công trách nhiệm giữa hai ngành về phân phối cung cấp vật tư kỹ thuật như sau:
1. Tổng cục Vật tư chịu trách nhiệm thống nhất quản lý cung cấp điều hoà phân phối các loại vật tư kỹ thuật chủ yếu cho các xí nghiệp quốc doanh, công tư hợp doanh kể cả trung ương và địa phương theo kế hoạch Nhà nước đã chuẩn y.
Bộ Nội thương phụ trách việc phân phối điều hoà vật tư kỹ thuật dành cho tiêu dùng của nhân dân và phân phối cho nhu cầu lẻ của các cơ quan và cho nhu cầu sản xuất thủ công nghiệp, theo chỉ tiêu kế hoạch của Nhà nước.
2. Để Bộ Nội thương thống nhất quản lý được quỹ hàng hoá, quản lý được thị trường và tổ chức thêm nguồn hàng tiêu dùng khác, hàng năm căn cứ vào chỉ tiêu phân phối vật tư của Nhà nước, Bộ Nội thương ký hợp đồng nguyên tắc với Tổng cục Vật tư, các đơn vị được Bộ Nội thương uỷ nhiệm quản lý phân phối những vật tư đó, ký hợp đồng cụ thể với các đơn vị trực thuộc Tổng cục Vật tư để nhận và phân phối vật tư cho các nhu cầu được quy định ở nguyên tắc trên.
3. Tổng cục Vật tư giao hàng hoá cho Bộ Nội thương theo giá bán buôn công nghiệp, những loại hàng chưa có giá bán buôn công nghiệp thì áp dụng giá điều động nội bộ theo Thông tư số 5356-TC quy định. Ngành Nội thương nhận hàng của các Chi cục Vật tư tại kho vật tư tại ga, bến, cảng hoặc tại mỏ. Về thể thức giao nhận từng mặt hàng, các đơn vị được Bộ Nội thương uỷ quyền trao đổi để thống nhất với các đơn vị trực thuộc Tổng cục Vật tư trong hợp đồng cụ thể.
4. Để đảm bảo quản lý tốt vật tư kỹ thuật của Nhà nước, các đơn vị thuộc Tổng cục Vật tư có trách nhiệm giúp đỡ các đơn vị thuộc Bộ Nội thương về kinh nghiệm và kỹ thuật bảo quản, đóng gói, vận chuyển cũng như tiêu chuẩn, sử dụng các loại vật tư. Các đơn vị thuộc Bộ Nội thương hàng tháng báo cáo tình hình sử dụng vật tư về Bộ đồng thời gửi cho các đơn vị của Tổng cục Vật tư một bản để theo dõi.
Trong kế hoạch của Bộ Nội thương phải phân tích được phần vật tư dành cho tiêu dùng và phần dành cho sản xuất thủ công nghiệp khi Nhà nước duyệt cho Bộ Nội thương chỉ tiêu kế hoạch về vật tư kỹ thuật cũng có phân tích hai phần đó. Tổng cục Vật tư căn cứ vào các chỉ tiêu kế hoạch của Nhà nước để cung cấp vật tư kỹ thuật cho Bộ Nội thương. Phần dành cho khu vực tiêu dùng do Bộ Nội thương toàn quyền điều hoà phân phối. Phần dành cho sản xuất thủ công nghiệp, Bộ Nội thương phân phối theo chỉ tiêu kế hoạch cụ thể của Uỷ ban Kế hoạch địa phương. Tổng cục Vật tư có trách nhiệm giám đốc việc chấp hành các chế độ, thể lệ của Nhà nước về cung cấp sử dụng vật tư kỹ thuật, trong ngành Nội thương cũng như đối với các ngành khác, trong đó có việc phân phối vật tư kỹ thuật để đảm bảo phát triển sản xuất thủ công nghiệp ở các địa phương.
5. Đối với các địa phương chưa có tổ chức cơ sở của Tổng cục Vật tư, ngành Nội thương chịu trách nhiệm thay Tổng cục Vật tư cung cấp vật tư kỹ thuật cho các xí nghiệp quốc doanh và Công tư hợp doanh theo giá cung cấp của Tổng cục Vật tư. Tổng cục Vật tư sẽ thanh toán lại cho Bộ Nội thương phí tổn lưu chuyển số vật tư đó theo định mức cho từng địa phương do sự thoả thuận giữa hai bên.
Hàng hoá Bộ Nội thương cung cấp thay cho Tổng cục Vật tư, vốn để vận động và dự trữ vật tư cũng như phí tổn trong lĩnh vực này không tính trong chi tiêu lưu thông hàng hoá của Bộ Nội thương.
II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ GIỮA HAI NGÀNH TRONG VIỆC PHÂN PHỐI MỘT SỐ LOẠI VẬT TƯ
Dựa vào những nguyên tắc trên, Bộ Nội thương và Tổng cục Vật tư thống nhất ý kiến để thi hành cụ thể đối với một số loại vật tư như sau:
1. Than mỏ:
Than mỏ là loại vật tư Nhà nước giao cho Tổng cục Vật tư thống nhất quản lý và phân phối. Nhu cầu than mỏ cho công nghiệp và điện lực ngày một tăng; nhu cầu than cho sản xuất thủ công nghiệp và làm chất đốt của nhân dân cũng chiếm một số lượng không nhỏ. Để quản lý chặt chẽ việc phân phối các loại than mỏ cho các nhu cầu, hai bên thống nhất ý kiến như sau:
- Tổng cục Vật tư chịu trách nhiệm chung và trực tiếp cung cấp than cho xí nghiệp quốc doanh và công tư hợp doanh kể cả trung ương và địa phương;
- Bộ Nội thương có trách nhiệm quản lý phân phối phần than mỏ dành cho nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, nhu cầu lẻ của các cơ quan và nhu cầu than cho sản xuất của các hợp tác xã thủ công nghiệp và nông nghiệp theo kế hoạch đã được Nhà nước duyệt cho từng nhu cầu, từng địa phương.
Các đơn vị được Bộ Nội thương uỷ nhiệm, căn cứ vào hợp đồng nguyên tắc giữa Bộ và Tổng cục đã ký để ký hợp đồng cụ thể với các đơn vị Tổng cục Vật tư. Tổng cục Vật tư giao thẳng cho Bộ Nội thương tại mỏ hoặc cảng theo giá bán buôn công nghiệp của Nhà nước quy định cho từng loại than mỏ. Bộ Nội thương tổ chức việc phân phối cho các nhu cầu theo như nhiệm vụ đã nói ở trên.
Đối với than sản xuất ở các mỏ lẻ các địa phương như: Quán Triều, Bố Hạ, Khánh Hoà v.v… Tổng cục Vật tư quản lý việc phân phối theo kế hoạch, ngành Nội thương trực tiếp ký hợp đồng với mỏ theo số lượng đã thống nhất với Tổng cục Vật tư để giao nhận và thanh toán.
Những nơi chưa có cơ sở của Tổng cục Vật tư, việc phân phối than áp dụng những điều đã nói ở phần nguyên tắc trên.
2. Xi măng:
Xi măng chủ yếu dùng cho nhu cầu xây dựng và kiến thiết cơ bản của Nhà nước. Tổng cục Vật tư phụ trách cung cấp điều hoà phân phối chung và trực tiếp cung cấp cho các xí nghiệp quốc doanh và công trường kiến thiết cơ bản. Bộ Nội thương phụ trách phân phối phần xi măng dành cho nhu cầu của nhân dân, cho nhu cầu sửa chữa lặt vặt của các cơ quan và nhu cầu của hợp tác xã thủ công nghiệp, và nông nghiệp.
Căn cứ vào hợp đồng nguyên tắc giữa Bộ và Tổng cục, các đơn vị phụ trách quản lý và phân phối xi măng của Bộ Nội thương ký hợp đồng cụ thể với các đơn vị thuộc Tổng cục Vật tư. Hai ngành giao nhận xi măng tại kho xí nghiệp hoặc tại kho Tổng cục Vật tư theo giá bán buôn công nghiệp.
Nơi chưa có cơ sở của Tổng cục Vật tư, ngành Nội thương cung cấp thay sẽ áp dụng theo nguyên tắc đã nói ở trên.
3. Xăng dầu mỡ:
a) Dầu hoả: Dầu hoả hiện nay đại bộ phận dùng cho tiêu dùng của nhân dân và phải nhập khẩu. Việc tiếp nhận, bảo quản và chứa đựng có liên quan với xăng, diesel và dầu mỡ khác, nên Tổng cục Vật tư thống nhất quản lý, Bộ Nội thương ký hợp đồng với Tổng cục Vật tư, và trực tiếp nhận dầu hoả tại các Chi cục Vật tư, theo giá điều động nội bộ Nhà nước quy định hiện nay (Thông tư 5356-TC) để điều hoà phân phối cho các địa phương thực hiện kế hoạch lưu thông bán lẻ dầu hoả Nhà nước quy định hàng năm.
b) Xăng, diesel, dầu nhờn, mỡ máy:
Tổng cục Vật tư thống nhất quản lý và trực tiếp phân phối cho nhu cầu sản xuất và nhu cầu xây dựng thuộc khu vực quốc doanh và công tư hợp doanh. Bộ Nội thương phân phối các loại vật tư này cho nhu cầu của nhân dân, nhu cầu lẻ của các cơ quan hành chính và cho nhu cầu sản xuất thủ công nghiệp và một phần cho các hợp tác xã nông nghiệp. Thể thức giao nhận giá cả… và vấn đề ngành Nội thương làm cung cấp thay cho Tổng cục Vật tư dựa vào các nguyên tắc chung đã nêu ở phần trên.
4. Kim khí, thiết bị:
Tổng cục Vật tư thống nhất quản lý và phân phối kim khí và thiết bị cho các nhu cầu của nền kinh tế quốc dân và trực tiếp cung cấp cho các ngành sản xuất và xây dựng thuộc sở hữu toàn dân.
Bộ Nội thương phân phối kim khí và thiết bị cho nhu cầu của nhân dân, cho nhu cầu lẻ của các cơ quan và phân phối cho nhu cầu sản xuất thủ công nghiệp.
Việc Bộ Nội thương cung cấp thay Tổng cục Vật tư ở một số địa phương, thể thức giao nhận, giá cả… hai bên áp dụng các nguyên tắc chung đã nêu ở phần trên.
Thông tư này bổ sung cho các thông tư số 569-LB ngày 10 tháng 07 năm 1961 và số 734-LB ngày 14 tháng 09 năm 1961. Những quy định của hai thông tư đó trái với thông tư này đều bãi bỏ.
Trong khi tiến hành thực hiện thông tư này, hai bên nghiên cứu để có thể chuyển giao cho nhau một số cơ sở và phương tiện để tạo điều kiện hai bên cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Đối với kế hoạch Nhà nước năm 1963: Bộ Nội thương tiếp tục thực hiện những hợp đồng kinh tế mà Tổng cục Vật tư đã ký kết với Uỷ ban hành chính địa phương. Hàng quý các địa phương sẽ tiếp xúc với Bộ Nội thương có sự tham gia của Tổng cục Vật tư, để giải quyết các vấn đề cụ thể.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký.
KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG | KT. BỘ TRƯỞNG |
- 1Nghị định 80-CP năm 1962 quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Nội thương do Hội đồng chính phủ ban hành
- 2Nghị định 165-CP năm 1961 quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tổng cục Vật tư do Hội Đồng Chính Phủ ban hành
- 3Thông tư 1053-UB/CTK năm 1960 ban hành chế độ báo cáo thống kê cung cấp vật tư kỹ thuật do Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước ban hành
- 4Chỉ thị 278-TTg năm 1980 thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TU về cải tiến công tác phân phối, lưu thông do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1Nghị định 80-CP năm 1962 quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Nội thương do Hội đồng chính phủ ban hành
- 2Nghị định 165-CP năm 1961 quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tổng cục Vật tư do Hội Đồng Chính Phủ ban hành
- 3Thông tư 1053-UB/CTK năm 1960 ban hành chế độ báo cáo thống kê cung cấp vật tư kỹ thuật do Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước ban hành
- 4Chỉ thị 278-TTg năm 1980 thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TU về cải tiến công tác phân phối, lưu thông do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Thông tư 145-NT-LB năm 1963 về việc cải tiến công tác phân phối vật tư kỹ thuật giữa Bộ Nội thương và Tổng cục Vật tư do Liên bộ Bộ Nội thương và Tổng cục Vật tư ban hành.
- Số hiệu: 145-NT-LB
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 28/03/1963
- Nơi ban hành: Bộ Nội thương, Tổng cục Vật tư
- Người ký: Nguyễn Văn Đào, Vũ Đường
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 9
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra