Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 14/LĐTBXH-TT

Hà Nội, ngày 02 tháng 6 năm 1993

THÔNG TƯ

CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 14/LĐTBXH-TT NGÀY 2 THÁNG 6 NĂM 1993 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP ƯU ĐÃI ĐỐI VỚI CÁN BỘ HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG TRƯỚC NĂM 1945, ĐIỀU CHỈNH MỨC LƯƠNG ĐỂ TÍNH LẠI LƯƠNG HƯU CỦA MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP NGHỈ HƯU TRƯỚC THÁNG 9-1985 VÀ PHỤ CẤP THÂM NIÊN GIÁO DỤC ĐỐI VỚI GIÁO VIÊN,CÁN BỘ GIẢNG DẠY ĐÃ NGHỈ HƯU.

Thi hành Điều 2, Điều 3 và Điều 4 Nghị định số: 27/CP ngày 23 tháng 5 năm 1993 của Chính phủ; sau khi thống nhất ý kiến với Ban tổ chức Trung ương, Ban tổ chức - Cán bộ Chính phủ và Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi đối với cán bộ hoạt động Cách mạng trước năm 1945, điều chỉnh mức lương để tính lại lương hưu của một số trường hợp nghỉ hưu trước tháng 9-1985 và phụ cấp thâm niên giáo dục đối với giáo viên, cán bộ giảng dạy đã nghỉ hưu như sau:

I. CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP ƯU ĐÃI ĐỐI VỚI CÁN BỘ HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG TRƯỚC NĂM 1945

Chế độ ưu đãi đối với cán bộ hoạt động Cách mạng trước năm 1945 thuộc diện thi hành Quyết định số 128/HĐBT ngày 8-10-1984 được thực hiện như sau:

a. Tất cả các cán bộ hoạt động Cách mạng trước năm 1945 đang hưởng chế độ ưu đãi hàng tháng được phụ cấp với mức thống nhất là 100.000 đồng/người.

b. Đối với cán bộ thuộc diện ưu đãi đang tại chức, nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, mỗi thâm niên hoạt động Cách mạng được phụ cấp 20.000 đồng/tháng.

c. Đối với cán bộ hoạt động Cách mạng ở xã, phường từ năm 1935 về trước, mức sinh hoạt phí bằng 120.000 đồng/tháng, từ năm 1936 đến trước năm 1945 mức sinh hoạt phí bằng 85.000 đồng/tháng.

Các quy định trên đây thay thế mức thâm niên, mức sinh hoạt phí và các khoản trợ cấp thêm quy định trước đây.

II. ĐIỀU CHỈNH MỨC LƯƠNG ĐỂ TÍNH LẠI LƯƠNG HƯU CỦA MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP NGHỈ HƯU, NGHỈ MẤT SỨC LAO ĐỘNG TRƯỚC THÁNG 9-1985

1. Đối tượng

a. Đối tượng áp dụng quy định tại Điều 3 Nghị định số 27/CP ngày 23-5-1993 là những trường hợp công nhân, viên chức đã nghỉ hưu, hoặc mất sức lao động trước tháng 9-1985 nhưng tại thời điểm chuyển xếp mức lương theo Nghị định số 236/HĐBT ngày 18-9-1985 để tính lương hưu, trợ cấp mất sức lao động theo quy định tại Nghị định số 236/HĐBT ngày 18-9-1985 không chuyển xếp mức lương như người tại chức có cùng chức vụ nên bị giảm từ một bậc lương trở lên so với người tại chức lúc đó.

b. Đối tượng không áp dụng:

Những cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo nhưng đã chuyển vị trí công tác khác rồi mới nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động hoặc sau khi đã được điều chỉnh, nâng lương tương ứng thì không thuộc diện thi hành của Thông tư này.

Những trường hợp đã chuyển đổi khi so sánh có mức chênh lệch dưới một bậc lương theo Nghị định số 235/HĐBT thì không chuyển đổi lại.

2. Cách chuyển đổi và tính lại lương hưu, trợ cấp mất sức lao động

a. Căn cứ hồ sơ hiện tại của người nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và quản lý để xác định việc chuyển đổi lại mức lương, không đặt vấn đề chứng nhận lại; trừ trường hợp hồ sơ có kê khai nhưng chưa rõ ràng cần xác minh thêm.

b. Căn cứ vào chức vụ đã được xác định và mức lương cũ trước khi nghỉ hưu, căn cứ vào bảng lương C và D của Nghị định số 235/HĐBT ngày 18-9-1985 và các thông tư hướng dẫn số 11/LĐ ngày 18-9-1985, số 16/LĐ ngày 7-11-1985 của Bộ Lao động (cũ) để chuyển đổi tương ứng làm cơ sở tính lại lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hiện hành.

c. Trên cơ sở mức lương được chuyển đổi như điểm b, tiến hành tính lại mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động theo quy định tại Quyết định số 203/HĐBT ngày 28-12-1988 và các khoản trợ cấp trượt giá, tiền bù điện, tiền nhà ở, tiền đi lại (nếu có), tiền học.

Ví dụ: Một cán bộ lãnh đạo cấp huyện nghỉ hưu tháng 10-1970 theo hồ sơ nghỉ hưu là Chủ tịch, có mức lương cũ vượt khung là 105 đồng, chuyển đổi theo Nghị định 236/HĐBT là 405 đồng nay chuyển đổi theo Nghị định số 235/HĐBT bằng 455 đồng.

Lương hưu tính lại như sau:

- Lương hưu: 455 đồng x 80%

= 364 đồng

- Chuyển đổi theo QĐ 203/HĐBT

= 37.226 đồng

- Trợ cấp trượt giá 125%

= 46.532 đồng

- Tiền bù điện theo nhóm mức lương

= 22.495 đồng

- Tiền nhà ở theo nhóm mức lương

= 33.000 đồng

- Tiền tàu xe đi lại 10% tính trên lương hưu QĐ 203/HĐBT

= 5.523 đồng

Tổng cộng mức lương hưu theo quy định hiện hành là:

148.498 đồng

Từ 1-4-1993 mức lương hưu của phó chủ tịch nói trên được điều chỉnh bằng:

148.498 x 120% = 178.198 đồng.

III. PHỤ CẤP THÂM NIÊN GIÁO DỤC ĐỐI VỚI GIÁO VIÊN,CÁN BỘ GIẢNG DẠY NGHỈ HƯU, MẤT SỨC LAO ĐỘNG CHƯA ĐƯỢC HƯỞNG

1. Đối tượng

a. Đối tượng áp dụng, quy định tại Điều 4 Nghị định số 27/CP ngày 23-5-1993 của Chính phủ là Giáo viên, cán bộ giảng dạy đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động trước tháng 9-1988 và trước tháng 9-1991 mà chưa được hưởng thâm niên giáo dục gồm:

- Giáo viên, cán bộ giảng dạy thuộc ngành Giáo dục, đào tạo quy định tại điểm 1, 2, 3 mục I Thông tư 05/LĐ-TBXH ngày 8-3-1989 và điểm 1 thông tư 20/LĐ-TBXH, ngày 5-12-1989 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động trước tháng 9-1988.

- Giáo viên, cán bộ giảng dạy thuộc hệ thống trường Đảng, đoàn thể, trường quản lý Nhà nước quy định tại điểm 1, 2 mục I thông tư 06/LĐ-TBXH, ngày 12-9-1991 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động trước tháng 9-1991.

b. Đối tượng không áp dụng:

- Các đối tượng không thuộc quy định trong Thông tư nói tại điểm a trên.

- Những người có thời gian giảng dạy, nhưng trước khi nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động đã chuyển sang ngành khác không liên quan đến công tác giáo dục.

- Những người có thời gian giảng dạy dưới chế độ cũ, giảng dạy ở các trường tư không thuộc biên chế Nhà nước; giáo viên không chuyên nghiệp (dạy thêm); giáo viên đã có hưởng một loại thâm niên khác.

- Những người giảng dạy ở những trường nghiệp vụ của ngành hoặc địa phương mở lớp ngắn hạn, không thường xuyên, không thuộc quy chế trường, lớp chung.

2. Mức phụ cấp và cách tính thâm niên

a. Mức phụ cấp:

Căn cứ vào mục II, Thông tư 06/LĐ-TBXH ngày 8-3-1989 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để xác định mức phụ cấp thâm niên, tối đa không quá 20%. Nếu là giáo viên ưu tú, giáo viên dạy giỏi không quá 25%.

b. Tính lại mức lương hưu:

Phụ cấp thâm niên giáo dục tính như trên được cộng với lương khi nghỉ hưu, nghỉ việc vì mất sức lao động để tính lại lương và trợ cấp, tính lại trợ cấp trượt giá, tiền đi lại (nếu có), tiền học, sau đó tiến hành điều chỉnh mức lương hưu trợ cấp mất sức lao động theo quy định tại Thông tư Liên Bộ số 13 ngày 2-6-1993.

3. Thủ tục tiến hành

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào hồ sơ đang quản lý của các đối tượng nêu trên để thực hiện điều chỉnh theo quy định, không đặt vấn đề khai lại hồ sơ.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ 1-4-1993. Các quy định trước đây trái với những quy định của Thông tư này đều bãi bỏ.

Điều chỉnh tiền lương và phụ cấp thâm niên giáo dục để tính lại lương hưu, trợ cấp mất sức lao động có nhiều phức tạp. Vì vậy các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cần phối hợp với Sở Tài chính vật giá và các cơ quan liên quan chỉ đạo chặt chẽ, thận trọng, bảo đảm đúng quy định, không gây phiền hà cho người hưởng chính sách, chế độ.

Giám đốc Sở, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ký xác nhận từng trường hợp điều chỉnh; lập danh sách và báo cáo về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính và các ngành có liên quan theo mẫu kèm theo thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc cần phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để nghiên cứu giải quyết.

Trần Đình Hoan

(Đã ký)

MẪU SỐ 1

TỈNH...........

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Thành phố......

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

..., ngày.... tháng.... năm 1993

Kính gửi: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

(Vụ Bảo trợ xã hội)

BÁO CÁO

VỀ CHỈNH LƯƠNG CÁN BỘ LÃNH ĐẠO NGHỈ HƯU TRƯỚC THÁNG 9-1985 VÀ PHỤ CẤP THÂM NIÊN GIÁO DỤC VÀ PHỤ CẤP ƯU ĐÃI

1. Tổng số người được chỉnh lương theo Nghị định số 235/HĐBT:

(Kèm theo danh sách mẫu số 3)

2. Tổng số tiền tăng thêm do điều chỉnh lương: (bao gồm lương hưu theo Quyết định 203/HĐBT, trượt giá, tiền tệ hoá).

3. Người được hưởng cao nhất so với mức cũ; Người được hưởng ít nhất so với mức cũ;

4. Tổng số người được điều chỉnh thâm niên giáo dục: (có danh sách kèm theo mẫu số 2)

5. Tổng số tiền tăng thêm:

6. Tổng số người được điều chỉnh phụ cấp ưu đãi (hưu trí, mất sức lao động, sinh hoạt phí xã, phường).

7. Tổng số tiền tăng thêm:

Tổng số tiền của ba nội dung điều chỉnh:

8. Tóm tắt tình hình thực hiện.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
(Ký tên và đóng dấu)

MẪU SỐ 2

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

....................

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

DANH SÁCH CÁN BỘ HƯU TRÍ - MẤT SỨC LAO ĐỘNG ĐƯỢC TÍNH HƯỞNG PHỤ CẤP THÂM NIÊN GIÁO DỤC.

Số

Họ và tên

Số sổ

Phụ cấp thâm niên

Thành tiền

Ghi chú

TT

Tỷ lệ %

Mức lương

phụ cấp

Ngày... tháng... năm 199...
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

MẪU SỐ 3

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

....................

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

DANH SÁCH CÁN BỘ HƯU TRÍ - MẤT SỨC LAO ĐỘNG ĐƯỢC CHỈNH MỨC LƯƠNG SỞ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH ĐỂ TÍNH LẠI LƯƠNG HƯU VÀ XÃ HỘI

Số

Họ và tên

Số sổ

Phụ cấp thâm niên

Thành tiền

Ghi chú

TT

Tỷ lệ %

Mức lương

phụ cấp

Ngày... tháng.... năm 199...
Giám đốc Lao động - Thương binh và Xã hội

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 14/LĐTBXH-TT năm 1993 hướng dẫn chế độ phụ cấp ưu đãi đối với CBHĐCM trước năm 1945, điều chỉnh mức lương để tính lại lương hưu của một số trường hợp nghỉ hưu trước tháng 9/1985 và phụ cấp thâm niêm giáo dục đối với giáo viên, cán bộ giảng dạy đã nghỉ hưu do Bộ Lao động, thương binh và xã hội ban hành

  • Số hiệu: 14/LĐTBXH-TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 02/06/1993
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Trần Đình Hoan
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản