Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1144/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 15 tháng 11 năm 2000

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ CÁC BIỆN PHÁP CẤP BÁCH KHẮC PHỤC HẬU QUẢ LŨ LỤT, KHÔI PHỤC, PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT VÀ ỔN ĐỊNH ĐỜI SỐNG NHÂN DÂN VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Nghị quyết số 15/2000/NQ-CP ngày 6 tháng 10 năm 2000;
Xét đề nghị của các Bộ, ngành Trung ương, uỷ ban nhân dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long trong Hội nghị khắc phục hậu quả lũ lụt, khôi phục sản xuất và ổn định đời sống nhân dân tổ chức tại tỉnh Đồng Tháp ngày 10 -11 tháng 11 năm 2000,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. ủy ban nhân dân các tỉnh bị thiệt hại do lũ gây ra ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và các Bộ, ngành có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện các biện pháp cấp bách sau đây:

1. Tập trung khôi phục, sửa chữa nhà ở, trường học, trạm xá, xử lý nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường và tổ chức tốt việc đưa dân từ nơi tránh lũ về nơi ở cũ theo tinh thần Chỉ thị số 23/2000/CT-TTg ngày 01 tháng 11 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Huy động lực lượng quân đội, công an, dân quân, tự vệ cơ quan, xí nghiệp, các đội thanh niên tình nguyện... tham gia giúp dân sửa chữa nhà ở, phòng chống dịch bệnh, giữ gìn an ninh trật tự.

3. Khẩn trương khôi phục các công trình giao thông, thuỷ lợi cấp bách để phục vụ sản xuất; đảm bảo đủ vốn, lúa giống, xăng dầu, điện, máy bơm nước, vật tư nông nghiệp thiết yếu... đảm bảo sản xuất vụ Đông xuân thắng lợi; chăm sóc phục hồi và cải tạo phát triển các vườn cây ăn trái, các loại cây công nghiệp, chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản.

4. Thực hiện tốt công tác cứu trợ, cứu đói, quan tâm tới đời sống các gia đình thuộc diện chính sách xã hội, có công với cách mạng, đồng bào dân tộc và số đồng bào từ nơi khác đến đang gặp khó khăn. Chính quyền địa phương các cấp phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tiếp tục vận động nhân dân giúp đỡ lẫn nhau với tinh thần tương thân tương ái để nhân dân vùng bị ngập lụt sớm ổn định đời sống và phát triển sản xuất.

5. Phải sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn : Kinh phí của Trung ương hỗ trợ, ngân sách địa phương, tiền và hàng cứu trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, nguồn vốn huy động nhân dân đóng góp và các nguồn lực khác để thực hiện tốt việc cứu trợ xã hội, sớm khắc phục hậu quả do lũ lụt gây ra.

6. Khẩn trương xem xét thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế đối với các hộ, cơ sở sản xuất bị thiệt hại do lũ lụt theo quy định của các Luật thuế; xử lý gia hạn nợ, khoanh nợ và cho vay mới để dân có vốn phát triển sản xuất.

7. Các Bộ, ngành Trung ương chủ động rà soát, điều chỉnh kế hoạch, ưu tiên bố trí vốn ngân sách của Bộ, ngành được phân bổ năm 2000 và 2001 để giúp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long khắc phục hậu quả do lũ lụt gây ra .

Điều 2. Trong năm 2000 Ngân sách Trung ương tiếp tục bổ sung 960 tỷ đồng để giải quyết một số việc cấp bách:

1. Dành 150 tỷ đồng bổ sung chi thường xuyên cho các tỉnh để hỗ trợ dân sinh và khôi phục, phát triển sản xuất (bao gồm: trợ cấp cứu đói, hỗ trợ sửa chữa nhà cửa của dân bị thiệt hại; sửa chữa bệnh viện, trạm xá, trường học; xử lý vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh... hỗ trợ về giống các loại, bơm tiêu nước ...) và được phân bổ như sau :

- Đồng Tháp : 32 tỷ đồng; - Cần Thơ : 14 tỷ đồng;

- An Giang : 30 tỷ đồng; - Vĩnh Long : 9 tỷ đồng;

- Long An : 28 tỷ đồng; - Bến Tre : 4 tỷ đồng;

- Kiên Giang : 17 tỷ đồng; - Trà Vinh : 1 tỷ đồng;

- Tiền Giang: 15 tỷ đồng;

Bộ Tài chính hướng dẫn ngay các địa phương sử dụng khoản kinh phí này.

2. Dành 810 tỷ đồng để khôi phục các công trình cơ sở hạ tầng cấp bách :

a) 125 tỷ đồng để khôi phục các công trình giao thông, thủy lợi cần sửa chữa khôi phục ngay; trong đó 80 tỷ đồng để khôi phục các công trình giao thông do Bộ Giao thông vận tải quản lý; 45 tỷ đồng để khôi phục các công trình thủy lợi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý.

b) 685 tỷ đồng bổ sung vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2000 cho các địa phương để khôi phục, xây dựng các công trình do địa phương quản lý, như : giao thông, thủy lợi, trường học, bệnh viện, trạm xá và các công trình cơ sở hạ tầng khác.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống nhất với Bộ Tài chính phân bổ cụ thể ngay cho từng tỉnh và hướng dẫn các địa phương sử dụng khoản kinh phí này.

Điều 3. Đối với các công trình khắc phục hậu quả do lũ lụt gây ra phải làm ngay, để phục vụ sản xuất và dân sinh ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, cho phép đơn giản hoá trình tự, thủ tục đầu tư và xây dựng :

- Không phải lập và trình duyệt dự án đầu tư hoặc báo cáo đầu tư; uỷ ban nhân dân các tỉnh, Bộ chuyên ngành hoặc cấp được uỷ quyền phê duyệt thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán công trình theo quy định hiện hành.

- Trên cơ sở phê duyệt thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán, cho phép các Bộ chuyên ngành và ủy ban nhân dân các tỉnh thực hiện chỉ định thầu đối với các công trình khắc phục hậu quả lũ lụt và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Sau khi thực hiện đầu tư khắc phục hậu quả, uỷ ban nhân dân các tỉnh hoặc Bộ chuyên ngành phải tổng hợp báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Thủ tướng Chính phủ.

- Việc thanh quyết toán các công trình khắc phục hậu quả lũ lụt được thực hiện đến hết quí I năm 2001.

- Kho bạc Nhà nước xem xét ứng vốn theo tiến độ công trình.

Điều 4. Bộ Tài chính xem xét cấp bù do giảm thu ngân sách năm 2000 cho các địa phương bị thiệt hại lũ lụt theo quy định; cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét kế hoạch thu chi ngân sách năm 2001 để bố trí đủ vốn cho các địa phương khắc phục hậu quả lũ lụt và phát triển sản xuất.

Điều 5. Tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 15/2000/NQ-CP của Chính phủ ngày 6 tháng 10 năm 2000 về đảm bảo yêu cầu phát triển nhanh và bền vững về kinh tế xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long, bảo đảm cuộc sống của nhân dân phát triển ổn định trong điều kiện thường xuyên có lũ lụt.

1. Đối với việc phát triển các công trình cơ sở hạ tầng ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nhất là về giao thông, thủy lợi, xây dựng các cụm, tuyến dân cư phải gắn bó chặt chẽ với nhau trong quy hoạch tổng thể, bảo đảm ngăn mặn, giữ ngọt, thoát lũ nhanh, hạn chế thấp nhất thiệt hại do lũ lụt gây ra.

Các Bộ, ngành, địa phương cần tổ chức đánh giá nghiêm túc tình hình thực tế lũ năm 2000 để thống nhất về quan điểm, chủ trương đầu tư và xây dựng; tiếp tục hoàn thiện các công trình kết cấu hạ tầng hiện có và xây dựng các công trình mới tạo thành hệ thống, đồng bộ nhằm mang lại hiệu quả thiết thực, bền vững phù hợp với diễn biến lũ lụt, tập quán và tiềm năng phát triển kinh tế xã hội của vùng.

2. Uỷ ban nhân dân các tỉnh có trách nhiệm:

- Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, cứu trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, huy động mọi nguồn lực của địa phương, sự đóng góp của nhân dân để sớm khắc phục hậu quả lũ lụt, ổn định đời sống nhân dân, phát triển sản xuất;

- Kiểm tra, xác định cụ thể các hạng mục, công trình cấp bách cần khôi phục ngay trong năm 2000 và đầu năm 2001 và các công trình có khối lượng sửa chữa lớn (chưa giải quyết được ngay) để đưa vào kế hoạch năm 2001.

- Rà soát lại quy hoạch các ngành công nghiệp, dịch vụ, thuỷ sản, điều chỉnh cơ cấu nông nghiệp, kinh tế nông thôn, chuyển đổi mùa vụ sản xuất nông nghiệp cho phù hợp;

Báo cáo Tỉnh ủy để đưa nội dung khắc phục hậu quả lũ lụt, ổn định đời sống nhân dân, khôi phục và phát triển sản xuất vào nội dung thảo luận của Đại hội tỉnh Đảng bộ, làm cơ sở cho việc xác định phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của từng tỉnh.

3. Các Bộ, ngành Trung ương có trách nhiệm:

- Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn, tổng hợp, đánh giá đầy đủ số liệu về lũ năm 2000 ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, để các Bộ, ngành và địa phương có tài liệu làm cơ sở trong việc xác định các giải pháp phòng, chống lũ, xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng và quy hoạch khu dân cư cho phù hợp.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, cơ quan nghiên cứu khoa học, rà soát lại quy hoạch thủy lợi toàn vùng; đánh giá hiệu quả của các công trình đã được xây dựng; đề xuất các giải pháp tiếp theo, gắn việc xây dựng công trình thủy lợi với tuyến giao thông, cụm, tuyến, khu dân cư nhằm mục tiêu ngăn mặn, ngọt hóa, thoát lũ nhanh, kiểm soát được lũ, tránh lũ, bảo vệ độ bền vững các công trình hạ tầng, bảo đảm đời sống nhân dân được ổn định và sinh hoạt bình thường trong mùa lũ;

Đối với các công trình phù hợp với quy hoạch, có cơ sở khoa học thì khẩn trương hoàn tất các thủ tục và trình duyệt sớm để triển khai thi công ngay từ năm 2001.

- Chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu khoa học thuộc Bộ giúp ủy ban nhân dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long quy hoạch các vườn cây ăn trái, xây dựng các cơ sở sản xuất giống có chất lượng cao, thích hợp với điều kiện cụ thể ở từng vùng để cung cấp đủ giống tốt cho nhân dân, cải tạo vườn tạp và có biện pháp bảo vệ vườn cây ăn trái thường xuyên bị ngập lũ.

- Phối hợp với các Bộ: Giao thông vận tải, Xây dựng và các địa phương để thực hiện việc mở rộng và đào sâu các tuyến kênh hiện có, để tăng khả năng thoát lũ và kết hợp lấy đất tôn cao nền đường giao thông, bố trí các tuyến, cụm dân cư, tổ chức chương trình trồng cây gây rừng dọc đường giao thông, các tuyến kênh, các khu dân cư và xung quanh nhà ở của các hộ gia đình, tạo vùng sinh thái bền vững, ổn định đời sống nhân dân trong mùa lũ.

Bộ Xây dựng:

- Chủ trì cùng với các tỉnh nghiên cứu quy hoạch các tuyến, cụm, khu dân cư phù hợp với đặc điểm lũ lụt và tập quán từng vùng, nhằm ổn định dần chỗ ở và sinh hoạt bình thường của dân trong mùa lũ;

- Chỉ đạo việc xây dựng các công trình phúc lợi công cộng như trường học, trạm xá, chợ, bưu điện gắn với các khu dân cư...

- Nghiên cứu các loại nhà ở của dân vừa thích hợp với vùng ngập lụt vừa phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân; khuyến khích nhân dân có điều kiện làm nhà cao tầng để hạn chế việc di dời khi gặp lũ, phối hợp với uỷ ban nhân dân các tỉnh chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện chương trình nhà ở vùng đồng bằng sông Cửu Long trong kế hoạch 5 năm (2001-2005).

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Tổng cục Địa chính xây dựng chính sách đầu tư phát triển khu dân cư và chính sách phát triển nhà ở, cơ chế miễn thu tiền sử dụng đất và thuế chuyển quyền sử dụng đất để xây dựng các khu dân cư vùng thường bị lũ lụt trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm 2000.

Bộ Giao thông vận tải:

- Chủ trì, phối hợp với uỷ ban nhân dân các tỉnh kiểm tra, rà soát lại quy hoạch hệ thống giao thông vùng ngập lũ, bao gồm đường quốc lộ, tỉnh lộ và giao thông nông thôn; xác định độ cao, kết cấu công trình và vật liệu thích hợp, đảm bảo bền vững, đủ khẩu độ cầu, cống thoát lũ, hạn chế hư hỏng và đảm bảo các tuyến giao thông quan trọng hoạt động thông suốt trong mùa mưa lũ.

Bộ Thuỷ sản:

- Xem xét quy hoạch vùng, khu vực nuôi trồng thuỷ sản cho thích hợp ở vùng ngập lũ, chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương trong việc bố trí lại nghề nuôi, thời vụ, sản xuất giống gắn với việc áp dụng công nghệ mới nhằm hạn chế thiệt hại khi lũ lụt xảy ra.

Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế:

- Hướng dẫn và có biện pháp hỗ trợ các địa phương trong việc khôi phục và xây dựng mới trường học, trạm xá theo hướng kiên cố hoá, vượt trên mức nước lũ năm 2000 để duy trì các hoạt động bình thường về giáo dục, y tế trong mùa lũ.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:

- Chỉ đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Ngân hàng Thương mại khác bảo đảm đủ vốn cho dân vay khôi phục sản xuất.

Bộ Tài chính :

- Tính toán bố trí ngân sách cho địa phương và dự toán ngân sách các Bộ, ngành Trung ương để tiếp tục khắc phục hậu quả lũ lụt trong năm 2001, dự kiến mức giảm thu ngân sách năm 2001 ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để cân đối bổ sung ngân sách cho địa phương.

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương có liên quan, ủy ban nhân dân các tỉnh xác định nguồn vốn, cơ chế cho vay từ quỹ hỗ trợ phát triển cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long vay, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15 tháng 12 năm 2000.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành có liên quan, các địa phương xem xét, bố trí vốn cho việc khôi phục và nâng cấp các công trình để đưa vào kế hoạch năm 2001 trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

- Các Bộ, ngành Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm giúp các địa phương vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long xây dựng các phương án, kế hoạch khôi phục, nâng cấp và xây mới các công trình cơ sở hạ tầng, các công trình về y tế, giáo dục-văn hoá do ngành quản lý, phù hợp với quy hoạch, bảo đảm an toàn trong mùa lũ.

- Để chuẩn bị Hội nghị của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Quyết định số 99/TTg ngày 09 tháng 02 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ, uỷ ban nhân dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và các Bộ, ngành liên quan chuẩn bị báo cáo chuyên đề của ngành, địa phương mình, đánh giá cụ thể những việc làm được, những vấn đề còn tồn tại, đề xuất các giải pháp để thực hiện tiếp chương trình này.

Điều 6. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 7. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./. 

 

 
Nơi nhận:
- Thường vụ Bộ Chính trị,
- Thủ tướng, các PTTg CP,
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP,
- HĐND, UBND các tỉnh ĐBSCL,
- Văn phòng Trung ương Đảng,
- Văn phòng Quốc hội,
- Văn phòng Chủ tịch nước,
- Cơ quan Trung ương của các Đoàn thể,
- Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão TW,
- Công báo,
- VPCP: BTCN, các PCN,
- Các Vụ ,Cục,
- Lưu NN,VT.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
 


 
Phan Văn Khải

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1144/QĐ-TTg năm 2000 về các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả lũ lụt, khôi phục, phát triển sản xuất và ổn định đời sống nhân dân vùng đồng bằng sông Cửu Long do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành.

  • Số hiệu: 1144/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 15/11/2000
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 47
  • Ngày hiệu lực: 15/11/2000
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản