Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 11-LĐTBXH/TT

Hà Nội, ngày 07 tháng 4 năm 1997

THÔNG TƯ

CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 11-LĐTBXH/TT NGÀY 7 THÁNG 4 NĂM 1997 HƯỚNG DẪN ÁP DỤNG CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM XÃ HỘI ĐỐI VỚI NGƯỜI LÀM NGHỀ HOẶC CÔNG VIỆC THUỘC DANH MỤC NGHỀ, CÔNG VIỆC ĐẶC BIỆT NẶNG NHỌC, ĐỘC HẠI, NGUY HIỂM VÀ NẶNG NHỌC, ĐỘC HẠI, NGUY HIỂM

Căn cứ Điều lệ bảo hiểm xã hội ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26-1-1995 và Điều lệ bảo hiểm xã hội đối với sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, binh sỹ quân đội và công an nhân dân ban hành kèm theo Nghị định số 45/CP ngày 15-7-1995 của Chính phủ;
Căn cứ vào các Quyết định số 1453/LĐTBXH-TT ngày 13-10-1995, số 915/LĐTBXH-TT ngày 30-7-1996, số 1629/LĐTBXH-TT ngày 26-12-1996, số 1085/LĐTBXH-TT ngày 6-9-1996 và số 44/LĐTBXH-TT ngày 29-1-1997 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành tạm thời Danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn áp dụng các chế độ bảo hiểm xã hội đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

Bao gồm những người thực sự làm các nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc Danh mục nghề do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định và thuộc diện thực hiện bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định tại các văn bản sau:

- Điều lệ bảo hiểm xã hội ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26-1-1995 của Chính phủ và Thông tư số 06/LĐTBXH-TT ngày 4-4-1995 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện Điều lệ Bảo hiểm xã hội;

- Điều lệ Bảo hiểm xã hội đối với sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, binh sỹ quân đội nhân dân và công an nhân dân ban hành kèm theo Nghị định số 45/CP ngày 15-7-1995 của Chính phủ và Thông tư số 29/LB-TT ngày 2-11-1995 của Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Quốc phòng - Nội vụ hướng dẫn thực hiện Điều lệ Bảo hiểm xã hội.

II. CÁCH TÍNH THỜI GIAN LÀM NGHỀ HOẶC CÔNG VIỆC ĐẶC BIỆT NẶNG NHỌC, ĐỘC HẠI, NGUY HIỂM VÀ NẶNG NHỌC, ĐỘC HẠI, NGUY HIỂM ĐỂ HƯỞNG BẢO HIỂM XÃ HỘI

1. Nguyên tắc tính thời gian.

Căn cứ vào nghề hoặc công việc trong Danh mục ban hành kèm theo các Quyết định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để áp dụng như sau:

a - Người có thời gian làm nghề hoặc công việc xếp loại V, loại VI được tính là thời gian làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

b - Người có thời gian làm nghề hoặc công việc xếp loại IV được tính là thời gian làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

2. Cách tính thời gian đối với người đã có quá trình làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

a - Đối với người làm nghề hoặc công việc trước đây (trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành) đã được xếp loại IV, nay theo Danh mục nghề mới xếp cùng loại IV thì thời gian được tính theo loại IV kể từ khi bắt đầu làm nghề hoặc công việc đó.

Thí dụ:

Một người có thời gian làm 1 nghề từ năm 1960 đến nay, trước đây nghề này được xếp loại IV, nay theo Danh mục nghề mới cũng được xếp loại IV thì người này được tính thời gian làm nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm từ năm 1960 đến nay.

b - Đối với người làm nghề hoặc công việc mà trước đây đã được xếp loại V, nay theo Danh mục nghề mới cũng được xếp loại V hoặc xếp loại VI thì thời gian được tính theo loại V hoặc loại VI kể từ khi bắt đầu làm nghề hoặc công việc đó.

Thí dụ:

Một người có thời gian làm 1 nghề từ năm 1970 đến nay, trước đây nghề này được xếp loại V, nay theo Danh mục nghề mới cũng được xếp loại V thì người này được tính thời gian làm nghề đặc biệt nặng nhọc từ năm 1970 đến nay.

c - Đối với người làm cùng 1 nghề hoặc công việc nhưng trước đây chưa được xếp loại mà nay nghề hoặc công việc này được xếp loại IV trở lên thì thời gian làm nghề hoặc công việc này được tính loại IV trở lên từ khi bắt đầu làm nghề hoặc công việc đó.

Thí dụ:

Một người có thời gian làm thợ xây ở Trường Sa từ năm 1992 nhưng chưa được xếp loại, nay theo Danh mục nghề mới được xếp loại IV thì được tính thời gian làm công việc loại IV từ năm 1992 đến nay.

d - Đối với người làm nghề hoặc công việc mà trước đây được xếp loại thấp hơn, nay theo Danh mục mới nghề hoặc công việc đó được xếp loại cao hơn thì người này được tính thời gian theo loại cao hơn kể từ khi bắt đầu vào làm nghề hoặc công việc đó.

Thí dụ:

Một công nhân làm nhiệm vụ xây lắp, sửa chữa đường cáp ngầm thông tin từ năm 1972, được xếp loại IV; nay theo Quyết định số 1453//LĐTBXH-QĐ ngày 13-10-1995 được xếp loại V thì thời gian làm nghề xây lắp sửa chữa cáp ngầm được tính từ năm 1972 đến nay là loại V.

e - Đối với một người làm nghề hoặc công việc mà trước đây đã được xếp loại cao hơn, nay theo Danh mục nghề mới xếp loại thấp hơn thì được tính thời gian làm nghề hoặc công việc theo loại cao đã xếp từ khi làm nghề hoặc công việc đó đến nay, từ nay trở đi tính theo loại mới thấp hơn.

Thí dụ:

Một quân nhân có thời gian từ 1980 đến nay làm thủ kho xăng dầu. Thời gian từ 1980 đến nay được xếp loại V theo quy định tại phụ lục kèm theo Thông tư số 313/TT-LB ngày 3-3-1994 của Liên Bộ Quốc phòng - Lao động-Thương binh và xã hội - Tài chính. Từ nay trở đi được xếp loại IV theo Danh mục nghề kèm theo Quyết định số 1085/LĐTBXH-QĐ ngày 6-9-1996 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Cách tính thời gian của quân nhân là:

- Từ năm 1980 đến nay được tính là nghề loại V (nghề đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm);

- Từ nay trở đi được tính là nghề loại IV (nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm).

III. ÁP DỤNG CÁC CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM XÃ HỘI.

Đối với người làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội như những người lao động khác; đồng thời còn được hưởng các chế độ theo những quy định riêng tại Điều lệ Bảo hiểm xã hội ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26-1-1995 của Chính phủ và Thông tư số 06/LĐ-TBXH-TT ngày 4-4-1995 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Điều lệ Bảo hiểm xã hội đối với sỹ quan, binh sỹ quân đội nhân dân và công an nhân dân ban hành kèm theo Nghị định số 45/CP ngày 15-7-1995 của Chính phủ và Thông tư số 29/LB-TT ngày 2-11-1995 của Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Quốc phòng - Nội vụ.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN.

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Các quy định trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

Những người đã nghỉ việc hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội trước ngày Thông tư này có hiệu lực không áp dụng việc tính lại thời gian công tác theo quy định tại Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ảnh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, giải quyết.

Trần Đình Hoan

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 11-LĐTBXH/TT-1997 hướng dẫn áp dụng chế độ bảo hiểm xã hội đối với người làm nghề hoặc công việc thuộc danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động, thương binh và xã hội ban hành

  • Số hiệu: 11-LĐTBXH/TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 07/04/1997
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Trần Đình Hoan
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 10
  • Ngày hiệu lực: 22/04/1997
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản