Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 126/2018/TT-BTC

Hà Nội, ngày 26 tháng 12 năm 2018

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG KINH PHÍ SỰ NGHIỆP THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “HỖ TRỢ HỌC SINH, SINH VIÊN KHỞI NGHIỆP ĐẾN NĂM 2025”

Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Thực hiện Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”;

Thực hiện Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30 tháng 10 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” (sau đây viết tắt là Đề án) được quy định tại Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30 tháng 10 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 1665/QĐ-TTg).

2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có sử dụng kinh phí sự nghiệp để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án theo quy định tại Quyết định số 1665/QĐ-TTg, gồm:

a) Các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng, trường trung cấp, trường trung học phổ thông và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (sau đây viết tắt là các cơ sở giáo dục - đào tạo); học sinh, sinh viên đang học tại các cơ sở giáo dục - đào tạo; cán bộ, giảng viên, giáo viên, người làm công tác hỗ trợ sinh viên trong các cơ sở giáo dục - đào tạo;

b) Các doanh nghiệp, quỹ đầu tư, nhà đầu tư và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước;

c) Các Bộ, cơ quan trung ương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Điều 2. Nguồn kinh phí sự nghiệp thực hiện Đề án

1. Nguồn kinh phí sự nghiệp thực hiện Đề án

a) Nguồn ngân sách nhà nước (ngân sách chi sự nghiệp giáo dục và đào tạo thuộc ngân sách trung ương, ngân sách địa phương theo phân cấp ngân sách); nguồn kinh phí lồng ghép trong các chương trình, đề án về giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; nguồn kinh phí hỗ trợ khởi nghiệp lồng ghép trong Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; Chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa;

b) Nguồn thu hoạt động sự nghiệp, Quỹ hỗ trợ học sinh, sinh viên, Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của các cơ sở giáo dục - đào tạo;

c) Nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; các nguồn vốn xã hội hóa, nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

2. Nguyên tắc sử dụng kinh phí

a) Việc sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp để thực hiện Đề án theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan.

b) Ngoài nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, khuyến khích các tổ chức, cá nhân quy định tại Khoản 2 Điều 1 Thông tư này sử dụng các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án.

Điều 3. Lập, phân bổ dự toán, quản lý và quyết toán kinh phí thực hiện Đề án

Việc lập, phân bổ, chấp hành dự toán và quyết toán kinh phí Đề án thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Ngân sách nhà nước, đảm bảo hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án.

Chương II

NỘI DUNG VÀ MỨC CHI

Điều 4. Nội dung và mức chi cho các hoạt động thông tin, truyền thông

1. Chi biên soạn các tài liệu, ấn phẩm phục vụ công tác truyền thông

a) Chi sản xuất các tài liệu, ấn phẩm dưới dạng các tác phẩm báo chí, xuất bản (các chương trình, chuyên mục, tiểu phẩm, ký sự, bài viết): Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 18/2014/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2014 của Chính phủ quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản (Nghị định số 18/2014/NĐ-CP).

b) Chi sản xuất các tài liệu, ấn phẩm dưới dạng các tác phẩm văn học nghệ thuật (tranh, pa-nô, áp phích, băng-rôn, khẩu hiệu, bảng điện tử): Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 21/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác (Nghị định số 21/2015/NĐ-CP).

c) Chi biên soạn, xây dựng các tài liệu, ấn phẩm dưới dạng giáo trình, tài liệu giảng dạy trong nhà trường; tài liệu bồi dưỡng; sổ tay, cẩm nang hướng dẫn; tờ rơi, tờ gấp: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 76/2018/TT-BTC ngày 17 tháng 8 năm 2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn nội dung, mức chi xây dựng chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình môn học đối với giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp (Thông tư số 76/2018/TT-BTC).

d) Chi mua, sửa chữa, nhân bản, phát hành các tài liệu, ấn phẩm dưới dạng các tác phẩm báo chí, xuất bản; tác phẩm văn học nghệ thuật: Thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2013 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Trường hợp có liên quan đến nhuận bút, thù lao: thực hiện theo quy định tại Nghị định số 18/2014/NĐ-CP, Nghị định số 21/2015/NĐ-CP.

2. Chi tổ chức sự kiện ngày hội khởi nghiệp quốc gia cho học sinh, sinh viên trong toàn quốc

Cơ quan tổ chức sự kiện ngày hội khởi nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) chi hỗ trợ cho các đội tham dự sự kiện ngày hội khởi nghiệp:

a) Chi hỗ trợ cho học sinh, sinh viên là thành viên các đội tham dự sự kiện ngày hội khởi nghiệp: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị (Thông tư số 40/2017/TT-BTC):

- Hỗ trợ tiền mua vé tầu, xe theo mức giá quy định của nhà nước và các doanh nghiệp vận tải theo lộ trình, chặng đi.

- Hỗ trợ tiền ăn, tiền nghỉ theo định mức quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC;

- Số lượng học sinh, sinh viên được hỗ trợ chi phí: Căn cứ khả năng kinh phí ngân sách nhà nước được bố trí để tổ chức sự kiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định cụ thể về số lượng học sinh, sinh viên được hỗ trợ nhưng không quá 15 người/đội.

b) Chi hỗ trợ các khoản chi phí thuê mặt bằng (điện, nước, vệ sinh, an ninh, bảo vệ); chi phí vận chuyển và thiết kế, dàn dựng gian hàng; chi phí hoạt động chung của việc tham gia sự kiện ngày hội khởi nghiệp (truyền thông, công tác phí, khen thưởng, trang trí, các chi phí liên quan khác): mức hỗ trợ tối đa 15 triệu đồng/đơn vị/lần tham gia.

3. Chi tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn, các cuộc giao lưu để giới thiệu ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước; giới thiệu, tuyên truyền, hướng dẫn cho học sinh, sinh viên về việc sử dụng, khai thác nguồn thông tin, học liệu từ Cổng Thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia theo Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC.

4. Chi giải thưởng cho các tổ chức, cá nhân có ý tưởng đoạt giải tại Cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên: Thực hiện theo quy định tại Điểm c, Điểm d Điều 3 Thông tư số 27/2018/TT-BTC ngày 21 tháng 3 năm 2018 của Bộ Tài chính quy định chế độ tài chính cho hoạt động tổ chức Giải thưởng sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam, Hội thi sáng tạo kỹ thuật và Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng; cụ thể:

Nội dung

Cuộc thi toàn quốc

Cuộc thi tại các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương

Giải đặc biệt

20 triệu đồng/giải

Tối đa bằng 80% mức giải thưởng tương ứng của Cuộc thi toàn quốc.

Giải nhất

15 triệu đồng/giải

Giải nhì

10 triệu đồng/giải

Giải ba

8 triệu đồng/giải

Giải khuyến khích

5 triệu đồng/giải

Số lượng các giải thưởng thực hiện theo quy định tại Thể lệ (hoặc Điều lệ) tổ chức các cuộc thi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 5. Nội dung và mức chi cho các hoạt động hỗ trợ đào tạo khởi nghiệp

1. Chi biên soạn tài liệu đào tạo, bồi dưỡng dưới dạng giáo trình, tài liệu giảng dạy trong nhà trường; tài liệu bồi dưỡng; sổ tay, cẩm nang hướng dẫn; tờ rơi, tờ gấp, gồm tài liệu đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ đối với đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn, hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp tại các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng, trường trung cấp (cơ sở đào tạo); tài liệu đào tạo, tập huấn các kiến thức cơ bản về khởi nghiệp cho đội ngũ cán bộ, giáo viên hướng nghiệp tại các trường phổ thông và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; tài liệu cung cấp kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên; tài liệu đào tạo cán bộ tư vấn hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp; tài liệu đào tạo giáo viên hướng nghiệp; tài liệu về khởi nghiệp của chương trình đào tạo theo hướng bắt buộc hoặc tự chọn trong các cơ sở đào tạo: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 76/2018/TT-BTC.

2. Chi tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn có liên quan đến nội dung khởi nghiệp của Đề án cho đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn, hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp tại các cơ sở đào tạo; đội ngũ cán bộ, giáo viên hướng nghiệp tại các trường phổ thông và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; Tổ chức các khóa đào tạo, học tập cho học sinh, sinh viên và đội ngũ cán bộ tư vấn, hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp trong các cơ sở đào tạo: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30 tháng 3 năm 2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức.

Chi thuê chuyên gia trong nước, quốc tế để thực hiện các khóa đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn: Yêu cầu về trình độ, năng lực của chuyên gia do nhu cầu của các chương trình đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cụ thể do cơ quan tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn quyết định; Mức chi thuê chuyên gia do cơ quan tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn quyết định trên cơ sở thỏa thuận với chuyên gia bằng hợp đồng và trong phạm vi dự toán được duyệt.

3. Chi tổ chức các hoạt động giao lưu, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm quốc tế cho học sinh, sinh viên và đội ngũ cán bộ tư vấn, hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp trong các cơ sở đào tạo: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC.

4. Chi đoàn ra, đoàn vào: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 102/2012/TT-BTC ngày 21 tháng 6 năm 2012 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí cho cán bộ công chức nhà nước đi công tác nước ngoài do ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí, Thông tư số 71/2018/TT-BTC ngày 10 tháng 8 năm 2018 của Bộ Tài chính quy định chế độ tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chế độ chi tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chế độ tiếp khách trong nước.

5. Chi tổ chức các chương trình đào tạo về khởi nghiệp theo hướng bắt buộc hoặc tự nguyện trong các cơ sở giáo dục - đào tạo; chi tổ chức các hoạt động thực tập, trải nghiệm tại doanh nghiệp tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên được tiếp xúc với hoạt động sản xuất kinh doanh: các cơ sở giáo dục - đào tạo sử dụng nguồn kinh phí hợp pháp để tổ chức thực hiện theo quy chế chi tiêu nội bộ.

Điều 6. Nội dung và mức chi cho các hoạt động tạo môi trường hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp

1. Các cơ sở giáo dục đào tạo chủ động sử dụng nguồn kinh phí hợp pháp để:

a) Tổ chức, vận hành, triển khai các hoạt động của trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp; các câu lạc bộ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, khởi sự doanh nghiệp, đổi mới sáng tạo; các câu lạc bộ khoa học kỹ thuật;

b) Sửa chữa, cải tạo, mua sắm, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị để hình thành môi trường dịch vụ cung cấp, hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên, tạo không gian chung cho học sinh, sinh viên của các trường trên cùng địa bàn, khu vực; hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động khởi nghiệp, các câu lạc bộ khởi nghiệp, các trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp.

Kinh phí để tổ chức các hoạt động nêu trên do các cơ sở giáo dục - đào tạo tự quyết định trong phạm vi nguồn tài chính của cơ sở giáo dục - đào tạo, được cụ thể hóa trong quy chế chi tiêu nội bộ của cơ sở giáo dục - đào tạo, bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật và các quy định tại Đề án.

2. Chi xây dựng nội dung, chương trình phát triển sàn giao dịch ý tưởng, dự án khởi nghiệp trực tuyến giữa các cơ sở giáo dục - đào tạo, các học sinh, sinh viên và các doanh nghiệp: Thực hiện theo các quy định hiện hành về chế độ và định mức chi tiêu ngân sách nhà nước, thanh toán theo hợp đồng, hóa đơn, chứng từ chi tiêu hợp pháp và theo quy định của pháp luật về đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Khoa học và công nghệ để thống nhất về nội dung chuyên môn, cách thức triển khai thực hiện để bảo đảm thực hiện có hiệu quả; đồng thời lựa chọn và sàng lọc thông tin về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để cung cấp cho Cổng thông tin Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.

Điều 7. Nội dung và mức chi hỗ trợ nguồn vốn cho các chương trình, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên

1. Các cơ sở giáo dục - đào tạo chủ động sử dụng nguồn kinh phí hợp pháp (bao gồm các nguồn chi thường xuyên, nguồn nghiên cứu khoa học sinh viên, các quỹ hỗ trợ sinh viên, quỹ hỗ trợ hoạt động sự nghiệp, các nguồn thu hợp pháp khác) để hỗ trợ các hoạt động, các ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục - đào tạo. Việc sử dụng kinh phí để tổ chức các hoạt động này được cụ thể hóa trong quy chế chi tiêu nội bộ của cơ sở giáo dục - đào tạo.

2. Các cơ sở giáo dục - đào tạo chủ động xây dựng Quỹ hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp từ nguồn kinh phí xã hội hóa, bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật và các quy định tại Đề án.

Điều 8. Nội dung và mức chi xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp

1. Đối với các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học: Thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 55/TTLT-BTC-BKHCN ngày 22 tháng 4 năm 2015 của Liên Bộ Tài chính - Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn định mức, phân bổ, quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước.

2. Đối với nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 338/2016/TT-BTC ngày 28 tháng 12 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí của ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11 tháng 02 năm 2019.

2. Trường hợp các văn bản dẫn chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì áp dụng theo các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế đó.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các đơn vị kịp thời phản ánh về Bộ Tài chính nghiên cứu, giải quyết./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 126/2018/TT-BTC hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025" do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 126/2018/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 26/12/2018
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Trần Văn Hiếu
  • Ngày công báo: 08/02/2019
  • Số công báo: Từ số 159 đến số 160
  • Ngày hiệu lực: 11/02/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản