Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 114-TTG-NN

Hà Nội, ngày 10 tháng 12 năm 1964

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VÀ HƯỚNG DẪN BẢO VỆ NGUỒN LỢI THỦY SẢN Ở VÙNG NƯỚC NGỌT, NƯỚC LỢ VÀ NƯỚC MẶN VEN BỜ BIỂN

Nguồn lợi thủy sản của nước ta lớn và rất phong phú, nhiều loại có giá trị kinh tế và khoa học cao. Lâu nay, các nguồn lợi thủy sản không được bảo vệ và khai thác một cách hợp lý, tình trạng đánh bắt bừa bãi như dùng các chất độc, chất nổ, bắt tất cả các loại còn nhỏ hoặc đang mang trứng, đánh bắt trong mùa sinh sản…đã gây nhiều thiệt hại đến trữ lượng thủy sản.
Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản và khuyến khích phong trào nuôi thủy sản ngày càng phát triển.
Nay quy định và hướng dẫn một số vấn đề để bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở vùng nước ngọt, nước lợ và nước mặn ven bờ biển nhằm:

a) Bảo vệ các loài thủy sản ở một số khu vực công cộng, tạo điều kiện cho chúng phát triển nhanh và nhiều hơn;

b) Hướng dẫn cách đánh bắt hợp lý, ngăn cấm cách đánh bắt làm thiệt hại hàng loạt giống thủy sản và có ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân;

c) Hướng dẫn phong trào nuôi thủy sản, cải tiến kỹ thuật nuôi và đánh bắt làm cho năng suất ngày một tăng, để đáp ứng nhu cầu cải thiện đời sống nhân dân.

I. BẢO VỆ CÁC NGUỒN LỢI THỦY SẢN

1. Cấm dùng các loại chất nổ để đánh bắt các loại thủy sản. Các cơ quan, xí nghiệp cần dùng chất nổ để xây dựng các công trình hoặc làm các việc cần thiết khác ở các mặt nước, thì cần bàn bạc với Tổng cục Thủy sản (nếu tiến hành trên các sông Hồng, sông Mã, sông Lam) hoặc với Ủy ban hành chính tỉnh (nếu tiến hành ở các sông, suối, hồ chứa khác ở địa phương) nhằm hạn chế sự thiệt hại về nguồn lợi thủy sản.

2. Cấm dùng các chất độc như là cơi, lá và quả thàn mát, quả sú vẹt, khô dầu sổ, vôi, thuốc DDT, thuốc 666 v .v… (ở miền núi gọi là ruốc) để đầu độc cá trên các sông, suối, hồ chứa nước.

3. Các nhà máy; xí nghiệp, hầm mỏ cùng với Tổng cục Thủy sản nghiên cứu xử lý hợp lý các nguồn nước thải, hạn chế, tiến tới không cho nước thải có chất độc chảy thẳng ra sông, hồ nuôi cá.

4. Cấm đánh bắt các ở các bãi cá đẻ trong mùa sinh sản. Các bãi cá đẻ do Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xác định và niêm yết cho nhân dân biết. Thời gian cấm đối với từng loại thủy sản như sau:

a) Các bãi cá mè, trôi, trắm, vền, cắm từ 15 tháng 4 đến 30 tháng 6 dương lịch;

b) Các bãi cá chép, bống cấm từ 20 tháng 3 đến 20 tháng 5 (vụ xuân) và từ 1 tháng 9 đến 30 tháng 10 (vụ thu) dương lịch;

c) Bãi cá chiên cấm từ 1 tháng 3 đến 30 tháng 4 dương lịch.

d) Để bảo vệ nguồn cá bột, cấm bắt cá mè ở hệ thống sông Hồng từ 15 tháng 3 đến 15 tháng 5 dương lịch.

5. Cấm bắt nhặt các loại đặc sản có giá trị kinh tế cao như hầu, hải sâm, đồi mồi, trai ngọc, bào ngư ở các bãi đá quản lý. Tổng cục Thủy sản xác định các bãi đặc sản này và cùng với Ủy ban hành chính tỉnh quy định khuu vực và thời gian cấm.

6. Cấm đánh bắt cá con (nhân dân gọi là cá trụi) ở các vùng nước thông ra sông và ở các vùng bãi ngập nước ven sông đã được địa phương quy định. Khi nước cạn, cá không sống bình thường, sau khi được Ủy ban hành chính huyện đồng ý, thì Ủy ban hành chính xã được tổ chức nhân dân ở gần đó đánh bắt, số cá con không thể giữ lại làm giống được thì mới đem ăn.

7. Cấm đánh bắt thủy sản ở khu vực dự trữ. Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo sự hướng dẫn của Tổng cục Thủy sản, có thể quy định một số khu vực cá hoặc các loài đặc sản khác sống tập trung quanh năm, thành các khu vực dự trữ, coi đó là vùng dự trữ giống và điều hòa sản lượng chung cho cả vùng.

8. Để phục vụ cho yêu cầu nghiên cứu khoa học, Tổng cục Thủy sản được tổ chức hoặc cho phép tổ chức đánh bắt một số cá và đặc sản ở các nơi đã quy định cấm.

II. QUẢN LÝ HƯỚNG DẪN NUÔI VÀ KHAI THÁC CÁC NGUỒN LỢI THỦY SẢN

Nghề nuôi thủy sản là một nghề mới, có hiệu quả kinh tế lớn nhưng tổ chức còn yếu, việc quản lý không tốt, việc áp dụng khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm tiên tiến vào sản xuất chưa được nhiều, công cụ đánh bắt còn nặng về thủ công, thô sơ. Nghề nuôi thủy sản và đánh cá sông cần được tăng cường lãnh đạo, quản lý và chú trọng giúp đỡ, khuyến khích cụ thể về các mặt sau đây:

1. Tổng cục Thủy sản và Ủy ban hành chính các khu tỉnh, thành có nhiệm vụ tổ chức, quản lý và hướng dẫn việc vớt cá bột, đánh cá sông để sản xuất giống và khai thác hợp lý để bảo vệ trữ lượng đáp ứng nhu cầu ngày càng nhiều của nhân dân.

2. Ủy ban hành chính các cấp hướng dẫn các hợp tác xã sử dụng hợp lý nước ao, hồ, ruộng. Tổ chức và củng cố các tổ, đội nuôi thủy sản, chú trọng cung cấp, vật tư, cho vay vốn, tạo điều kiện cho nghề nuôi thủy sản nuôi hết diện tích, đồng thời vận động, khuyến khích nhân dân nuôi thủy sản không ăn cá và các loại đặc sản nhỏ còn có thể giữ lại làm giống.

3. Các quốc doanh nuôi thủy sản, đến khi thu hoạch, nói chung không được đánh bắt thủy sản đang trong thời kỳ sinh trưởng nhanh. Tổng cục thủy sản sẽ quy định cụ thể tiêu chuẩn cho từng giống cá được đánh bắt, áp dụng cho các quốc doanh nuôi thủy sản.

4. Các cơ quan thủy lợi và thủy sản phải kết hợp chặt chẽ với nhau sẽ sử dụng các hệ thống thủy nông, các hồ chứa vào việc nuôi thủy sản để nâng cao năng suất tổng hợp của công trình. Hai bên đều có nhiệm vụ tìm mọi biện pháp bảo vệ thiết bị ở các công trình thủy lợi đã nuôi thủy sản.

5. Ủy ban hành chính các cấp hướng dẫn cho nhân dân cải tiến và hạn chế những công cụ đánh bắt thô sơ có hại đến nguồn giống thủy sản như làm xe, ben, chắn bay, cắm đăng thành từng vùng ở các bãi bồi trên sông và trong các suối.

6. Tổng cục Thủy sản giúp đỡ dân đánh cá cải tiến kỹ thuật, để bắt cá to, tránh bắt ăn thịt các loại cá giống.

7. Mặt nước thuộc tỉnh nào do tỉnh ấy quản lý, tổ chức và hướng dẫn việc khai thác. Những người ở nơi khác đến đánh bắt phải được Ủy ban hành chính tỉnh địa phương có cá cấp giấy phép.

III. TỔ CHỨC CHỈ ĐẠO VÀ THỰC HIỆN

Thủ tướng Chính phủ giao trách nhiệm cho Tổng cục Thủy sản giải thích, hướng dẫn và theo dõi việc thi hành bản thông tư này. Ở các địa phương Ủy ban hành chính các cấp có trách nhiệm chủ trì kết hợp với các ngành, các đoàn thể tổ chức hướng dẫn nhân dân thực hiện các chế độ bảo vệ nguồn lợi thủy sản của Nhà nước.

Mọi người công dân đều có nhiệm vụ tham gia thực hiện bảo vệ nguồn lợi thủy sản và góp phần làm cho nguồn lợi đó mỗi ngày một nhiều thêm. Những cá nhân hoặc tập thể có thành tích bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, tùy theo thành tích đã đạt, được Ủy ban hành chính huyện, tỉnh, Tổng cục Thủy sản hoặc Chính phủ khen thưởng. Những gương tốt về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, Ủy ban hành chính xã và hợp tác xã xã cần chú trọng tuyên dương và xét kịp thời đề nghị lên cấp trên khen thưởng.

Cần giáo dục sâu rộng nội dung thông tư này để các cơ quan Nhà nước và nhân dân chấp hành nghiêm chỉnh và tùy theo trường hợp cần có kỷ luật thích hợp đối với những cơ quan và những kẻ làm trái với thông tư này.

Thông tư này thi hành bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 năm 1965.

KT.THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Phạm Hùng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 114-TTg-NN-1964 quy định và hướng dẫn bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở vùng nước ngọt, nước lợ và nước mặn ven bờ biển do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 114-TTg-NN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 10/12/1964
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 44
  • Ngày hiệu lực: 01/01/1965
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản