Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 13-TT

Hà Nội, ngày 15 tháng 09 năm 1963

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ CÔNG TÁC VÀ CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP GIẢNG DẠY CHO GIẢNG VIÊN CÁC TRƯỜNG, LỚP TẠI CHỨC (HỌC BUỔI TỐI, HỌC BẰNG THƯ) ĐẠI HỌC VÀ TRUNG CẤP

Cán bộ giảng dạy các trường, lớp tại chức (học buổi tối, học bằng thư) có mục đích đào tạo cán bộ trung cấp và đại học do các Bộ, các ngành mở là những giảng viên chuyên nghiệp của các trường và là những giảng viên kiêm chức của các cơ quan và cơ sở sản xuất. Cho đến nay, việc xét chọn, cử những giảng viên này chưa dựa vào những nguyên tắc nhất định và việc sử dụng, đãi ngộ, quản lý chưa theo một chế độ thống nhất.
Để đáp ứng yêu cầu củng cố và phát triển các trường lớp tại chức, cần thiết phải có một đội ngũ giảng viên tương đối đầy đủ về số lượng và chất lượng, được tổ chức và làm việc theo những nội quy và chế độ chặt chẽ.
Căn cứ vào quy chế chung về tổ chức các trường, lớp tại chức trung cao và đại học được ban hành tại nghị định số 101-TTg ngày 11-10-1962 của Phủ Thủ tướng,
Bộ Giáo dục, sau khi đã thoả thuận với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và Bộ Lao động.

QUY ĐỊNH:

I. VỀ XÉT, CHỌN, CỬ GIẢNG VIÊN

1. Giảng viên các lớp tại chức do trường ban ngày mở theo như quy chế chung, được chọn trong những giảng viên chuyên nghiệp hiện đang dạy ở trường đó. Ngoài ra, có thể là những giảng viên chuyên nghiệp hoặc giảng viên kiêm chức ở nơi khác do trường mời đến dạy.

2. Giảng viên các trường, lớp tại chức do cơ quan, cơ sở sản xuất mở theo như quy chế chung, được xét, chọn, cử trong số những cán bộ tốt nghiệp các trường đại học, trung cấp chuyên nghiệp trong và ngoài nước hoặc có trình độ tương đương hiện đang công tác, có điều kiện và khả năng giảng dạy. Ngoài ra, có thể là những giảng viên chuyên nghiệp hoặc giảng viên kiêm chức ở nơi khác do cơ quan, cơ sở sản xuất mời đến dạy.

Như vậy, căn cứ yêu cầu và khối lượng công tác giảng dạy ở các nơi mở trường lớp tại chức, có thể chia ra hai loại: loại giảng viên chuyên nghiệp và loại giảng viên kiêm chức.

Việc xét chọn, cử và định loại các giảng viên do Thủ trưởng cơ quan, trường học hoặc cơ sở sản xuất đề nghị và được Bộ sở quận ra quyết định (Nếu là trường, lớp do địa phương mở thìủy ban hành chính tỉnh ra quyết định).

II. VỀ CHẾ ĐỘ CÔNG TÁC

Giảng viên các trường, lớp tại chức có trách nhiệm hoàn thành tốt công tác chung của mình phụ trách. Khối lượng công tác giảng dạy các trường, lớp tại chức được tính vào khối lượng công tác nói chung theo sự phân công của từng nơi đối với từng loại giảng viên chuyên nghiệp hay kiêm chức.

1. Đối với giảng viên chuyên nghiệp, sau khi bảo đảm đầy đủ khối lượng công tác đã được quy định, nếu do yêu cầu phải giảng dạy thêm thì căn cứ vào khối lượng giảng dạy thêm mà được hưởng phụ cấp dạy giờ theo chế độ chung. Tuy nhiên, để chiếu cố đến tính chất công tác giảng dạy ở các lớp buổi tối, nơi mở lớp cần tạo những điều kiện thuận lợi nhất (sắp xếp thời gian, cung cấp tài liệu…) để giảng viên có thể hoàn thành công tác được tốt. Số giờ dạy thêm tối đa không được vượt quá 1/2 số giờ tiêu chuẩn tối đa đã được quy định.

2. Đối với giảng viên kiêm chức nói chung, nên sắp xếp giảng dạy ngoài giờ chính quyền. Nếu do yêu cầu của nơi mình đang công tác phải giảng dạy trong giờ chính quyền thì coi như thực hiện nhiệm vụ công tác. Tuy nhiên, do tính chất công tác giảng dạy, nên được hưởng mức phụ cấp thù lao nhất định. Ngoài ra, Thủ trưởng cơ quan, cơ sở sản xuất có nhiệm vụ tạo những điều kiện thuận lợi nhất (sắp xếp thời gian, cung cấp tài liệu…) để giảng viên kiêm chức có thể vừa công tác, nghiên cứu, sản xuất, vừa làm công tác giảng dạy tốt.

Để bảo đảm chất lượng giảng dạy, giảng viên kiêm chức dạy ở nơi mình công tác có thể sử dụng tối đa 6 giờ một tuần trong giờ chính quyền hoặc vài ba ngày một tháng (chủ yếu để soạn bài). Việc quy định cụ thể số giờ cho từng giảng viên kiêm chức do Thủ trưởng đơn vị có giảng viên quyết định căn cứ yêu cầu của công tác giảng dạy và khả năng thực tế của từng giảng viên theo nguyên tắc không được quá một nửa tổng số giờ giảng dạy đã được quy định cho từng loại giảng viên chuyên nghiệp. Trong thời gian giảng dạy, nếu vượt quá số giờ quy định trên, sẽ xét để chuyển người giảng viên kiêm chức ấy hưởng theo chế độ công tác và chế độ phụ cấp như giảng viên chuyên nghiệp. Giảng viên kiêm chức còn có thể đi dạy ở nơi khác nếu có yêu cầu của nơi đó với cơ quan quản lý giảng viên và được Thủ trưởng đồng ý trên nguyên tắc tổng số phụ cấp làm thêm giờ không quá 50% lương chính bản thân.

III. VỀ CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP THÙ LAO

Giảng viên các trường, lớp tại chức có trách nhiệm hoàn thành tốt ba khâu chủ yếu của công tác giảng dạy, là soạn bài, giảng bài và chấm bài. Căn cứ vào số khâu công tác hoàn thành để quy định việc tính phụ cấp thù lao:

1. Cách tính phụ cấp thù lao:

a) Đối với các lớp buổi tối (hoặc theo ca, kíp) sẽ căn cứ vào số giờ giảng bài thêm ngoài giờ tiêu chuẩn để tính phụ cấp làm thêm giờ.

b) Đối với các lớp học bằng thư, có hai trưòng hợp:

- Nếu làm cả ba khâu (soạn, giảng, chấm) thì căn cứ vào số giờ giảng bài quá tiêu chuẩn để tính phụ cấp thù lao.

- Nếu chỉ làm có hai khâu (soạn, chấm) thì căn cứ vào tính chất và số bài chấm được quy ra số giờ giảng bài để tính phụ cấp thù lao theo nguyên tắc từ 10 đến 15 bài chấm (đối với trung cấp), từ 8 đến 12 (đối với đại học) được tính là một giờ giảng bài, theo giá biểu phụ cấp dạy giờ hiện hành tại các trường đại học và trường trung cấp chuyên nghiệp. Việc định loại bài do Thủ trưởng cơ quan, trường học hoặc cơ sở sản xuất quyết định.

2. Mức phụ cấp:

a) Đối với giảng viên chuyên nghiệp, căn cứ vào giá biểu phụ cấp dạy giờ hiện hành tại các trường đại học và trung cấp chuyên nghiệp.

b) Đối với giảng viên kiêm chức, có ba trưòng hợp khi giảng dạy ở nơi mình đang công tác:

- Nếu soạn trong giờ chính quyền và giảng bài trong giờ chính quyền được hưởng 30% định mức giá biểu phụ cấp dạy giờ hiện hành;

- Nếu soạn trong giờ chính quyền và giảng ngoài giờ chính quyền (hoặc soạn ngoài giờ chính quyền và giảng trong giờ chính quyền), được hưởng 65% định mức giá biểu phụ cấp dạy giờ hiện hành;

- Nếu soạn ngoài giờ chính quyền và giảng ngoài giờ chính quyền, được hưởng 100% định mức giá biểu phụ cấp dạy giờ hiện hành.

Ngoài ra, trong trưòng hợp giảng viên kiêm chức được phép đi dạy ngoài (điều 2, mục II) thì được hưởng 100% định mức giá biểu phụ cấp dạy giờ hiện hành.

3. Cách thanh toán:

Mọi khoản chi phí về phụ cấp thù lao giảng dạy do nơi mở lớp thanh toán với cơ sở quản lý giảng viên.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Các Bộ, các ngành có trường, lớp đào tạo tại chức (học buổi tối, học bằng thư…) trung cấp và đại học đã được tổ chức theo quy chế chung ban hành tại Nghị định số 101-TTg ngày 11-10-1962 có trách nhiệm nghiên cứu, căn cứ vào thông tư này; để có những quy định cụ thể cho ngành mình.

2. Những quy định trước đây về vấn đề chế độ công tác và phụ cấp giảng dạy cho giảng viên ở các trường, lớp đào tạo tại chức (học buổi tối, học bằng thư…) đại học và chuyên nghiệp trung cấp trái với thông tư này đều bãi bỏ.

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC
THỨ TRƯỞNG




Lê Văn Giạng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 13-TT năm 1963 quy định chế độ công tác và chế độ phụ cấp giảng dạy cho giảng viên các trường, lớp tại chức (học buổi tối, học bằng thư) Đại học và Trung cấp do Bộ Giáo Dục ban hành

  • Số hiệu: 13-TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 15/09/1963
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục
  • Người ký: Lê Văn Giạng
  • Ngày công báo: 03/04/1963
  • Số công báo: Số 9
  • Ngày hiệu lực: 15/09/1963
  • Ngày hết hiệu lực: 08/02/1980
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản