Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 13-LĐTBXH/TT

Hà Nội, ngày 21 tháng 8 năm 1989

THÔNG TƯ

SỐ 13 -LĐTBXH/TT NGÀY 21-8-1989 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHĨA VỤ LAO ĐỘNG CÔNG ÍCH

Căn cứ vào điều 16 và điều 26 Nghị định số 56-HĐBT ngày 30-5-1989 của Hội đồng Bộ trưởng quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Nghĩa vụ lao động công ích ;
Sau khi thống nhất với Bộ Tài chính (tại công văn số 1043-TC/HCVX 5-8-1989 của Bộ Tài chính ), Bộ Lao động Thương binh và xã hội hướng dẫn một số điểm cụ thể như sau :

1. Đối tượng được miễn giảm lao động công ích hàng năm quy định tại điều 10 của Pháp lệnh và điều 1 của Nghị định là kể cả người được hưởng chính sách như thương binh; người mất sức lao động từ 61% trở lên có giấy chứng nhận của Hội đồng giám định y khoa, người có bệnh kinh niên, không thể làm việc nặng được, có giấy chứng nhận của y tế cấp xã trở lên.

2. Những trường hợp được tạm miễn giảm lao động công ích hàng năm quy định tại điều 11 của Pháp lệnh và điều 1 của Nghị định là nếu ốm đau đang điều trị, điều dưỡng thì phải có giấy chứng nhận của cơ sở đang điều trị, điều dưỡng; nếu vợ chết hoặc ly hôn, người chồng phải trực tiếp nuôi con nhỏ chưa đủ 36 tháng; là người lao động duy nhất trong gia đình phải nuôi từ 3 người trở lên, kể cả bản thân.

3. Về trợ cấp sinh hoạt (điểm 1, điều 12 và điều 13 của Nghị định):

- Nếu làm việc vào ban đêm (từ 22 giờ đến 6 giờ sáng) thì trợ cấp được tính gấp đôi;

- Người có nghề chuyên môn kỹ thuật (mộc, nề, sắt...) nếu sử dụng đúng nghề đúng bậc công việc, thì cứ mỗi định mức lao động hoặc một ngày công nhật, được hưởng trợ cấp bằng một số tiền như sau:

Bậc 1, bậc 2 : trợ cấp tương đương giá trị 1,25 Kg gạo.

Bậc 3 trở lên: trợ cấp tương đương giá trị 1,5 Kg gạo.

4. Các chế độ khác (điểm 4, điều 12 và điều 13 của Nghị định):

- Dầu thắp sáng: lao động công ích ở tập trung trong lán trại hay trong nhà dân, cứ mỗi người làm việc trong 10 ngày được cấp 0,1 lít dầu hoả (hoặc bằng một số tiền tương đương) ;

- Chè uống: mỗi ngày mỗi người làm việc trên công trường được cấp 10 gr chè gói loại thường (hoặc bằng một số tiền tương đương ).

5. Nguồn chi trả trợ cấp (điều 13 của Nghị định ):

- Trợ cấp một lần và chi phí chôn cất (quy định tại điểm 3, điều 13 của Nghị định) do đơn vị sử dụng lao động công ích thanh toán và tính giá trị vào thành công trình.

- Trợ cấp hàng tháng và trợ cấp người nuôi dưỡng (quy định tại điểm 3, điều 12 của Nghị định): nếu là cán bộ, công nhân viên chức Nhà nước hoặc các đối tượng có nộp bảo hiểm xã hội hàng tháng thì do quỹ bảo hiểm xã hội chi trả; các đối tượng còn lại thì do ngân sách địa phương chi trả.

6. Các xã, phường, thị trấn, cơ quan, xí nghiệp phải lập sổ lao động nghĩa vụ lao động công ích hàng năm. Người có nghĩa vụ lao động công ích hàng năm nếu không đi làm được, thì đóng góp bằng tiền. Số tiền đóng góp thay một ngày công do Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương quy định. Việc thu thu nộp và quản lý tiền nghĩa vụ lao động công ích thực hiện theo chế độ tài chính hiện hành. Mỗi tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương được lập quỹ tiền nghĩa vụ lao động công ích và trực tiếp quản lý và đầu tư cho các công trình được sử dụng lao động công ích đã ghi trong kế hoạch huy động, sử lao động công ích hàng năm của địa phương.

7. Sử dụng khoản trích lại 5% (điều 3 của Nghị định) :

- Uỷ ban Nhân dân xã, phường, thị trấn được trích lại 4% số tiền thu được để chi trả thù lao cho người trực tiếp làm công tác huy động lao động công ích và mua sổ sách, biểu mẫu báo cáo, biên lai thu tiền và tài liệu hướng dẫn chế độ nghĩa vụ lao động công ích ở xã, phường, thị trấn;

- Uỷ ban Nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh được trích dùng 0,7% số tiền thu được ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;

- Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương được trích 0,3% số tiền thu được ở tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương để chi cho công tác huy động, quản lý sử dụng, công tác tuyên truyền, tổng kết báo cáo về chế độ nghĩa vụ lao động công ích trong địa phương.

8. Ban Thanh tra Bộ Lao động Thương binh và xã hội có trách nhiệm thanh tra việc thực hiện chế độ nghĩa vụ lao động công ích của các ngành, các cấp. Sở Lao động - Thương binh và xã hội có trách nhiệm phối hợp với các ngành liên quan giúp Uỷ ban Nhân dân địa phương tổ chức thực hiện chế độ lao động công ích; hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra và định kỳ báo cáo về Bộ Lao động - Thương binh và xã hội việc thực hiện chế độ nghĩa vụ lao động công ích của địa phương.

Trong quá trình thực hiện, đề nghị các địa phương, các ngành phản ánh kịp thời những vướng mắc về Bộ Lao động - Thương binh và xã hội để giải quyết.

Trần Hiếu

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 13-LĐTBXH/TT-1989 hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ lao động công ích do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành

  • Số hiệu: 13-LĐTBXH/TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 21/08/1989
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Trần Hiếu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 19
  • Ngày hiệu lực: 05/09/1989
  • Ngày hết hiệu lực: 03/05/2001
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản