Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 106/2000/TT-BTC

Hà Nội, ngày 24 tháng 10 năm 2000

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 106/2000/TT-BTC NGÀY 24 THÁNG 10 NĂM 2000 HƯỚNG DẪN VIỆC GIẢM, MIỄN CÁC LOẠI THUẾ ĐỐI VỚI VÙNG LŨ LỤT

Trong các năm gần đây, lũ lụt liên tiếp xảy ra ở nhiều vùng trong cả nước làm thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; Đồng thời tác động xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong vùng lũ lụt. Căn cứ vào các Luật thuế hiện hành, căn cứ Nghị Quyết số 15/2000/NQ-CP ngày 6/10/2000 của Chính phủ, nhằm giúp các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tại các vùng lũ lụt thiên tai sớm khắc phục được hậu quả, phục hồi sản xuất kinh doanh , ổn định đời sống, Bộ Tài chính hướng dẫn việc giảm, miễn các loại thuế đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tại các vùng bị lũ lụt như sau:

I. MIỄN, GIẢM THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG:

1. Đối với các cơ sở kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế.

- Hàng hoá có thuế giá trị gia tăng đầu vào được cơ quan thuế xác định kịp thời và khấu trừ đầy đủ. Thuế giá trị gia tăng đầu ra kê khai theo đúng số hàng hoá thực tế đã bán. Trường hợp thuế giá trị gia tăng đầu vào lớn hơn thuế giá trị gia tăng đầu ra thì được hoàn thuế hàng tháng.

- Các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thực hiện nộp thuế giá trị gia tăng nếu bị lỗ thì được giảm thuế theo quy định tại Điều 28 của Luật thuế giá trị gia tăng.

2. Đối với hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp trực tiếp và khoán thuế .

Căn cứ vào mức độ thiệt hại do lũ lụt của từng hộ kinh doanh để xem xét miễn thuế hoặc giảm 50% số thuế phải nộp 1 hoặc 2 tháng. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác định mức độ thiệt hại và quy định việc giảm, miễn thuế.

II. MIỄN, GIẢM THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP (TNDN):

1. Đối với các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, chi phí khắc phục hậu quả sau lũ lụt được công nhận là khoản chi phí hợp lý để xác định thu nhập chịu thuế. Nếu hạch toán khoản chi phí hợp lý này vào mà không còn thu nhập chịu thuế thì không phải nộp thuế TNDN. Trường hợp đã tính đủ chi phí mà doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh bị lỗ thì được chuyển số lỗ này vào thu nhập chịu thuế các năm sau (thời hạn 3 năm):

2. Đối với hộ kinh doanh công thương nghiệp và dịch vụ, việc miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 24/2000/TT/BTC ngày 30/3/2000 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 08/2000/QĐ-TTg ngày 17/1/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các hộ kinh doanh công thương nghiệp và dịch vụ bị thiên tai, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ.

III. MIỄN, GIẢM TIỀN THUÊ ĐẤT, THUẾ NHÀ ĐẤT:

1. Miễn giảm tiền thuê đất:

Đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh hiện đang đăng ký hợp đồng thuê đất và nộp tiền thuê đất cho Nhà nước, tuỳ theo mức độ thiệt hại được miễn, giảm tiền thuê đất như sau:

Các cơ sở sản xuất kinh doanh có mức thiệt hại trên 50% giá trị tài sản, hậu quả lũ lụt để lại phải khắc phục trong một thời gian dài mới ổn định sản xuất kinh doanh được miễn tiền thuê đất trong thời gian 1 năm.

Các cơ sở sản xuất kinh doanhcó mức thiệt hại dưới 50% giá trị tài sản được giảm khoảng 50% tiền thuê đất trong thời gian 1 năm.

2. Miễn giảm thuế nhà đất:

Đối với hộ gia đình ở nông thôn và thành thị, các cơ sở kinh doanh có diện tích kê khai nộp thuế nhà đất có nhà cửa, công trình xây dựng bị trôi, mất hoặc đổ sập do lũ lụt được miễn thuế nhà đất 1 năm.

Đối với hộ gia đình ở nông thôn và thành thị, các cơ sở kinh doanh có diện tích kê khai nộp thuế nhà đất có nhà cửa, công trình xây dựng bị hư hỏng do lũ lụt phải sửa chữa được giảm 50% thuế nhà đất 1 năm.

UBND tỉnh, thành phố quy định việc xác định mức độ thiệt hại và miễn hoặc giảm thuế nhà đất.

IV. MIỄN, GIẢM THUẾ SỬ DỤNG ĐẤT NÔNG NGHIỆP ĐỐI VỚI HỘ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP THUỘC VÙNG BỊ LŨ LỤT:

Việc miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với hộ sản xuất nông nghiệp thuộc vùng bị lũ lụt được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 79/2000/TT-BTC ngày 28/7/2000 của Bộ Tài chính

UBND tỉnh, thành phố quyết định miễn giảm thuế SDĐNN đối với hộ sản xuất nông nghiệp thuộc vùng bị lũ lụt theo đề nghị của Cục trưởng Cục thuế.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Chủ tịch UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:

Căn cứ vào quy định của các Luật thuế và hướng dẫn trên đây, chỉ đạo cơ quan thuế và các ngành có liên quan ở địa phương tổ chức thực hiện việc giảm, miễn các loại thuế kịp thời, đúng chính sách, đúng đối tượng cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tại các vùng bị lũ lụt ở địa phương mình; Chỉ đạo các cơ quan thông tin, tuyên truyền ở địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, giải thích chính sách miễn, giảm thuế của Nhà nước đối với vùng lũ lụt để nhân dân biết và thực hiện.

Quy định cụ thể việc xác định mức độ thiệt hại để cơ quan thuế có căn cứ xét miễn, giảm từng loại thuế trên cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tại các vùng bị lũ lụt.

2. Thông tư này có hiệu lực từ ngày ký và được áp dụng đối với tất cả các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bị thiệt hại do thiên tai gây ra tại các vùng bị lũ lụt trong cả nước.

Vũ Văn Ninh

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 106/2000/TT-BTC hướng dẫn việc giảm, miễn các loại thuế đối với vùng lũ lụt do Bộ tài chính ban hành

  • Số hiệu: 106/2000/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 24/10/2000
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Vũ Văn Ninh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 45
  • Ngày hiệu lực: 24/10/2000
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản