Hệ thống pháp luật

TỔNG CỤC HẢI QUAN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 10/1998/TT-TCHQ

Hà Nội, ngày 19 tháng 11 năm 1998

THÔNG TƯ

CỦA TỔNG CỤC HẢI QUAN SỐ 10/1998/TT-TCHQ NGÀY 19 THÁNG 11 NĂM 1998 HƯỚNG DẪN THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG CỬA HÀNG KINH DOANH HÀNG MIỄN THUẾ THEO QUY CHẾ BAN HÀNH TẠI QUYẾT ĐỊNH 205/1998/QĐ-TTG NGÀY 19.10.1998 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

A/ QUI ĐỊNH CHUNG:

1. Hàng nhập khẩu bán tại cửa hàng miễn thuế được miễn thuế nhập khẩu, miễn thuế tiêu thụ đặc biệt và miễn thuế giá trị gia tăng nhưng phải bán đúng đối tượng, đúng định lượng quy định.

Hàng xuất khẩu đưa vào bán tại cửa hàng miễn thuế phải tuân thủ chính sách mặt hàng và các Luật Thuế liên quan đồng thời phải phù hợp với danh mục hàng hoá đăng ký kinh doanh bán miễn thuế quy định trong giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế của doanh nghiệp.

2. Nhân viên cửa hàng miễn thuế chỉ được bán trực tiếp cho các đối tượng được phép mua hàng miễn thuế ngay tại vị trí của quầy hàng theo đúng định lượng quy định.

Các đối tượng là thuyền viên được mua hàng miễn thuế chung theo đơn hàng có xác nhận của Thuyền trưởng hoặc người đại diện tầu.

3. Hoạt động của cửa hàng miễn thuế từ khi xuất khẩu, nhập khẩu hàng để bán, đến hoạt động của kho hàng, bán hàng tại cửa hàng, hàng tái xuất tiêu thụ nội địa hoặc hàng phải xử lý do hư hỏng đều chịu sự kiểm tra giám sát quản lý của Hải quan.

4. Những quy định về địa điểm của cửa hàng miễn thuế:

Địa điểm của cửa hàng miễn thuế phải đảm bảo yêu cầu công tác giám sát quản lý của cơ quan Hải quan . Địa điểm cửa hàng, kho hàng, điều kiện làm việc của cơ quan Hải quan phải được Tổng cục Hải quan chấp thuận trên cơ sở đề nghị của Cục Hải quan các tỉnh, thành phố nơi Doanh nghiệp xin mở cửa hàng miễn thuế.

4.1 Sân bay quốc tế:

- Cửa hàng miễn thuế đặt tại khu vực cách ly (sau khu vực làm thủ tục hải quan và thủ tục xuất cảnh) nhà ga đi của các sân bay quốc tế để bán hàng cho khách xuất cảnh, quá cảnh.

- Cửa hàng miễn thuế đặt tại nhà ga đến của sân bay quốc tế, sau khu vực làm thủ tục nhập cảnh và trước khu vực làm thủ tục hải quan để bán hàng cho khách nhập cảnh.

4.2 Cảng biển quốc tế:

Cửa hàng miễn thuế đặt tại khu vực cảng biển quốc tế để bán cho khách xuất cảnh và thuyền viên trên các tầu biển đi viễn dương (Trường hợp đặt ngoài khu vực cảng biển phải có ý kiến của UBND tỉnh, thành phố nơi có cửa hàng miễn thuế và được Tổng cục Hải quan chấp thuận).

4.3 Cửa khẩu đường bộ quốc tế:

Cửa hàng miễn thuế đặt tại cửa khẩu quốc tế và trong khu vực khách đã làm xong thủ tục xuất cảnh để bán cho khách xuất cảnh có hộ chiếu và giấy thông hành XNC. Trong điều kiện cụ thể của từng cửa khẩu, UBND tỉnh, thành phố quy định vị trí đặt cửa hàng miễn thuế tại cửa khẩu nhưng phải đảm bảo yêu cầu giám sát quản lý của Hải quan và được Tổng cục Hải quan chấp thuận.

4.4 Cửa hàng miễn thuế trong nội địa:

- Cửa hàng miễn thuế bán cho đối tượng ưu đãi miễn trừ theo Nghị định 73/CP ngày 30 tháng 7 năm 1994 và cửa hàng miễn thuế nội thành (Dowtown Duty Free Shop) do UBND tỉnh, thành phố nơi mở cửa hàng miễn thuế quy định địa điểm trên cơ sở thống nhất với Tổng cục Hải quan.

- Cửa hàng miễn thuế trong nội thành (Dowtown Duty Free Shop) là nơi trưng bày, giới thiệu sản phẩm, giao dịch viết hoá đơn bán hàng cho khách chờ xuất cảnh và phải có địa điểm giao hàng trực tiếp cho khách xuất cảnh đã làm xong thủ tục xuất cảnh. Địa điểm giao hàng tại khu vực cách ly của nhà ga đi sân bay quốc tế và khu vực cảng biển. Địa điểm giao hàng phải được Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chấp thuận.

4.5 Cửa hàng miễn thuế tại sân bay quốc tế hoặc cảng biển quốc tế có thể được mở quầy bán hàng phục vụ tại chỗ phục vụ cho khách chờ xuất cảnh, thuyền viên trên tầu đang neo đậu tại cảng. Quy chế cho phép và hoạt động của loại hình này do Tổng cục Hải quan hướng dẫn.

B/ MỘT SỐ QUI ĐỊNH CỤ THỂ VỀ THỦ TỤC HẢI QUAN:

I. THỦ TỤC KIỂM TRA ĐIỀU KIỆN ĐỂ HOẠT ĐỘNG CỬA HÀNG MIỄN THUẾ:

- Hồ sơ Doanh nghiệp cung cấp cho Hải quan tỉnh, thành phố:

+ Đơn xin mở cửa hàng miễn thuế.

+ Các hồ sơ về quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng cửa hàng, kho hàng, sơ đồ vị trí về toàn bộ hệ thống cửa hàng, kho hàng.

- Cục Hải quan tỉnh, thành phố kiểm tra cụ thể về các Điều kiện:

+ Hệ thống kho, cửa hàng đủ điều kiện tiêu chuẩn.

+ Đảm bảo việc giám sát, kiểm tra, kiểm soát của Hải quan.

+ Vị trí cửa hàng đúng theo quy định.

Nếu các điều kiện trên đảm bảo thì Cục Hải quan Tỉnh, Thành phố có văn bản xác nhận và báo cáo về Tổng cục Hải quan.

II. THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ BÁN TẠI CỬA HÀNG MIỄN THUẾ:

1. Hàng xuất khẩu (hàng sản xuất tại Việt nam và hàng có nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp):

- Các hàng hoá xuất khẩu có điều kiện thì phải có giấy phép của Bộ Thương mại cho phép, các hàng hoá thuộc sự quản lý chuyên ngành thì phải được cơ quan chức năng cho phép, còn các hàng hoá khác Doanh nghiệp trực tiếp làm thủ tục Hải quan (không phải giấy phép của Bộ Thương mại) và không bị hạn chế về số lượng và trị giá.

- Hải quan làm thủ tục như đối với một lô hàng xuất khẩu, căn cứ vào chính sách mặt hàng và các Luật Thuế liên quan để giải quyết.

- Tại mỗi cửa hàng Hải quan phải mở sổ theo dõi hàng xuất khẩu đưa vào bán tại cửa hàng miễn thuế.

Thủ tục cụ thể :

k Doanh nghiệp nộp cho Hải quan:

- Tờ khai hàng phi mậu dịch xuất khẩu;

- Hoá đơn mua hàng (Hoá đơn Bộ Tài chính);

- Tờ khai nhập khẩu, biên lai thuế nhập khẩu hoặc các chứng từ chứng minh hàng nhập khẩu hợp pháp (đối với hàng đã nhập khẩu lưu thông hợp pháp trên thị trường nội địa).

k Hải quan:

- Kiểm tra hồ sơ; đăng ký tờ khai;

- Kiểm hoá, tính thuế và thông báo thuế (nếu có);

- Xác nhận kiểm hoá, đóng dấu "Đã làm thủ tục hải quan";

- Giám sát hàng đưa vào kho, niêm phong kho;

- Vào sổ theo dõi kho hàng miễn thuế.

2. Hàng nhập khẩu:

2.1 Hàng nhập khẩu của cửa hàng miễn thuế do Hải quan nơi quản lý cửa hàng miễn thuế làm thủ tục và chịu trách nhiệm quản lý từ khi nhập khẩu đến khi thanh khoản hàng bán.

k Doanh nghiệp phải nộp cho Hải quan các giấy tờ sau:

- Văn bản cho phép của Bộ Thương mại hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành (đối với hàng nhập khẩu có điều kiện);

- Tờ khai Hải quan ( mỗi loại hàng cùng tên hàng khai vào một tờ khai ví dụ: Các loại ti vi, các loại cassette được khai riêng vào 02 tờ khai khác nhau; các loại rượu whisky, Cognac được khai riêng vào 02 tờ khai khác nhau , các loại hàng có trị giá nhỏ , mà cùng nhóm hàng như mỹ phẩm được khai vào 01 tờ khai).

- Hợp đồng thương mại (bản sao có xác nhận của Giám đốc doanh nghiệp) hoặc đơn đặt hàng của Doanh nghiệp;

- Hoá đơn mua hàng;

- Vận đơn hàng;

- Bản kê chi tiết hàng.

k Hải quan:

- Kiểm tra hồ sơ và đăng ký tờ khai;

- Kiểm hoá chi tiết số lượng, tên hàng, ký mã hiệu;

- Xác nhận kết quả kiểm hóa, đóng dấu "Hàng được miễn thuế "và dấu " Đã làm thủ tục hải quan" lên tờ khai hải quan;

- Giám sát hàng đã hoàn thành thủ tục hải quan đưa vào kho hàng miễn thuế và niêm phong kho;

- Vào sổ theo dõi kho hàng miễn thuế.

Hải quan cửa khẩu nơi có hàng nhập khẩu của cửa hàng miễn thuế nhập khẩu tạo điều kiện, phối hợp cùng Hải quan nơi quản lý cửa hàng miễn thuế để làm thủ tục nhanh chóng thuận tiện.

2.2 Hàng nhập khẩu của cửa hàng miễn thuế không phải kiểm tra chất lượng (doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm trước Pháp luật), ngoài những giấy tờ đã quy định tại điểm 2.1 nói trên Doanh nghiệp không phải nộp thêm giấy tờ khác.

Doanh nghiệp kinh doanh cửa hàng miễn thuế được nhập khẩu hàng để bán tại cửa hàng miễn thuế phù hợp với giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và phải làm thủ tục hải quan theo quy định.

2.3 Hàng bán tại cửa hàng miễn thuế phục vụ đối tượng ưu đãi miễn trừ Ngoại giao được phép nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu của đối tượng ưu đãi Ngoại giao.

- Xe ôtô tay lái thuận, xe gắn máy từ 175cm3 trở xuống, chỉ được phép nhập khẩu xe mới theo đơn đặt hàng trước của đối tượng ưu đãi miễn trừ Ngoại giao, đơn hàng này phải được Hải quan nơi quản lý cửa hàng miễn thuế duyệt về tiêu chuẩn định lượng.

3. Hàng tái xuất:

- Doanh nghiệp có văn bản gửi Hải quan trình bày về nội dung hàng xin tái xuất:

+ Lý do xin tái xuất;

+ Bản kê chi tiết: Số lượng, tên hàng, trị giá;

+ Hàng nhập khẩu theo tờ khai nào, số giấy phép...;

+ Xin tái xuất tại cửa khẩu nào.

- Hải quan cửa hàng miễn thuế xem xét và kiểm tra thực tế giữa hàng hoá và hồ sơ nhập khẩu để xác định đúng là hàng đã nhập khẩu của cửa hàng miễn thuế.

- Hàng hoá nhập khẩu theo giấy phép của Bộ Thương mại thì khi tái xuất phải có ý kiến đồng ý của Bộ Thương mại.

- Hải quan cửa hàng miễn thuế là đơn vị làm thủ tục và giám sát tái xuất hàng, trong trường hợp cửa khẩu xin tái xuất thuộc địa phương khác thì Hải quan cửa hàng miễn thuế phải giám sát, áp tải tới cửa khẩu xuất và bàn giao cho Hải quan cửa khẩu xuất để hoàn thành thủ tục tái xuất. Sau khi hàng được tái xuất, Hải quan cửa khẩu xuất cuối cùng phải xác nhận, ký, đóng dấu vào tờ khai và gửi trả cho hải quan cửa hàng miễn thuế để thanh khoản.

- Căn cứ bộ hồ sơ tái xuất (có xác nhận thực xuất), Hải quan cửa hàng miễn thuế thanh khoản đối với tờ khai nhập khẩu lô hàng.

4. Hàng chuyển vào bán nội địa:

4.1 Đối với hàng nhập khẩu không phải xin phép Bộ Thương mại:

- Doanh nghiệp phải có văn bản gửi Hải quan, nêu rõ: Lý do xin chuyển hàng vào tiêu thụ nội địa.

- Bản kê chi tiết hàng hoá xin chuyển vào bán nội địa (tên hàng, số lượng, trị giá);

- Tờ khai hàng khi nhập khẩu;

4.2 Đối với hàng nhập khẩu có giấy phép Bộ Thương mại, cơ quan quản lý chuyên ngành:

- Giấy phép của Bộ Thương mại cho phép hàng tiêu thụ nội địa đối với hàng nhập khẩu có điều kiện.

- Văn bản cho phép đối với hàng thuộc loại quản lý của cơ quan chuyên ngành.

- Bản kê chi tiết hàng hoá xin chuyển vào bán nội địa (tên hàng, số lượng, trị giá);

- Tờ khai khi nhập khẩu;

4.3 Thủ tục hải quan:

- Hải quan hướng dẫn Doanh nghiệp khai báo trên tờ khai hàng phi mậu dịch.

- Làm thủ tục hải quan để cho chuyển vào nội địa như đối với lô hàng nhập khẩu.

- Tính thuế và thu thuế đối với hàng chuyển vào nội địa tại thời điểm Doanh nghiệp được phép mở tờ khai hàng nhập khẩu để làm thủ tục chuyển vào nội địa.

- Thanh khoản tờ khai hàng nhập khẩu ban đầu.

5. Hàng hoá cần xử lý, hàng tiêu huỷ tại cửa hàng miễn thuế.

5.1 Đối với hàng đổ vỡ, hư hỏng, kém phẩm chất.

- Hàng đổ vỡ trong quá trình vận chuyển, bốc xếp, thì doanh nghiệp phải lập biên bản và có xác nhận của doanh nghiệp và của Hải quan kiểm hoá hoặc Hải quan áp tải hàng.

- Hàng lưu kho, lưu quầy lâu ngày bị mất phẩm chất, theo đề nghị bằng văn bản của Doanh nghiệp trên cơ sở kiểm tra thực tế hàng hoá.

Cục Hải quan các tỉnh, thành phố cùng Doanh nghiệp tổ chức Hội đồng huỷ bỏ dưới sự giám sát của Hải quan và đại diện doanh nghiệp, lập biên bản huỷ bỏ có xác nhận của đại diện các bên.

5.2 Cục Hải quan các tỉnh, thành phố có quy định cụ thể về việc thực hiện giám sát kiểm tra đối với hàng xử lý và hàng tiêu huỷ của cửa hàng miễn thuế để đảm bảo đúng quy định của Nhà nước.

III. CHẾ ĐỘ BÁN HÀNG:

1. Khi bán hàng nhân viên cửa hàng phải ghi đầy đủ các nội dung cơ bản trong hoá đơn bán hàng:

- Tên người mua hàng;

- Số hộ chiếu người mua, ngày cấp;

- Tên hàng, số lượng, trị giá;

- Ngày, tháng, năm bán hàng;

- Tên người bán hàng.

2. Đối tượng được phép mua hàng, định lượng hàng được phép bán cho mỗi đối tượng phải thực hiện theo đúng các quy định tại Điều 7, 8 của Quyết định 205/1998/QĐ-TTg ngày 19/10/1998 của Thủ tướng Chính phủ.

3. Hoá đơn bán hàng miễn thuế cho mỗi đối tượng mua hàng, Doanh nghiệp cửa hàng miễn thuế phải giao cho Hải quan 01 liên. Sau mỗi ngày bán hàng, Doanh nghiệp phải làm báo cáo bán hàng và giao cho Hải quan cửa hàng miễn thuế một bản (thời gian của một ngày bán hàng do Hải quan và cửa hàng miễn thuế thống nhất quy định).

IV. CHẾ ĐỘ THANH KHOẢN HÀNG:

1. Hàng nhập của cửa hàng miễn thuế (kể cả một lô hàng có nhiều mặt hàng), mỗi loại hàng cùng tên hàng phải khai báo vào riêng một tờ khai để tiện việc theo dõi thanh khoản hàng và quyết toán hàng sau khi bán hết hàng.

Tại mỗi cửa hàng miễn thuế, Doanh nghiệp và Hải quan cửa hàng miễn thuế đều phải có sổ theo dõi hàng nhập kho, xuất kho. Sổ có cột mục để theo dõi về hàng: Tờ khai nhập khẩu (số, ngày tháng năm), tên hàng, số lượng, trị giá...

Mỗi khi có hàng nhập khẩu nhập kho, Doanh nghiệp đều phải lập phiếu nhập kho và giao cho Hải quan cửa hàng miễn thuế 01 liên.

- Việc vào sổ hàng nhập khẩu phải theo từng chương, nhóm, phân nhóm và mã hàng. Nếu hàng cùng loại thì sau khi vào cùng một chương mục trong sổ và cộng dồn để biết hiện tại số lượng loại hàng này có trong kho bao nhiêu.

- Việc vào sổ hàng xuất kho bán tại quầy:

Hàng xuất kho đưa lên quầy đều phải lập phiếu xuất kho và vào sổ ghi rõ nội dung hàng. Hàng xuất kho đưa lên quầy phải phù hợp với phiếu xuất kho .

2. - Tại mỗi quầy hàng miễn thuế Doanh nghiệp và Hải quan cửa hàng miễn thuế đều phải có sổ theo dõi hàng nhập khẩu xuất lên quầy, sổ theo dõi bán hàng tương tự như sổ kho nêu trên.

- Sau mỗi tháng, Doanh nghiệp cùng nhân viên Hải quan đối chiếu xác nhận lượng hàng đã bán và lượng hàng tồn quầy. Số liệu các chứng từ bao gồm hoá đơn bán hàng và sổ theo dõi bán hàng phải phù hợp với nhau.

3. Hàng xuất khẩu và hàng nhập khẩu có nguồn gốc hợp pháp bán tại cửa hàng miễn thuế có sổ theo dõi riêng. Việc theo dõi tương tự như hàng nhập khẩu nhập kho và xuất lên quầy.

4. Thanh khoản hàng tồn:

- Hàng nhập khẩu tại cửa hàng miễn thuế được thanh khoản hàng tồn kho trên cơ sở hàng nhập khẩu theo tờ khai.

- Theo quy định tại điểm 2, 3 trên đây thì các tờ khai có cùng một loại hàng nhập khẩu được vào chung một mục trong sổ, trên cơ sở hàng bán, đối chiếu sổ theo dõi quầy và sổ theo dõi kho. Khi số lượng hàng thực bán đúng với số lượng hàng của một tờ khai thì thanh khoản tờ khai nhập khẩu (theo thứ tự tờ khai nhập khẩu trước thanh khoản trước).

- Hàng tháng, Hải quan quản lý cửa hàng miễn thuế cùng cửa hàng miễn thuế đối chiếu để đảm bảo cân đối giữa hàng xuất kho với hàng tồn quầy, hàng đã bán, hàng tái xuất, hàng được phép tiêu thụ nội địa, hàng đổ vỡ hư hỏng, kém phẩm chất phải tiêu huỷ. Đối chiếu giữa hàng xuất kho để xác định hàng còn tồn kho. Trên cơ sở số liệu trên Doanh nghiệp hàng miễn thuế lập báo cáo gửi Cục Hải quan tỉnh, thành phố có xác nhận của Hải quan quản lý cửa hàng miễn thuế.

- Thủ tục thanh khoản:

+ Định kỳ 3 tháng, khi bán hết cùng một loại hàng tương ứng số lượng hàng trong một tờ khai, Doanh nghiệp cửa hàng miễn thuế có văn bản gửi Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi quản lý cửa hàng miễn thuế xin thanh khoản hàng, văn bản này có xác nhận của Hải quan cửa hàng miễn thuế (Tuỳ điều kiện thực tế tại địa phương Cục hải quan tỉnh, thành phố quy định đơn vị Hải quan có thẩm quyền thanh khoản).

+ Cục Hải quan các tỉnh, thành phố kiểm tra và duyệt cho phép thanh khoản. Sau khi thanh khoản xong, Hải quan quản lý cửa hàng miễn thuế ký đóng dấu hàng 'Đã thanh khoản" lên tờ khai hải quan.

5. Thời hạn hàng nhập khẩu bán tại cửa hàng miễn thuế:

Để đảm bảo cho công tác theo dõi, thanh khoản hàng nhập khẩu bán tại cửa hàng miễn thuế, nếu hàng quá 2 năm (24 tháng kể từ ngày nhập khẩu) không bán được thì Doanh nghiệp phải làm thủ tục tái xuất hoặc tiêu thụ nội địa. Cục Hải quan tỉnh, thành phố có thể xem xét gia hạn nhưng thời gian gia hạn không quá 1 năm.

V. NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ KHO HÀNG MIỄN THUẾ:

1. Hoạt động kho hàng miễn thuế phải chịu sự kiểm tra giám sát quản lý của Hải quan quản lý hàng miễn thuế. Hàng nhập khẩu, hàng xuất khẩu nhập kho để bán tại cửa hàng miễn thuế phải hoàn thành thủ tục hải quan trước khi nhập kho.

2. Mỗi lần hàng nhập kho hoặc xuất kho, Doanh nghiệp phải lập phiếu nhập kho hoặc phiếu xuất kho và giao cho Hải quan quản lý hàng miễn thuế 01 liên. Hải quan quản lý cửa hàng miễn thuế giám sát việc đưa hàng vào kho, giám sát việc đưa hàng lên quầy và vào sổ nhập kho, hoặc xuất kho, nhập quầy. Trước khi hàng xuất lên quầy để bán, hàng hoá phải được dán tem theo quy định của Bộ Tài chính.

3. Kho hàng miễn thuế phải thực hiện chế độ niêm phong hải quan theo quy định.

4. Hàng tháng Doanh nghiệp phải lập báo cáo quyết toán hàng tồn kho và phải có xác nhận của Hải quan quản lý cửa hàng miễn thuế. Định kỳ hàng quý, năm, Doanh nghiệp phải kiểm kê kho hàng có sự giám sát của Hải quan và lập báo cáo quyết toán hàng tồn gửi Tổng cục Hải quan có xác nhận của Cục Hải quan tỉnh, thành phố.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Sáu tháng một lần, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tổ chức kiểm tra việc thanh khoản tờ khai, kiểm tra đối chiếu sổ sách, phiếu xuất kho, nhập kho, nhập quầy, hoá đơn bán hàng, báo cáo ngày, tháng, quí. Sau khi kiểm tra, báo cáo kết quả về Tổng cục Hải quan.

2. Trong quá trình quản lý cửa hàng miễn thuế nếu phát hiện nhân viên của cửa hàng vi phạm quy định bán hàng, đưa hàng vào nội địa tiêu thụ; nhân viên Hải quan có hành vi vi phạm trong việc mua hàng tại cửa hàng miễn thuế hoặc có hành vi lợi dụng chức năng, quyền hạn để bao che, thông đồng với những nhân viên tiêu cực đưa hàng vào nội địa tiêu thụ, bán hàng sai đối tượng quy định... đều phải được lập biên bản tại chỗ, nhanh chóng làm rõ tính chất, mức độ vi phạm để xử lý.

Doanh nghiệp vi phạm quy định tại Quyết định 205/1998/QĐ-TTg ngày 19/10/1998 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư này thì tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố phải báo cáo Tổng cục Hải quan để có thể ra quyết định tạm thời đình chỉ hoạt động của cửa hàng miễn thuế.

VII. KHOẢN THI HÀNH:

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Các quy định trước đây trái với quy định tại Thông tư này đều bị bãi bỏ.

Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố có cửa hàng miễn thuế chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo và thực hiện Quyết định 205/1998/QĐ-TTg ngày 19/10/1998 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư này.

Nguyễn Văn Cầm

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 10/1998/TT-TCHQ hướng dẫn thủ tục hải quan đối với hoạt động cửa hàng kinh doanh hàng miễn thuế theo Quy chế ban hành tại quyết định 205/1998/TT-TCHQ do Tổng cục Hải quan ban hành

  • Số hiệu: 10/1998/TT-TCHQ
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 19/11/1998
  • Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
  • Người ký: Nguyễn Văn Cầm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 6
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản