Hệ thống pháp luật

TỔNG CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 13-3B

Hà Nội, ngày 14 tháng 08 năm 1972

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP ĐÔNG CON, TRỢ CẤP GIA ĐÌNH KHÓ KHĂN, ĐỐI VỚI NHỮNG CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC TẠM NGHỈ VIỆC MỘT THỜI GIAN KHÔNG HƯỞNG LƯƠNG HOẶC HƯỞNG TRỢ CẤP 20Đ00 MỘT THÁNG

Ngày 07 tháng 07 năm 1972, Thủ tướng Chính phủ ra Thông tư số 195-TTg quy định một số chế độ trả lương tạm thời trong thời chiến. Trong đó có quy định những công nhân, viên chức tạm nghỉ việc một thời gian không được trợ cấp, hoặc có được trợ cấp, đều vẫn thuộc biên chế của đơn vị và vẫn được hưởng các quyền lợi của công nhân, viên chức như: tiêu chuẩn cung cấp lương thực, thực phẩm, trợ cấp con (nếu có)…

Căn cứ vào nhiệm vụ đã được quy định tại Nghị định số 31-CP ngày 20/03/1963 của Hội đồng Chính phủ, Tổng công đoàn Việt Nam hướng dẫn việc áp dụng chế độ trợ cấp đông con, trợ cấp gia đình khó khăn đối với những công nhân, viên chức tạm nghỉ việc một thời gian không hưởng lương hoặc hưởng trợ cấp 20đ00 một tháng như sau:

1. Trợ cấp đông con

a) Đối với những người tạm nghỉ việc một thời gian không hưởng lương.

Nếu trước khi nghỉ việc người đó đang hưởng trợ cấp đông con, thì trong thời gian tạm nghỉ việc xí nghiệp, cơ quan cho người đó nghỉ việc tiếp tục cấp phát khoản trợ cấp con, cách trả trợ cấp này có thể trả hàng tháng, hàng qúy hoặc trả cả thời gian người đó nghỉ việc.

b) Đối với những người tạm nghỉ việc hưởng trợ cấp hàng tháng 20đ00.

Khoản trợ cấp đông con sẽ trả cùng một lúc với khoản trợ cấp 20đ00. Nghĩa là nếu cơ quan, xí nghiệp, quyết định trả khoản trợ cấp 20đ00 cho người đó hàng tháng, hàng qúy hoặc trả cả thời gian tạm nghỉ việc thì khoản trợ cấp đông con cũng trả như vậy.

c) Trong thời gian tạm nghỉ việc không hưởng lương, hoặc hưởng trợ cấp 20đ00 nếu đẻ thêm con (con thứ ba, thứ tư…) thì người công nhân, viên chức đó cũng hưởng trợ cấp đông con theo quy định hiện hành. Trường hợp hai vợ chồng đều là đối tượng hưởng trợ cấp con thì trả cho người có mức lượng cao hơn (lương cấp bậc trước khi nghỉ việc) và do cơ quan, xí nghiệp sử dụng người đó trả.

2. Trợ cấp gia đình khó khăn.

Trong thời gian tạm nghỉ việc, nếu gia đình người công nhân, viên chức đó gặp khó khăn thường xuyên, khó khăn đột xuất, khó khăn do địch đánh phá mất đồ dùng cần thiết, đều được áp dụng các khoản trợ cấp khó khăn theo quy định hiện hành. Cơ quan, xí nghiệp cho công nhân, viên chức tạm nghỉ xét và quyết định mức trợ cấp. Trường hợp cả hai người trong gia đình đều thuộc đối tượng hưởng trợ cấp khó khăn mà 1 người nghỉ việc thì cơ quan, xí nghiệp của người đang làm việc xét và trợ cấp cho người đó.

Khi tính thu nhập để xét trợ cấp cho những đối tượng trên, thì lấy số tiền thực thu hiện tại của người đó, cộng với thu nhập của gia đình (nếu có) không lấy mức lương trước khi nghỉ việc để tính thu nhập bình quân.

Nhận được thông tư này, yêu cầu các Bộ, các ngành, các Ủy ban hành chính tỉnh, khu phổ biến cho các cơ sở thi hành.

TM. BAN THƯ KÝ TỔNG CÔNG ĐOÀN
ỦY VIÊN THƯỜNG TRỰC




Đỗ Trọng Giang

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 13-3B-1972 hướng dẫn thi hành chế độ trợ cấp đông con, trợ cấp gia đình khó khăn, đối với những công nhân, viên chức tạm nghỉ việc một thời gian không hưởng lương hoặc hưởng trợ cấp 20đ00 một tháng do Tổng Công Đoàn Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 13-3B
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 14/08/1972
  • Nơi ban hành: Tổng Công đoàn Việt Nam
  • Người ký: Đỗ Trọng Giang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 14
  • Ngày hiệu lực: 29/08/1972
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản