Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 113/2020/TT-BTC

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2020

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH LẬP DỰ TOÁN, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ CHI THƯỜNG XUYÊN HOẠT ĐỘNG KINH TẾ GIAO THÔNG ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA

Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004 và Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 17 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 51/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ quy định nguồn tài chính và quản lý, sử dụng nguồn tài chính cho quản lý, bảo trì đường thủy nội địa;

Căn cứ Nghị định số 45/2018/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa;

Căn cứ Nghị định số 159/2018/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa;

Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí chi thường xuyên hoạt động kinh tế giao thông đường thủy nội địa.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí chi thường xuyên hoạt động kinh tế giao thông đường thủy nội địa do ngân sách nhà nước bảo đảm.

2. Thông tư này không áp dụng, thực hiện đối với nguồn kinh phí bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa quy định tại:

a) Điểm a, điểm b và điểm c khoản 5 Điều 8 Nghị định số 45/2018/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa (sau đây viết tắt là Nghị định số 45/2018/NĐ-CP của Chính phủ);

b) Chương IV Nghị định số 159/2018/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên hoạt động kinh tế giao thông đường thủy nội địa do ngân sách nhà nước bảo đảm.

Điều 3. Nguồn kinh phí

1. Kinh phí ngân sách nhà nước chi thường xuyên hoạt động kinh tế giao thông đường thủy nội địa

a) Kinh phí chi thường xuyên hoạt động kinh tế giao thông đường thủy nội địa quốc gia bố trí từ ngân sách trung ương;

b) Kinh phí chi thường xuyên hoạt động kinh tế giao thông đường thủy nội địa địa phương bố trí từ ngân sách địa phương.

2. Nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật (nếu có).

Điều 4. Nguyên tắc quản lý, sử dụng kinh phí

1. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân sử dụng kinh phí chi thường xuyên hoạt động kinh tế giao thông đường thủy phải theo đúng nội dung, kế hoạch quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; quản lý, sử dụng kinh phí đúng chế độ, tiết kiệm và có hiệu quả; chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng có thẩm quyền; thực hiện thanh toán, quyết toán kinh phí đã sử dụng, chế độ công khai ngân sách theo quy định hiện hành.

2. Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định hoặc phân cấp cho cơ quan quản lý trực thuộc quyết định việc áp dụng hình thức bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa đối với từng hoạt động bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định số 45/2018/NĐ-CP đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

3. Việc tổ chức quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa thực hiện theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải và các quy định khác có liên quan (nếu có).

Điều 5. Nội dung chi từ nguồn ngân sách trung ương

1. Chi thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa do Bộ Giao thông vận tải quản lý, bao gồm:

a) Chi lập hồ sơ các vị trí nguy hiểm trên đường thủy nội địa, các vật chướng ngại và theo dõi kết quả xử lý;

b) Chi khảo sát luồng phục vụ quản lý và thông báo luồng đường thủy nội địa; tổ chức giao thông, kiểm tra bảo vệ công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa; quản lý, lắp đặt, điều chỉnh báo hiệu đường thủy nội địa trên bờ, dưới nước; theo dõi thủy chí, thủy văn, đếm phương tiện;

c) Chi bảo dưỡng thường xuyên tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa theo nội dung, kế hoạch bảo trì hàng năm của Bộ Giao thông vận tải phê duyệt;

d) Chi sửa chữa tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, bao gồm sửa chữa định kỳ và sửa chữa đột xuất theo nội dung, kế hoạch bảo trì hàng năm của Bộ Giao thông vận tải phê duyệt;

đ) Chi quan trắc (trừ quan trắc mực nước, theo dõi lưu lượng phương tiện vận tải đã được tính trong chi bảo dưỡng thường xuyên tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa), kiểm định chất lượng công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa theo quy định của pháp luật về bảo trì công trình đường thủy nội địa;

e) Chi thanh toán phần kinh phí chênh lệch (nếu có) cho doanh nghiệp trong trường hợp kinh phí bảo trì luồng đường thủy nội địa lớn hơn giá trị sản phẩm tận thu đối với hình thức bảo trì kết hợp tận thu sản phẩm quy định tại Điều 10 Nghị định số 45/2018/NĐ-CP của Chính phủ (nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa có sản phẩm tận thu) theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền;

g) Chi cho công tác điều tiết khống chế đảm bảo giao thông thường xuyên và chống va trôi;

h) Các khoản chi không thường xuyên khác thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, như phòng, chống thiên tai đường thủy nội địa; xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật quản lý, bảo trì đường thủy nội địa; lập, điều chỉnh quy trình và định mức quản lý, khai thác, bảo trì đối với công trình được đầu tư bằng ngân sách nhà nước đã đưa vào khai thác, sử dụng; ứng dụng công nghệ phục vụ quản lý, vận hành, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, theo quy định của pháp luật liên quan.

2. Chi hoạt động của Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (sau đây viết tắt là Cảng vụ) trong trường hợp nguồn thu phí được để lại chi theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí không đủ bù đắp chi phí hoạt động của Cảng vụ (nếu có). Nội dung chi thực hiện theo quyết định của cấp có thẩm quyền và các quy định của pháp luật liên quan.

3. Các nội dung chi khác theo quy định pháp luật giao thông đường thủy nội địa và pháp luật khác có liên quan (như công tác điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường thủy nội địa ...) bố trí từ kinh phí chi thường xuyên hoạt động kinh tế giao thông đường thủy địa theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

Điều 6. Nội dung chi từ nguồn ngân sách địa phương

Căn cứ nội dung chi quy định tại Điều 5 Thông tư này và quy định của địa phương (nếu có); khả năng kinh phí và hiện trạng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa của địa phương quản lý; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê duyệt nội dung chi thường xuyên hoạt động kinh tế giao thông đường thủy nội địa do địa phương quản lý cho phù hợp, bảo đảm an toàn tuyến đường thủy nội địa do địa phương quản lý.

Điều 7. Mức chi

1. Mức chi thực hiện các nhiệm vụ, dự án hoạt động kinh tế giao thông đường thủy nội địa thực hiện theo định mức, chế độ chi tiêu tài chính của pháp luật hiện hành.

2. Đối với các nhiệm vụ, dự án có định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá sản phẩm thì căn cứ theo số lượng, khối lượng nhiệm vụ được giao, định mức kinh tế - kỹ thuật và theo đơn giá sản phẩm do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định.

Điều 8. Lập, phân bổ, chấp hành dự toán và quyết toán

Việc lập, phân bổ, chấp hành dự toán và quyết toán kinh phí chi thường xuyên hoạt động kinh tế giao thông đường thủy nội địa thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn; Điều 9 Nghị định số 45/2018/NĐ-CP; Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên và các quy định pháp luật liên quan. Thông tư này hướng dẫn cụ thể một số nội dung như sau:

1. Việc tạm ứng, thanh toán kinh phí chi thường xuyên hoạt động kinh tế giao thông đường thủy nội địa thực hiện theo quy định tại Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước và Thông tư số 62/2020/TT-BTC ngày 22 tháng 6 năm 2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước. Ngoài ra:

a) Đối với hình thức bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa theo chất lượng thực hiện: Hồ sơ thanh toán phải gửi kèm theo kết quả giám sát, nghiệm thu kết quả bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa theo chất lượng thực hiện theo quy định tại Thông tư số 08/2019/TT- BGTVT ngày 28 tháng 02 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về quy định tiêu chí giám sát, nghiệm thu kết quả bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa theo chất lượng thực hiện và các quy định khác trong hợp đồng bảo trì (nếu có).

b) Đối với công trình nạo vét và duy trì chuẩn tắc thiết kế trong khoảng thời gian xác định: Việc tạm ứng, mức tạm ứng, thanh toán kinh phí thực hiện theo quy định của pháp luật đối với nguồn vốn đầu tư công; ngoài ra, trong hồ sơ tạm ứng (trừ tạm ứng lần đầu) và thanh toán phải gửi kèm theo Biên bản nghiệm thu hoàn thành khối lượng nạo vét và duy trì chuẩn tắc thiết kế giai đoạn thi công công trình và khối lượng nạo vét theo từng giai đoạn (06 tháng, 01 năm) theo quy định tại điểm a khoản 6 Điều 21 Nghị định số 159/2018/NĐ-CP.

c) Đối với công trình nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm: Việc thanh toán các khoản chi quy định tại điểm e khoản 1 Điều 5 Thông tư này trên cơ sở thanh toán Hợp đồng bảo trì kết hợp tận thu sản phẩm theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 45/2018/NĐ-CP.

2. Quyết toán

a) Việc quyết toán kinh phí chi thường xuyên hoạt động kinh tế giao thông đường thủy nội địa thực hiện theo quy định tại Thông tư số 137/2017/TT-BTC ngày 25 tháng 12 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định xét duyệt, thẩm định, thông báo và tổng hợp quyết toán năm (Thông tư số 137/2017/TT-BTC).

b) Đối với công trình nạo vét và duy trì chuẩn tắc thiết kế trong khoảng thời gian xác định; các công trình sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất công trình đường thủy nội địa và công trình sửa chữa khác có kinh phí từ 500 triệu đồng trở lên, ngoài việc thực hiện quyết toán hàng năm theo quy định tại Thông tư số 137/2017/TT-BTC, phải thực hiện quyết toán theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư số 92/2017/TT-BTC ngày 18 tháng 9 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định về lập dự toán, phân bổ và quyết toán kinh phí để thực hiện sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất và Thông tư số 10/2020/TT-BTC ngày 20 tháng 02 năm 2020 của Bộ Tài chính quy định về quyết toán dự án hoàn thành sử dụng nguồn vốn nhà nước.

3. Việc xử lý số dư cuối năm dự toán chi thường xuyên hoạt động kinh tế giao thông đường thủy nội địa thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Điều 9. Công tác kiểm tra

1. Bộ Giao thông vận tải, Sở Giao thông vận tải, cơ quan có liên quan ở địa phương có trách nhiệm phối hợp với cơ quan tài chính cùng cấp kiểm tra định kỳ, đột xuất tình hình quản lý, sử dụng thanh toán, quyết toán kinh phí chi thường xuyên hoạt động kinh tế giao thông đường thủy nội địa tại các đơn vị thuộc quyền quản lý.

2. Các khoản chi thường xuyên hoạt động kinh tế giao thông đường thủy nội địa vượt định mức, chi không đúng chế độ, chi sai nội dung quy định tại Thông tư này, đều phải xuất toán và xử lý theo quy định.

Điều 10. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2021.

2. Nội dung chi hoạt động của Cảng vụ quy định tại khoản 2 Điều 5 của Thông tư này được thực hiện cho đến khi có quy định mới của Chính phủ về cơ chế quản lý tài chính và thu nhập của các cơ quan quản lý hành chính.

3. Thông tư liên tịch số 102/2016/TTLT-BTC-BGTVT ngày 29 tháng 6 năm 2016 của liên Bộ Tài chính - Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn chế độ lập dự toán, quản lý, cấp phát và thanh quyết toán vốn sự nghiệp kinh tế đường thủy nội địa hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

4. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật làm căn cứ, được dẫn chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp dụng theo các văn bản quy phạm pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

5. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính để giải quyết kịp thời./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 113/2020/TT-BTC quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí chi thường xuyên hoạt động kinh tế giao thông đường thủy nội địa do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 113/2020/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 30/12/2020
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Đỗ Hoàng Anh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 115 đến số 116
  • Ngày hiệu lực: 15/02/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản