Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 132/1999/TT-BTC | Hà Nội, ngày 15 tháng 11 năm 1999 |
(Theo Quyết định số 145/1999 /QĐ-TTg ngày 28 tháng 6 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ)
Thi hành Quyết định số 145/1999/QĐ-TTg ngày 28 tháng 6 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, Bộ Tài chính hướng dẫn những vấn đề về tài chính như sau:
1. Đối tượng được bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài bao gồm: doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hoá, công ty cổ phần sản xuất kinh doanh thuộc các ngành quy định tại Phụ lục kèm theo Quyết định số 145/1999/QĐ-TTg ngày 28 tháng 6 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ.
2. Đối tượng nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của các doanh nghiệp Việt Nam bao gồm:
- Tổ chức kinh tế tài chính nước ngoài hoạt động ngoài lãnh thổ Việt Nam kể cả các tổ chức kinh tế đang có vốn đầu tư tại Việt Nam.
- Người nước ngoài không thường trú tại lãnh thổ Việt Nam.
- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
- Người nước ngoài thường trú tại Việt Nam.
3. Mức bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài:
Tổng số giá trị cổ phần bán cho các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của công ty. Trong trường hợp công ty cổ phần chưa huy động đủ mức vốn điều lệ thì tổng số cổ phần bán cho các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% số cổ phần đã huy động.
Trường hợp chỉ có một nhà đầu tư nước ngoài đăng ký mua cổ phần của công ty thì nhà đầu tư nước ngoài đó cũng được mua tối đa 30% mức vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần đã huy động.
4. Việc bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài được thực hiện trực tiếp tại doanh nghiệp hoặc thông qua tổ chức bảo lãnh, đại lý phát hành.
Trường hợp cổ phần bán qua tổ chức bảo lãnh, đại lý phát hành thì doanh nghiệp và tổ chức bảo lãnh phát hành phải có hợp đồng bảo lãnh phát hành; mức phí và điều kiện bảo lãnh phát hành do 2 bên thoả thuận, nhưng tối đa không quá tỷ lệ phí bảo lãnh phát hành do Nhà nước quy định.
5. Doanh nghiệp có quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho phép bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài phải thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng ít nhất năm số liên tiếp của một tờ báo Trung ương và một tờ báo địa phương trước khi tổ chức bán hoặc trường hợp phải đấu giá như quy định tại mục 2.2 phần II dưới đây. Nội dung thông báo bao gồm: Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, giá trị doanh nghiệp, giá trị phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp do cơ quan có thẩm quyền công bố, mức vốn điều lệ, tổng số cổ phần bán cho nhà đầu tư nước ngoài, tổng số cổ phần bán cho các nhà đầu tư trong nước, các chỉ tiêu kết quả kinh doanh, công nợ của doanh nghiệp trước khi bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.
6. Việc bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài thực hiện bằng đồng Việt Nam. Nếu nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần bằng ngoại tệ phải chuyển đổi bằng đồng Việt Nam theo chế độ quản lý ngoại hối hiện hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Nhà đầu tư nước ngoài có nhu cầu mua cổ phần của các doanh nghiệp Việt Nam được phép và phải mở tài khoản tại các tổ chức tài chính hoặc các Ngân hàng thương mại đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Mọi hoạt động mua, bán cổ phần; nhận, sử dụng cổ tức và chuyển tiền từ đầu tư mua cổ phần ra khỏi lãnh thổ Việt Nam đều thông qua tài khoản này.
1. Xác định giá trị doanh nghiệp để bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài:
1.1- Đối với doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hoá:
Doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hoá được phép bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài thì việc xác định giá trị doanh nghiệp áp dụng theo Thông tư số 104/1998/TT-BTC ngày 18/7/1998 và các văn bản khác của Bộ Tài chính hướng dẫn những vấn đề về tài chính khi chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần.
Kết quả xác định giá trị doanh nghiệp do cơ quan tài chính công bố là cơ sở để tính giá bán cổ phần ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp theo chế độ hiện hành, là giá tối thiểu để tổ chức đấu giá (gọi tắt là giá sàn) trong trường hợp phải bán đấu giá.
1.2- Đối với công ty cổ phần: Việc xác định giá trị doanh nghiệp để bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài do công ty tổ chức Hội đồng định giá. Hội đồng có thể mời các tổ chức hoặc chuyên gia am hiểu về xác định giá trị doanh nghiệp để tư vấn hoặc thuê cơ quan kiểm toán độc lập trong nước có đủ điều kiện và tin cậy để xác định giá trị doanh nghiệp.
2. Giá bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài:
2.1- Giá bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài về nguyên tắc tương ứng với giá bán cho nhà đầu tư trong nước. Chủ sở hữu doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài có thể thoả thuận giá khác, nhưng không thấp hơn giá bán cho nhà đầu tư trong nước.
2.2- Tổ chức tiếp xúc với nhà đầu tư nước ngoài và xác định giá bán cổ phần:
Sau khi thông báo về việc bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp cùng tổ chức bảo lãnh, phát hành, tổ chức tiếp xúc riêng từng nhà đầu tư nước ngoài để tìm hiểu về: năng lực công nghệ, tài chính, thị trường và nguyện vọng tham gia quản lý.
Căn cứ vào kết quả tiếp xúc, doanh nghiệp chọn nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp. Giá bán cổ phần không thấp hơn giá bán cho nhà đầu tư trong nước.
Trong trường hợp có nhiều nhà đầu tư nước ngoài cùng đăng ký mua cổ phần vượt tỷ lệ khống chế 30% thì tổ chức đấu giá theo quy định hiện hành. Giá bán là giá của nhà đầu tư bỏ giá cao nhất.
2.3- Thẩm quyền quyết định giá bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài do doanh nghiệp quyết định theo nguyên tắc ở điểm 2.1 nói trên. Đối với các doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hoá, trường hợp chỉ có thể bán thấp hơn giá sàn thì việc điều chỉnh giá bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài được thực hiện theo phân cấp tại điểm 8.2 Mục II Phần thứ hai của Thông tư 104/1999/TT-BTC ngày 18/7/ 1998 của Bộ Tài chính.
3. Các quy định về việc bán cổ phần:
- Việc bán cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài phải tuân thủ các quy định tại Nghị định số 48/1998/NĐ-CP ngày 11/7/1998 của Chính phủ về chứng khoán và Thị trường chứng khoán, Thông tư số 01/1998/TT-UBCK ngày 13/10/1998 của Uỷ ban chứng khoán Nhà nước. Tuỳ theo hình thức phát hành (trực tiếp hoặc thông qua các tổ chức bảo lãnh, đại lý) doanh nghiệp có thể yêu cầu các nhà đầu tư thực hiện các hoạt động đăng ký, đặt cọc; ký kết hợp đồng bảo lãnh hoặc đại lý. Riêng đối với hình thức bán trực tiếp thì doanh nghiệp có quyền yêu cầu các nhà đầu tư phải đặt cọc tối đa 10% giá trị cổ phần đăng ký mua.
- Trường hợp cùng một lúc có nhiều tổ chức độc lập đăng ký bảo lãnh thì doanh nghiệp phải tổ chức đấu thầu hoặc yêu cầu các tổ chức bảo lãnh phối hợp để thành lập tổ hợp bảo lãnh phát hành như quy định tại mục VII Thông tư số 01/1998/TT-UBCK ngày 13/10/1998 của Uỷ ban chứng khoán Nhà nước.
4. Quản lý tiền bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài:
4.1- Doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hoá; công ty cổ phần có bán phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho nhà đầu tư nước ngoài thì toàn bộ số tiền thu bán cổ phần thuộc vốn Nhà nước thực hiện theo Mục V Phần thứ hai của Thông tư số 104/1998/TT-BTC ngày 18/7/1998 về hướng dẫn những vấn đề về tài chính khi chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần; sau khi trừ chi phí bảo lãnh phát hành (nếu có) tương ứng với số cổ phần thuộc vốn Nhà nước bán cho nhà đầu tư nước ngoài, phần còn lại doanh nghiệp có trách nhiệm nộp vào tài khoản thu về cổ phần hoá của Nhà nước theo chế độ hiện hành.
4.2- Đối với việc phát hành cổ phiếu huy động thêm vốn của công ty cổ phần: Công ty cổ phần phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài để huy động thêm vốn thì số tiền thu được là vốn thuộc sở hữu của công ty được nộp vào tài khoản của công ty cổ phần.
5. Cổ phiếu của cổ đông là người nước ngoài: Là cổ phiếu phổ thông có ghi tên, giá trị danh nghĩa của một cổ phần là 100.000 đồng. Kho bạc thống nhất in, quản lý và cung cấp tờ cổ phiếu "trắng" cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp làm thủ tục để mua tờ cổ phiếu "trắng" cho nhà đầu tư nước ngoài đồng thời với việc mua tờ cổ phiếu cho nhà đầu tư trong nước. Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần có trách nhiệm quản lý thực hiện các công việc quy định về việc ghi tờ cổ phiếu và cung cấp tờ cổ phiếu cho các cổ đông .
6. Quyền lợi của người lao động và của doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hoá có bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài: Được áp dụng như các doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hoá theo Nghị định số 44/1998/NĐ-CP ngày 29/6/1998 của Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn.
7. Quyền và nghĩa vụ của cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài:
7.1- Được quyền tham gia hoặc không tham gia quản lý công ty cổ phần theo quy định của Luật Công ty và Điều lệ tổ chức và hoạt động của công ty cổ phần.
7.2- Được sử dụng cổ phiếu để cầm cố, thế chấp trong các quan hệ tín dụng ở Việt Nam.
7.3- Được chuyển nhượng cổ phiếu sau 1 năm nếu không tham gia quản lý công ty, sau 3 năm nếu tham gia quản lý công ty kể từ ngày sở hữu cổ phần trong công ty cổ phần theo hướng dẫn của Uỷ ban chứng khoán Nhà nước.
7.4- Được chuyển đổi các khoản thu bằng đồng Việt Nam về cổ tức, chuyển nhượng cổ phần thành ngoại tệ theo chế độ quản lý ngoại hối hiện hành do Ngân hàng
Nhà nước Việt Nam hướng dẫn để chuyển ra nước ngoài sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về thuế theo quy định tại Luật Đầu tư nước ngoài và Luật thuế Việt Nam hiện hành.
Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài dùng cổ tức thu được để tái đầu tư tại Việt Nam thì được áp dụng như quy định của Luật Khuyến khích đầu tư trong nước.
7.5- Được hưởng quyền lợi khác như cổ đông trong công ty là người trong nước và các quyền do pháp luật quy định.
7.6- Thực hiện các nghĩa vụ quy định trong Luật Công ty, Luật Đầu tư nước ngoài, Luật Khuyến khích đầu tư trong nước, điều lệ tổ chức và hoạt động của công ty cổ phần.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày Quyết định số 145/1999/QĐ-TTg ngày 28 tháng 6 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực thi hành. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu giải quyết.
Phạm Văn Trọng (Đã ký) |
- 1Thông tư 73/2003/TT-BTC hướng dẫn Quy chế góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành
- 2Quyết định 57/2004/QĐ-BTC công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tài chính ban hành đến ngày 31/12/2003 hết hiệu lực pháp luật do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 1Thông tư 73/2003/TT-BTC hướng dẫn Quy chế góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành
- 2Quyết định 57/2004/QĐ-BTC công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tài chính ban hành đến ngày 31/12/2003 hết hiệu lực pháp luật do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 1Nghị định 48/1998/NĐ-CP về chứng khoán và thị trường chứng khoán
- 2Nghị định 44/1998/NĐ-CP về việc chuyển doanh nghiệp Nhà nước thành Công ty cổ phần
- 3Thông tư 104/1998/TT-BTC hướng dẫn những vấn đề tài chính khi chuyển doanh nghiệp Nhà nước thành Công ty cổ phần (theo Nghị định 44/1998/NĐ-CP) do Bộ Tài chính ban hành
- 4Thông tư 01/1998/TT-UBCK hướng dẫn Nghị định 48/1998/NĐ-CP về phát hành cổ phiếu, trái phiếu ra công chúng do Uỷ ban chứng khoán nhà nước ban hành
- 5Quyết định 145/1999/QĐ-TTg về Quy chế bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Thông tư 132/1999/TT-BTC hướng dẫn bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài do Bộ Tài chính ban hành
- Số hiệu: 132/1999/TT-BTC
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 15/11/1999
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính
- Người ký: Phạm Văn Trọng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 1
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra