Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 09-NH/TT | Hà Nội, ngày 10 tháng 02 năm 1978 |
HƯỚNG DẪN THI HÀNH THỂ LỆ GỬI TIỀN TIẾT KIỆM KHÔNG KỲ HẠN CÓ LÃI VÀ CÓ THƯỞNG
(Ban hành theo quyết định số 36-CP ngày 9-2-1978 của Hội đồng Chính phủ)
Chính sách gửi tiền tiết kiệm ban hành từ trước đến nay được đông đảo nhân dân, công nhân viên chức, bộ đội hưởng ứng và thực hiện tích cực. Đến cuối năm 1977, số tiền gửi vào quỹ tiết kiệm đã đạt được gần 1 tỷ đồng. Nhà nước sử dụng số vốn đó để cho vay phát triển kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân. Nhiều người tham gia gửi tiền tiết kiệm đều đặn đã dành dụm mua sắm được nhiều thứ cần thiết, và giải quyết khó khăn trong đời sống. Chính sách gửi tiền tiết kiệm vừa ích nước, vừa lợi nhà, biểu hiện tinh thần cần kiệm xây dựng đất nước của người lao động dưới chế độ xã hội chủ nghĩa.
Chuyển sang giai đoạn cách mạng mới, nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội trong cả nước đòi hỏi phải tích lũy, tập trung và sử dụng mọi nguồn vốn một cách có hiệu quả nhất. Để góp phần đáp ứng yêu cầu đó, Hội đồng Chính phủ ban hành Thể lệ gửi tiền tiết kiệm không kỳ hạn có lãi và có thưởng nhằm cải tiến công tác tiết kiệm, tạo thuận lợi và khuyến khích nhân dân gửi tiền tiết kiệm.
Ngân hàng Nhà nước trung ương hướng dẫn thi hành như sau.
I. GỬI, LĨNH TIỀN – LÃI SUẤT - THƯỞNG XỔ SỐ
1. Thể lệ gửi tiền tiết kiệm không kỳ hạn có lãi và có thưởng là thể thức gửi, lĩnh tiền lúc nào cũng được, bao nhiêu tiền cũng được (chẵn đồng), không quy định thời gian và mức tiền. Người gửi tiền vào thể lệ này vừa có lãi, vừa được dự thưởng xổ số.
2. Lãi suất tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn có lãi và có thưởng là 6% năm: trong đó 4,32% để trả lãi và 1,68% để làm giải thưởng.
Tiền lãi tính theo ngày, gửi ngày nào tính lãi ngày đó, mỗi tháng tính chẵn 30 ngày. Cuối năm tiền lãi được nhập vào vốn, quỹ tiết kiệm ghi số lãi đó vào phiếu lưu, khi người gửi đến giao dịch thì ghi vào sổ tiết kiệm.
3. Mỗi năm xổ số thường hai lần: một lần vào đầu tháng 4 cho những sổ tiết kiệm còn số dư đến ngày 31 tháng 3; một lần vào đầu tháng 10 cho những sổ tiết kiệm còn số dư đến ngày 30 tháng 9.
4. Số tiền thưởng tính theo số dư bình quân ngày của kỳ xổ số và mức tỷ lệ của từng loại giải trúng thưởng.
Riêng giải khuyến khích thì sổ tiết kiệm trúng thưởng được thưởng 10đ.
5. Cứ 10 000 số liên tục có 404 giải thưởng:
1 giải đặc biệt bằng 150% số dư bình quân mỗi ngày trong 180 ngày, tối đa không quá 3000đ.
1 giải nhất bằng 100% số dư bình quân mỗi ngày trong 180 ngày, tối đa không quá 1000đ.
2 giải nhì, mỗi giải bằng 50% số dư bình quân mỗi ngày trong 180 ngày, tối đa không quá 500đ.
100 giải ba, mỗi giải bằng 25% số dư bình quân mỗi ngày trong 180 ngày, tối đa không quá 50đ.
200 giải tư, mỗi giải bằng 10% số dư bình quân mỗi ngày trong 180 ngày, tối đa không quá 30đ.
100 giải khuyến khích, mỗi giải 10đ.
6. Nếu một sổ tiết kiệm trúng nhiều giải thưởng trong một kỳ xổ số, thì chỉ được nhận một giải có tiền thưởng cao nhất.
7. Việc tổ chức xổ số sẽ tiến hành theo quy tắc xổ số, kết quả sẽ công bố trên báo, niêm yết tại các quỹ tiết kiệm cơ sở và gửi giấy báo cho người trúng thưởng. Tiền thưởng được nhập vào vốn và hưởng lãi kể từ sau ngày công bố kết quả xổ số thưởng.
II. QUYỀN LỢI CỦA NGƯỜI GỬI TIỀN
1. Mọi người gửi tiền theo thể lệ gửi tiền tiết kiệm không kỳ hạn có lãi và có thưởng, không kể số dư nhiều hay ít, thời gian gửi ngắn hay dài đều được nhận lãi và dự thưởng xổ số.
2. Để bảo đảm việc trả tiền đúng người có tiền gửi, lúc gửi lần đầu để mở sổ tiết kiệm, người có tiền gửi được cấp một sổ tiết kiệm, đăng ký họ tên, địa chỉ và chữ ký của mình tại quỹ tiết kiệm. Người gửi tiền không ghi chép hoặc sửa chữa trong sổ tiết kiệm. Quỹ tiết kiệm có trách nhiệm ghi chép đầy đủ các yếu tố cần thiết vào sổ tiết kiệm, nếu sửa chữa, quỹ tiết kiệm phải làm đúng thủ tục và ký xác nhận. Quỹ tiết kiệm nhất thiết không được cấp bất kỳ một loại giấy tờ gì khác để thay sổ tiết kiệm.
3. Lúc thay đổi chỗ ở thì tiền gửi tiết kiệm được chuyển đến nơi ở mới nếu người gửi yêu cầu và được miễn lệ phí.
4. Nếu người có tiền gửi không đến quỹ tiết kiệm gửi hoặc lĩnh tiền được, có thể những ủy quyền cho người khác. Trường hợp ủy quyền thì ghi rõ họ tên, số, ngày, nơi cấp giấy chứng minh của cả hai người (ủy quyền và được ủy quyền), người ủy quyền ký đúng chữ ký đã đăng ký tại quỹ tiết kiệm. Khi nhận tiền, người được ủy quyền phải xuất trình giấy chứng minh của mình.
5. Tiền gửi tiết kiệm thuộc quyền sở hữu của người có tiền gửi được Nhà nước bảo hộ. Lúc chết, quyền sở hữu đó thuộc người thừa kế hợp pháp; nếu người gửi muốn phân quyền sở hữu tiền gửi tiết kiệm thì được bảo đảm theo di chúc.
6. Trường hợp bị mất sổ tiết kiệm, người có tiền gửi báo kịp thời cho quỹ tiết kiệm nơi gửi tiền, quỹ tiết kiệm phải trả lời ngay cho người có tiền gửi biết sổ tiết kiệm đó đã bị lĩnh tiền hay chưa. Nếu sổ tiết kiệm chưa bị lĩnh tiền thì hạn trong 10 ngày, kể từ ngày báo mất, quỹ tiết kiệm sẽ phát sổ mới.
Nếu số tiết kiệm đã bị lĩnh tiền mà quỹ tiết kiệm trả tiền theo đúng thủ tục quy định thi quỹ tiết kiệm không chịu trách nhiệm.
Trong thời gian chờ xử lý, sổ tiết kiệm bị mất vẫn được hưởng lãi và dự thưởng xổ số.
Trường hợp người mất sổ tìm thấy sổ cũ thì phải nộp cho quỹ tiết kiệm để hủy bỏ. Ai lợi dụng sổ tiết kiệm cũ đã báo mất để lĩnh tiền sẽ bị xử lý theo luật pháp.
III. TRÁCH NHIỆM CỦA QUỸ TIẾT KIỆM
1. Quỹ tiết kiệm phải tổ chức phục vụ nhân dân gửi, lĩnh tiền tiết kiệm được thuận tiện, dễ dàng và nhanh chóng.
Các quỹ tiết kiệm cơ sở phải đặt ở những nơi tập trung đông người, các khu trung tâm dân dư tại thành thị và nông thôn phục vụ tiện lợi cho việc đi lại và công tác của các tầng lớp nhân dân.
Giờ giao dịch phải bố trí thích hợp với thời gian thuận tiện của các tầng lớp dân cư nơi mình phục vụ, có thể bố trí làm việc theo ca kíp hoặc ngoài giờ hành chính. Thì giờ giao dịch phải thông báo rõ ràng ở nơi làm việc; mở cửa, đóng cửa giao dịch đúng theo ngày giờ đã thông báo, không được đóng, mở cửa giao dịch một cách tùy tiện.
Cải tiến thủ tục, quy trình thao tác trong giao dịch, đảm bảo tiêu chuẩn năng suất lao động được quy định, phục vụ nhanh chóng việc gửi và lĩnh tiền.
Không được viện lý do không chính đáng để gây phiền hà, làm trở ngại đến việc gửi và lĩnh tiền tiết kiệm của nhân dân.
Quỹ tiết kiệm trung ương tổ chức thí điểm và mở rộng dần việc gửi tiền tiết kiệm ở nơi này, lĩnh tiền ở nơi khác.
2. Quỹ tiết kiệm phải giữ bí mật tên người và số tiền gửi tiết kiệm.
3. Quỹ tiết kiệm phải bảo đảm an toàn số tiền của người gửi, không được từ chối, trì hoãn việc thu nhận và trả tiền gửi cho người gửi tiền. Trường hợp nhân viên quỹ tiết kiệm tham ô lợi dụng, làm mất tiền của người gửi thì trước hết quỹ tiết kiệm phải bồi thường. Việc xử lý đối với đương sự là trách nhiệm của quỹ tiết kiệm.
4. Mọi thắc mắc khiếu nại của người gửi tiền, quỹ tiết kiệm phải nghiên cứu giải quyết và trả lời kịp thời, nếu không giải quyết được thì báo cáo lên cấp trên, nhất thiết không được bỏ qua.
1. Thể lệ gửi tiền tiết kiệm không kỳ hạn có lãi và có thưởng được thi hành thống nhất trong cả nước từ ngày 1 tháng 3 năm 1978, thay thế tất cả các thể lệ gửi tiền tiết kiệm đã ban hành trước đây.
2. Ngân hàng và quỹ tiết kiệm các cấp tổ chức việc thay đổi sổ tiết kiệm, chuyển số dư tiền gửi trên sổ tiết kiệm thuộc các thể lệ cũ của người gửi, qua sổ tiết kiệm thuộc thể lệ mới một cách nhanh chóng, gọn gàng và chu đáo; không vì việc thay đổi thể lệ và thay đổi sổ mà làm thiệt thòi đến quyền lợi của người gửi tiền.
3. Thực hện thể lệ gửi tiền tiết kiệm mới, các cấp ngân hàng và quỹ tiết kiệm cần đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, tổ chức phục vụ chu đáo người gửi tiền, khuyến khích mọi người tích cực hăng hái gửi tiền tiết kiệm.
TỔNG GIÁM ĐỐC |
- 1Quyết định 115-QĐ năm 1965 về việc ban hành thể lệ gửi tiền tiết kiệm “Gửi gọn lấy gọn, có thời hạn, có lãi” do Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành
- 2Quyết định 542-QĐ năm 1965 ban hành thể lệ gửi tiền tiết kiệm theo phiếu định mức có lãi do Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành
- 3Luật các Tổ chức tín dụng 1997
- 1Quyết định 115-QĐ năm 1965 về việc ban hành thể lệ gửi tiền tiết kiệm “Gửi gọn lấy gọn, có thời hạn, có lãi” do Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành
- 2Quyết định 542-QĐ năm 1965 ban hành thể lệ gửi tiền tiết kiệm theo phiếu định mức có lãi do Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành
- 3Luật các Tổ chức tín dụng 1997
- 4Quyết định 36-CP năm 1978 về thể lệ gửi tiền tiết kiệm không kỳ hạn có lãi và có thưởng do Hội đồng Chính phủ ban hành
Thông tư 09-NH/TT-1978 hướng dẫn thi hành Thể lệ gửi tiền tiết kiệm không kỳ hạn có lãi và có thưởng do Ngân hàng Nhà nước ban hành
- Số hiệu: 09-NH/TT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 10/02/1978
- Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước
- Người ký: Trần Dương
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 3
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra