Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/2020/TT-BGTVT

Hà Nội, ngày 11 tháng 5 năm 2020

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VIỆC ĐẶT HÀNG, ĐẤU THẦU CUNG CẤP DỊCH VỤ SỰ NGHIỆP CÔNG QUẢN LÝ, BẢO TRÌ ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA QUỐC GIA SỬ DỤNG NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TỪ NGUỒN KINH PHÍ CHI THƯỜNG XUYÊN

Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 17 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên;

Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính và Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định việc đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì đường thủy nội địa quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định việc đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì đường thủy nội địa quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì đường thủy nội địa quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.

Điều 3. Nguồn kinh phí thực hiện cung ứng dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì đường thủy nội địa quốc gia

1. Nguồn kinh phí ngân sách nhà nước chi thường xuyên trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế đường thủy nội địa theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

2. Nguồn phí được để lại chi cho hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí theo pháp luật về phí và lệ phí.

3. Nguồn khác theo quy định của pháp luật (nếu có).

Điều 4. Phương thức cung cấp dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì đường thủy nội địa quốc gia

1. Việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì đường thủy nội địa thực hiện theo phương thức đấu thầu trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Công tác khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm giao thông bước 1 quy định tại Thông tư số 12/2018/TT-BGTVT ngày 28 tháng 3 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về công tác phòng, chống thiên tai trong lĩnh vực đường thủy nội địa được đặt hàng theo quy định.

Điều 5. Cơ quan, đơn vị tổ chức đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì đường thủy nội địa quốc gia

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam là cơ quan tổ chức đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì đường thủy nội địa quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.

Điều 6. Tổ chức đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì đường thủy nội địa quốc gia

1. Đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì đường thủy nội địa thực hiện theo quy định của Điều 16 Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên (sau đây gọi tắt là Nghị định số 32/2019/NĐ-CP).

2. Việc tổ chức đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì đường thủy nội địa được thực hiện khi có đủ các điều kiện sau:

a) Kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt;

b) Hồ sơ mời thầu đã được phê duyệt;

c) Thông tin về đấu thầu đã được đăng tải theo quy định của pháp luật về đấu thầu;

d) Nội dung, danh mục dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì đường thủy nội địa được phê duyệt;

đ) Giá gói thầu dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì đường thủy nội địa được duyệt theo quy định.

3. Nhà thầu tham gia đấu thầu thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công đường thủy nội địa phải có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật hiện hành về đấu thầu.

4. Riêng đối với công tác bảo dưỡng thường xuyên được thực hiện đấu thầu khi có Quyết định giao dự toán chi ngân sách nhà nước của Bộ trưởng Bộ Tài chính và kế hoạch bảo trì được duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 7. Tổ chức đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì đường thủy nội địa quốc gia

1. Danh mục dịch vụ sự nghiệp công tổ chức đặt hàng: Khắc phục, xử lý ách tắc giao thông và tổ chức khắc phục hậu quả thiên tai kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa quốc gia theo quy định tại Điều 19 Thông tư số 12/2018/TT-BGTVT ngày 28 tháng 3 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về công tác phòng, chống thiên tai trong lĩnh vực đường thủy nội địa.

2. Hình thức đặt hàng và nội dung đặt hàng: Theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 14 Nghị định số 32/2019/NĐ-CP.

Điều 8. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong tổ chức đấu thầu, đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì đường thủy nội địa quốc gia

1. Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam thực hiện trách nhiệm của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hiện hành về đấu thầu.

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tổ chức đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì đường thủy nội địa quốc gia, lập, thẩm định và trình người có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; thực hiện trách nhiệm của chủ đầu tư và của bên mời thầu theo quy định của pháp luật hiện hành về đấu thầu.

2. Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tổ chức đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì đường thủy nội địa quốc gia, ký hợp đồng đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo quy định tại Điều 12, Điều 13 và Điều 14 của Nghị định số 32/2019/NĐ-CP.

3. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ủy quyền Cục Đường thủy nội địa Việt Nam phê duyệt giá dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì đường thủy nội địa theo phương thức đặt hàng.

Trình tự lập, thủ tục lập, thẩm định, định giá dịch vụ sự nghiệp công thực hiện theo quy định của Luật giá, Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giá, Nghị định số 149/2016/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 và các quy định pháp luật liên quan về quản lý giá hiện hành.

Điều 9. Điều chỉnh kinh phí đặt hàng, điều chỉnh hợp đồng đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì đường thủy nội địa quốc gia

1. Kinh phí đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì đường thủy nội địa chỉ được điều chỉnh trong các trường hợp sau:

a) Nhà nước thay đổi về cơ chế, chính sách tiền lương;

b) Nhà nước điều chỉnh định mức kinh tế kỹ thuật, định mức chi phí, giá, đơn giá dịch vụ sự nghiệp công, thay đổi số lượng, khối lượng dịch vụ sự nghiệp công đặt hàng;

c) Nguyên nhân bất khả kháng theo quy định của pháp luật ảnh hưởng đến cung cấp dịch vụ sự nghiệp công.

2. Các cơ quan, đơn vị được giao ký hợp đồng đặt hàng, quyết định đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công thực hiện điều chỉnh kinh phí đặt hàng dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì đường thủy nội địa quốc gia sau khi có sự chấp thuận bằng văn bản của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam; việc chấp thuận điều chỉnh kinh phí đặt hàng phải tuân thủ các quy định tại khoản 1 Điều này và trong phạm vi dự toán ngân sách được giao hàng năm.

3. Việc điều chỉnh hợp đồng đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì đường thủy nội địa quốc gia thực hiện theo quy định của hợp đồng và các quy định pháp luật liên quan.

Điều 10. Giám sát, nghiệm thu, thanh toán, quyết toán dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì đường thủy nội địa quốc gia

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tổ chức giám sát, nghiệm thu, thanh toán, quyết toán dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì đường thủy nội địa quốc gia theo quy định của pháp luật.

Điều 11. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020. Bãi bỏ Thông tư số 53/2017/TT-BGTVT ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định việc đấu thầu, đặt hàng sản xuất và cung ứng dịch vụ sự nghiệp công ích quản lý, bảo trì đường thủy nội địa quốc gia thuộc dự toán chi của ngân sách trung ương.

2. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật làm căn cứ, được dẫn chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp dụng theo các văn bản quy phạm pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

Điều 12. Quy định chuyển tiếp

Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam được Bộ Giao thông vận tải giao nhiệm vụ quản lý, bảo trì đường thủy nội địa quốc gia và các cơ quan, đơn vị được Bộ Giao thông vận tải phân cấp hoặc ủy quyền quản lý, bảo trì đường thủy nội địa quốc gia tiếp tục thực hiện tổ chức đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì đường thủy nội địa quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên theo quy định tại các Điều 6, Điều 7, Điều 8, Điều 9 và Điều 10 của Thông tư này và các quy định của pháp luật cho đến khi việc giao nhiệm vụ, phân cấp hoặc ủy quyền kết thúc.

Điều 13. Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 10/2020/TT-BGTVT quy định về việc đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì đường thủy nội địa quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên do Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 10/2020/TT-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 11/05/2020
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: Nguyễn Nhật
  • Ngày công báo: 22/05/2020
  • Số công báo: Từ số 591 đến số 592
  • Ngày hiệu lực: 01/07/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản