Hệ thống pháp luật

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 09-TD/NT

Hà Nội, ngày 07 tháng 09 năm 1961

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN BIỆN PHÁP CHO VAY NGẮN HẠN ĐỐI VỚI CÁC NÔNG TRƯỜNG QUỐC DOANH TRUNG ƯƠNG

Đầu năm 1958, Ngân hàng trung ương đã ban hành thể lệ biện pháp cho vay đối với nông trường quốc doanh (Nghị định số 67, ngày 30-01-1958), và qua từng thời kỳ đã có những thông tư, chỉ thị bổ sung hoặc hướng dẫn thi hành. Do đó, đã thu được quan hệ tín dụng tốt đối với nông trường giúp cho nông trường tiết kiệm được vốn, đẩy mạnh sản xuất và củng cố chế độ hạch toán. Nhưng những biện pháp vừa qua chưa giải đáp được hết khó khăn về vốn cho nông trường. Mặt khác, cán bộ tín dụng nông trường thay đổi luôn, không nắm được quá trình thay đổi của một số biện pháp công tác, hoặc một số chi nhánh, chi điếm trước đây chưa có quan hệ tín dụng với nông trường. Đến nay, tình hình các tổ chức nông dân quốc doanh phát triển mạnh, hầu hết các chi nhánh, chi điếm đều có quan hệ tín dụng với nông trường.

Để giúp đỡ các chi nhánh chi điếm tiến hành công tác tín dụng đối với nông trường quốc doanh có kết quả nhiều hơn, Ngân hàng trung ương thấy cần hướng dẫn và giải thích một cách có hệ thống các biện pháp đã thi hành trước đây, đồng thời bổ sung một số điểm về biện pháp để thích hợp với tình hình sản xuất, kinh doanh và hạch toán của nông trường hiện nay. Do đó, thông tư này có tính chất tổng hợp để thay thế cho các chỉ thị, thông tư đã ban hành trước đây.

Các chi nhánh, chi điếm cần nghiên cứu kỹ để hướng dẫn cán bộ làm tốt công tác cho vay nông trường quốc doanh.

BIỆN PHÁP CHO VAY ĐỐI VỚI NÔNG TRƯỜNG QUỐC DOANH TRUNG ƯƠNG

A. MỤC ĐÍCH Ý NGHĨA NGUYÊN TẮC VÀ ĐIỀU KIỆN CHO VAY

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho vay đối với hệ thống nông trường quốc doanh trung ương (kể cả các nông trường quân đội, các liên đoàn sản xuất miền Nam chuyển lên) là cho vay ngắn hạn.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho vay ngắn hạn các nông trường quốc doanh, nhằm 2 mục đích chính:

1. Giúp thêm vốn lưu động cho nông trường quốc doanh để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch của Nhà nước.

2. Thông qua việc cho vay, Ngân hàng thực hiện chức năng kiểm soát bằng đồng tiền các hoạt động kinh doanh sản xuất của nông trường, nhằm thúc đẩy các nông trường sử dụng vốn hợp lý, đúng mục đích, đúng kế hoạch đã định, tiết kiệm vốn, hạ giá thành, tăng tích lũy, thực hiện đúng chế độ hạch toán kinh tế.

Nguyên tắc cho vay

Nói chung Ngân hàng Nhà nước cho vay ngắn hạn đối với các nông trường quốc doanh, phải theo các nguyên tắc của tín dụng ngắn hạn xã hội chủ nghĩa:

1. Tiền vay của Ngân hàng phải được dùng vào những mục đích nhất định, có ghi trong kế hoạch vay vốn gửi đến Ngân hàng và được Ngân hàng chấp nhận kế hoạch vay vốn phải xuất phát từ kế hoạch sản xuất của Nhà nước giao cho và nông trường chỉ được nhận dần tiền vay theo mức độ thực hiện kế hoạch.

2. Tiền vay Ngân hàng phải trả lại theo thời hạn nhất định, do nông trường và Ngân hàng thỏa thuận khi vay. Nguyên tắc này không hạn chế việc nông trường trả nợ trước thời hạn.

3. Vốn vay của Ngân hàng phải có vật tư hoặc giá trị công việc tương đương đảm bảo.

Các nguyên tắc tín dụng nói trên phải được Ngân hàng và nông trường triệt để tôn trọng. Việc vi phạm các nguyên tắc đó, sẽ làm yếu chế độ hạch toán kinh tế, giảm nhẹ vai trò và tác dụng của tín dụng Ngân hàng trong việc giúp đỡ, thúc đẩy các nông trường phát triển sản xuất, hoàn thành kế hoạch.

Điều kiện cho vay.

Các nông trường vay vốn Ngân hàng phải có các điều kiện sau đây:

1. Phải được cấp trên (Bộ, Sở chủ quản) quyết định thành lập chính thức và cho quyền trực tiếp vay vốn và giao dịch với Ngân hàng.

2. Phải là đơn vị hạch toán kinh tế độc lập được Nhà nước cấp vốn cố định và vốn lưu động, có phân biệt rõ ràng giữa 2 loại vốn ấy.

3. Phải mở tài khoản thanh toán ở Ngân hàng trực tiếp giao dịch.

4. Phải thi hành chế độ kế toán do Bộ Nông trường ban hành, các bảng cân đối tài sản, kế hoạch sản xuất – thu chi tài vụ, bảng tính toán giá thành, lỗ lãi, báo cáo tình hình chi tiêu quỹ tiền lương và các tài liệu khác có liên quan đến việc vay vốn định kỳ gửi cho Bộ Nông trường, phải đồng gửi cho cơ quan Ngân hàng mà nông trường giao dịch.

5. Hàng quý, năm phải có kế hoạch sản xuất kỹ thuật tài vụ, kèm theo kế hoạch vay vốn gửi trước đến Ngân hàng phục vụ mình (trong khi nông trường chưa đảm bảo điều kiện thứ 5, thì Ngân hàng giao dịch phải trực tiếp giúp đỡ để nông trường trong một thời gian ngắn, có thể thỏa mãn điều kiện ấy).

B. CÁC LOẠI CHO VAY

Các loại cho vay ngắn hạn đối với nông trường quốc doanh gồm có:

1. Cho vay trong định mức vốn lưu động về dự trữ sản xuất, sản xuất chưa xong và thành phẩm.

2. Cho vay dự trữ vật tư theo thời vụ trên mức tiêu chuẩn có ghi trong kế hoạch:

3. Cho vay chi phí sản xuất có tính chất thời vụ trên mức tiêu chuẩn có ghi trong kế hoạch:

- chi phí trồng trọt,

- chi phí chế biến,

- chi phí sản xuất phụ và kinh doanh ngoài nông nghiệp.

4. Cho vay chi phí chăn nuôi trên mức tiêu chuẩn có ghi trong kế hoạch.

5. Cho vay nhu cầu tạm thời.

6. Cho vay sửa chữa lớn.

7. Cho vay thanh toán.

1. Cho vay trong định mức vốn lưu động

Vốn lưu động định mức của các xí nghiệp quốc doanh: công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải… là mức vốn tối thiểu cần thiết Nhà nước cấp cho các xí nghiệp để đủ đảm bảo hoạt động bình thường.Tùy theo tính chất của từng loại xí nghiệp theo thời vụ hay không theo thời vụ mà Nhà nước cấp vốn lưu động định mức theo quý thấp nhất hoặc theo bình quân của các quý.

Để cải tiến chế độ cấp vốn của tài chính và tăng cường việc kiểm soát bằng đồng tiền của Ngân hàng Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ quyết định thay đổi nguyên tắc cấp 100% vốn lưu động định mức trực tiếp đối với các xí nghiệp quốc doanh (thông tư số 131-TTg, ngày 04-04-1957) bằng cách đối các xí nghiệp quốc doanh công nghiệp, lâm nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải và bưu điện, dự toán Nhà nước chỉ cấp tối đa 70% số vốn lưu động định mức trong năm kế hoạch đã được xét duyệt. Phần còn lại sẽ được chuyển qua Ngân hàng Nhà nước để làm vốn cho vay trong định mức đối với các xí nghiệp quốc doanh khi cần thiết (quyết định số 054-TTg, ngày 19-02-1959 của Thủ tướng Chính phủ).

Để thi hành quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông lâm và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quy định thống nhất là: trong vốn lưu động định mức của các nông trường quốc doanh thì tài chính Nhà nước cấp 70%, còn Ngân hàng cho vay trong phạm vi 30% (thông tư Liên bộ số 267-LB, ngày 06-09-1959). Khi các nông trường quốc doanh đã được xét duyệt vốn lưu động định mức chính thức, và Bộ Tài chính chuyển số 30% trong định mức đó sang Ngân hàng thì Ngân hàng trung ương sẽ thông báo mức cho vay tối đa về loại này, để các chi nhánh tiến hành.

Mục đích cho vay:

Ngân hàng tiến hành cho vay trong định mức đối với các nông trường nhằm mục đích bù đắp vốn cho các nông trường quốc doanh đủ đảm bảo được hoạt động bình thường tối thiểu và cần thiết. Nó có tác dụng tiết kiệm được vốn cho Nhà nước, tập trung tại Ngân hàng, tránh được tình trạng ứ đọng. Phân tán vốn ở các nông trường, khi trình độ xây dựng kế hoạch định mức vốn lưu động của các nông trường quốc doanh chưa được sát, đồng thời thông qua cho vay tạo điều kiện để Ngân hàng đặt quan hệ tín dụng với nông trường, tăng cường việc kiểm soát sử dụng và quản lý vốn ở các nông trường được tốt hơn.

Cách tính toán cho vay trong định mức:

Căn cứ vào định mức vốn lưu động của nông trường đã được xét duyệt chính thức, Ngân hàng tính ra số 30% để ghi vào kế hoạch cho vay, đó là mức tối đa, Ngân hàng tuyệt đối không được cho vay quá số đó. Cách tính toán cho vay tiến hành như sau:

Khi quá trình nông trường thực hiện việc dự trữ vật tư, chi phí sản xuất chăn nuôi và tồn kho thành phẩm vượt quá 70% vốn lưu động định mức được cấp thì Ngân hàng sẽ cho vay trong định mức trong phạm vi số 30% vốn định mức. Nếu nông trường thực hiện vượt quá 100% định mức vốn được duyệt và nằm trong phạm vi kế hoạch thì phần vượt đó sẽ được thỏa mãn bằng vốn vay trên mức trong kế hoạch (xem ở các loại sau).

Ví dụ

Trường hợp 1

Trường hợp 2

Trường hợp 3

- Định mức được duyệt

- Tài chính cấp

- Tài chính chuyển qua Ngân hàng để cho vay

- Nông trường thực hiện đến mức

- Sẽ cho vay trong định mức

- Và cho vay trên định mức

100

70

30

80

10

-

100

70

30

100

30

-

100

70

30

120

30

20

Qua ví dụ trên ở trường hợp 1 Ngân hàng chỉ cần cho vay trong định mức 10, như thế tiết kiệm cho Nhà nước 20 tập trung tại Ngân hàng, tránh được tình trạng đọng vốn ở nông trường đó. Ở trường hợp 2 và 3, nông trường thực hiện bằng hoặc vượt số vốn định mức, thì Ngân hàng mới cần cho vay đủ số 30% định mức.

Thời hạn trả và cách thu hồi nợ cho vay trong định mức:

Định mức vốn lưu động của nông trường được xây dựng và xét duyệt theo quý thấp nhất chung cho các giai đoạn, nếu tính toán được tương đối chính xác rồi, thì phần 30% vốn chuyển qua Ngân hàng cho vay, nông trường nhất định phải cần vay để hoạt động, tạo khả năng phát huy chức năng kiểm soát bằng đồng tiền của Ngân hàng, nhằm giúp cho nông trường sử dụng tiết kiệm vốn. Thời hạn cho vay trong định mức quy định tối đa là 12 tháng theo kỳ xét duyệt vốn hàng năm. Lãi suất cho vay 0,2% 1 tháng (theo biểu lợi suất cũ).

Việc thu hồi nợ được tiến hành bằng mấy cách sau đây:

a) Khi nông trường thực hiện các giai đoạn của quá trình sản xuất, dự trữ vật tư, chi phí sản xuất chăn nuôi và thành phẩm mà số dư thực tế ít hơn so với số vốn định mức được xét duyệt, thì Ngân hàng sẽ thu hồi nợ về theo số hụt định mức ấy căn cứ vào bảng tổng kết tài sản hàng tháng, hàng quý.

b) Qua bảng tổng kết tài sản hàng quý của nông trường mà tính số vốn lưu động tự Có và xem như tự Có cao hơn 70% số vốn định mức và nếu nông trường chưa có kế hoạch nạp số thừa ấy về Bộ chủ quản, thì Ngân hàng cũng có thể thu hồi nợ về bằng số thừa ấy.

Ví dụ

Trường hợp 1

Trường hợp 2

- Định mức vốn lưu động

- Tài chính cấp

- Ngân hàng cho vay

- Số dư thực tế về các giai đoạn của quá trình sản xuất

- Vốn tự Có và xem như tự Có của nông trường

- Ngân hàng thu về

100

70

30

90

70

10

100

70

30

100

90

20

Qua ví dụ trên, trường hợp 01 nông trường chỉ cần vay 20 (90 – 70) nên Ngân hàng thu hồi nợ về 10 (30 – 20), ở trường hợp 2 nông trường cần vay vốn 10 (100 – 90) nên Ngân hàng phải thu hồi nợ về 20 (30 – 10).

c) Tuy nhiên hiện nay nông trường chưa lên được kịp thời bảng cân đối tài sản hàng tháng, hàng quý nên việc thu hồi nợ trong định mức trong tháng, trong quý sẽ gặp khó khăn cho nên thông thường nhất, việc thu hồi nợ cho vay trong định mức tiến hành bằng cách, sau mỗi lần nông trường được xét duyệt lại định mức theo năm kế hoạch thì Ngân hàng sẽ thu hồi toàn số nợ vay trong định mức của năm trước về, và sẽ cho vay theo số vốn định mức mới.

d) Cách thu hồi nợ thứ tư là Ngân hàng thỏa thuận trước với nông trường, khi có số dư trên tài khoản với mức độ nào đó, mà nông trường chưa có kế hoạch sử dụng, hoặc cũng không có dư nợ vay trên định mức, thì có thể thu hồi bớt phần nợ vay trong định mức về.

Thủ tục cho vay, thu nợ:

Khi nông trường xin vay vốn trong định mức, cầm làm các giấy tờ cần thiết sau đây:

- Đơn xin vay làm hai bảng (theo mẫu số 1) kèm theo ([1]).

- Bảng xét duyệt định mức vốn lưu động của Bộ chủ quản (đối với lần vay trong định mức đầu tiên của năm).

- GIấy nhận nợ làm 3 bảng (theo mẫu số 2) (1).

Ngân hàng cho vay trong định mức vốn lưu động các nông trường quốc doanh, theo tài khoản cho vay đơn giản.

Khi cho vay kế toán ghi:

NỢ: tài khoản cho vay nông trường QD/TƯ (5-38) tiểu khoản cho vay trong định mức (01).

CÓ: tài khoản tiền gửi nông trường QD/TƯ (5-37)

Lúc thu nợ ghi:

NỢ: tài khoản tiền gửi nông trường QD/TƯ (5-37).

CÓ: tài khoản cho vay nông trường QD/TƯ (5-38) tiểu khoản cho vay trong định mức (01).

Mấy trường hợp xảy ra khi cho vay trong định mức:

a) Khi tính toán cho vay vốn trong định mức cần phải xem số vốn tự Có và xem thư tự Có của nông trường so với số 70% định mức vốn được cấp thừa hay thiếu. Nếu thừa thì đề nghị nông trường nạp số vốn thừa ấy để Bộ chủ quản để điều hòa vốn cho nơi khác. Nếu thiếu thì nông trường đề nghị Bộ chủ quản cấp thêm cho đủ số 70% của định mức. Ngân hàng chỉ cho vay trong phạm vi số 30% của định mức được chuyển qua.

Số vốn thừa phải chuyển nạp về Bộ nông trường (cũng cần chú ý, gặp trường hợp nông trường không có tiền để nạp, vì số tiền đó nằm trong vật tư dự trữ hoặc trong sản phẩm thì Ngân hàng xét có thể căn cứ vào giá trị vật tư hoặc sản phẩm đó mà cho vay theo từng đối tượng như trên định mức, nhu cầu để nông trường có tiền nạp).

b) Vốn lưu động của nông trường hàng năm được xét duyệt lại định mức theo kế hoạch kinh doanh của năm do Ngân hàng căn cứ vào định mức vốn lưu động mới của năm kế hoạch để cho vay, đồng thời thu hồi toàn bộ số nợ vay trong định mức của năm trước về.

Nếu định mức mới cao hơn định mức cũ thì phần 70% do Tài chính cấp và phần 30% chuyển qua Ngân hàng cho vay cũng tăng thêm theo đúng tỷ lệ 70% (Tài chính cấp) và 30% (Ngân hàng cho vay).

Nếu định mức mới thấp hơn định mức cũ thì nông trường phải nạp về Bộ chủ quản số vốn thừa so với 70% của định mức mới, Ngân hàng cũng căn cứ vào số 30% của định mức mới thu hồi phần vốn thừa trong số đã cho vay năm trước.

Ví dụ

Trường hợp 1

Trường hợp 2

Định mức vốn năm 1960

trong đó:

- Tài chính cấp 70%

- Ngân hàng cho vay 30%

Định mức vốn 1961

trong đó:

- Tài chính cấp 70%

- Ngân hàng cho vay 30%

Bộ chủ quản cấp thêm

hay rút bớt về

Ngân hàng cho vay mới trong phạm vi

và thu rút nợ về

50.000

35.000

15.000

60.000

42.000

18.000

7.000

18.000

15.000

50.000

35.000

15.000

40.000

28.000

12.000

-

7.000

12.000

15.000

2. Cho vay dự trữ vật tư theo thời vụ trên mức tiêu chuẩn có ghi trong kế hoạch:

Đối tượng cho vay:

Đối tượng cho vay về dự trữ vật tư của Ngân hàng bao gồm tất cả các đối tượng được định mức trong khâu dự trữ của nông trường:

Về dự trữ nguyên vật liệu, Ngân hàng chỉ cho vay phần dự trữ cho sản xuất kinh doanh, còn phần dự trữ cho kiến thiết cơ bản thì Ngân hàng không cho vay mà phải do vốn kiến thiết cơ bản cấp. Trường hợp đặc biệt nông trường cần dự trữ nông sản phẩm giữ lại để dùng thì cũng có thể cho vay cộng chung vào loại dự trữ vật tư.

Để được vay vốn về loại này, nông trường phải xuất trình các chứng từ về số liệu dự trữ vật tư của từng đối tượng: số hàng tồn kho, số hàng trên đường đi và cả những chứng từ về số vật tư chưa trả tiền (theo mẫu số 3) (1). Trường hợp nông trường cần tiền trước để mua, thì phải xuất trình hợp đồng hay tối thiểu phải xuất trình kế hoạch dự trữ trên mức tiêu chuẩn được Bộ Nông trường thông qua để Ngân hàng giải quyết và sẽ kiểm tra tồn kho sau khi thực hiện.

Cách tính toán cho vay:

Để tính toán vốn cho vay, Ngân hàng căn cứ vào số dự trữ vật tư đầu kỳ kế hoạch, cộng với kế hoạch mua vào, trừ cho phần sẽ chi ra, còn lại số dư dự trữ vật tư cuối kỳ kế hoạch đem trừ đi vốn định mức toàn bộ về khâu dự trữ, thành số dư nợ về cho vay trên mức tiêu chuẩn cuối kỳ kế hoạch. Mức tiền cho vay trong kỳ tối đa không vượt quá giá trị vật tư mua vào theo kế hoạch của thời gian đó. Thường nông trường dự trữ cho kiến thiết cơ bản và kinh doanh chung trong một kho, nên để phân biệt Ngân hàng cần căn cứ vào số dư tài khoản các loại dự trữ ở phần kết toán kinh doanh mà tính toán cho vay và tính kiểm tra đảm bảo vốn.

Mục đích cho vay:

Ngân hàng cho các nông trường quốc doanh vay dự trữ vật tư theo thời vụ trên mức tiêu chuẩn có ghi trong kế hoạch, nhằm giúp thêm vốn để nông trường dự trữ các vật tư cần thiết có tính chất thời vụ đã ghi trong kế hoạch, mà số vốn định mức tiêu chuẩn được cấp về dự trữ vật tư của nông trường, không đủ đảm bảo. Trường hợp nông trường dự trữ vật tư quá nhiều vượt mức kế hoạch quý, thì số vượt đi sẽ được giải quyết bằng vốn cho vay nhu cầu tạm thời.

Khi tính toán vật tư làm đảm bảo, Ngân hàng loại ra những vật tư sau đây:

- Vật tư đã hỏng hoặc thừa để lâu không đúng đến.

- Vật tư mất phẩm chất.

- Vật tư đã thu tiền, nhưng chưa giao cho người bán.

- Vật tư dự trữ trái với quy định của Nhà nước.

Ví dụ về cách tính toán cho vay:

1. Số dự trữ vật tư các loại đầu kỳ là

2. Kế hoạch mua vào trong kỳ là

3. Dự định sẽ chi ra trong kỳ là

4. Số dự trữ vật tư cuối kỳ là (1 + 2 – 3)

5. Định mức vốn kế hoạch về khâu dự trữ

6. Dư nợ cuối kỳ là (4 – 5)

7. Mức cho vay cao nhất về vật tư dự trữ trong kỳ này là (2)

20.000đ

50.000đ

30.000đ

40.000đ

20.000đ

20.000đ

50.000đ

Thời hạn cho vay và thu nợ:

Thời hạn cho vay dự trữ vật tư trên mức tiêu chuẩn có ghi trong kế hoạch được quy định theo tình hình thực tế vật tư tăng giảm theo kế hoạch. Khi số vật tư rút xuống thì Ngân hàng sẽ thu hồi nợ về. Thời hạn cho vay không quá một kỳ luân chuyển của vật tư và tối đa không quá 12 tháng. Ví dụ nông trường dự trữ phân bón, kỳ luân chuyển phân bón là 06 tháng, thì thời hạn cho vay tối đa là 06 tháng. Đối với loại nông sản phẩm giữ lại để dùng, nếu Ngân hàng có cho vay thì Ngân hàng sẽ thu nợ theo kế hoạch vật tư giảm xuống. Ví dụ Ngân hàng cho vay dự trữ thóc ăn trong nông trường 06 tháng là 24.000đ thì cứ mỗi tháng Ngân hàng sẽ thu hồi về theo kế hoạch là 4.000đ. Qua sáu tháng thì Ngân hàng sẽ thu hồi hết nợ về loại này.

Thủ tục cho vay, thu nợ và cách ghi sổ sách kế toán:

Ngân hàng cho vay dự trữ vật tư theo thời vụ trên mức tiêu chuẩn có ghi trong kế hoạch cho các nông trường quốc doanh theo tài khoản đơn giản. Để được vay nông trường căn cứ vào kế hoạch (mẫu số 3) (1) lập 02 đơn xin vay đưa đến Ngân hàng, sau khi cán bộ tín dụng xét xong được trưởng Ngân hàng đồng ý, thì nông trường căn cứ vào số đó, để lập các giấy nhận nợ theo từng lần, các giấy tờ trên được giữ lại 1 bản ở bộ phận tín dụng, còn chuyển cho kế toán làm thủ tục cho vay.

Số tiền được vay ghi:

NỢ: tài khoản cho vay nông trường QD/TƯ (5-38) tiểu khoản cho vay trên định mức (02)

CÓ: tài khoản tiền gửi nông trường QD/TƯ (5-37)

Trường hợp nông trường cần thanh toán khoản mua vật tư đó, với đơn vị xí nghiệp khác, thì ghi NỢ tài khoản cho vay và CÓ tài khoản vãng lai liên hàng để chuyển trả cho xí nghiệp (đơn vị) cung cấp (nếu khác chi điếm, chi nhánh) hoặc ghi CÓ cho tài khoản của xí nghiệp cung cấp (cùng một địa phương có tài khoản ở chi điếm hay chi nhánh).

Khi nông trường trả nợ ghi:

CÓ: tài khoản cho vay nông trường QD/TƯ (5-38) tiểu khoản cho vay trên định mức (02)

NỢ: tài khoản tiền gửi nông trường QD/TƯ (5-37).

Trường hợp nợ vay quá hạn thì chuyển qua nợ quá hạn số nợ đó và tính lãi gấp rưỡi kể từ ngày quá hạn.

Kế toán ghi:

CÓ: tài khoản cho vay nông trường QD/TƯ (5038)

NỢ: tài khoản NỢ ngắn hạn quá hạn (12-01)

3. Cho vay chi phí sản xuất có tính chất thời vụ trên mức tiêu chuẩn có ghi trong kế hoạch.

a) Cho vay chi phí trồng trọt.

Mục đích cho vay:

Ngân hàng cho các nông trường quốc doanh vay chi phí trồng trọt nhằm giải quyết nhu cầu vốn về chi phí trồng trọt trong quá trình sản xuất của nông trường, khi số dư chi phí vượt định mức tiêu chuẩn trong phạm vi kế hoạch. Trường hợp có những chi phí ngoài kế hoạch quý thì Ngân hàng sẽ xét và cho vay nhu cầu tạm thời.

Đối tượng cho vay:

Đối tượng cho vay của Ngân hàng về loại cho vay chi phí trồng trọt có tính chất thời vụ trên mức tiêu chuẩn trong phạm vi kế hoạch bao gồm các chi phí trực tiếp và gián tiếp: cày, bừa, gieo, cấy, chăm sóc, làm cỏ, bón phân, thu hoạch, v.v… theo mức độ thực hiện kế hoạch của nông trường. Ngoài ra, Ngân hàng còn cho vay cả phần chi phí đợi phân bổ có tính chất ngắn hạn sẽ được bù đắp bằng thu hoạch của vụ tới ở năm sau như nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, một số vật rẻ tiền mau hỏng dùng cho sản xuất v.v…. Ví dụ giá trị phân bón cho cây thu hoạch trong quá IV/1961 là 60.000đ, nông trường sẽ phân bổ ¼ (15.000) giá trị đó vào giá thành sản phẩm trong quý IV/61 còn chuyển vào giá thành của loại cây ấy trong năm 1962 chẳng hạn thì Ngân hàng có thể cho vay cả 60.000đ.

Cách tính toán cho vay:

Để tính toán vốn cho vay về chi phí trồng trọt, thì lấy số dư chi phí trồng trọt đầu kỳ cộng với dự kiến chi phí trực tiếp và gián tiếp về trồng trọt trong kỳ, trừ đi phần sản phẩm sẽ bán ra trong kỳ trừ vốn định mức về chi phí trồng trọt, còn lại là số dư nợ vay của Ngân hàng về loại này. Mức cho vay trong kỳ tối đa không vượt quá các chi phí phát sinh trong kỳ đã ghi ở kế hoạch.

Số vốn vay được tính theo giá trị chi phí thực tế của nông trường, nhưng cũng phải đối chiếu không thể vượt quá đáng mức kế hoạch được duyệt, có ảnh hưởng đến giá thành của sản phẩm. Tính cho vay về chi phí trồng trọt, Ngân hàng có tính cả những thứ nông trường dự trữ đem ra dùng nên lúc cho vay về chi phí trồng trọt, cần chú ý thu hồi phần nợ vay dự trữ về các loại ấy.

Thời hạn cho vay, thu nợ:

Thời hạn cho vay về chi phí trồng trọt căn cứ vào thời gian thu hoạch của từng loại mà quy định cho thích hợp, nhưng tối đa không được quá 01 năm, khi nông trường tiêu thụ được sản phẩm thuộc loại trồng trọt đó thì Ngân hàng thu hồi nợ về.

Thủ tục cho vay, thu nợ và cách ghi kế toán:

Để được vay vốn, nông trường căn cứ vào kế hoạch chi phí trồng trọt được duyệt và dựa theo yêu cầu vốn thực tế làm 02 đơn xin vay và 03 giấy nhận nợ kèm theo kế hoạch chi phí trồng trọt (mẫu số 3) ([2])gửi đến Ngân hàng. Sau khi cán bộ tín dụng nông trường xét duyệt, được Trưởng Ngân hàng đồng ý có ký tên đóng dấu thì các giấy tờ trên được giữ lại bộ phận tín dụng 01 bản, còn chuyển cho kế toán làm thủ tục cho vay.

Ngân hàng cho nông trường vay chi phí trồng trọt cũng áp dụng theo tài khoản đơn giản.

Số tiền được vay ghi:

Nợ: Tài khoản cho vay nông trường QD/TƯ (5-38) tiểu khoản cho vay chi phí sản xuất (06).

Có: tài khoản tiền gửi nông trường QD/TƯ (5 – 37).

Trường hợp cơ sở vật tư từ khoản dự trữ đem ra dùng, nông trường đề nghị trả nợ loại cho vay dự trữ vật tư, thì phần tiền tương đương thuộc giá trị vật tư đó được ghi CÓ vào tài khoản (3-58/02) cho vay nông trường quốc doanh trung ương, tiểu khoản cho vay trên định mức, phần còn lại mới ghi vào tài khoản 5-37 tiền gửi nông trường quốc doanh trung ương để nông trường sử dụng.

Khi thu nợ ghi:

CÓ: tài khoản cho vay nông trường QD/TƯ (5-38) tiểu khoản cho vay chi phí sản xuất (06).

NỢ: tài khoản tiền gửi nông trường QD/TƯ (5-37).

b) Cho vay chi phí chế biến công nghiệp

Ngân hàng cho các nông trường vay vốn về chi phí chế biến công nghiệp thành một loại riêng, khi nông trường thực hiện việc hạch toán riêng và được Bộ chủ quản xét duyệt định mức vốn lưu động riêng về chi phí chế biến. Những nông trường chưa có hạch toán riêng thì sẽ cho vay gộp chung vào loại chi phí sản xuất, trình bày ở phần sau.

Mục đích cho vay:

Ngân hàng cho các nông trường quốc doanh vay về chi phí chế biến trên mức tiêu chuẩn trong kế hoạch nhằm giải quyết nhu cầu vốn về chi phí hoặc mua nguyên vật liệu dự trữ cần thiết trong quá trình chế biến của nông trường.

Đối tượng cho vay:

Đối tượng cho vay của Ngân hàng về loại cho vay chi phí chế biến trên mức tiêu chuẩn trong kế hoạch, bao gồm các chi phí trực tiếp và gián tiếp trong quá trình chế biến, kể cả phần vốn mua nguyên vật liệu thêm bên ngoài để dự trữ và phần sản phẩm, tự sản xuất ra của nông trường chuyển sang chế biến.

Cách tính toán cho vay:

Để tính toán cho vay về chi phí chế biến trên mức tiêu chuẩn trong kế hoạch. Ngân hàng dựa vào kế hoạch chế biến của nông trường (mẫu số 3) (1) và căn cứ vào yêu cầu vốn từng thời gian mà giải quyết. Lấy số dư đầu kỳ cộng với dự kiến chi phí trong kỳ (kể cả phần mua nguyên vật liệu dự trữ cho chế biến, đúng ra là phải cho vay riêng phần dự trữ và chi phí) trừ số sản phẩm sẽ bán ra, trừ phần định mức vốn tiêu chuẩn được cấp sẽ có số dư nợ vay Ngân hàng về loại này. Mức cho vay thì tùy theo yêu cầu thực tế nhưng không thể vượt quá mức chi phí phát sinh trong kỳ kế hoạch.

Khi cho vay chi phí chế biến cần chú ý thu hồi về phần vốn cho vay chi phí trồng trọt và dự trữ vật tư, trên cơ sở số sản phẩm trồng trọt và số vật tư được chuyển sang cho chế biến, để thu hồi bớt nợ về.

Thời hạn cho vay và thu nợ: (1)

Thủ tục cho vay thu nợ và ghi kế toán:

Thủ tục cho vay thu nợ và cách ghi chép kế toán loại cho vay chi phí chế biến, áp dụng như loại cho vay chi phí trồng trọt.

Khi cho vay ghi:

NỢ: tài khoản cho vay nông trường QD/TƯ (5-38) tiểu khoản cho vay chi phí sản xuất (06)

CÓ: tài khoản tiền gửi nông trường QD/TƯ (5-37)

Lúc thu nợ ghi:

CÓ: tài khoản cho vay nông trường QD/TW (5-38) tiểu khoản cho vay chi phí sản xuất (06).

NỢ: tài khoản tiền gửi nông trường QD/TƯ (5-37)

c) Cho vay chi phí sản xuất phụ và kinh doanh ngoài nông nghiệp.

Mục đích cho vay:

Ngân hàng cho vay chi phí sản xuất phụ và kinh doanh ngoài nông nghiệp trên mức tiêu chuẩn trong kế hoạch, nhằm giải quyết nhu cầu vốn, khi nông trường vượt mức tiêu chuẩn hoặc trong kế hoạch được duyệt, nhưng Bộ chủ quản không định mức vốn.

Đối tượng cho vay:

Các chi phí sản xuất phụ ở nông trường bao gồm các chi phí về sản xuất phân bón, cho thuê máy móc, kinh doanh về vận tải ô tô, xe bò v.v… Các kinh doanh ngoài nông nghiệp gồm các loại có tính chất sản xuất như làm vôi, gạch, ngói, vận tải và có loại có tính chất phục vụ như căng tin, may mặc, cắt tóc v.v… Ngân hàng chỉ cho vay các loại kinh doanh ngoài nông nghiệp có tính chất sản xuất còn các loại không có tính chất sản xuất thì Ngân hàng không cho vay.

Khi cho vay chi phí sản xuất phụ và kinh doanh ngoài nông nghiệp cần đặc biệt chú ý tới hiệu quả kinh tế, đồng thời không để kinh doanh đó ảnh hưởng đến mặt sản xuất kinh doanh chính của nông trường là sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi.

Cách tính toán cho vay:

Để tính toán cho vay về loại này, thì căn cứ vào số dư chi phí về sản xuất phụ và kinh doanh ngoài nông nghiệp, cộng với dự kiến các chi phí trực tiếp và gián tiếp về sản xuất và phụ kinh doanh ngoài nông nghiệp phát sinh trong kỳ, trừ cho số thành phẩm sẽ tiêu thụ được, trừ đi phần định mức vốn lưu động về sản xuất phụ và kinh doanh ngoài nông nghiệp (nếu có), còn lại là số dư nợ vay Ngân hàng về loại này. Mức cho vay trong kỳ không thể vượt quá các chi phí phát sinh trongk ỳ có ghi trong kế hoạch.

Thời hạn cho vay thu nợ:

Thời hạn cho vay chi phí sản xuất phụ và kinh doanh ngoài nông nghiệp căn cứ theo kế hoạch tiêu thụ sản phẩm mà quy định, nhưng tối đa không quá 12 tháng. Khi nông trường tiêu thụ được sản phẩm thì Ngân hàng sẽ thu hồi số vốn đó về.

Thủ tục cho vay thu nợ và ghi kế toán:

Ngân hàng cho các nông trường quốc doanh vay vốn về chi phí sản xuất và kinh doanh ngoài nông nghiệp theo tài khoản đơn giản. Để được vay vốn, nông trường căn cứ vào kế hoạch đã được duyệt, làm đơn xin vay và giấy nhận nợ, kèm theo kế hoạch chi phí đó gửi đến Ngân hàng. Sau khi cán bộ tín dụng nông trường xét duyệt, được Trưởng Ngân hàng đồng ý, ký tên đóng dấu thì các giấy tờ trên được chuyển cho kế toán làm thủ tục cho vay, bộ phận tín dụng chỉ cần giữ lại mỗi thứ một bản để theo dõi.

Khi cho vay ghi:

NỢ: tài khoản cho vay nông trường QD/TƯ (5-38) tiểu khoản cho vay kinh doanh ngoài nông nghiệp (15)

CÓ: tài khoản tiền gửi nông trường QD/TƯ (5-37)

Lúc thu nợ ghi:

CÓ: tài khoản tiền gửi nông trường QD/TƯ (5-38) tiểu khoản cho vay kinh doanh ngoài nông nghiệp (15).

NỢ: tài khoản tiền gửi nông trường QD/TƯ (5-37).

Điều cần chú ý.

Hiện nay về trình độ hoạt động kinh doanh, trình độ hạch toán của nông trường còn yếu, chưa phân biệt rõ rệt từng loại giá thành, cũng như trình độ nghiệp vụ của cán bộ tín dụng nông trường chúng ta còn yếu, nên để khỏi trở ngại cho sản xuất của nông trường và phù hợp với trình độ chung của cán bộ ta, nên có thể cho vay chung thành một loại “cho vay chi phí sản xuất có tính chất thời vụ trên mức tiêu chuẩn có ghi trong kế hoạch”, bao gồm có chi phí trồng trọt, chi phí chế biến, và chi phí sản xuất phụ, kinh doanh ngoài nông nghiệp.

Đối với những nơi nào, xét thấy có đủ điều kiện thì ta có thể tiến hành cho vay riêng từng loại như trên.

Đối tượng cho vay:

Đối tượng cho vay gộp chung thành một loại chi phí sản xuất, bao gồm tất cả các đối tượng được tính cho vay của từng loại chi tiết đã trình bày trên.

Cách tính toán cho vay:

Để tính toán vốn cho vay chi phí sản xuất có tính chất thời vụ trên mức tiêu chuẩn có ghi trong kế hoạch thì lấy số dư chi phí đầu kỳ của các chi phí trồng trọt, chế biến, sản xuất phụ và kinh doanh ngoài nông trường (kể cả số dư về nông sản phẩm để bán, cộng với dự kiến chi phí trong kỳ kế hoạch của cả 3 loại, trừ đi dự kiến sản phẩm bán ra trong kỳ và trừ vốn định mức được cấp của các loại trên sẽ có mức dư nợ vay Ngân hàng cuối kỳ kế hoạch về loại này. Mức vốn cho vay trong kỳ tối đa không quá dự kiến chi phí trong kỳ.

Thời hạn cho vay, thu nợ:

Thời hạn cho vay về chi phí sản xuất nói chung là căn cứ vào thời gian thu hoạch về kế hoạch tiêu thụ sản phẩm mà quy định cho thích hợp, nhưng tối đa không quá 12 tháng. Khi nông trường bán được sản phẩm thì Ngân hàng sẽ thu hồi nợ về.

Thủ tục cho vay, thu nợ và ghi kế toán:

Để được vay vốn về loại chi phí sản xuất có tính chất thời vụ trên mức tiêu chuẩn có ghi trong kế hoạch, thì nông trường cần có các giấy tờ sau đây:

1. Bản kế hoạch vay vốn về chi phí sản xuất nói chung (mẫu số 3) nếu là lần vay đầu tiên trong kỳ kế hoạch.

2. Đơn xin vay (mẫu số 1). (1)

3. Giấy nhận nợ (mẫu số 2). (1)

Sau khi cán bộ tín dụng nông trường xét duyệt kế hoạch xin vay vốn về chi phí sản xuất của nông trường được Trưởng Ngân hàng đồng ý cho vay, ký tên đóng dấu, thì bộ phận tín dụng giữ lại các giấy tờ trên mỗi thứ 01 bản, còn lại chuyển cho kế toán để làm thủ tục cho vay.

Nông trường căn cứ vào kế hoạch vay vốn về chi phí sản xuất đã được Ngân hàng chấp thuận mà làm giấy nhận nợ số tiền vay theo từng lần nhận tiền.

Ngân hàng cho các nông trường quốc doanh vay chi phí sản xuất có tính chất thời vụ trên mức tiêu chuẩn có ghi trong kế hoạch theo tài khoản đơn giản.

Khi cho vay ghi:

NỢ: tài khoản cho vay nông trường QD/TƯ (5-38) tiểu khoản cho vay chi phí sản xuất (06)

CÓ: tài khoản tiền gửi nông trường QD/TƯ (5-37)

Lúc thu nợ ghi:

CÓ: tài khoản cho vay nông trường QD/TƯ (5-38) tiểu khoản cho vay chi phí sản xuất (06).

NỢ: tài khoản tiền gửi nông trường QD/TƯ (5-37).

4. Cho vay chi phí chăn nuôi trên mức tiêu chuẩn cho kế hoạch

Mục đích cho vay:

Ngân hàng cho các nông trường quốc doanh vay vốn chi phí chăn nuôi nhằm giải quyết nhu cầu vốn về chi phí chăn nuôi nhằm giải quyết nhu cầu vốn về chi phí chăn nuôi các đàn súc vật nuôi cho lớn cho béo ở nông trường khi số dư đàn súc vật và chi phí chăn nuôi vượt trên mức tiêu chuẩn trong kế hoạch.

Đối tượng cho vay:

Đối tượng cho vay chi phí chăn nuôi của Ngân hàng bao gồm tất cả các chi phí trực tiếp và gián tiếp phục vụ cho đàn súc vật, nuôi lớn nuôi béo như tiền mua thêm súc vật, công chăn nuôi, thức ăn hàng ngày, thuốc men cho súc vật, v.v…

Đàn súc vật nuôi lớn, nuôi béo ở nông trường gồm các loại trâu bò, gà, ngỗng, dê, cừu, cá, ong, v.v…

Đối với việc mua sắm các súc vật thuộc đàn súc vật cơ bản như đàn súc vật nuôi sinh sản lấy sữa hoặc súc vật lao động thì vốn Nhà nước cấp, Ngân hàng không cho vay. Nhưng về chi phí chăn nuôi các loại súc vật này đều do vốn lưu động của nông trường đài thọ nên cũng thuộc đối tượng cho vay của Ngân hàng.

Cách tính toán cho vay:

Để tính toán cho vay chi phí chăn nuôi, trong biện pháp thể lệ ban hành năm 1958 là căn cứ vào giá trị chênh lệch tăng lên của đàn súc vật nuôi cho lớn, cho béo, nhưng qua tình hình thực tế ở các nông trường của ta hiện nay thì chưa đặt điều kiện để tính toán cho vay như trong biện pháp trước đã nêu ra, mà chỉ nên áp dụng cách tính toán cách cho vay chi phí chăn nuôi như sau:

- Lấy số dư đàn súc vật đầu kỳ “tài khoản 60-B" cộng với số dư chi phí đầu kỳ “tài khoản 45-B" cộng với dự kiến kế hoạch chi phí trong kỳ (chi phí này gồm cả tiền mua súc vật và các khoản chi phí chăn nuôi khác) trừ dự kiến sản phẩm chăn nuôi bán ra trong kỳ (gồm súc vật bán ra hoặc chuyển lên đàn súc vật cơ bản) lông, sữa, thịt… và các sản phẩm phụ khác như phân, lông, trừ vốn lưu động định mức về đàn súc vật nuôi lớn, nuôi béo, thành số dư nợ của nông trường.

Số tiền cho vay chi phí chăn nuôi trên mức tiêu chuẩn thì tùy theo nhu cầu thực tế của nông trường, nhưng không thể vượt qua số chi phí chăn nuôi và giá trị súc vật mua thêm vào theo kế hoạch.

Thời hạn cho vay thu nợ:

Thời hạn cho vay chi phí chăn nuôi căn cứ theo thời gian tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi ở nông trường mà quy định nhưng tối đa không quá 12 tháng. Việc thu hồi nợ vay chi phí chăn nuôi tiến hành khi giá trị đàn súc vật nuôi lớn, nuôi béo giảm dần. Trong thời gian vay vốn, đàn súc vật ở nông trường bị chết vì toi dịch thì nông trường phải báo cáo cho Ngân hàng rõ và đề nghị Bộ Nông trường cấp bù lỗ để trả nợ Ngân hàng.

Thủ tục cho vay thu nợ và ghi kế toán:

Nông trường muốn được vay vốn Ngân hàng về chi phí chăn nuôi trên mức tiêu chuẩn trong kế hoạch cần có các giấy tờ sau:

1. Bảng kế hoạch chăn nuôi (mẫu số 3). (1)

2. Đơn xin vay (“” 1) (1)

3. Giấy nhận nợ (“” 1) (1)

Ngân hàng cho các nông trường quốc doanh vay vốn về chi phí chăn nuôi theo tài khoản đơn giản.

Khi cho vay kế toán ghi:

NỢ: tài khoản cho vay nông trường QD/TƯ (5-38) tiểu khoản cho vay chăn nuôi (16)

CÓ: tài khoản tiền gửi nông trường QD/TƯ (5-37)

Lúc thu nợ ghi:

CÓ: tài khoản cho vay nông trường QD/TƯ (5-38) tiểu khoản cho vay chăn nuôi (16).

NỢ: tài khoản tiền gửi nông trường QD/TƯ (5-37)

5. Cho vay nhu cầu tạm thời.

Mục đích cho vay:

Loại cho vay này là loại cho vay ngoài kế hoạch, Ngân hàng cho các nông trường quốc doanh vay nhu cầu tạm thời, nhằm để tạm thời giải quyết nhu cầu vốn của nông trường khi nông trường vượt kế hoạch về dự trữ vật tư và chi phí sản xuất.

Đối tượng cho vay:

Đối tượng cho vay nhu cầu tạm thời của Ngân hàng đối với các nông trường quốc doanh bao gồm tất cả các chi phí trong những trường hợp:

- Nông trường có những dự trữ bất thường, do điều kiện vận tải hoặc do cơ quan cung cấp gây nên.

- Nông trường sản xuất và chăn nuôi vượt kế hoạch (trong các phong trào thi đua) hoặc thu hoạch vượt kế hoạch, tranh thủ thu hoạch sớm, hoặc có những chi phí bất ngờ khác trong sản xuất và chăn nuôi. Cần chú ý việc vượt kế hoạch sản xuất về chăn nuôi, nhưng không vi phạm đến việc thực hiện các kế hoạch của nhà nước đã giao cho.

- Nông trường có những khó khăn về tiêu thụ sản phẩm, nhưng không phải do công tác xấu của bản thân nông trường gây ra.

- Nông trường lỗ ngoài kế hoạch được Bộ tạm duyệt nhưng chưa được cấp vốn bù lỗ.

Điều kiện vay vốn:

Để được vay vốn về nhu cầu tạm thời, nông trường cần xuất trình cho Ngân hàng những tài liệu có liên quan đến trường hợp xảy ra nhu cầu tạm thời về vốn. Nếu là trường hợp lỗ ngoài kế hoạch thì phải có ý kiến đề nghị của Bộ kèm theo.

Cách tính toán cho vay:

Khi cho vay nhu cầu tạm thời, Ngân hàng căn cứ vào các giấy tờ báo cáo, xét cụ thể từng trường hợp mà ấn định mức cho vay cho thích hợp, trường hợp nông trường được mùa, sản phẩm thu hoạch tăng thì số cho vay về chi phí thu hoạch tăng không hạn chế.

Thời hạn cho vay nhu cầu tạm thời nói chung không quá 60 ngày. Nếu gặp trường hợp đặc biệt, nông trường chưa có điều kiện trả nợ, Trưởng chi nhánh Ngân hàng có thể gia hạn thêm 15 ngày. Ngoài thời hạn đó, phải do Ngân hàng Nhà nước trung ương quyết định.

Thủ tục cho vay thu nợ và ghi kế toán:

Nông trường muốn vay vốn nhu cầu tạm thời phải có các giấy tờ:

1. Bản báo cáo nguyên nhân xảy ra vượt mức kế hoạch và nêu rõ số vốn cần vay, thời hạn trả nợ.

2. Đơn xin vay (mẫu số 1).

3. Giấy nhận nợ (mẫu số 2).

Ngân hàng cho các nông trường vay vốn nhu cầu tạm thời theo tài khoản đơn giản.

Khi cho vay ghi:

NỢ: tài khoản cho vay nông trường QD/TƯ (5-38) tiểu khoản cho vay nhu cầu tạm thời (03)

CÓ: tài khoản tiền gửi nông trường QD/TƯ (5-37)

Lúc thu nợ ghi:

CÓ: tài khoản cho vay nông trường QD/TƯ (5-38) tiểu khoản cho vay nhu cầu tạm thời (03).

NỢ: tài khoản tiền gửi nông trường QD/TƯ (5-37)

6. Cho vay thanh toán.

Đối với các nông trường quốc doanh, việc cho vay thanh toán được áp dụng chung theo thể lệ và biện pháp cho vay thanh toán đối với xí nghiệp quốc doanh đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành.

7. Cho vay sửa chữa lớn.

Mục đích cho vay:

Ngân hàng cho các nông trường quốc doanh vay vốn sửa chữa lớn, nhằm giải quyết nhu cầu vốn về sửa chữa lớn các phương tiện sản xuất khi cần thiết, mà số vốn khấu hao sửa chữa lớn của nông trường đã trích nhưng chưa đủ để sửa chữa.

Điều kiện vay vốn về sửa chữa lớn:

Muốn được vay vốn về loại này, nông trường phải mở tài khoản riêng về khấu hao sửa chữa lớn tại Ngân hàng và hàng tháng phải gửi tiền khấu hao sửa chữa lớn vào đó (nguyên tắc số tiền khấu hao sửa chữa lớn chỉ được dùng vào việc sửa chữa lớn).

Khi vay vốn về sửa chữa lớn, nông trường phải nạp cho Ngân hàng:

- Kế hoạch khấu hao sửa chữa lớn trong kỳ kế hoạch của nông trường.

- Kế hoạch sửa chữa lớn trong kỳ kế hoạch bao gồm:

a) Vốn sửa chữa lớn có đến ngày định sửa chữa lớn.

b) Vốn Nhà nước cấp thêm về sửa chữa lớn (nếu có).

c) Số vốn xin vay thời hạn trả nợ.

Để cho các nông trường quốc doanh vay vốn sửa chữa lớn, Ngân hàng căn cứ vào các giấy tờ trên để xét giải quyết, tổng số tiền cho vay về sửa chữa lớn, không vượt quá số tiền khấu hao sửa chữa lớn trong kỳ kế hoạch và vốn Nhà nước cấp thêm trong kỳ kế hoạch ấy (nếu có do vốn khấu hao sửa chữa lớn không đủ, nông trường đề nghị Bộ cấp thêm).

Ví dụ

Trường hợp 1

Trường hợp 2

1. Vốn khấu hao sửa chữa lớn trong kỳ kế hoạch.

1.200đ

1.200đ

2. Nông trường dự định sửa chữa trong kỳ kế hoạch 2 lần.

1.200-

1.600-

3. Nông trường được Bộ đồng ý cấp thêm vào 9-61.

400-

4. Đến tháng 5-61 nông trường sửa chữa lần thứ nhất.

800-

1.000-

5. Vốn sửa chữa có đến ngày sửa chữa (5-61).

500-

500-

6. Ngân hàng cho vay S-CL lần thứ nhất (4-5).

300-

500-

7. Ngân hàng chỉ có thể cho vay lần thứ 2 trong kỳ kế hoạch đó (1 – 4) hoặc 1 + 3 – 4)

400-

600-

Thời hạn trả nợ:

Việc trả nợ vốn vay sửa chữa lớn, căn cứ vào số tiền trích khấu hao sửa chữa lớn hàng tháng hoặc quý để trả dần.Thời hạn cho vay căn cứ vào đó để quy định, nhưng nhất thiết không quá kỳ kế hoạch sửa chữa đó (có trường hợp có thể kéo dài đến 02 năm).

Theo ví dụ trên thì trong trường hợp thời hạn cho vay là 03 tháng. Ngân hàng sẽ thu nợ về trong tháng 6-61 100đ, tháng 7-1961 100đ và tháng 8-61 100đ. Ở trường hợp thứ 2 thì thời hạn cho vay là 04 tháng (vì qua tháng 9-61 nông trường đã được Bộ cấp thêm vốn), Ngân hàng sẽ thu nợ về trong tháng 6-61 100đ, tháng 7-61 100đ, tháng 8-61 100đ, tháng 9-61 200đ (nông trường còn phải gửi vào tài khoản Tiền gửi sửa chữa lớn 300đ trong tháng 9-1961).

Thủ tục cho vay, thu nợ và ghi kế toán:

Để được vay vốn về sửa chữa lớn, nông trường cần làm các giấy tờ:

1. Bản kế hoạch vay vốn sửa chữa lớn (mẫu số 6) (1) trong thể lệ cho vay xí nghiệp công nghiệp quốc doanh.

2. Đơn xin vay (mẫu số 1) (1).

3. Giấy nhận nợ (mẫu số 2) (1)

Ngân hàng cho các nông trường quốc doanh vay vốn về sửa chữa lớn theo tài khoản đơn giản.

Khi cho vay kế toán ghi:

NỢ: tài khoản cho vay nông trường QD/TƯ (5-38) tiểu khoản cho vay sửa chữa lớn (07)

CÓ: tài khoản tiền gửi sửa chữa lớn (18-01)

Lúc thu nợ ghi:

CÓ: tài khoản cho vay nông trường QD/TƯ (5-38) tiểu khoản cho vay sửa chữa lớn (07).

NỢ: tài khoản tiền gửi sửa chữa lớn(18-01)

C. KIỂM TRA SỬ DỤNG VỐN VAY

Sản xuất nông nghiệp có tính chất thời vụ và còn phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên nên việc thực hiện kế hoạch trong nông nghiệp có nhiều khó khăn. Do đó, mặc dù khi cho vay Ngân hàng đã căn cứ vào kế hoạch của nông trường mà cho vay nhưng trong suốt quá trình vay vốn Ngân hàng cần phải thường xuyên theo dõi việc sử dụng vốn của nông trường.

Kiểm tra sử dụng vốn vay là một hình thức kiểm soát bằng đồng tiền của Ngân hàng có hiệu quả nhất đối với xí nghiệp. Việc kiểm tra vốn vay không những xem vốn vay Ngân hàng có sử dụng đúng mục đích không, có đủ vật tư đảm bảo không mà nó còn tác dụng giúp đỡ và thúc đẩy nông trường hoàn thành được kế hoạch sản xuất, thi hành đúng đắn chế độ hạch toán kinh tế của Nhà nước. Trong khi kiểm tra, nếu thấy nông trường có gặp gì khó khăn thì Ngân hàng mới kịp thời giúp đỡ.

Ngân hàng tiến hành kiểm tra sử dụng vốn vay ở các nông trường quốc doanh bằng 2 cách:

- Qua các báo biểu kế toán của nông trường gửi cho Ngân hàng.

- Trực tiếp về tận nông trường để xem xét. Về tài liệu nông trường gửi cho Ngân hàng thường có:

- Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất hàng quý.

- Bảng cân đối hay quyết toán tài sản hàng quý và hàng năm.

- Bảng tình hình chi tiêu quỹ tiền lương hàng tháng.

Hiện nay việc làm báo cáo kế toán của nông trường thường là chậm vì vậy cán bộ tín dụng nông trường phải trực tiếp xem các sổ sách của nông trường. Do đó mà cán bộ tín dụng nông trường phải cố gắng học tập để hiểu biết kế toán của nông trường. Mặt khác, cán bộ tín dụng nông trường phải về tận cơ sở sản xuất (khu vực, đội, tổ sản xuất) để xem xét hoạt động cụ thể của nông trường.

Khi kiểm tra vốn vay về dự trữ sản xuất thì căn cứ vào những vật tư dự trữ thực tế của nông trường trừ đi vốn định mức về dự trữ, số còn lại là số vật tư làm đảm bảo nợ vay của Ngân hàng.

Trong số vật tư tính làm đảm bảo cần tính cả những vật tư nông trường đã trả tiền rồi nhưng chưa chở về đến nông trường và cần loại ra các vật tư sau đây:

- Vật tư hư hỏng, ứ đọng không cần dùng.

- Vật tư nông trường chưa trả tiền.

- Vật tư trái với quy định của Nhà nước.

Về giá trị tính làm đảm bảo thì tính theo giá trị kế hoạch nếu giá trị kế hoạch thấp hơn giá trị thực tế, hoặc tính theo giá trị thực tế nếu giá trị thực tế thấp hơn giá trị kế hoạch. Nếu giá trị thực tế cao hơn giá trị kế hoạch mà nông trường có xin điều chỉnh và được Bộ nông trường duyệt y thì Ngân hàng tính theo giá trị điều chỉnh.

Khi kiểm tra đảm bảo số vốn về chi phí đang sản xuất thì lấy số thực tế chi phí về trồng trọt, chế biến sản xuất phụ kinh doanh ngoài nông nghiệp và thành phẩm tại kho 1 của các loại trên đến ngày kiểm tra trừ vốn định mức của các chi phí sản xuất và thành phẩm của các loại trên, số còn lại là số dư vật tư để đảm bảo vốn vay. Trong khi tính số làm đảm bảo về chi phí đang sản xuất phải loại trừ những công việc làm hư hỏng và trong thành phẩm thì loại trừ những phế phẩm và những sản phẩm đã bán và nhận tiền rồi mà chưa chuyên chở cho người mua.

Về giá trị để tính làm đảm bảo cũng áp dụng như trường hợp tính giá vật tư. Về các chi phí đang sản xuất thì tính giá tiêu chuẩn với công việc thực tế đã làm được.

Kiểm tra đảm bảo vốn chăn nuôi là căn cứ vào giá trị đàn súc vật nuôi lớn và béo của nông trường còn lại đến ngày kiểm tra mà tính. Nhưng hiện nay vì súc vật ở nông trường có nhiều loại và cũng chưa tính được trọng lượng, nên Ngân hàng chỉ căn cứ vào số dư nợ của 2 tài khoản 45-B (chi phí chăn nuôi) và 60 (giá trị đàn súc vật nuôi lớn và nuôi béo) trừ đi định mức của chi phí chăn nuôi và đàn súc vật nuôi lớn nuôi béo của nông trường. Số còn lại là số làm đảm bảo nợ vay Ngân hàng.

Khi tính toán vật tư đảm bảo của các loại trên, nếu thấy số dư vật tư lớn hơn số dư nợ vay Ngân hàng thì nợ Ngân hàng được đảm bảo, nếu số dư vật tư nhỏ hơn số dư nợ Ngân hàng thì số chênh lệch đó là số nợ Ngân hàng không có vật tư đảm bảo thị Ngân hàng tiến hành thu hồi số nợ ấy về.

Vì sản xuất nông nghiệp có nhiều khó khăn, nên khi tính toán thấy vốn không có vật tư bảo đảm thì nên trao đổi với nông trường để biết rõ lý do vì sao nông trường không có đủ vật tư đảm bảo nợ. Nếu xét vì lý do khách quan như thiên tai hạn hán chẳng hạn thì đề nghị nông trường phải báo cáo ngay lên Bộ Nông trường biết để giải quyết. Nếu vì lý do công tác xấu của nông trường gây ra như sử dụng vốn sai mục đích, chi tiêu không theo kế hoạch thì đề nghị nông trường có biện pháp bổ cứu và Ngân hàng tiến hành thu hồi phần nợ ấy về. Nếu nông trường không có tiền thì Ngân hàng ghi vào nợ quá hạn và tính lãi gấp rưỡi kể từ ngày chuyển nợ.

Trường hợp nông trường không khắc phục mà phạm đôi ba lần như thế thì Ngân hàng phản ảnh lên Bộ chủ quản và báo cáo về Ngân hàng trung ương, đồng thời tạm thời đình chỉ việc cho vay và chờ ý kiến Bộ nông trường giải quyết rồi Ngân hàng mới tiếp tục cho vay lại.

Mục đích chủ yếu của việc kiểm tra đảm bảo vật tư và kiểm tra việc sử dụng vốn vay cũng chỉ nhằm giúp đỡ nông trường trong việc đẩy mạnh kinh doanh sản xuất, hoàn thành được kế hoạch sản lượng, kế hoạch giá thành, tăng thu nhập cho nông trường, tăng tích lũy cho Nhà nước để không ngừng tái sản xuất mở rộng. Do đó người cán bộ Ngân hàng phải nêu cao tinh thần phục vụ sản xuất, có đầy đủ trách nhiệm trong việc kinh doanh sản xuất của nông trường, luôn luôn đi sát cơ sở sản xuất cộng tác chặt chẽ với cán bộ, công nhân trong nông trường, khiêm tốn học tập, để hiểu biết được nhiều về tình hình hoạt động và tình hình tài vụ của nông trường. Có như thế, chúng ta mới có thể giúp đỡ nông trường một cách tích cực, phát huy tác dụng của tín dụng Ngân hàng phục vụ nền kinh tế quốc dân nói chung và trong việc phát triển ngành Nông trường nói riêng.

TỔNG GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC




Lê Viết Lượng

([1]) Các mẫu không đăng trong Công báo.

(1) Các mẫu không đăng trong Công báo.

([2] ) Thời hạn cho vay thu nợ: (Thời hạn cho vay căn cứ vào chu kỳ của quá trình chế biến mà quy định, khi nông trường tiêu thụ sản phẩm, Ngân hàng thu hồi nợ về, nhưng thời hạn tối đa không quá một năm.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 09-TD/NT năm 1961 hướng dẫn biện pháp cho vay ngắn hạn đối với các nông trường quốc doanh trung ương do Ngân Hàng Nhà Nước ban hành.

  • Số hiệu: 09-TD/NT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 07/09/1961
  • Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước
  • Người ký: Lê Viết Lượng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 38
  • Ngày hiệu lực: 22/09/1961
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản