Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 278-TTg | Hà Nội, ngày 01 tháng 10 năm 1980 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 26-NQ/TU VỀ CẢI TIẾN CÔNG TÁC PHÂN PHỐI LƯU THÔNG
Quán triệt Nghị quyết 26-NQ/TU của Bộ chính trị về cải tiến công tác phân phối lưu thông, Hội đồng Chính phủ đã ban hành một số văn bản để cụ thể hoá Nghị quyết đó và nhằm vào những trọng tâm sau đây:
- Trên cơ sở đẩy mạnh sản xuất, tăng cường thu mua, nắm chắc nguồn hàng trong tay Nhà nước.
- Tăng cường quản lý thị trường, phát triển thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã mua bán, đầy lùi nạn đầu cơ, buôn lậu.
- Bảo đảm cung cấp những hàng thiết yếu cho công nhân, viên chức và trợ cấp cho những người có nhiều khó khăn.
- Tăng thu, tiết kiệm chi, phấn đấu thăng bằng ngân sách, tăng cường quản lý tiền mặt.
Chỉ thị này nêu ra những việc cần chú ý trong quá trình thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TU từ nay cho đến đầu năm 1981.
1. Phải ra sức đẩy mạnh sản xuất, thu mua nông sản và hàng công nghiệp, coi đây là khâu quyết định để bảo đảm đời sống của nhân dân lao động, nhất là những người ăn lương của Nhà nước.
Thi hành các quyết định của Hội đồng Chính phủ về ổn định nghĩa vụ bán nông sản, lợn thịt, trâu bò thịt, về thống nhất kinh doanh thuốc lá... các ngành quản lý thu mua và cung ứng tư liệu sản xuất, tư liệu tiêu dùng, các Uỷ ban nhân dân địa phương cần nắm chắc các điểm sau đây:
a) Phải kết hợp việc thu mua với việc cung ứng tư liệu sản xuất phục vụ và thúc đẩy sản xuất, đặc biệt là ở các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, đồng thời trong quan hệ mua bán với người sản xuất phải thể hiện các nguyên tắc sau đây:
- Vùng sản xuất tập trung theo quy hoạch và Kế hoạch Nhà nước có lợi hơn sản xuất lẻ tẻ;
- Hợp tác xã, tập đoàn có lợi hơn hộ cá thể;
- Mua bán với Nhà nước theo hợp đồng có hợp đồng có lợi hơn mua bán theo giá thoả thuận.
b. Phải kết hợp việc thi hành chế độ nghĩa vụ bán sản phẩm với việc vận dụng quan hệ hàng hoá - tiền tệ để Nhà nước nắm được đại bộ phận nông sản hàng hoá.
Trước hết phải thực hiện tốt chế độ ổn định nghĩa vụ và hợp đồng hai chiều; đồng thời vận dụng linh hoạt chính sách mua bán theo giá thoả thuận ở những nơi cần thiết. Trong việc mua bán theo giá thoả thuận, phải quản lý chặt chẽ định mức và tỷ lệ hàng hoá trao đổi và giá thanh toán.
Bộ quản lý thu mua cùng với Uỷ ban Vật giá Nhà nước hướng dẫn cụ thể các tỉnh, thành phố định rõ tỷ lệ trao đổi và giá thanh toán đối với từng vùng (gồm vài tỉnh hoặc một số huyện có điều kiện tương tự) nhằm tránh sự chênh lệch không hợp lý giữa các địa phương giáp ranh và có điều kiện tương tự.
Trong việc mua bán theo giá thoả thuận phải có sự chỉ đạo chặt chẽ, tránh kích giá thị trường lên cao, làm thiệt hại cho Nhà nước hoặc cho nông dân; đồng thời phải quản lý chặt chẽ thị trường, không cho phép thương nhân kinh doanh những mặt hàng Nhà nước thống nhất quản lý, nhất là ở các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh theo quy hoạch và Kế hoạch Nhà nước.
Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ có liên quan quy định ngay trong tháng 10 năm 1980 chế độ hạch toán mua nông sản và bán tư liệu sản xuất, hàng tiêu dùng theo giá thoả thuận.
c. Từ nay, cần hạn chế việc dùng hàng tiêu dùng để ký hợp đồng hai chiều hoặc để trao đổi lấy nông sản bằng cách hàng đổi hàng. Cùng với việc huy động nông sản theo chế độ nghĩa vụ và hợp đồng hai chiều, các ngành quản lý thu mua và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố phải tuỳ theo điều kiện sản xuất và khả năng nông sản hàng hoá mà tổ chức thu mua theo giá thoả thuận và trả bằng tiền; đồng thời bán hàng công nghệ phẩm theo giá thoả thuận để có tiền mua theo giá thoả thuận.
Cơ quan cung ứng vật tư hàng hoá phải nắm chắc thời vụ sản xuất và nhu cầu của nhân dân để kịp thời đưa vật tư hàng hoá về các địa phương phục vụ sản xuất và đời sống.
Ngân hàng Nhà nước phải chủ động điều hoà quỹ tiền mặt giữa các vùng, đáp ứng kịp thời nhu cầu tiền mặt cho thu mua theo thời vụ.
d. Tất cả xí nghiệp quốc doanh, không kể Trung ương hay địa phương, đều phải giao tất cả sản phẩm cho thương nghiệp quốc doanh. Những trạm, trại nghiên cứu, nếu có sản phẩm đem bán, cũng phải bán cho thương nghiệp quốc doanh. Để khuyến khích phát triển sản xuất, các xí nghiệp quốc doanh, ngoài phần được Nhà nước cung cấp để sản xuất theo kế hoạch, được phép trực tiếp mua ở thị trường những nông sản nguyên liệu không thuộc loại độc quyền kinh doanh và của những người sản xuất đã hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng để sản xuất thêm ngoài phần sản xuất do Nhà nước cung ứng nguyên liệu. Đối với những mặt hàng sản xuất thêm trong trường hợp nói trên, xí nghiệp được hạch toán phần giá mua cao và giá thành, đồng thời thương nghiệp được phép và có nhiệm vụ tổ chức mua những sản phẩm này với giá cao hơn trên nguyên tắc bảo đảm cho xí nghiệp thu hồi được chi phí sản xuất, có mức lãi hợp lý, và đem bán với giá đảm bảo kinh doanh, người tiêu dùng có thể chấp nhận.
Các cơ quan, đoàn thể không được liên hệ trực tiếp với các xí nghiệp quốc doanh để mua các sản phẩm nằm trong kế hoạch thu mua, phân phối cung ứng của Nhà nước; giữa các xí nghiệp quốc doanh với nhau cũng không được móc ngoặc trao đổi các loại sản phẩm nói trên.
Các địa phương (tỉnh, huyện, xã) không được dùng vật tư, hàng hoá trong diện Nhà nước thống nhất quản lý kinh doanh để trao đổi với nhau nếu chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ giao nộp sản phẩm cho Trung ương.
e. Các Bộ quản lý thu mua (Bộ Lương thực và thực phẩm, Bộ Nội thương...) phải cùng Bộ Nông nghiệp hướng dẫn thực hiện chính sách thu mua đối với từng loại cây, con và có phương án cụ thể phối hợp với các ngành cung ứng vật tư, hàng hoá để tổ chức tốt việc cung ứng phục vụ sản xuất kết hợp với thu mua ở những vùng trọng điểm.
2. Phải ra sức tăng cường quản lý thị trường, thi hành một cách đồng bộ các biện pháp kinh tế và hành chính.
a. Trong những tháng trước mắt, phải nắm vững những thị trường trọng điểm, mặt hàng trọng điểm và tập trung giải quyết cho được yêu cầu chủ yếu là ngăn chặn nạn buôn lậu từ nước ngoài vào, loại trừ việc buôn bán trái phép những mặt hàng Nhà nước thống nhất quản lý, trước hết phải nghiêm cấm buôn bán vàng bạc, ngoại hối, xăng dầu, phân bón, thuốc lá, những nguyên liệu quí và nhập khẩu, các loại máy móc, phụ tùng chính do các tổ chức kinh tế Nhà nước sản xuất hay nhập khẩu; những nông sản hàng hoá chủ yếu ở các vùng sản xuất tập trung. Bộ Nội thương và các Bộ quản lý các loại hàng trong danh mục mặt hàng Nhà nước thống nhất quản lý cần ban hành ngay các thông tư, chỉ thị hướng dẫn thi hành đối với từng loại mặt hàng.
b. Các Bộ và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần tích cực và khẩn trương mở rộng hoạt động kinh doanh của thương nghiệp quốc doanh, thương nghiệp hợp tác xã để đấu tranh với tư thương, chống các hoạt động buôn bán trái phép, ngăn chặn các hoạt động đầu cơ của tư thương, tích cực dành chủ động trong việc quản lý thị trường để phục vụ tốt hơn sản xuất và đời sống của nhân dân lao động.
c. Các ngành, các cấp phải khẩn trương thi hành những biện pháp hành chính nghiêm ngặt, đặc biệt chú ý:
- Tăng cường thu thuế công thương nghiệp để góp phần tổ chức và quản lý thị trường, cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công thương nghiệp tư nhân, đấu tranh chống đầu cơ, buôn lậu;
- Thực hiện nghiêm chỉnh điều lệ đăng ký kinh doanh công thương nghiệp, xem đó là một cuộc điều tra cơ bản về tình hình hoạt động kinh doanh của tư nhân và là một cuộc đấu tranh để sắp xếp lại và quản lý thị trường, phát huy vai trò lãnh đạo và quản lý của Nhà nước đối với khu vực công thương nghiệp tập thể và cá thể;
- Tổ chức các đội kiểm soát và quản lý thị trường ở các thành phố và các vùng tập trung nông sản hàng hoá, ở các đầu mối giao thông để chống bọn đầu cơ buôn lậu buôn bán trái phép.
3. Phải cố gắng đến mức cao nhất và thi hành các biện pháp một cách khẩn trương nhất nhằm bảo đảm đời sống của công nhân, viên chức:
a. Phải quán triệt các chủ trương, biện pháp đã được nêu trong Nghị quyết 26-NQ/TU của Bộ Chính trị, trong đó biện pháp quan trọng hàng đầu là bảo đảm cung cấp cho công nhân, viên chức những mặt hàng thiết yếu; việc dùng khoản điều tiết được do điều chỉnh giá những mặt hàng đang quá bất hợp lý để bù lỗ cho thương nghiệp trong việc kinh doanh một số loại hàng thiết yếu (mua giá thoả thuận để bán cho công nhân, cán bộ theo giá chỉ đạo) là một trong các biện pháp rất quan trọng.
Nhà nước đang rất thiếu nông sản (lương thực, thực phẩm...) để cung cấp cho công nhân, viên chức, trước hết là ở các thành phố, khu công nghiệp, đồng thời cũng rất thiếu hàng công nghiệp để đưa về nông thôn bán lấy tiền thu mua nông sản. Vì vậy, trước mắt cần kiên quyết dành một số hàng công nghiệp tiêu dùng đưa về nông thôn bán giá cao để mua đủ lương thực, thực phẩm cung cấp cho bộ đội, công nhân, viên chức.
Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Nội thương và Bộ Lương thực và thực phẩm phải xây dựng và tách riêng quỹ hàng hoá bán cung cấp cho công nhân, viên chức và quỹ hàng hoá dành cho thu mua nông sản và thông báo rõ cho Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố biết để quản lý.
Tổng công đoàn cần giải thích cho công nhân, viên chức hiểu rõ tình hình và chủ trương, đồng tình nhất trí với Nhà nước trong việc tập trung giải quyết cho được vấn đề cung cấp lương thực, thực phẩm cho các thành phố và khu công nghiệp, sẵn sàng chịu đựng thiếu thốn về một số loại hàng công nghiệp tiêu dùng để đưa về nông thôn bán cho nông dân và mua nông sản thực phẩm.
b. Đi đôi với việc thực hiện Quyết định của Hội đồng Chính phủ về bảo đảm đời sống cho công nhân, viên chức, Bộ Lao động phối hợp với các Bộ có liên quan nghiên cứu đề nghị Chính phủ ban hành bổ sung một số chủ trương, biện pháp nhằm khuyến khích xí nghiệp tận dụng thiết bị, lao động để làm hợp đồng bên ngoài xí nghiệp; cho phép công nhân, viên chức làm việc ngoài giờ để vừa có thêm sản phẩm, vừa tăng thu nhập; mở rộng việc trả lương theo sản phẩm, lương khoán và áp dụng các hình thức trả lương và tiền thưởng thích hợp với điều kiện sản xuất của các ngành khác nhau; bổ sung, sửa đổi một số chế độ phụ cấp nhằm khuyến khích nâng cao năng xuất lao động, hiệu suất công tác (như phụ cấp khám bệnh ngoài giờ, dạy học thêm giờ...).
c) Việc điều chỉnh một số giá bán lẻ hàng tiêu dùng và giá dịch vụ phải được chuẩn bị chu đáo, tiến hành thận trọng và chỉ đạo chặt chẽ. Phải kịp thời giải thích cho công nhân, viên chức và nhân dân, nhất là ở các thành phố, hiểu rõ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đập tan các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của bọn xấu và chống chiến tranh tâm lý của địch.
Các tổ chức thương nghiệp, tài chính ngân hàng phải phối hợp chặt chẽ trong việc thi hành chính sách hai giá và bán hàng theo hai hệ thống có kết quả, tránh sơ hở, lợi dụng.
4. Tăng thu, tiết kiệm chi, phấn đấu thăng bằng ngân sách và tăng cường quản lý tiền mặt.
a. Các ngành sản xuất, thu mua, nội thương và ngoại thương phải tích cực thực hiện các biện pháp đẩy mạnh sản xuất, thu mua và phân phối để bảo đảm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
b. Các ngành, các cấp phải chỉ đạo thực hiện khẩn trương các biện pháp tăng thu, tiết kiệm chi theo Nghị quyết số 89-CP ngày 17 tháng 3 năm 1980 của Hội đồng Chính phủ nhằm thực hiện yêu cầu của Nghị quyết Bộ Chính trị là cơ bản thăng bằng ngân sách năm 1980 và giảm bội chi tiền mặt.
- Đẩy mạnh thu thuế nông nghiệp, thuế công thương nghiệp và kiên quyết thu các khoản nợ tín dụng đến hạn và quá hạn.
- Tập trung đầu tư vào những công trình trọng điểm, giảm chi về lao động thuê ngoài.
- Tiết kiệm chi hành chính, quốc phòng.
- Chấn chỉnh các mặt hoạt động nghiệp vụ ngân hàng và mở rộng mạng lưới ngân hàng, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt, huy động ngày càng nhiều những nguồn vốn nhàn rỗi của xã hội.
c. Dựa vào cuộc kiểm kê tài sản ngày 1 tháng 9 năm 1980, phải chấn chỉnh việc quản lý tài sản (nhất là kế toán tài sản); nắm chắc năng lực sản xuất của các ngành các địa phương và cơ sở để làm căn cứ xây dựng kế hoạch 1981 tích cực và vững chắc, phát huy khả năng tiềm tàng; huy động ngay các thiết bị, vật tư ứ đọng ra sử dụng.
Căn cứ kết quả kiểm kê, phải đối chiếu tồn kho thực tế với sổ sách kế toán, tìm ra các nguyên nhân chênh lệch giữa sổ sách và thực tế. Tăng cường quản lý tài sản Nhà nước; cảnh giác đề phòng những phần tử xấu lợi dụng kiểm kê để hợp pháp hoá việc lấy cắp tài sản của Nhà nước.
5. Tăng cường tổ chức chỉ đạo thực hiện.
a. Tuỳ theo chức năng của mình, các Bộ và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố phải chỉ đạo thực hiện tốt các Văn bản của Hội đồng Chính phủ đã ban hành nhằm cụ thể hoá Nghị quyết 26-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về cải tiến công tác phân phối, lưu thông.
Các Văn bản đó hợp thành một thể thống nhất, phải được thực hiện đồng bộ và ăn khớp, tạo tiền đề và thúc đẩy lẫn nhau thực hiện một bước ba mục tiêu đã nêu ra trong Nghị quyết 26-NQ/TƯ của Bộ Chính trị.
Trong việc thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, phải quán triệt quan điểm chính sách của Trung ương Đảng, nắm vững trọng tâm, trọng điểm, có những giải pháp thiết thực và bước đi thích hợp, xây dựng những kế hoạch tác chiến cụ thể. Các Bộ và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố phải gửi những kế hoạch này lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15 tháng 10 năm 1980 để báo cáo.
b. Kèm theo kế hoạch và biện pháp thực hiện, các Bộ và các địa phương phải có phương án kiện toàn tổ chức và tăng cường đội ngũ cán bộ.
Các bộ phải phân công các đồng chí lãnh đạo phối hợp với Uỷ ban nhân dân các tỉnh trực tiếp chỉ đạo và giải quyết những vấn đề cấp bách ở các địa bàn trọng điểm.
Những tổ chức phải chú ý tăng cường ngay là các cơ quan thu thuế, thu mua, quản lý thị trường, ngân hàng, các tổ chức bán lẻ và dịch vụ, thủ trường các ngành, các cấp phải phối hợp với Ban tổ chức của Đảng để lựa chọn, điều động và bổ sung ngay cán bộ theo kịp yêu cầu của nhiệm vụ.
Phải tổ chức nắm tình hình và thông tin kịp thời; dự kiến những tình huống có thể xảy ra (thuận lợi cũng như khó khăn) để chủ động xử lý, không bị động. Chú trọng tăng cường công tác kiểm tra thực hiện ngay từ đầu để nắm tình hình triển khai Nghị quyết và rút kinh nghiệm; trước mặt cần chú ý thanh tra việc ký hợp đồng và bán tư liệu sản xuất, hàng tiêu dùng đổi lấy nông sản, chấn chỉnh công tác quản lý tiền, hàng của Nhà nước.
c. Trong quá trình thi hành Nghị quyết của Bộ Chính trị được cụ thể hoá bằng các quyết định của Hội đồng Chính phủ, nếu có những điểm xét thấy cần sửa đổi, bổ sung, các ngành, các cấp cần báo cáo kịp thời Thủ tướng Chính phủ xem xét; trong khi chờ đợi vẫn phải chấp hành đúng các quyết định đã ban hành.
Các ngành, các cấp cần thực hiện chế độ báo cáo như sau:
Các Bộ, các địa phương báo cáo thường kỳ một tháng một lần (vào ngày cuối tháng), ngoài ra nếu có việc đột xuất thì phải báo cáo đột xuất. Riêng các Bộ trong khối phân phối lưu thông báo cáo mỗi tháng hai lần (vào giữa tháng và cuối tháng). Ngoài ra, Uỷ ban Vật giá Nhà nước phải báo cáo tình hình giá cả hàng ngày tại một số địa phương trọng điểm, Ngân hàng Nhà nước phải báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ tình hình tiền mặt hàng tuần (vào ngày thứ 5).
| Tố Hữu (Đã ký) |
- 1Quyết định 182-CP năm 1980 về việc thành lập Ban chỉ đạo thi hành Nghị quyết của Bộ Chính trị về cải tiến công tác phân phối lưu thông do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 2Thông tư liên bộ 16-TT/LB năm 1981 về việc xác định vốn lưu động định mức phù hợp với việc cải tiến công tác phân phối lưu thông do Bộ Tài chính - Ngân hàng Nhà nước ban hành
- 3Thông tư 145-NT-LB năm 1963 về việc cải tiến công tác phân phối vật tư kỹ thuật giữa Bộ Nội thương và Tổng cục Vật tư do Liên bộ Bộ Nội thương và Tổng cục Vật tư ban hành.
- 1Quyết định 182-CP năm 1980 về việc thành lập Ban chỉ đạo thi hành Nghị quyết của Bộ Chính trị về cải tiến công tác phân phối lưu thông do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 2Thông tư liên bộ 16-TT/LB năm 1981 về việc xác định vốn lưu động định mức phù hợp với việc cải tiến công tác phân phối lưu thông do Bộ Tài chính - Ngân hàng Nhà nước ban hành
- 3Thông tư 145-NT-LB năm 1963 về việc cải tiến công tác phân phối vật tư kỹ thuật giữa Bộ Nội thương và Tổng cục Vật tư do Liên bộ Bộ Nội thương và Tổng cục Vật tư ban hành.
Chỉ thị 278-TTg năm 1980 thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TU về cải tiến công tác phân phối, lưu thông do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 278-TTg
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 01/10/1980
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Tố Hữu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 8
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra