Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 126-TC/TT/ST

Hà Nội, ngày 29 tháng 12 năm 1958

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC THI HÀNH THUẾ MÔN BÀI 1959

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Kính gửi: Các ông Chủ tịch Ủy ban hành chính, khu Tự trị, thành phố, tỉnh

Căn cứ Chỉ thị số 558-TTg ngày 24-12-1958 của Thủ tướng Chính phủ về thuế môn bài, Bộ nêu dưới đây một số điểm chính về kế hoạch lãnh đạo thực hiện việc thu thuế môn bài năm 1959.

Như chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ: thuế môn bài sẽ góp phần vào việc quản lý thị trường, sắp xếp công thương nghiệp tư doanh, hướng dẫn kinh doanh đúng đường lối chính sách của Đảng và Chính phủ.

Thi hành vào dịp trước Tết Âm lịch, thuế môn bài có tác dụng hạn chế thương nhân phát triển bừa bãi trong dịp Tết. Nhưng thuế môn bài là một thứ thuế mới; bao trùm một phạm vi khá rộng trên dưới 27 vạn hộ lớn nhỏ) và thi hành trong điều kiện đời sống của một số hộ nhỏ còn gặp những khó khăn.

Để phát huy tác dụng tích cực của chính sách thuế môn bài trong việc quản lý thị trường, khuyến khích kinh doanh đúng hưởng và phát triển sản xuất, yêu cầu của công tác thuế môn bài là: một mặt phải làm cho cán bộ và nhân dân hiểu rõ chính sách và ra sức chấp hành, mặt khác trong việc vận dụng chính sách, phải chiếu có thích đáng những hộ nhỏ còn gặp nhiều khó khăn trong đời sống; đồng thời phải chiếu cố đầy đủ đặc điểm kinh tế của các vùng.

1) Về phạm vi thi hành:

a) Thuế môn bài, nói chung, thi hành trong toàn quốc. Nhưng đối với các vùng miền núi, kế hoạch thi hành không giống như ở miền xuôi; đặc biệt đối với những nơi xa xôi, hẻo lánh có thể chưa thi hành thuế môn bài; Ủy ban Hành chính các Khu Tự trị và các tỉnh miền núi, căn cứ tình hình của địa phương, có thể quyết định giảm hay miễn thuế môn bài cho từng nghề hoặc đề nghị Bộ hoãn thu thuế môn bài cho từng vùng.

b) Nguyên tắc là phải có giấy đăng ký của cơ quan công thương cho phép kinh doanh thì cơ quan thuế mới thu thuế môn bài. Nhưng hiện nay công tác đăng ký công thương chưa hoàn thành ở khắp nơi, cho nên cần có sự châm chước thích đáng: Căn cứ sự hướng dẫn của hai Bộ Thương nghiệp và Tài chính, Sở Thuế trung ương sẽ giải thích cụ thể về vấn đề này.

c) Về tiền khai trương thì năm 1959 chỉ thu trong 2 trường hợp sau đây:

- Trong năm 1958 đã kinh doanh nhưng không được đăng ký công thương và không nộp thuế công thương nghiệp;

- Năm 1959 mới ra kinh doanh và được đăng ký công thương.

2) Việc miễn thuế môn bài đối với những kinh doanh nhỏ.

Hiện nay đời sống của một số người kinh doanh nhỏ còn có khó khăn; việc chuyển nghề đối với họ chỉ có thể tiến hành dần từng bước đi đôi với đà phát triển kinh tế chung. Cho nên về thuế cần phải có sự chiếu cố thích đáng.

Rút kinh nghiệm đợt miễn giảm thuế hộ nhỏ tiến hành hồi tháng 08-1958, điều 5 điều lệ thuế môn bài đã quy định việc miễn thuế cho những người kinh doanh nhỏ, doanh thu thấp hoặc thu nhập bình quân quá ít. Định hai tiêu chuẩn (doanh thu và thu nhập bình quân) là để đảm bảo cho việc xét miễn được sát thực tế và tương đối nhanh, gon. Nghị định số 350-TC/NĐ ngày 27-12-1958 của Bộ quy định những mức doanh thu dùng làm căn cứ để miễn thuế môn bài.

Về tiêu chuẩn thu nhập bình quân nhân khẩu, nghị định không nêu ra những mức cụ thể mà giao cho Ủy ban Hành chính xét định, thi hành một cách linh hoạt, sát hợp với hoàn cảnh từng nơi và từng đối tượng cần được chiếu cố.

Ủy ban có thể căn cứ vào mức sinh hoạt bình thường của địa phương để định một mức tiêu chuẩn có tính chất hướng dẫn trong cán bộ.

Vấn đề chủ yếu là làm thế nào dựa vào các cơ sở quần chúng ở địa phương, bàn bạc với quần chúng để không bỏ sót người đáng miễn, nhưng cũng không miễn giảm tràn lan, gây ảnh hưởng không tốt cho việc chấp hành chính sách.

3) Về thời gian:

Việc thu thuế môn bài cần làm nhanh và gọn, cố gắng làm xong trước Tết âm lịch 5, 7 ngày (trước 31-01-1959). Có hoàn thành được việc thu thuế môn bài trước tết thì mới có thể phát huy được tác dụng của thuế môn bài trong việc quản lý thị trường, quản lý kinh doanh, hạn chế thương nhân phát triển bừa bãi trong dịp tết, và có hoàn thành được trước tết 5, 7 ngày hay hơn nữa, thì mới có thể giảm bớt căng thẳng về thuế đối với nhân dân, cũng như dồn dập công tác đối với cán bộ trong dịp tết.

4) Công tác tuyên truyền giải thích chính sách thuế môn bài là công tác mấu chốt đảm bảo cho việc thu thuế tiến hành được thuận lợi. Việc tuyên truyền giải thích cần được tiến hành sâu rộng trong mọi từng lớp nhân dân, trong cán bộ, bộ đội, công nhân cũng như trong các tầng lớp công thương. Chỉ trên cơ sở tuyên truyền giải thích đầy đủ ý nghĩa và tác dụng tích cực của chính sách thuế môn bài trong nhân dân thì mới có thể tranh thủ được sự đồng tình và ủng hộ của đông đảo nhân dân trong việc thực hiện chính sách.

Trong khi thực hiện cần phải phối hợp chặt chẽ giữa công tác thu thuế và công tác quản lý của cơ quan công thương, nhất là trong việc đăng ký kinh doanh các nhà công thương.

Việc thu thuế môn bài tiến hành trong dịp này có nhiều thuận lợi nhưng cũng có nhiều khó khăn, đề nghị các Ủy ban chú ý nghiên cứu kỹ chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo chặt chẽ việc giáo dục và thực hiện chính sách ở địa phương, động viên bồi dưỡng cán bộ, làm cho anh chị em thông suốt với chính sách và nhiệm vụ, quyết tâm vượt khó khăn, hoàn thành tốt việc thu thuế môn bài 1959.

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG





Trịnh Văn Bính

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 126-TC/TT/ST năm 1958 thi hành thuế môn bài 1959 do Bộ Tài Chính ban hành

  • Số hiệu: 126-TC/TT/ST
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 29/12/1958
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Trịnh Văn Bính
  • Ngày công báo: 21/01/1959
  • Số công báo: Số 3
  • Ngày hiệu lực: 13/01/1959
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản