BỘ TÀI CHÍNH | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 14-TC/NLTL | Hà Nội, ngày 25 tháng 10 năm 1973 |
HƯỚNG DẪN THI HÀNH CHỈ THỊ SỐ 139-CP VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI VÙNG PHÂN LŨ
Nhằm chủ động đối phó với lũ lụt lớn, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành chỉ thị số 139-CP ngày 14-8-1973 hướng dẫn việc chuyển hướng mọi mặt về sản xuất và đời sống trong các vùng phân lũ, đồng thời quy định một số vấn đề cụ thể giải quyết chính sách đối với vùng phân lũ.
Để thi hành chỉ thị trên đây, Bộ Tài chính hướng dẫn về các trường hợp được ngân sách Nhà nước đầu tư vốn trợ giúp cho vùng phân lũ và thể thức cấp phát thanh toán, quyết toán tiền vốn như sau:
1. Đầu tư xây dựng các cơ sở vật chất, kỹ thuật như xây dựng mạng lưới tưới tiêu, xây dựng các đường trục, xây dựng các cơ sở kinh tế quốc doanh, các công trình công cộng, v.v…
- Đối với công trình do trung ương quản lý thì do ngân sách trung ương đài thọ. Các Bộ có liên quan sẽ lập dự toán và bàn trực tiếp với Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Tài chính để giải quyết.
- Đối với các công trình, xí nghiệp, kho tàng của địa phương do ngân sách địa phương đài thọ, trường hợp ngân sách địa phương không có khả năng trang trải hết nhu cầu thì ngân sách trung ương trợ cấp.
- Đối với công trình của xã như các đường nhánh về xã và hợp tác xã, công trình thủy lợi nhỏ, công trình phúc lợi công cộng của xã: do ngân sách xã lo và huy động thêm lao động của nhân dân đóng góp. Nếu thiếu ngân sách, địa phương trợ giúp một phần.
2. Đầu tư giúp đỡ hợp tác xã và nhân dân thực hiện việc chuyển hướng về sản xuất và đời sống.
Nếu chuyển cơ sở sản xuất (chuồng trại, kho tàng, cơ sở chế biến nông sản) và nhà ở của nhân dân theo đúng sự hướng dẫn của ngành thủy lợi. Ủy ban nông nghiệp và của Ủy ban hành chính địa phương thì được vận dụng chính sách giúp đỡ của Nhà nước đã quy định trong nghị quyết số 28-CP ngày 16-2-1973 của Hội đồng Chính phủ và thông tư số 129-TTg ngày 19-5-1973 của Thủ tướng Chính phủ về công tác giải phóng lòng sông. Cụ thể là:
- Di chuyển cơ sở vật chất, kỹ thuật của hợp tác xã thì căn cứ vào giá trị tài sản cố định còn lại của cơ sở đó mà trợ giúp phần chi phí về hư hao vật liệu để xây dựng lại, nguồn vốn ngân sách trung ương trợ giúp. Nếu hợp tác xã cần xây dựng mở rộng thêm mà còn thiếu thì ngân sách Nhà nước sẽ cho vay.
- Di chuyển nhà ở: ngân sách trung ương trợ giúp bình quân 416đ một hộ (400đ tiền mặt và 16đ để mua 40kg gạo/hộ, theo giá cung cấp).
Mức trợ giúp đối với từng hợp tác xã, từng đối tượng bao nhiêu sẽ do Ủy ban hành chính tỉnh, tùy theo mức độ hư hao vật liệu và chi phí di chuyển, khả năng của từng hợp tác xã, từng đối tượng trợ cấp quy định cho phù hợp phương châm chính sách trợ giúp là: phát huy tinh thần tự lực cánh sinh, nhân dân tương trợ lẫn nhau, Nhà nước giúp đỡ một phần để giảm bớt khó khăn cho hợp tác xã và nhân dân, tránh ỷ lại vào Nhà nước.
Nơi nào không cần thiết phải di chuyển mà chỉ cần có biện pháp chống lũ lụt như tôn cao nền nhà, làm sàn gác, đắp thổ mộ, làm chòi cao, chuẩn bị thuyền máng để cất giữ tài sản, trú ngụ và đi lại khi phân lũ, thì nói chung là vận động hợp tác xã và nhân dân huy động vốn tự có và vật tư, lao động của địa phương và tương trợ nhân dân để tự làm. Nhà nước sẽ tùy theo khả năng cân đối vật tư mà bán cung cấp cho một số vật tư như than, xi măng, vôi, gạch, nứa, lá mà hợp tác xã và nhân dân không tự túc được.
II. VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT CHÍNH SÁCH KHI CÓ PHÂN LŨ
Sau khi Nhà nước đã đầu tư giúp đỡ hợp tác xã và nhân dân chuyển hướng sản xuất và đời sống rồi mà năm nào có phân lũ xảy ra những thiệt hại về tài sản, hoa lợi và đời sống thì giải quyết chính sách trợ giúp tài chính theo đúng như quy định ở điều 3 (Các mục a, b, c, d, e, g) chỉ thị số 119-CP ngày 14-8-1973 của Hội đồng Chính phủ.
Riêng về việc thi hành chính sách miễn giảm thuế nông nghiệp, thì giải quyết cụ thể như sau: khi chế độ sản xuất nông nghiệp được chính thức quy định tại vùng phân lũ thì nghĩa vụ thu nộp thuế vẫn áp dụng theo chế độ hiện hành, căn cứ vào sản lượng chịu thuế và thuế suất đã ổn định. Nếu không có phân lũ, thuế sẽ tính và thu theo sản lượng và thuế suất ổn định cho từng vụ một. Nếu có phân lũ mà vụ mùa có bị thiệt hại ở từng hợp tác xã mà xét miễn giảm theo những nguyên tắc dưới đây:
- Nếu thu hoạch thực tế chỉ còn dưới 50% sản lượng chịu thuế của vụ mùa, thì được miễn toàn bộ số thuế vụ mùa;
- Nơi nào nước rút nhanh mà cố gắng cấy tái giá thì được miễn thuế;
- Sản xuất vụ đông mới hình thành, thì tạm thời được miễn thuế.
A. LẬP VÀ XÉT DUYỆT DỰ TOÁN.
1. Phần đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật:
- Công trình nào trung ương quản lý sẽ do các Bộ, Tổng cục lập dự toán. Công trình nào của địa phương sẽ do các Sở, Ty có liên quan lập dự toán, trình Ủy ban hành chính xét duyệt và chi phí do ngân sách địa phương đài thọ.
Ở trung ương cũng như ở địa phương, các ngành căn cứ vào chỉ thị số 139-CP ngày 14-8-1973 của Hội đồng Chính phủ và thông tư này của Bộ Tài chính để lập dự toán ngân sách 1974, kịp thời gửi Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Tài chính giải quyết.
2. Phần trợ giúp cho nhân dân và hợp tác xã:
Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo giúp các Ủy ban hành chính huyện lập dự toán kinh phí về giải quyết chính sách đối với vùng phân lũ, tạo điều kiện cho nhân dân chuyển hướng về sản xuất và đời sống.
- Trợ giúp cho việc di chuyển cơ sở vật chất và kỹ thuật của hợp tác xã và của xã (nếu có);
- Trợ giúp cho việc di chuyển nhà ở của nhân dân.
Ủy ban hành chính, tỉnh, thành phố xét duyệt dự toán và gửi về Bộ Tài chính xin ngân sách trung ương trợ cấp. Phần trợ giúp cho ngân sách xã (nếu có) sẽ do ngân sách địa phương trợ cấp.
B. TỔ CHỨC VIỆC XÉT DUYỆT, CẤP PHÁT, THANH TOÁN CÁC KHOẢN TRỢ CẤP CHO HỢP TÁC XÃ VÀ NHÂN DÂN.
Việc xét duyệt các khoản trợ cấp theo tinh thần chỉ thị số 139-CP của Hội đồng Chính phủ và thông tư hướng dẫn thi hành này của Bộ Tài chính phải được Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố chỉ đạo chặt chẽ đúng chính sách, đúng đối tượng, tránh gây tâm lý ỷ lại vào Nhà nước hay suy bì mất đoàn kết trong nhân dân. Vì vậy:
- Trước hết phải tổ chức tốt việc phổ biến, truyền đạt tốt, đầy đủ nội dung chính sách để hợp tác xã và nhân dân vùng phân lũ chấp hành nghiêm chỉnh việc chuyển hướng sản xuất và đời sống trong vùng phân lũ.
- Đề cao tinh thần trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước ở tỉnh, huyện, xét duyệt và cấp phát thật công bằng, kịp thời đến tận tay nhân dân, hợp tác xã hoặc xã được trợ giúp. Các Sở, Ty tài chính phải hướng dẫn nghiệp vụ cụ thể cho các Phòng tài chính huyện phối hợp với các ngành có liên quan ở huyện giúp Ủy ban hành chính huyện chỉ đạo tốt việc di chuyển cơ sở sản xuất và nhà ở, thẩm tra danh sách các đơn vị và cá nhân được giải quyết chính sách về trợ giúp và tổ chức cấp phát chu đáo tại trụ sở Ủy ban hành chính các xã.
C. QUYẾT TOÁN
Đối với những chi phí được ngân sách trung ương trợ cấp, Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố có trách nhiệm quyết toán với Bộ Tài chính theo đúng chế độ quyết toán hiện hành. Nếu thừa phải nộp trả lại ngân sách trung ương. Nếu thiếu, được xét cấp thêm.
Đối với những chi phí được ngân sách tỉnh trở cấp sẽ quyết toán vào ngân sách tỉnh trong năm kế hoạch.
Các Sở, Ty tài chính có trách nhiệm giúp Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố xét duyệt quyết toán của các Ủy ban hành chính huyện và tổng hợp báo cáo quyết toán với Bộ Tài chính (về phần ngân sách trung ương trợ cấp).
Thông tư này hướng dẫn thi hành chỉ thị số 139-CP của Hội đồng Chính phủ ngày 14-8-1973 về một số chính sách cụ thể đối với vùng phân lũ. Trước mắt nhằm tạo điều kiện để các địa phương, các ngành tập trung sức kiên quyết và khẩn trương hoàn thành tốt việc chuyển hướng sản xuất và đời sống của nhân dân tại mỗi vùng phân lũ, cố gắng đảm bảo xong những mặt công tác chính trước mùa lũ năm 1974.
Bộ Tài chính đề nghị các ngành ở trung ương có liên quan và các Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố chỉ đạo tốt việc xây dựng dự toán chi phí năm 1974 để giúp cho các vùng phân lũ có kinh phí kịp thời triển khai việc thi hành chỉ thị trên đây của Hội đồng Chính phủ ngay từ đầu năm 1974. Đề nghị xin trợ cấp ngân sách trung ương của các tỉnh, thành phố phải do đồng chí Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố ký và phải cử cán bộ có đủ thẩm quyền về Bộ Tài chính báo cáo trong tháng 12-1973 kèm theo những tài liệu cần thiết.
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH |
- 1Thông tư 129-TTg 1973 giải quyết một số vấn đề về công tác giải phóng lòng sông do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Thông tư liên bộ 44/TT/LB/TL nă, 1987 về cấp phát, quản lý và sử dụng các khoản kinh phí chi đột xuất cho phòng, chống và khắc phục hậu quả bão, lụt do Bộ Thuỷ lợi - Bộ tài chính ban hành
- 1Thông tư 129-TTg 1973 giải quyết một số vấn đề về công tác giải phóng lòng sông do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Chỉ thị 139-CP năm 1973 về việc giải quyết chính sách đối với vùng phân lũ do Chính phủ ban hành
- 3Thông tư liên bộ 44/TT/LB/TL nă, 1987 về cấp phát, quản lý và sử dụng các khoản kinh phí chi đột xuất cho phòng, chống và khắc phục hậu quả bão, lụt do Bộ Thuỷ lợi - Bộ tài chính ban hành
Thông tư 14-TC/NLTL-1973 hướng dẫn thi hành Chỉ thị 139-CP về việc giải quyết chính sách đối với vùng phân lũ do Bộ Tài chính ban hành
- Số hiệu: 14-TC/NLTL
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 25/10/1973
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính
- Người ký: Hoàng Văn Diệm
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 18
- Ngày hiệu lực: 09/11/1973
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định