Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 139/2020/TT-BCA

Hà Nội, ngày 23 tháng 12 năm 2020

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ CÔNG TÁC THƯỜNG TRỰC SẴN SÀNG CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ CỦA LỰC LƯỢNG CÔNG AN NHÂN DÂN

Căn cứ Luật Công an nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29 tháng 6 năm 2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 22 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Căn cứ Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy;

Căn cứ Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2017 quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;

Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định về công tác thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Công an nhân dân.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về nguyên tắc, lực lượng, phương tiện và trách nhiệm của Công an các đơn vị, địa phương, cán bộ, chiến sĩ trong thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; thẩm quyền, trách nhiệm, hình thức, nội dung kiểm tra công tác thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Công an nhân dân.

Điều 2. Nguyên tắc thường trực và kiểm tra thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

1. Hoạt động thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo nguyên tắc tập trung mang tính chất của lực lượng vũ trang; tuân thủ quy định của pháp luật, điều lệnh Công an nhân dân, dưới sự chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của lãnh đạo, chỉ huy đơn vị và cấp trên.

2. Bảo đảm sẵn sàng lực lượng, phương tiện và các điều kiện cần thiết khác phục vụ công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ kịp thời.

3. Thời gian thường trực của Công an các đơn vị, địa phương thực hiện theo chế độ 24/24 giờ hằng ngày để bảo đảm sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong mọi tình huống.

4. Công tác kiểm tra thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải bảo đảm an toàn, khách quan, công khai, minh bạch, dân chủ trong đánh giá tình hình, kết quả công tác tại đơn vị được kiểm tra. Nghiêm cấm lợi dụng việc kiểm tra để trục lợi, cản trở, gây khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đơn vị được kiểm tra.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là việc bố trí lực lượng, phương tiện để bảo đảm trong mọi tình huống, thời điểm đều sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

2. Kiểm tra thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là hoạt động của Công an các cấp và người có thẩm quyền để đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

3. Phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là các loại phương tiện được quy định tại các khoản 1, 2, 3, 6, 8, 9, 10 và khoản 11 Phụ lục VI Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy (sau đây viết gọn là Nghị định số 136/2020/NĐ-CP).

Điều 4. Phụ lục

Ban hành kèm theo Thông tư này Phụ lục biểu mẫu sử dụng trong công tác thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, bao gồm:

1. Sổ giao, nhận ca thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Mẫu số 01).

2. Quyết định về việc kiểm tra công tác thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Mẫu số 02).

3. Biên bản kiểm tra công tác tác thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Mẫu số 03).

Công an các đơn vị, địa phương có trách nhiệm sử dụng các biểu mẫu này, thống nhất trên khổ A4 dưới dạng bản giấy in sẵn hoặc bản điện tử và không được thay đổi nội dung biểu mẫu.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục 1. HOẠT ĐỘNG THƯỜNG TRỰC VÀ BẢO ĐẢM CƠ SỞ VẬT CHẤT, PHƯƠNG TIỆN ĐÁP ỨNG YÊU CẦU THƯỜNG TRỰC SẴN SÀNG CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ

Điều 5. Trực chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

1. Đối với Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết gọn là Công an cấp tỉnh): Bố trí trực chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định tại Thông tư số 03/2019/TT-BCA ngày 25/01/2019 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về công tác trực ban, trực chỉ huy trong Công an nhân dân.

2. Đối với Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ: Bố trí 01 đồng chí lãnh đạo Phòng trực chỉ huy.

3. Đối với Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây viết gọn là Công an cấp huyện): Bố trí 01 đồng chí lãnh đạo Công an cấp huyện trực chỉ huy.

4. Đối với các Đội Công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Đội Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực, Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên sông thuộc Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp huyện: Bố trí 01 đồng chí Chỉ huy đội trực chỉ huy.

Điều 6. Trực tiếp nhận và xử lý thông tin báo cháy, sự cố, tai nạn

1. Trực tiếp nhận và xử lý thông tin báo cháy, sự cố, tai nạn bảo đảm 24/24 giờ và được chia thành các ca trực.

2. Mỗi ca trực phải bố trí tối thiểu 02 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có ít nhất 01 sĩ quan hoặc hạ sĩ quan có nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Điều 7. Trực chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

Cán bộ, chiến sĩ được bố trí thành các tổ thường trực tương ứng với đội hình chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ bản để vận hành, sử dụng các phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đưa vào thường trực, cụ thể:

1. Đối với xe chữa cháy, xe cứu nạn, cứu hộ: Bố trí mỗi xe 01 tổ (gồm 01 Tổ trưởng, 04 chiến sĩ và 01 lái xe).

2. Đối với tàu chữa cháy: Bố trí mỗi tàu 01 tổ (gồm 01 Tổ trưởng, 07 chiến sĩ và 01 lái tàu).

3. Đối với ca nô chữa cháy, ca nô cứu nạn, cứu hộ: Bố trí mỗi ca nô 01 tổ (gồm 01 Tổ trưởng, 05 chiến sĩ và 01 lái ca nô).

4. Đối với xuồng chữa cháy, xuồng cứu nạn, cứu hộ: Bố trí mỗi xuồng 01 tổ (gồm 01 Tổ trưởng, 03 chiến sĩ và 01 lái xuồng).

5. Đối với các phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ giới khác, căn cứ tính năng tác dụng của phương tiện và thiết kế của nhà sản xuất: Bố trí mỗi phương tiện 01 tổ (gồm 01 Tổ trưởng, 01 chiến sĩ điều khiển phương tiện và số lượng chiến sĩ theo thiết kế của nhà sản xuất).

Điều 8. Phương tiện thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

1. Phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được trang cấp phải bố trí đưa vào thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Trường hợp cất giữ trong kho thì phải có phương án sẵn sàng sử dụng khi có lệnh điều động.

2. Các phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đưa vào thường trực phải hoạt động bình thường, bảo đảm đồng bộ, đủ cơ số theo thiết kế của nhà sản xuất và phải sắp xếp gọn gàng, thuận tiện cho việc sử dụng.

3. Việc đỗ, neo đậu phương tiện phải bảo đảm phòng tránh các va đập gây hư hỏng và ở vị trí thuận lợi để kịp thời triển khai đi chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Điều 9. Chế độ thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

1. Căn cứ tình hình thực tế về lực lượng, phương tiện, yêu cầu nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an các đơn vị, địa phương quyết định việc chia ca thường trực và chế độ nghỉ cho phù hợp.

2. Đối với cán bộ, chiến sĩ đã thực hiện nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ từ 02 giờ trở lên vào ban đêm (từ 22 giờ đêm đến 6 giờ sáng ngày hôm sau) thì không phải tham gia huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong ngày hôm sau.

Điều 10. Tổ chức các hoạt động trong ca thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

1. Giao, nhận ca thường trực

Việc giao, nhận giữa hai ca thường trực được thực hiện hằng ngày, thời gian tính từ đầu giờ làm việc của ngày hôm trước đến đầu giờ làm việc của ngày hôm sau. Nội dung giao, nhận gồm:

a) Tập hợp và kiểm tra quân số của hai ca thường trực;

b) Trực chỉ huy cấp Đội của ca thường trực trước báo cáo, nhận xét tóm tắt tình hình, kết quả thực hiện các mặt công tác trong ca thường trực;

c) Tiến hành bàn giao giữa ca thường trực trước với ca thường trực sau; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ, từng cán bộ, chiến sĩ trong ca thường trực sau;

d) Cán bộ, chiến sĩ ca thường trực sau kiểm tra các phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thường trực theo nhiệm vụ được chỉ huy giao;

đ) Việc giao, nhận ca thường trực phải được ghi chép vào Sổ giao, nhận ca thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

Trong thời gian đang bàn giao ca thường trực mà nhận được tin báo cháy, sự cố, tai nạn thì ca thường trực trước nhanh chóng đi thực hiện nhiệm vụ và phân công ca sau thường trực tại đơn vị. Sau khi kết thúc nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, chỉ huy đơn vị tiếp tục tổ chức bàn giao ca thường trực.

2. Trong thời gian thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ các đơn vị Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải tổ chức huấn luyện nghiệp vụ, họp rút kinh nghiệm vụ cháy và cứu nạn, cứu hộ, học tập, thực tập phương án chữa cháy, phương án cứu nạn, cứu hộ cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị theo chương trình, kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Trường hợp tổ chức huấn luyện, học tập, thực tập phương án chữa cháy, phương án cứu nạn, cứu hộ ở bên ngoài đơn vị thì phải duy trì thông tin liên lạc thông suốt với trực ban đơn vị để kịp thời điều động lực lượng, phương tiện đi chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

4. Sau khi huấn luyện nghiệp vụ, học tập, thực tập phương án hoặc sau khi đi làm nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ về đến đơn vị, chỉ huy phải cho tổ chức kiểm tra, bảo dưỡng, bổ sung nhiên liệu, nước, chất chữa cháy bảo đảm phương tiện luôn ở trạng thái thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định.

Điều 11. Trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ trong ca thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

1. Trực chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ:

a) Nắm vững chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của người chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật; các nguyên tắc, phương pháp, biện pháp, chiến thuật, kỹ thuật chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; phương án, kế hoạch huy động lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; quân số thường trực, kỹ năng thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ; số lượng, chủng loại, tính năng, tác dụng của các loại phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; tình hình, đặc điểm, tính chất nguy hiểm cháy, nổ của các cơ sở trên địa bàn quản lý;

b) Tổ chức giao, nhận ca thường trực và kiểm tra thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của lực lượng, phương tiện trong ca thường trực;

c) Tổ chức các hoạt động khác của đơn vị theo chương trình, kế hoạch công tác.

2. Cán bộ, chiến sĩ trực tiếp nhận và xử lý thông tin báo cháy, sự cố, tai nạn:

a) Sử dụng thành thạo các thiết bị thông tin liên lạc; hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy và truyền tin báo sự cố;

b) Tiếp nhận và xử lý thông tin báo cháy, sự cố, tai nạn theo quy định.

3. Cán bộ, chiến sĩ thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ:

a) Phải thường xuyên có mặt tại trụ sở doanh trại; khi có lệnh báo động phải nhanh chóng mặc trang phục, mang đủ thiết bị bảo hộ cá nhân, lên phương tiện thường trực và nổ máy sẵn sàng xuất phát, chờ lệnh của người chỉ huy.

Thời gian cán bộ, chiến sĩ lên phương tiện và nổ máy sẵn sàng xuất phát kể từ khi có lệnh báo động: Đối với phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ giới đường bộ không quá 90 giây; đối với tàu, xuồng, ca nô không quá 180 giây;

b) Nắm vững chức trách, nhiệm vụ được giao trong ca thường trực; thuần thục các kỹ thuật cá nhân, đội hình chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; sử dụng thành thạo phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được giao quản lý trong ca thường trực; lái xe, lái tàu phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về giao thông và bảo đảm an toàn cho cán bộ, chiến sĩ;

c) Kiểm tra tình trạng hoạt động và bảo quản, bảo dưỡng phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được giao quản lý theo quy định. Trường hợp phát hiện phương tiện không sử dụng được hoặc cần bổ sung, thay thế phải báo cáo trực chỉ huy để bổ sung, thay thế hoặc khắc phục kịp thời;

d) Trong thời gian tham gia các hoạt động học tập, tập luyện, thực tập phương án phải bảo đảm sẵn sàng đi chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi có lệnh;

đ) Thực hiện đầy đủ việc ghi chép các loại sổ sách và các nhiệm vụ khác được chỉ huy, cấp trên giao; tham gia giao, nhận ca thường trực đầy đủ theo quy định.

Điều 12. Bảo đảm, bố trí cơ sở vật chất, phương tiện, địa điểm đáp ứng yêu cầu thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

1. Nơi trực tiếp nhận thông tin báo cháy, sự cố, tai nạn phải bố trí ở vị trí thuận lợi cho người trực tiếp đến báo tin, đồng thời phải đáp ứng các yêu cầu cơ bản sau:

a) Hệ thống thông tin liên lạc (máy điện thoại cố định tiếp nhận thông tin báo cháy, sự cố, tai nạn; máy bộ đàm) phải bảo đảm hoạt động thông suốt, liên tục; máy vi tính để tra cứu những thông tin cần thiết liên quan đến cơ sở, khu vực xảy ra cháy, sự cố, tai nạn và các cơ quan, tổ chức, cơ sở có lực lượng, phương tiện có thể huy động tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;

b) Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy và truyền tin báo sự cố được kết nối đến các cơ sở thuộc diện quản lý quy định tại Phụ lục III Nghị định số 136/2020/NĐ-CP;

c) Danh bạ điện thoại của lãnh đạo, chỉ huy các cấp và các đơn vị có liên quan cần liên hệ phục vụ công tác thông tin chỉ huy, huy động các lực lượng tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;

d) Bản đồ hành chính thể hiện nguồn nước phục vụ chữa cháy, tuyến đường giao thông trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý;

đ) Sổ tiếp nhận thông tin báo cháy, sự cố, tai nạn;

e) Thiết bị hoặc dụng cụ phát tín hiệu báo động đi chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;

g) Có nơi để các trang thiết bị phục vụ công tác chỉ huy, phương án và phiếu chiến thuật chữa cháy.

Căn cứ điều kiện, khả năng bảo đảm kinh phí, Công an đơn vị, địa phương có thể bố trí thêm các phương tiện, thiết bị khác phục vụ công tác tiếp nhận thông tin báo cháy, sự cố, tai nạn (như máy phát điện, máy in).

2. Địa điểm, nơi nghỉ của cán bộ, chiến sĩ thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải được bố trí ở vị trí dễ nhận tín hiệu báo động và bảo đảm cho cán bộ, chiến sĩ lên phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nhanh chóng, an toàn.

3. Nhà để xe, bến bãi để phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải bảo đảm điều kiện về bảo quản phương tiện theo quy định, thuận lợi cho cán bộ, chiến sĩ tiếp cận, lên phương tiện đi chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Nơi để phương tiện dự trữ phải bảo đảm thuận lợi cho việc đưa phương tiện ra sử dụng khi có lệnh điều động.

Mục 2. KIỂM TRA CÔNG TÁC THƯỜNG TRỰC SẴN SÀNG CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ

Điều 13. Thẩm quyền, trách nhiệm, hình thức kiểm tra công tác thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

1. Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Giám đốc Công an cấp tỉnh thực hiện kiểm tra đột xuất công tác thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với các đơn vị Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo hệ lực lượng hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình khi cần thiết.

2. Trưởng phòng Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh, Trưởng Công an cấp huyện thực hiện kiểm tra định kỳ công tác thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ không quá 03 tháng một lần, kiểm tra đột xuất công tác thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với các đơn vị Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc phạm vi quản lý của mình khi cần thiết.

3. Đội trưởng, Phó Đội trưởng Đội Công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Đội Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực, Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên sông thuộc Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc Công an cấp huyện kiểm tra thường xuyên công tác thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong phạm vi quản lý của mình hoặc kiểm tra đột xuất khi cần thiết.

4. Người có thẩm quyền kiểm tra quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này có thể ủy quyền bằng văn bản cho cấp phó hoặc cán bộ chỉ huy thuộc quyền quản lý để thực hiện công tác kiểm tra.

Điều 14. Nội dung kiểm tra công tác thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

1. Kiểm tra báo động: Theo dõi việc bảo đảm thời gian theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 11 Thông tư này.

2. Kiểm tra lực lượng thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ:

a) Quân số cán bộ, chiến sĩ trong ca thường trực;

b) Trang phục và thiết bị bảo hộ cá nhân của cán bộ, chiến sĩ trong ca thường trực;

c) Việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ trong ca thường trực theo quy định tại Điều 11 Thông tư này; triển khai đội hình chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo tình huống giả định.

3. Kiểm tra phương tiện thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ:

a) Số lượng, tính đồng bộ, tình trạng hoạt động của các phương tiện thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;

b) Mức nhiên liệu, mức nước và lượng chất chữa cháy của các phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ giới;

c) Việc thực hiện quy định về quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

4. Kiểm tra các điều kiện phục vụ công tác thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ:

a) Nơi trực tiếp nhận thông tin báo cháy, sự cố, tai nạn quy định tại khoản 1 Điều 12 Thông tư này;

b) Việc quản lý, sử dụng phương án cứu nạn, cứu hộ; phương án chữa cháy, phiếu chiến thuật chữa cháy;

c) Việc bảo đảm về nhà để xe, bến bãi, nơi để phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thường trực và dự trữ.

5. Kiểm tra việc chấp hành Điều lệnh nội vụ Công an nhân dân; chương trình, kế hoạch công tác của đơn vị, cán bộ, chiến sĩ và việc tự kiểm tra thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của đơn vị.

Điều 15. Thực hiện kiểm tra công tác thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

1. Chuẩn bị kiểm tra

Người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 13 Thông tư này khi kiểm tra định kỳ, đột xuất phải ban hành Quyết định về việc kiểm tra công tác thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo Mẫu số 02 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp kiểm tra định kỳ phải thông báo trước 03 ngày làm việc cho đơn vị được kiểm tra về thời gian, nội dung, thành phần đoàn kiểm tra; trường hợp kiểm tra đột xuất thì không cần phải thông báo trước.

Đơn vị được kiểm tra phải chuẩn bị đầy đủ nội dung kiểm tra đã được thông báo và bố trí người có thẩm quyền, trách nhiệm để làm việc với đoàn kiểm tra.

2. Tiến hành kiểm tra

Người có thẩm quyền kiểm tra căn cứ yêu cầu, tình hình thực tế, có thể tiến hành kiểm tra toàn bộ hoặc một số nội dung quy định tại Điều 14 Thông tư này. Khi thực hiện kiểm tra định kỳ, đột xuất phải công bố Quyết định về việc kiểm tra công tác thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

3. Kết thúc kiểm tra

a) Đối với kiểm tra định kỳ, đột xuất: Khi kết thúc kiểm tra, đoàn kiểm tra tổ chức họp đánh giá ưu, khuyết điểm, rút kinh nghiệm công tác tổ chức thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của đơn vị được kiểm tra; lập Biên bản kiểm tra công tác thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo Mẫu số 03 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này, đơn vị được kiểm tra có trách nhiệm lưu biên bản kiểm tra theo quy định; thông báo kết quả kiểm tra đến đơn vị được kiểm tra, các đơn vị liên quan để tổ chức thực hiện và báo cáo cấp trên quản lý trực tiếp;

b) Đối với kiểm tra thường xuyên: Khi kết thúc kiểm tra, trực chỉ huy đội ghi nội dung, kết quả kiểm tra vào Sổ giao, nhận ca thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này và báo cáo trực chỉ huy cấp trên.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 16. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 08 tháng 02 năm 2021.

2. Thông tư này thay thế Thông tư số 50/2017/TT-BCA ngày 01 tháng 11 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Công an Quy định về thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy.

Điều 17. Trách nhiệm thi hành

1. Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Thông tư này.

2. Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ Công an, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có khó khăn, vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương báo cáo về Bộ Công an (qua Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ) để kịp thời hướng dẫn./.

BỘ TRƯỞNG




Đại tướng Tô Lâm

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 139/2020/TT-BCA quy định về công tác thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Công an nhân dân do Bộ Công an ban hành

  • Số hiệu: 139/2020/TT-BCA
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 23/12/2020
  • Nơi ban hành: Bộ Công An
  • Người ký: Tô Lâm
  • Ngày công báo: 26/01/2021
  • Số công báo: Từ số 119 đến số 120
  • Ngày hiệu lực: 08/02/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản