Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 09/2023/TT-BKHĐT | Hà Nội, ngày 09 tháng 10 năm 2023 |
QUY ĐỊNH HỆ THỐNG CHỈ TIÊU THỐNG KÊ NGÀNH KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
Căn cứ Luật Thống kê ngày 23 tháng 11 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê ngày 12 tháng 11 năm 2021;
Căn cứ Nghị định số 94/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thống kê;
Căn cứ Nghị định số 94/2022/NĐ-CP ngày 07 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
Căn cứ Nghị định số 89/2022/NĐ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê;
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư quy định hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Kế hoạch và Đầu tư.
Thông tư này quy định hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Kế hoạch và Đầu tư.
1. Các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
3. Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
4. Các cơ quan, tổ chức khác có liên quan đến hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Kế hoạch và Đầu tư.
Điều 3. Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Kế hoạch và Đầu tư
1. Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Kế hoạch và Đầu tư là tập hợp các chỉ tiêu thống kê phản ánh tình hình, kết quả hoạt động chủ yếu của ngành Kế hoạch và Đầu tư, phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan nhà nước; làm cơ sở cho việc đánh giá, dự báo tình hình, hoạch định chiến lược, chính sách phát triển kinh tế - xã hội thuộc lĩnh vực quản lý của ngành Kế hoạch và Đầu tư; đáp ứng nhu cầu trao đổi, hợp tác thông tin với các tổ chức, cá nhân.
2. Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Kế hoạch và Đầu tư gồm:
a) Danh mục chỉ tiêu thống kê ngành Kế hoạch và Đầu tư gồm 54 chỉ tiêu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.
b) Nội dung chỉ tiêu thống kê ngành Kế hoạch và Đầu tư quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này. Nội dung của mỗi chỉ tiêu thống kê gồm khái niệm, phương pháp tính, phân tổ chủ yếu, kỳ công bố, nguồn số liệu và đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp chỉ tiêu.
1. Trách nhiệm của các đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư
a) Tổng cục Thống kê chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng chế độ báo cáo thống kê ngành Kế hoạch và Đầu tư để trình Bộ trưởng ban hành.
b) Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân chủ trì tổng hợp thông tin, chỉ tiêu thống kê ngành Kế hoạch và Đầu tư thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo yêu cầu quản lý, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư; sử dụng dữ liệu hành chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ nhằm phục vụ thu thập, tổng hợp thông tin thống kê thuộc các chỉ tiêu thống kê ngành Kế hoạch và Đầu tư để trình Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố; tổ chức phổ biến thông tin thống kê; theo dõi, hướng dẫn, báo cáo tình tình thực hiện Thông tư này.
b) Thủ trưởng các đơn vị liên quan có trách nhiệm thu thập, tổng hợp các chỉ tiêu được phân công trong hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Kế hoạch và Đầu tư và cung cấp số liệu cho Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân.
2. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; Trưởng Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm thu thập, tổng hợp thông tin thống kê trên địa bàn cung cấp cho các Cục, Vụ quản lý chuyên ngành thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2024 và thay thế Thông tư số 05/2017/TT-BKHĐT ngày 30 tháng 11 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các cơ quan, đơn vị gửi ý kiến về Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) để kịp thời có hướng dẫn, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
DANH MỤC HỆ THỐNG CHỈ TIÊU THỐNG KÊ NGÀNH KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
(Ban hành kèm theo Thông tư số 09/2023/TT-BKHĐT ngày 09 tháng 10 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
Stt | Mã số | Nhóm, tên chỉ tiêu |
01. Đầu tư công | ||
1 | 0101 | Số dự án và vốn đầu tư công thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước |
2 | 0102 | Số dự án thất thoát, lãng phí được phát hiện |
3 | 0103 | Tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản |
4 | 0104 | Số dự án chậm tiến độ |
5 | 0105 | Số dự án được đánh giá ban đầu theo quy định |
6 | 0106 | Số dự án được đánh giá giữa kỳ hoặc giai đoạn theo quy định |
7 | 0107 | Số dự án được đánh giá kết thúc theo quy định |
8 | 0108 | Số dự án được đánh giá tác động theo quy định |
9 | 0109 | Số dự án đã đưa vào sử dụng nhưng có vấn đề kỹ thuật, không có hiệu quả |
02. Đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư trực tiếp của Việt Nam ra nước ngoài | ||
10 | 0201 | Số dự án đầu tư mới, số lượt dự án điều chỉnh vốn, số giao dịch góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và vốn đầu tư đăng ký |
11 | 0202 | Số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư |
12 | 0203 | Lao động, doanh thu, lợi nhuận và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước của các dự án đầu tư nước ngoài |
13 | 0204 | Số dự án đầu tư mới, số lượt dự án điều chỉnh vốn và vốn đầu tư trực tiếp của Việt Nam ra nước ngoài |
14 | 0205 | Vốn chuyển ra nước ngoài của các dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài |
15 | 0206 | Lao động, lợi nhuận chuyển về nước, thuế và các khoản phải nộp ngân sách của các dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài |
03. Quản lý vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi; khoản viện trợ không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam | ||
16 | 0301 | Vốn hỗ trợ phát triển chính thức và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài |
17 | 0302 | Khoản viện trợ không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam |
04. Quản lý đấu thầu | ||
18 | 0401 | Tổng số gói thầu |
19 | 0402 | Tổng giá gói thầu |
20 | 0403 | Tổng giá trúng thầu |
21 | 0404 | Tỷ lệ tiết kiệm trong đấu thầu |
22 | 0405 | Tổng số dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) |
23 | 0406 | Tổng số dự án đầu tư có sử dụng đất không sử dụng nguồn vốn ngân sách thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư |
24 | 0407 | Tổng số dự án lựa chọn nhà đầu tư theo ngành, lĩnh vực |
05. Quản lý các khu kinh tế, khu công nghiệp | ||
25 | 0501 | Số lượng khu kinh tế đã được thành lập |
26 | 0502 | Diện tích của các khu kinh tế |
27 | 0503 | Số lượng khu công nghiệp đã thành lập |
28 | 0504 | Diện tích của các khu công nghiệp |
29 | 0505 | Vốn đầu tư đăng ký, vốn đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp |
30 | 0506 | Tình trạng hoạt động của nhà máy xử lý nước thải của khu công nghiệp |
31 | 0507 | Tỷ lệ khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường |
32 | 0508 | Tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp |
33 | 0509 | số lao động trực tiếp làm việc tại các khu công nghiệp |
06. Phát triển doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh | ||
34 | 0601 | Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới |
35 | 0602 | Số doanh nghiệp giải thể |
36 | 0603 | Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh |
37 | 0604 | Tổng vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới |
38 | 0605 | Tổng số lao động đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới |
39 | 0606 | Tỷ trọng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tổng số doanh nghiệp |
40 | 0607 | Tỷ trọng doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia xuất khẩu, nhập khẩu trong tổng số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, nhập khẩu |
41 | 0608 | Tỷ trọng giá trị gia tăng của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tổng sản phẩm trong nước |
42 | 0609 | Tổng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa |
43 | 0610 | Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của doanh nghiệp nhỏ và vừa |
44 | 0611 | Số lượt doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ |
45 | 0612 | Số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ |
46 | 0613 | Số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nhiều lao động nữ |
07. Kinh tế tập thể, hợp tác xã | ||
47 | 0701 | Số hợp tác xã |
48 | 0702 | Số thành viên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác |
49 | 0703 | Số lao động thường xuyên của hợp tác xã |
50 | 0704 | Doanh thu của hợp tác xã |
51 | 0705 | Số cán bộ quản lý hợp tác xã |
52 | 0706 | Số tổ hợp tác, liên hiệp hợp tác xã |
53 | 0707 | Số hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập mới |
54 | 0708 | Số hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã giải thể, tạm ngừng hoạt động |
NỘI DUNG HỆ THỐNG CHỈ TIÊU THỐNG KÊ NGÀNH KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
(Ban hành kèm theo Thông tư số 09/2023/TT-BKHĐT ngày 09 tháng 10 năm 2023 Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
0101. Số dự án và vốn đầu tư công thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước
1. Khái niệm, phương pháp tính
a) Số dự án đầu tư công thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước
- Dự án đầu tư công là dự án sử dụng toàn bộ hoặc một phần vốn đầu tư công.
- Phân loại dự án đầu tư công:
* Căn cứ vào tính chất, dự án đầu tư công vốn ngân sách nhà nước gồm 2 loại:
(i) Dự án có cấu phần xây dựng là dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án đã đầu tư xây dựng, bao gồm cả phần mua tài sản, mua trang thiết bị của dự án;
(ii) Dự án không có cấu phần xây dựng là dự án mua tài sản, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua, sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị, máy móc và dự án khác không quy định tại mục (i).
* Theo mức độ quan trọng và quy mô, dự án đầu tư công được phân thành 4 loại: Dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, dự án nhóm B và dự án nhóm C. Tiêu chí phân loại các loại dự án này theo quy định của Luật Đầu tư công.
- Số dự án đầu tư công thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước là số dự án được cấp có thẩm quyền phân bổ, giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước (kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước, nguồn vốn tăng thu, tiết kiệm chi, kết dư ngân sách, dự phòng ngân sách nhà nước, nguồn chi cải cách tiền lương còn dư,...).
b) Vốn đầu tư công thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước gồm vốn ngân sách trung ương và vốn ngân sách địa phương bố trí cho nhiệm vụ, dự án thuộc đối tượng đầu tư công.
c) Phương pháp tính
Số dự án đầu tư công thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước:
Số dự án đầu tư công thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước | = | Số dự án quan trọng quốc gia | + | Số dự án nhóm A | + | Số dự án nhóm B | + | Số dự án nhóm C |
2. Phân tổ chủ yếu
- Ngành, lĩnh vực đầu tư;
- Nhóm dự án (quan trọng quốc gia, A, B, C);
- Nguồn vốn;
- Bộ/ngành;
- Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
3. Kỳ công bố: Năm.
4. Nguồn số liệu:
- Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp từ báo cáo của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và được Quốc hội quyết nghị, Thủ tướng Chính phủ giao.
- Thông báo/Quyết định phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương hằng năm của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
- Kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm vốn ngân sách địa phương do Hội đồng Nhân dân quyết nghị.
- Quyết định bổ sung vốn cho nhiệm vụ, dự án từ nguồn tăng thu ngân sách nhà nước, dự phòng ngân sách nhà nước và các nguồn vốn của ngân sách nhà nước khác.
5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân.
0102. Số dự án thất thoát, lãng phí được phát hiện
1. Khái niệm, phương pháp tính
- Dự án thất thoát là dự án có hiện tượng mất mát, thiệt hại không đáng có về vốn trong suốt quá trình đầu tư, từ khi quyết định chủ trương đầu tư cho đến khi dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng.
- Dự án lãng phí là dự án sử dụng các nguồn lực tài chính, lao động, thời gian,... vượt quá định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
- Số dự án thất thoát, lãng phí được phát hiện là số dự án thất thoát, lãng phí được cơ quan chuyên môn có thẩm quyền phát hiện trong kỳ báo cáo.
2. Phân tổ chủ yếu
- Nhóm dự án;
- Ngành kinh tế;
- Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
3. Kỳ công bố: Năm.
4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành Kế hoạch và Đầu tư.
5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư.
0103. Tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản
1. Khái niệm, phương pháp tính
Tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản là toàn bộ giá trị khối lượng thực hiện đã được nghiệm thu của dự án thuộc kế hoạch đầu tư công được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng chưa có vốn để thanh toán cho phần khối lượng đã thực hiện đó.
2. Phân tổ chủ yếu
- Ngành kinh tế;
- Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
3. Kỳ công bố: Năm.
4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành Kế hoạch và Đầu tư.
5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư.
1. Khái niệm, phương pháp tính
Số dự án chậm tiến độ là số dự án được cơ quan có thẩm quyền chuyên môn giám sát, đánh giá thực hiện là chậm tiến độ so với kế hoạch đặt ra.
2. Phân tổ chủ yếu
- Nhóm dự án;
- Ngành kinh tế;
- Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
3. Kỳ công bố: Năm.
4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành Kế hoạch và Đầu tư.
5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư.
0105. Số dự án được đánh giá ban đầu theo quy định
1. Khái niệm, phương pháp tính
Số dự án được đánh giá ban đầu theo quy định là số dự án được cơ quan có thẩm quyền đánh giá ngay sau khi bắt đầu thực hiện đầu tư dự án nhằm xem xét tình hình thực tế của dự án so với thời điểm phê duyệt để có biện pháp xử lý phù hợp.
2. Phân tổ chủ yếu
- Nhóm dự án;
- Ngành kinh tế;
- Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
3. Kỳ công bố: Năm.
4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành Kế hoạch và Đầu tư.
5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư.
0106. Số dự án được đánh giá giữa kỳ hoặc giai đoạn theo quy định
1. Khái niệm, phương pháp tính
Số dự án được đánh giá giữa kỳ hoặc giai đoạn theo quy định là số dự án được cơ quan có thẩm quyền đánh giá vào thời điểm giữa kỳ theo tiến độ thực hiện đầu tư dự án được phê duyệt hoặc sau khi kết thúc từng giai đoạn (đối với dự án được thực hiện theo nhiều giai đoạn), nhằm xem xét quá trình thực hiện đầu tư dự án từ khi bắt đầu triển khai, đề xuất các điều chỉnh cần thiết.
2. Phân tổ chủ yếu
- Nhóm dự án;
- Ngành kinh tế;
- Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
3. Kỳ công bố: Năm.
4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành Kế hoạch và Đầu tư.
5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư.
0107. Số dự án được đánh giá kết thúc theo quy định
1. Khái niệm, phương pháp tính
Số dự án được đánh giá kết thúc theo quy định là số dự án được cơ quan có thẩm quyền thực hiện đánh giá ngay sau khi kết thúc thực hiện đầu tư dự án nhằm xem xét các kết quả đạt được, rút ra các bài học kinh nghiệm.
2. Phân tổ chủ yếu
- Nhóm dự án;
- Ngành kinh tế;
- Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
3. Kỳ công bố: Năm.
4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành Kế hoạch và Đầu tư.
5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư.
0108. Số dự án được đánh giá tác động theo quy định
1. Khái niệm, phương pháp tính
Số dự án được đánh giá tác động theo quy định là số dự án được cơ quan có thẩm quyền đánh giá vào thời điểm thích hợp sau năm thứ 3 kể từ khi đưa dự án vào vận hành, nhằm làm rõ hiệu quả, tính bền vững và tác động kinh tế - xã hội so với mục tiêu đặt ra ban đầu.
2. Phân tổ chủ yếu
- Nhóm dự án;
- Ngành kinh tế;
- Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
3. Kỳ công bố: Năm.
4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành Kế hoạch và Đầu tư.
5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư.
0109. Số dự án đã đưa vào sử dụng nhưng có vấn đề kỹ thuật, không có hiệu quả
1. Khái niệm, phương pháp tính
Số dự án đã đưa vào sử dụng nhưng có vấn đề kỹ thuật, không có hiệu quả là số dự án đã đưa vào sử dụng được cơ quan có thẩm quyền tiến hành đánh giá là có vấn đề kỹ thuật, không hiệu quả so với mục tiêu ban đầu đặt ra (chỉ tính trong số dự án được tiến hành đánh giá, không tính trên tổng số dự án đầu tư).
2. Phân tổ chủ yếu
- Nhóm dự án;
- Ngành kinh tế;
- Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
3. Kỳ công bố: Năm.
4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành Kế hoạch và Đầu tư.
5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư.
02. Đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư trực tiếp của Việt Nam ra nước ngoài
1. Khái niệm, phương pháp tính
Vốn đầu tư nước ngoài là toàn bộ vốn bằng tiền hoặc tài sản hợp pháp do nhà đầu tư nước ngoài đưa vào Việt Nam để tiến hành các hoạt động đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Vốn đầu tư đăng ký gồm:
- Vốn đầu tư đăng ký mới của những dự án đầu tư mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong kỳ.
- Vốn đầu tư điều chỉnh là vốn đầu tư bổ sung hoặc giảm đi của những dự án đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư từ trước đó.
- Giá trị vốn góp, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào các tổ chức kinh tế.
Dự án đầu tư mới là dự án đầu tư thực hiện lần đầu hoặc dự án đầu tư độc lập với dự án đầu tư đang hoạt động.
Dự án đầu tư mở rộng là dự án đầu tư phát triển dự án đầu tư đang hoạt động bằng cách mở rộng quy mô, nâng cao công suất, đổi mới công nghệ, giảm ô nhiễm hoặc cải thiện môi trường.
Số lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư là số lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư trong kỳ báo cáo nhằm thu hẹp hoặc mở rộng quy mô, nâng cao công suất, năng lực sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm ô nhiễm môi trường của dự án đầu tư hiện có đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư trong các năm trước.
Số giao dịch góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp là số lượt góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào các tổ chức kinh tế trong kỳ báo cáo.
2. Phân tổ chủ yếu
- Ngành kinh tế;
- Nước/vùng lãnh thổ đầu tư;
- Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
3. Kỳ công bố: Tháng, quý, năm.
4. Nguồn số liệu
- Chế độ báo cáo hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;
- Chế độ báo cáo thống kê ngành Kế hoạch và Đầu tư.
5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Cục Đầu tư nước ngoài.
0202. Số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
1. Khái niệm, phương pháp tính
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông.
Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là văn bản, bản điện tử ghi nhận thông tin đăng ký của nhà đầu tư về dự án đầu tư.
Số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài được cơ quan đăng ký đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong kỳ.
2. Phân tổ chủ yếu
- Ngành kinh tế;
- Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
- Nước/vùng lãnh thổ đầu tư.
3. Kỳ công bố: Năm.
4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành Kế hoạch và Đầu tư.
5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Cục Quản lý đăng ký kinh doanh.
1. Khái niệm, phương pháp tính
- Số lao động của dự án đầu tư nước ngoài là tất cả những người mà doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trực tiếp quản lý, sử dụng và trả lương/trả công hoặc bằng hình thức thu nhập hỗn hợp (gồm tiền công và lợi nhuận của sản xuất kinh doanh).
- Doanh thu của dự án đầu tư nước ngoài là toàn bộ số tiền sẽ thu được do tiêu thụ sản phẩm, cung cấp dịch vụ, hoạt động tài chính và các hoạt động khác của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong kỳ báo cáo.
- Lợi nhuận của dự án đầu tư nước ngoài là khoản chênh lệch giữa doanh thu và chi phí do hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong một thời gian nhất định (quý, năm).
- Các khoản nộp ngân sách nhà nước của dự án đầu tư nước ngoài là các loại thuế, phí, lệ phí và các khoản phải nộp khác mà doanh nghiệp đầu tư nước ngoài phải nộp và đã nộp vào ngân sách nhà nước trong kỳ báo cáo.
2. Phân tổ chủ yếu
- Ngành kinh tế;
- Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
3. Kỳ công bố: Năm.
4. Nguồn số liệu
- Chế độ báo cáo hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;
- Chế độ báo cáo thống kê ngành Kế hoạch và Đầu tư.
5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Cục Đầu tư nước ngoài.
1. Khái niệm, phương pháp tính
Số dự án và vốn đăng ký đầu tư trực tiếp ra nước ngoài là số dự án và lượng vốn đầu tư của nhà đầu tư Việt Nam đăng ký đưa ra nước ngoài để tiến hành các hoạt động đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư nước sở tại (nước được trực tiếp đầu tư) trong một thời kỳ nhất định.
Vốn đầu tư đăng ký trực tiếp của Việt Nam ra nước ngoài bao gồm cả vốn đầu tư của các dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài trong kỳ và vốn đăng ký bổ sung hoặc giảm đi của các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài từ trước đó.
2. Phân tổ chủ yếu
- Ngành kinh tế;
- Nước/vùng lãnh thổ đầu tư.
3. Kỳ công bố: Tháng, quý, năm.
4. Nguồn số liệu
- Cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài;
- Chế độ báo cáo thống kê ngành Kế hoạch và Đầu tư.
5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Cục Đầu tư nước ngoài.
0205. Vốn chuyển ra nước ngoài của các dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài
1. Khái niệm, phương pháp tính
Vốn chuyển ra nước ngoài của các dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài là tổng số tiền và giá trị hiện vật các nhà đầu tư Việt Nam đã chuyển ra nước ngoài. Vốn chuyển ra nước ngoài của các dự án đầu tư ra nước ngoài thể hiện dưới các hình thức: Ngoại tệ, máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu, nhiên liệu, hàng hóa thành phẩm, hàng hóa bán thành phẩm; giá trị quyền sở hữu công nghiệp, bí quyết kỹ thuật, quy trình công nghệ, dịch vụ kỹ thuật, quyền sở hữu trí tuệ và các tài sản hợp pháp khác.
2. Phân tổ chủ yếu
- Ngành kinh tế;
- Nước/vùng lãnh thổ đầu tư.
3. Kỳ công bố: Năm.
4. Nguồn số liệu
- Chế độ báo cáo thực hiện đầu tư ra nước ngoài;
- Chế độ báo cáo thống kê ngành Kế hoạch và Đầu tư.
5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Cục Đầu tư nước ngoài.
1. Khái niệm, phương pháp tính
Số lao động của các dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài là tất cả lao động Việt Nam mà dự án đầu tư ra nước ngoài trực tiếp quản lý, sử dụng và trả lương/trả công hoặc bằng hình thức thu nhập hỗn hợp (gồm tiền công và lợi nhuận của sản xuất kinh doanh).
Lợi nhuận chuyển về nước của các dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài là khoản chênh lệch giữa doanh thu và chi phí do hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong một thời gian nhất định (tháng, quý, năm), đã được chia cho nhà đầu tư Việt Nam và được chuyển về nước trong kỳ báo cáo.
Thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước Việt Nam của các dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài là các loại thuế, phí, lệ phí và các khoản nộp khác mà nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư ra nước ngoài phải nộp và đã nộp trong kỳ báo cáo.
2. Phân tổ chủ yếu
- Ngành kinh tế;
- Nước/vùng lãnh thổ đầu tư.
3. Kỳ công bố: Năm.
4. Nguồn số liệu:
- Chế độ báo cáo hoạt động đầu tư ra nước ngoài;
- Chế độ báo cáo thống kê ngành Kế hoạch và Đầu tư.
5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Cục Đầu tư nước ngoài.
0301. Vốn hỗ trợ phát triển chính thức và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài
1. Khái niệm, phương pháp tính
a) Khái niệm
- Vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi là nguồn vốn của nhà tài trợ nước ngoài cung cấp cho nhà nước hoặc Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để hỗ trợ phát triển, bảo đảm phúc lợi và an sinh xã hội.
- Vốn đối ứng là khoản vốn đóng góp của phía Việt Nam (bằng hiện vật hoặc tiền) trong chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nhằm chuẩn bị và thực hiện chương trình, dự án được bố trí từ nguồn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, chủ dự án tự bố trí, vốn đóng góp của đối tượng thụ hưởng và các nguồn vốn hợp pháp khác.
- Cơ quan chủ quản: Quy định tại khoản 7 Điều 3 Nghị định số 114/2021/NĐ-CP ngày 16/12/2021 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.
- Vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài gồm 3 loại sau:
+ Vốn ODA không hoàn lại là khoản vốn ODA không phải hoàn trả lại cho nhà tài trợ nước ngoài, được cung cấp theo hình thức dự án độc lập hoặc kết hợp với các dự án đầu tư sử dụng vốn vay ODA, vay có ưu đãi nước ngoài.
+ Vốn vay ODA là khoản vay nước ngoài có thành tố ưu đãi đạt ít nhất 35% đối với khoản vay có điều kiện ràng buộc liên quan đến mua sắm hàng hóa và dịch vụ theo quy định của nhà tài trợ nước ngoài hoặc đạt ít nhất 25% đối với khoản vay không có điều kiện ràng buộc.
+ Vốn vay ưu đãi là khoản vay nước ngoài có điều kiện ưu đãi hơn so với vay thương mại nhưng thành tố ưu đãi chưa đạt tiêu chuẩn của vay ODA.
- Vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ được phân loại theo các tiêu thức sau:
+ Vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ ký kết phân theo các nhà tài trợ.
+ Vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ ký kết phân theo các ngành, các lĩnh vực ưu tiên sử dụng ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ.
+ Vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ thực hiện phân theo các ngành, lĩnh vực ưu tiên sử dụng ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ.
- Kế hoạch năm: Là kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, giao để triển khai các hoạt động của chương trình, dự án thực hiện trong năm báo cáo.
b) Phương pháp tính
Tổng mức đầu tư của dự án | = | Vốn vay ODA | + | Vay ưu đãi | + | Viện trợ không hoàn lại | + | Vốn đối ứng |
Vốn nước ngoài | = | Vốn vay ODA | + | Vay ưu đãi | + | Viện trợ không hoàn lại |
- Lũy kế giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi từ đầu dự án đến thời điểm báo cáo là tổng giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi từ bắt đầu dự án đến thời điểm báo cáo.
- Lũy kế giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi từ đầu năm đến thời điểm báo cáo là tổng giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi từ đầu năm đến thời điểm báo cáo.
- Lũy kế giải ngân vốn đối ứng từ đầu dự án đến thời điểm báo cáo là tổng giải ngân vốn đối ứng bắt đầu dự án đến thời điểm báo cáo.
- Lũy kế giải ngân vốn đối ứng từ đầu năm đến thời điểm báo cáo là tổng giải ngân vốn đối ứng từ đầu năm đến thời điểm báo cáo.
- Vốn nước ngoài quy đổi sang USD: Tỷ giá hối đoái quy đổi tại thời điểm phê duyệt dự án và được ghi trong quyết định phê duyệt.
2. Phân tổ chủ yếu
- Hình thức hỗ trợ (vốn ODA không hoàn lại, vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi);
- Ngành kinh tế;
- Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
3. Kỳ công bố: 6 tháng, năm.
4. Nguồn số liệu
- Chế độ báo cáo thống kê đối với các cơ quan chủ quản sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi các nhà tài trợ;
- Chế độ báo cáo thống kê ngành Kế hoạch và Đầu tư;
- Chế độ báo cáo thống kê của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan liên ngành như: Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Kho bạc Nhà nước Việt Nam,...
5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Vụ Kinh tế đối ngoại.
1. Khái niệm, phương pháp tính
a) Khái niệm
Viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức là viện trợ được quy định tại Điều 1 Nghị định số 80/2020/NĐ-CP ngày 08/7/2020 của Chính phủ về quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam.
- Chương trình là tập hợp các hoạt động liên quan đến một hoặc nhiều ngành, lĩnh vực, nhiều vùng lãnh thổ, nhiều chủ thể khác nhau nhằm đạt được một hoặc một số mục tiêu xác định, được thực hiện trong một hoặc nhiều giai đoạn.
- Dự án là tập hợp các hoạt động có liên quan đến nhau nhằm đạt được một hoặc một số mục tiêu, được thực hiện trên địa bàn cụ thể, trong khoảng thời gian xác định, dựa trên nguồn lực xác định.
- Phi dự án là khoản viện trợ thực hiện một lần, riêng lẻ bằng tiền, hiện vật, hàng hóa, chuyên gia (kể cả chuyên gia tình nguyện), cung cấp các đầu vào để tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn, nghiên cứu, khảo sát, đào tạo.
- Viện trợ thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước là các khoản viện trợ nếu bên tiếp nhận là các cơ quan, tổ chức:
+ Các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ và các pháp nhân thuộc và trực thuộc; Ủy ban nhân dân các cấp và các pháp nhân trực thuộc.
+ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
+ Các doanh nghiệp do nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và các đối tượng khác thuộc phạm vi quản lý thu, chi theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
+ Các đối tượng tiếp nhận khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
- Vốn đối ứng là khoản vốn đóng góp của phía Việt Nam (bằng hiện vật hoặc tiền) để tiếp nhận và thực hiện khoản viện trợ. Vốn đối ứng được bố trí từ nguồn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, chủ khoản viện trợ tự bố trí, vốn đóng góp của đối tượng thụ hưởng và các nguồn vốn hợp pháp khác, vốn đối ứng được sử dụng cho quá trình chuẩn bị và thực hiện các khoản viện trợ theo yêu cầu cụ thể của chương trình, dự án.
- Khoản viện trợ được quy định tại Điều 2 Nghị định số 80/2020/NĐ-CP ngày 08/7/2020 của Chính phủ, bao gồm:
+ Chương trình, dự án đầu tư.
+ Chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật.
+ Khoản viện trợ phi dự án.
- Vốn do Chủ khoản viện trợ quản lý được quy định tại Điều 20 Nghị định số 80/2020/NĐ-CP ngày 08/7/2020 của Chính phủ.
- Vốn do Bên tài trợ quản lý được quy định tại Điều 20 Nghị định số 80/2020/NĐ-CP ngày 08/7/2020 của Chính phủ.
- Vốn viện trợ bao gồm: Thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước và không thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước.
- Cơ quan chủ quản: Quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định số 80/2020/NĐ-CP ngày 08/7/2020 của Chính phủ.
- Kế hoạch giải ngân: Là kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai các hoạt động của dự án.
- Xếp loại: Là việc đánh giá tóm tắt về tình hình thực hiện và tiến độ chung của các chương trình, dự án do cơ quan chủ quản quản lý.
b) Phương pháp tính
Tổng vốn của dự án | = | Vốn đối ứng | + | Vốn do Chủ khoản viện trợ quản lý | + | Vốn do Bên tài trợ quản lý |
- Tổng vốn quy đổi sang USD: Tỷ giá hối đoái quy định đổi tại thời điểm phê duyệt khoản viện trợ và được ghi trong Quyết định phê duyệt.
- Phương pháp xếp loại: Theo tiến độ giải ngân, kết quả đầu ra, các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện được giải quyết theo thẩm quyền. Tiến độ thực hiện đạt như sau: >80%: Tốt = A; 80%-60%: Khá = B; 60%-40%: Trung bình = C; <40%: Yếu = D.
Tổng vốn = Vốn viện trợ + Vốn đối ứng
- Giải ngân kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước:
Giải ngân trong năm N | = | Giải ngân vốn được cấp có thẩm quyền quyết định kéo dài từ các năm trước sang năm N (nếu có) | + | Giải ngân vốn năm N |
2. Phân tổ chủ yếu
- Ngành kinh tế;
- Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Quốc gia, vùng lãnh thổ.
3. Kỳ công bố: Năm.
4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành Kế hoạch và Đầu tư.
5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Vụ Kinh tế đối ngoại.
1. Khái niệm, phương pháp tính
Đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để ký kết, thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, lựa chọn nhà đầu tư để ký kết, thực hiện hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình.
Gói thầu là một phần hoặc toàn bộ dự án, dự toán mua sắm, có thể gồm những nội dung mua sắm giống nhau thuộc nhiều dự án hoặc là khối lượng mua sắm một lần, khối lượng mua sắm cho một thời kỳ đối với dự toán mua sắm, mua sắm tập trung.
Các gói thầu được thống kê là các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh tại khoản 1 và khoản 2 Điều 2 Luật đấu thầu số 22/2023/QH15.
2. Phân tổ chủ yếu
- Nguồn vốn;
- Hình thức lựa chọn nhà thầu;
- Nhóm dự án;
- Lĩnh vực lựa chọn nhà thầu.
3. Kỳ công bố: Năm.
4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành Kế hoạch và Đầu tư.
5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Cục Quản lý đấu thầu.
1. Khái niệm, phương pháp tính
Giá gói thầu là giá trị của gói thầu được phê duyệt trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Giá gói thầu bao gồm toàn bộ chi phí để thực hiện gói thầu, kể cả chi phí dự phòng, phí, lệ phí và thuế. Giá gói thầu được cập nhật trong thời hạn 28 ngày trước ngày mở thầu nếu cần thiết.
2. Phân tổ chủ yếu
- Nguồn vốn;
- Hình thức lựa chọn nhà thầu;
- Nhóm dự án;
- Lĩnh vực lựa chọn nhà thầu.
3. Kỳ công bố: Năm.
4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành Kế hoạch và Đầu tư.
5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Cục Quản lý đấu thầu.
1. Khái niệm, phương pháp tính
Giá trúng thầu là giá được ghi trong quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu.
2. Phân tổ chủ yếu
- Nguồn vốn;
- Hình thức lựa chọn nhà thầu;
- Nhóm dự án;
- Lĩnh vực lựa chọn nhà thầu.
3. Kỳ công bố: Năm.
4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành Kế hoạch và Đầu tư.
5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Cục Quản lý đấu thầu.
0404. Tỷ lệ tiết kiệm trong đấu thầu
1. Khái niệm, phương pháp tính
Tỷ lệ tiết kiệm trong đấu thầu được tính theo công thức sau:
Tỷ lệ tiết kiệm trong đấu thầu (%) | = | Giá gói thầu - Giá trúng thầu | x | 100 |
Giá gói thầu |
2. Phân tổ chủ yếu
- Nguồn vốn;
- Hình thức lựa chọn nhà thầu;
- Nhóm dự án;
- Lĩnh vực lựa chọn nhà thầu.
3. Kỳ công bố: Năm.
4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành Kế hoạch và Đầu tư.
5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Cục Quản lý đấu thầu.
0405. Tổng số dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP)
1. Khái niệm, phương pháp tính
- Dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Public Private Partnership - sau đây gọi là đầu tư theo phương thức PPP) là tập hợp các đề xuất có liên quan đến việc đầu tư để cung cấp sản phẩm, dịch vụ công thông qua việc thực hiện một hoặc các hoạt động sau đây:
+ Xây dựng, vận hành, kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng;
+ Cải tạo, nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa, vận hành, kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có;
+ Vận hành, kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có.
- Đầu tư theo phương thức đối tác công tư là phương thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp tác có thời hạn giữa nhà nước và nhà đầu tư tư nhân thông qua việc ký kết và thực hiện hợp đồng dự án PPP nhằm thu hút nhà đầu tư tư nhân tham gia dự án PPP
2. Phân tổ chủ yếu
- Lĩnh vực đầu tư;
- Tổng mức đầu tư;
- Vốn nhà nước tham gia trong dự án;
- Loại hợp đồng;
- Thời gian thực hiện hợp đồng.
3. Kỳ công bố: Năm.
4. Nguồn số liệu: Báo cáo tình hình thực hiện PPP hàng năm.
5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Cục Quản lý đấu thầu.
1. Khái niệm, phương pháp tính
Tổng số dự án đầu tư có sử dụng đất không sử dụng nguồn vốn ngân sách thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư (sau đây viết gọn là tổng số dự án đầu tư có sử dụng đất) là tổng số dự án được xác định là dự án đầu tư có sử dụng đất nếu đáp ứng được đầy đủ các điều kiện quy định tại khoản 4 Điều 108 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư (sau đây viết gọn là Nghị định số 31/2021/NĐ-CP), cụ thể:
- Thuộc các dự án quy định tại điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP mà không sử dụng vốn đầu tư công để xây dựng công trình. Dự án xây dựng khu đô thị, nhà ở thương mại; trụ sở văn phòng làm việc; công trình thương mại, dịch vụ được phân loại theo quy định của pháp luật về xây dựng. Trường hợp dự án có nhiều công năng, dự án đầu tư có sử dụng đất được xác định căn cứ công trình chính của dự án hoặc công trình chính có cấp cao nhất trong trường hợp dự án có nhiều công trình chính theo quy định của pháp luật về xây dựng.
- Thuộc danh mục dự án cần thu hồi đất được duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai, thuộc khu đất do Nhà nước đang quản lý, sử dụng mà sẽ được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Ban quản lý khu kinh tế giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư được chấp thuận.
- Thuộc chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở; chương trình phát triển đô thị (nếu có) theo quy định của pháp luật về phát triển đô thị.
- Phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng có tỷ lệ 1/2.000 hoặc tỷ lệ 1/500 (nếu có) hoặc quy hoạch phân khu đô thị có tỷ lệ 1/2.000 hoặc tỷ lệ 1/5.000 theo quy định của pháp luật.
- Không đủ điều kiện để tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
- Không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều 22 và Điều 26 của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13.
2. Phân tổ chủ yếu
- Loại công trình;
- Quy mô, diện tích đất được sử dụng;
- Hình thức lựa chọn nhà đầu tư.
3. Kỳ công bố: Năm.
4. Nguồn số liệu: Báo cáo công tác đấu thầu.
5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Cục Quản lý đấu thầu.
0407. Tổng số dự án lựa chọn nhà đầu tư theo ngành, lĩnh vực
1. Khái niệm, phương pháp tính
Tổng số dự án lựa chọn nhà đầu tư theo ngành, lĩnh vực là tổng số dự án đầu tư tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực
2. Phân tổ chủ yếu
- Lĩnh vực đầu tư;
- Tổng mức đầu tư;
- Hình thức lựa chọn nhà đầu tư;
- Thời hạn, tiến độ đầu tư.
3. Kỳ công bố: Năm,
4. Nguồn số liệu: Báo cáo công tác đấu thầu.
5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Cục Quản lý đấu thầu.
05. Quản lý các khu kinh tế, khu công nghiệp
0501. Số lượng khu kinh tế đã được thành lập
1. Khái niệm, phương pháp tính
Khu kinh tế là khu vực có ranh giới địa lý xác định, gồm nhiều khu chức năng, được thành lập để thực hiện các mục tiêu thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ quốc phòng, an ninh.
Khu kinh tế gồm:
- Khu kinh tế ven biển là khu kinh tế được thành lập ở khu vực ven biển và địa bàn lân cận khu vực ven biển.
- Khu kinh tế cửa khẩu là khu kinh tế được thành lập ở khu vực biên giới đất liền và địa bàn lân cận khu vực biên giới đất liền.
- Khu kinh tế chuyên biệt là khu kinh tế được thành lập ở vùng kinh tế trọng điểm, hành lang phát triển, khu vực động lực phát triển hoặc khu vực có vai trò tương tự được xác định trong quy hoạch vùng.
2. Phân tổ chủ yếu: Loại hình khu kinh tế (ven biển, cửa khẩu và chuyên biệt).
3. Kỳ công bố: Năm.
4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành Kế hoạch và Đầu tư.
5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp
- Chủ trì: Vụ Quản lý các khu kinh tế;
- Phối hợp: Vụ Kinh tế công nghiệp, dịch vụ.
0502. Diện tích của các khu kinh tế
1. Khái niệm, phương pháp tính
Diện tích của các khu kinh tế là tổng diện tích tự nhiên (mặt đất và mặt nước) theo quy hoạch chung xây dựng được duyệt của các khu kinh tế.
2. Phân tổ chủ yếu
- Chức năng theo quy hoạch xây dựng;
- Loại bình khu kinh tế (ven biển, cửa khẩu và chuyên biệt).
3. Kỳ công bố: Năm.
4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành Kế hoạch và Đầu tư.
5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp
- Chủ trì: Vụ Quản lý các khu kinh tế;
- Phối hợp: Vụ Kinh tế công nghiệp, dịch vụ.
0503. Số lượng khu công nghiệp đã thành lập
1. Khái niệm, phương pháp tính
Theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, khu công nghiệp là khu vực có ranh giới địa lý xác định, chuyên sản xuất hàng công nghiệp và cung ứng dịch vụ cho sản xuất công nghiệp.
Khu công nghiệp gồm:
+ Khu công nghiệp hỗ trợ là khu công nghiệp chuyên sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và cung ứng dịch vụ cho sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; có tối thiểu 60% tổng diện tích đất công nghiệp của khu công nghiệp được sử dụng để thu hút các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ theo quy định của pháp luật về phát triển công nghiệp hỗ trợ.
+ Khu công nghiệp chuyên ngành là khu công nghiệp chuyên sản xuất và cung ứng dịch vụ cho sản xuất sản phẩm thuộc một ngành, nghề cụ thể; có tối thiểu 60% diện tích đất công nghiệp của khu công nghiệp được sử dụng để thu hút các dự án đầu tư thuộc ngành, nghề này.
+ Khu công nghiệp sinh thái là khu công nghiệp, trong đó có doanh nghiệp trong khu công nghiệp tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn và sử dụng hiệu quả tài nguyên, có sự liên kết, hợp tác trong sản xuất để thực hiện hoạt động cộng sinh công nghiệp; đáp ứng các tiêu chí quy định tại Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, khu công nghiệp.
+ Khu công nghiệp công nghệ cao là khu công nghiệp thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao, công nghệ thông tin thuộc Danh mục ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, dự án có chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ, cơ sở ươm tạo công nghệ, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về công nghệ cao, pháp luật về khoa học và công nghệ, dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, giáo dục và đào tạo; có tối thiểu 30% diện tích đất công nghiệp của khu công nghiệp được sử dụng để thu hút các dự án đầu tư này.
2. Phân tổ chủ yếu: Tình trạng hoạt động (đã đi vào hoạt động/đang xây dựng/chưa xây dựng).
3. Kỳ công bố: Năm.
4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành Kế hoạch và Đầu tư.
5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Vụ Quản lý các khu kinh tế.
0504. Diện tích của các khu công nghiệp
1. Khái niệm, phương pháp tính
Diện tích đất thành lập là diện tích của dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Diện tích đất công nghiệp, dịch vụ là diện tích đất trong khu công nghiệp để cho nhà đầu tư thuê đất, thuê lại đất để xây dựng nhà xưởng, văn phòng, kho bãi, thực hiện dự án đầu tư, tổ chức sản xuất, kinh doanh hoặc để xây dựng công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu công nghiệp; được xác định trong quy hoạch xây dựng khu công nghiệp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Diện tích đất công nghiệp, dịch vụ đã cho thuê là diện tích đất công nghiệp, dịch vụ đã cho nhà đầu tư thuê đất, thuê lại đất để xây dựng nhà xưởng, văn phòng, kho bãi, thực hiện dự án đầu tư, tổ chức sản xuất, kinh doanh hoặc để xây dựng công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu công nghiệp lũy kế đến thời điểm báo cáo.
Phân loại diện tích đất như sau:
- Diện tích đất công nghiệp, dịch vụ;
- Diện tích đất công nghiệp, dịch vụ đã cho thuê;
- Diện tích đất công nghiệp, dịch vụ còn lại có thể cho thuê.
2. Phân tổ chủ yếu
- Diện tích thành lập;
- Diện tích đất công nghiệp, dịch vụ.
3. Kỳ công bố: Năm.
4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành Kế hoạch và Đầu tư.
5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Vụ Quản lý các khu kinh tế.
0505. Vốn đầu tư đăng ký, vốn đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp
1. Khái niệm, phương pháp tính
- Vốn đầu tư đăng ký thực hiện dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp (gọi tắt là "vốn đầu tư đăng ký") là vốn đầu tư (bao gồm vốn chủ sở hữu, vốn vay và vốn hợp pháp khác) do nhà đầu tư xác định để xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng khu công nghiệp; được xác định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của dự án.
- Vốn đầu tư thực hiện là vốn đầu tư mà nhà đầu tư đã sử dụng, giải ngân để thực hiện xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp lũy kế đến thời điểm báo cáo.
2. Phân tổ chủ yếu: Vốn đầu tư nước ngoài/vốn đầu tư trong nước.
3. Kỳ công bố: Năm.
4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành Kế hoạch và Đầu tư.
5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Vụ Quản lý các khu kinh tế.
0506. Tình trạng hoạt động của nhà máy xử lý nước thải của khu công nghiệp
1. Khái niệm, phương pháp tính
Xử lý nước thải là quá trình sử dụng các giải pháp công nghệ, kỹ thuật làm giảm, loại bỏ, tiêu hủy các thành phần có hại trong nước thải, đảm bảo nước thải ra môi trường đạt quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng môi trường.
Công suất của các nhà máy xử lý nước thải tập trung là lượng nước thải mà nhà máy có thể xử lý được trên 01 ngày đêm (đơn vị tính: m3/ngày đêm).
2. Phân tổ chủ yếu
- Tình trạng hoạt động (đã đi vào vận hành/đang xây dựng/chưa xây dựng);
- Công suất.
3. Kỳ công bố: Năm.
4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành Kế hoạch và Đầu tư.
5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Vụ Quản lý các khu kinh tế.
1. Khái niệm, phương pháp tính
Tỷ lệ khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường là tỷ lệ phần trăm các khu công nghiệp đang hoạt động có nhà máy xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường trong tổng số các khu công nghiệp đang hoạt động.
Công thức tính:
Tỷ lệ khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường (%) | = | Số lượng các khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường | x | 100 |
Tổng số khu công nghiệp đang hoạt động |
2. Phân tổ chủ yếu: Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
3. Kỳ công bố: Năm.
4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành Kế hoạch và Đầu tư.
5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Vụ Quản lý các khu kinh tế.
0508. Tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp
1. Khái niệm, phương pháp tính
Tỷ lệ lấp đầy của khu công nghiệp là tỷ lệ phần trăm diện tích đất công nghiệp và đất dịch vụ đã cho nhà đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thực hiện dự án thuê đất, thuê lại đất để xây dựng nhà xưởng, văn phòng, kho bãi, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng, thực hiện dự án đầu tư, tổ chức sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật trong tổng diện tích đất công nghiệp và đất dịch vụ của khu công nghiệp.
Công thức tính:
Tỷ lệ lấp đầy của khu công nghiệp (%) | = | Diện tích đất công nghiệp và đất dịch vụ đã cho nhà đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thực hiện dự án thuê đất, thuê lại đất để xây dựng nhà xưởng, văn phòng, kho bãi, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng, thực hiện dự án đầu tư, tổ chức sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật | x | 100 |
Tổng diện tích đất công nghiệp và đất dịch vụ của khu công nghiệp |
2. Phân tổ chủ yếu: Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
3. Kỳ công bố: Năm.
4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành Kế hoạch và Đầu tư.
5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Vụ Quản lý các khu kinh tế.
0509. Số lao động trực tiếp làm việc tại các khu công nghiệp
1. Khái niệm, phương pháp tính
Số lao động trực tiếp làm việc tại các khu công nghiệp là tất cả những người trực tiếp làm việc tại các khu công nghiệp tại thời điểm báo cáo.
2. Phân tổ chủ yếu
- Giới tính;
- Trình độ học vấn;
- Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
3. Kỳ công bố: Năm.
4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành Kế hoạch và Đầu tư.
5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Vụ Quản lý các khu kinh tế.
06. Phát triển doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh
0601. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới
1. Khái niệm, phương pháp tính
Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là tổng số doanh nghiệp có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được đăng ký thành lập mới trong kỳ báo cáo theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh.
2. Phân tổ chủ yếu
- Ngành kinh tế;
- Loại hình kinh tế;
- Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
3. Kỳ công bố: Tháng, quý, năm.
4. Nguồn số liệu: Dữ liệu hành chính.
5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Cục Quản lý đăng ký kinh doanh.
0602. Số doanh nghiệp giải thể
1. Khái niệm, phương pháp tính
Doanh nghiệp giải thể là doanh nghiệp hoàn thành thủ tục giải thể trong kỳ theo quy định và được Phòng Đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý “Đã giải thể, phá sản, chấm dứt tồn tại” theo khoản 8 Điều 208, khoản 5 Điều 209 Luật Doanh nghiệp; doanh nghiệp có quyết định tuyên bố phá sản của Tòa án theo quy định của pháp luật về phá sản; doanh nghiệp bị chấm dứt tồn tại do bị chia, bị hợp nhất, bị sáp nhập theo khoản 5 Điều 198, khoản 5 Điều 200, khoản 4 Điều 201 Luật Doanh nghiệp. Thời gian xác định chuyển tình trạng pháp lý “Đã giải thể, phá sản, chấm dứt tồn tại” là thời điểm Phòng Đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
2. Phân tổ chủ yếu
- Ngành kinh tế;
- Loại hình kinh tế;
- Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
3. Kỳ công bố: Tháng, quý, năm.
4. Nguồn số liệu: Dữ liệu hành chính.
5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Cục Quản lý đăng ký kinh doanh.
0603. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh
1. Khái niệm, phương pháp tính
Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là doanh nghiệp đang trong thời gian thực hiện tạm ngừng kinh doanh theo quy định tại khoản 1 Điều 206 Luật Doanh nghiệp. Thời gian xác định tình trạng doanh nghiệp “tạm ngừng kinh doanh” là thời điểm Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp chuyển tình trạng pháp lý của doanh nghiệp sang tình trạng “tạm ngừng kinh doanh” cho đến khi kết thúc thời hạn tạm ngừng kinh doanh mà doanh nghiệp đã thông báo hoặc ngày doanh nghiệp đăng ký tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.
2. Phân tổ chủ yếu
- Ngành kinh tế;
- Loại hình kinh tế;
- Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
3. Kỳ công bố: Năm.
4. Nguồn số liệu: Dữ liệu hành chính.
5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Cục Quản lý đăng ký kinh doanh.
0604. Tổng vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới
1. Khái niệm, phương pháp tính
Tổng vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là tổng số vốn của doanh nghiệp đăng ký trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đã được cơ quan đăng ký kinh doanh ghi nhận và cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong kỳ báo cáo.
Đối với các doanh nghiệp nói chung, vốn đăng ký là vốn điều lệ, do các thành viên, cổ đông góp hoặc cam kết góp trong một thời hạn nhất định và được ghi vào Điều lệ của doanh nghiệp. Tài sản góp vốn có thể là tiền Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật,...
Riêng với doanh nghiệp tư nhân, vốn đăng ký là vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân do chủ doanh nghiệp tự đăng ký. Chủ doanh nghiệp tư nhân có nghĩa vụ đăng ký chính xác tổng số vốn đầu tư, trong đó nêu rõ số vốn bằng tiền Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng và các tài sản khác; đối với vốn bằng tài sản khác còn phải ghi rõ loại tài sản, số lượng và giá trị còn lại của mỗi loại tài sản.
2. Phân tổ chủ yếu
- Ngành kinh tế;
- Loại hình kinh tế;
- Quy mô vốn đăng ký;
- Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
3. Kỳ công bố: Tháng, quý, năm.
4. Nguồn số liệu: Dữ liệu hành chính.
5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Cục Quản lý đăng ký kinh doanh.
0605. Tổng số lao động đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới
1. Khái niệm, phương pháp tính
Tổng số lao động đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là tổng số lao động (dự kiến) khi doanh nghiệp kê khai, thực hiện thủ tục đăng ký thành lập với cơ quan đăng ký kinh doanh và được cơ quan đăng ký kinh doanh cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
2. Phân tổ chủ yếu
- Ngành kinh tế;
- Loại hình kinh tế;
- Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
3. Kỳ công bố: Tháng, quý, năm.
4. Nguồn số liệu: Dữ liệu hành chính.
5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Cục Quản lý đăng ký kinh doanh.
0606. Tỷ trọng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tổng số doanh nghiệp
1. Khái niệm, phương pháp tính
- Doanh nghiệp nhỏ và vừa được xác định theo tiêu chí tại khoản 1 Điều 4 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14, cụ thể: Doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa, có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và đáp ứng một trong hai tiêu chí sau đây:
+ Tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng;
+ Tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng.
Doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa được xác định theo lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp và xây dựng; thương mại và dịch vụ.
- Tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa được quy định tại Điều 5 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cụ thể:
+ Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 3 tỷ đồng.
Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 3 tỷ đồng.
+ Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 50 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 20 tỷ đồng nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021.
Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 50 người và tổng doanh thu của năm không quá 100 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 50 tỷ đồng nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021.
+ Doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và tổng doanh thu của năm không quá 200 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 100 tỷ đồng nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 5 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021.
Doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 300 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 100 tỷ đồng nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 5 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021.
Công thức tính:
Tỷ trọng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tổng số doanh nghiệp (%) | = | Tổng số doanh nghiệp nhỏ và vừa | x 100 |
Tổng số doanh nghiệp |
2. Phân tổ chủ yếu:
- Ngành kinh tế;
- Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
3. Kỳ công bố: Năm.
4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành Kế hoạch và Đầu tư.
5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Cục Quản lý đăng ký kinh doanh.
1. Khái niệm, phương pháp tính
Tỷ trọng doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia xuất khẩu, nhập khẩu trong tổng số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, nhập khẩu là tỷ lệ phần trăm giữa số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa có phát sinh hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hoặc xuất, nhập khẩu so với tổng số doanh nghiệp có phát sinh hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hoặc xuất, nhập khẩu trong một thời kỳ nhất định.
Công thức tính:
Tỷ trọng doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia xuất khẩu, nhập khẩu trong tổng số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, nhập khẩu (%) | = | Số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa có phát sinh hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hoặc xuất, nhập khẩu | x 100 |
Tổng số doanh nghiệp có phát sinh hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hoặc xuất, nhập khẩu |
2. Phân tổ chủ yếu: Ngành kinh tế.
3. Kỳ công bố: Năm.
4. Nguồn số liệu:
- Tổng điều tra kinh tế;
- Điều tra doanh nghiệp;
- Dữ liệu hành chính.
5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Tổng cục Thống kê.
0608. Tỷ trọng giá trị gia tăng của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tổng sản phẩm trong nước
1. Khái niệm, phương pháp tính
Tỷ trọng giá trị gia tăng của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tổng sản phẩm trong nước là tỷ lệ phần trăm giữa giá trị gia tăng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa so với tổng sản phẩm trong nước trong một thời kỳ nhất định.
Công thức tính:
Tỷ trọng giá trị gia tăng của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tổng sản phẩm trong nước (%) | = | Giá trị gia tăng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa | x 100 |
Tổng sản phẩm trong nước |
2. Phân tổ chủ yếu
- Ngành kinh tế;
- Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
3. Kỳ công bố: Năm.
4. Nguồn số liệu
- Điều tra doanh nghiệp;
- Kết quả các cuộc điều tra thống kê trong Chương trình điều tra thống kê quốc gia.
5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Tổng cục Thống kê.
0609. Tổng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
1. Khái niệm, phương pháp tính
Tổng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là toàn bộ số tiền do ngân sách nhà nước (ngân sách trung ương, ngân sách địa phương) bố trí thực hiện các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
2. Phân tổ chủ yếu: Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
3. Kỳ công bố: Năm.
4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành Kế hoạch và Đầu tư.
5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Cục Phát triển doanh nghiệp.
0610. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của doanh nghiệp nhỏ và vừa
1. Khái niệm, phương pháp tính
Lao động đã qua đào tạo của doanh nghiệp nhỏ và vừa là lao động đã được đào tạo ở một trường hay một cơ sở đào tạo chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ 03 tháng trở lên và đã tốt nghiệp, đã được cấp bằng/chứng chỉ chứng nhận đạt một trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ nhất định, gồm sơ cấp nghề, trung cấp nghề, cao đẳng nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng chuyên nghiệp, đại học và trên đại học (thạc sỹ, tiến sỹ, tiến sỹ khoa học); hoặc người chưa qua một trường lớp đào tạo nào nhưng do tự học, do được truyền nghề hoặc vừa làm vừa học nên họ đã có được kỹ năng, tay nghề, tương đương với bậc 1 của công nhân kỹ thuật có bằng/chứng chỉ cùng nghề và thực tế đã từng làm công việc này với thời gian từ 03 năm trở lên (hay còn gọi là công nhân kỹ thuật không bằng/chứng chỉ).
Công thức tính:
Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của doanh nghiệp nhỏ và vừa (%) | = | Số lao động đã qua đào tạo của doanh nghiệp nhỏ và vừa | x 100 |
Số lao động của doanh nghiệp nhỏ và vừa |
2. Phân tổ chủ yếu
- Giới tính;
- Trình độ chuyên môn kỹ thuật.
3. Kỳ công bố: 5 năm.
4. Nguồn số liệu: Tổng điều tra kinh tế.
5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Tổng cục Thống kê.
0611. Số lượt doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ
1. Khái niệm, phương pháp tính
Theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các văn bản hướng dẫn thi hành, các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm:
- Hỗ trợ tiếp cận tín dụng qua ngân hàng thương mại, quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa;
- Hỗ trợ thuế;
- Hỗ trợ kế toán;
- Hỗ trợ mặt bằng sản xuất kinh doanh tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao;
- Hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa;
- Hỗ trợ sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa;
- Hỗ trợ chuyển giao công nghệ phù hợp với doanh nghiệp nhỏ và vừa;
- Hỗ trợ mở rộng thị trường cho doanh nghiệp nhỏ và vừa;
- Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa;
- Hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp nhỏ và vừa;
- Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa;
- Hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa về nhân sự, tài chính, sản xuất, bán hàng, thị trường, quản trị nội bộ và các nội dung khác liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp;
- Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh;
- Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo;
- Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.
2. Phân tổ chủ yếu
- Nội dung hỗ trợ;
- Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
3. Kỳ công bố: Năm.
4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành Kế hoạch và Đầu tư.
5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Cục Phát triển doanh nghiệp.
0612. Số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ
1. Khái niệm, phương pháp tính
Doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ là doanh nghiệp nhỏ và vừa có một hoặc nhiều phụ nữ sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên, trong đó có ít nhất một người quản lý điều hành doanh nghiệp đó.
2. Phân tổ chủ yếu
- Nhóm tuổi;
- Trình độ học vấn;
- Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
3. Kỳ công bố: Năm.
4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành Kế hoạch và Đầu tư.
5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Cục Quản lý đăng ký kinh doanh.
0613. Số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nhiều lao động nữ
1. Khái niệm, phương pháp tính
Doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nhiều lao động nữ là doanh nghiệp có số lao động nữ chiếm từ 50% trở lên trên tổng số lao động trong trường hợp doanh nghiệp sử dụng dưới 100 lao động; chiếm từ 30% trở lên trên tổng số lao động trong trường hợp doanh nghiệp sử dụng từ 100 lao động trở lên.
2. Phân tổ chủ yếu: Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
3. Kỳ công bố: Năm.
4. Nguồn số liệu: Điều tra doanh nghiệp.
5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Tổng cục Thống kê.
07. Kinh tế tập thể, hợp tác xã
1. Khái niệm, phương pháp tính
Hợp tác xã là tổ chức có tư cách pháp nhân do ít nhất 05 thành viên chính thức tự nguyện thành lập, hợp tác tương trợ trong sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung về kinh tế, văn hóa, xã hội của thành viên, góp phần xây dựng cộng đồng xã hội phát triển bền vững; thực hiện quản trị tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ.
2. Phân tổ chủ yếu
- Ngành kinh tế;
- Quy mô nguồn vốn;
- Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
3. Kỳ công bố: Năm.
4. Nguồn số liệu
- Dữ liệu hành chính của các địa phương do Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thu thập, tổng hợp;
- Thông tin từ Hệ thống Thông tin quốc gia về đăng ký hợp tác xã.
5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp
- Chủ trì: Cục Kinh tế hợp tác;
- Phối hợp: Cục Quản lý đăng ký kinh doanh; Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Tổng cục Thống kê.
0702. Số thành viên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác
1. Khái niệm, phương pháp tính
Thành viên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã bao gồm thành viên chính thức, thành viên liên kết góp vốn và thành viên liên kết không góp vốn.
a) Thành viên chính thức bao gồm:
- Thành viên góp vốn và sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
- Thành viên góp vốn và góp sức lao động vào hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
- Thành viên góp vốn, sử dụng sản phẩm, dịch vụ và góp sức lao động vào hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
b) Thành viên liên kết góp vốn là thành viên chỉ góp vốn, không sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và không góp sức lao động vào hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
c) Thành viên liên kết không góp vốn bao gồm:
- Thành viên không góp vốn, chỉ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
- Thành viên không góp vốn, chỉ góp sức lao động vào hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
- Thành viên không góp vốn, chỉ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và góp sức lao động vào hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Công thức tính:
Số thành viên hợp tác xã | = | Số thành viên chính thức của hợp tác xã | + | Số thành viên liên kết góp vốn của hợp tác xã | + | Số thành viên liên kết không góp vốn của hợp tác xã |
Số thành viên liên hiệp hợp tác xã | = | Số thành viên chính thức của liên hiệp hợp tác xã | + | Số thành viên liên kết góp vốn của liên hiệp hợp tác xã | + | Số thành viên liên kết không góp vốn của liên hiệp hợp tác xã |
Số thành viên tổ hợp tác | = | Tổng số thành viên cùng góp vốn, góp sức lao động của tổ hợp tác |
2. Phân tổ chủ yếu: Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
3. Kỳ công bố: Năm.
4. Nguồn số liệu
- Dữ liệu hành chính của các địa phương do Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thu thập, tổng hợp;
- Thông tin từ Hệ thống Thông tin quốc gia về đăng ký hợp tác xã.
5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp
- Chủ trì: Cục Kinh tế hợp tác;
- Phối hợp: Cục Quản lý đăng ký kinh doanh; Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Tổng cục Thống kê.
0703. Số lao động thường xuyên của hợp tác xã
1. Khái niệm, phương pháp tính
Số lao động thường xuyên của hợp tác xã là những lao động đang làm việc thường xuyên trực tiếp hoặc gián tiếp, được hợp tác xã trả công, trả lương. Lao động có thể là thành viên hoặc không phải là thành viên của hợp tác xã.
- Lao động là thành viên của hợp tác xã: Là số thành viên trực tiếp tham gia lao động trong hợp tác xã, gồm số thành viên tham gia lao động trực tiếp và số thành viên tham gia lao động gián tiếp (ban quản trị, ban kiểm soát, kế toán, thủ quỹ,...) tại một thời điểm nhất định.
- Lao động thuê ngoài thường xuyên: Là lao động hợp tác xã thuê mướn thường xuyên để làm việc trực tiếp hoặc gián tiếp tại một thời điểm nhất định.
2. Phân tổ chủ yếu: Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
3. Kỳ công bố: Năm.
4. Nguồn số liệu
- Dữ liệu hành chính của các địa phương do Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thu thập, tổng hợp;
- Thông tin từ Hệ thống Thông tin quốc gia về đăng ký hợp tác xã.
5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp
- Chủ trì: Cục Kinh tế hợp tác;
- Phối hợp: Cục Quản lý đăng ký kinh doanh; Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Tổng cục Thống kê.
0704. Doanh thu của hợp tác xã
1. Khái niệm, phương pháp tính
Doanh thu của hợp tác xã là toàn bộ số tiền hợp tác xã thu được trong một thời kỳ nhất định (thường là một năm), phát sinh từ các hoạt động sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã.
Doanh thu của hợp tác xã bao gồm doanh thu của tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ do hợp tác xã thực hiện.
2. Phân tổ chủ yếu: Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
3. Kỳ công bố: Năm.
4. Nguồn số liệu
- Dữ liệu hành chính của các địa phương do Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thu thập, tổng hợp;
- Thông tin từ Hệ thống Thông tin quốc gia về đăng ký hợp tác xã.
5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp
- Chủ trì: Cục Kinh tế hợp tác;
- Phối hợp: Cục Quản lý đăng ký kinh doanh; Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Tổng cục Thống kê.
0705. Số cán bộ quản lý hợp tác xã
1. Khái niệm, phương pháp tính
Cán bộ quản lý hợp tác xã gồm tất cả những người làm công tác quản lý trong hợp tác xã (ban quản trị, ban giám đốc, ban kiểm soát). Người cán bộ quản lý hợp tác xã cần có trình độ chuyên môn sâu, nắm bắt tốt các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, nhạy bén với thị trường để xây dựng phương án hoạt động hiệu quả.
2. Phân tổ chủ yếu
- Giới tính;
- Trình độ học vấn;
- Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
3. Kỳ công bố: Năm.
4. Nguồn số liệu
- Dữ liệu hành chính của các địa phương do Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thu thập, tổng hợp;
- Thông tin từ Hệ thống Thông tin quốc gia về đăng ký hợp tác xã.
5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp
- Chủ trì: Cục Kinh tế hợp tác;
- Phối hợp: Cục Quản lý đăng ký kinh doanh; Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Tổng cục Thống kê.
0706. Số tổ hợp tác, liên hiệp hợp tác xã
1. Khái niệm, phương pháp tính
Tổ hợp tác là tổ chức không có tư cách pháp nhân, được hình thành trên cơ sở hợp đồng hợp tác do ít nhất 02 thành viên tự nguyện thành lập, cùng góp 5 vốn, góp sức lao động để thực hiện những công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm.
Liên hiệp hợp tác xã là tổ chức có tư cách pháp nhân do ít nhất 03 hợp tác xã là thành viên chính thức tự nguyện thành lập, hợp tác tương trợ trong sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực tham gia thị trường, góp phần xây dựng cộng đồng xã hội phát triển bền vững; thực hiện quản trị tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ.
2. Phân tổ chủ yếu: Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
3. Kỳ công bố: Năm.
4. Nguồn số liệu:
- Dữ liệu hành chính của các địa phương do Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thu thập, tổng hợp;
- Thông tin từ Hệ thống Thông tin quốc gia về đăng ký hợp tác xã.
5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp
- Chủ trì: Cục Kinh tế hợp tác;
- Phối hợp: Cục Quản lý đăng ký kinh doanh; Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Tổng cục Thống kê.
0707. Số hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập mới
1. Khái niệm, phương pháp tính
Số hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập mới là tổng số hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được đăng ký thành lập mới trong kỳ theo quy định của pháp luật
2. Phân tổ chủ yếu
- Ngành kinh tế;
- Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
3. Kỳ công bố: Năm.
4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành Kế hoạch và Đầu tư.
5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Cục Quản lý đăng ký kinh doanh.
0708. Số hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã giải thể, tạm ngừng hoạt động
1. Khái niệm, phương pháp tính
Số hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã giải thể, tạm ngừng hoạt động là tổng số hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã giải thể, tạm ngừng hoạt động trong kỳ theo quy định của pháp luật.
2. Phân tổ chủ yếu
- Ngành kinh tế;
- Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
3. Kỳ công bố: Năm.
4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành Kế hoạch và Đầu tư.
5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Cục Quản lý đăng ký kinh doanh./.
- 1Thông tư 05/2017/TT-BKHĐT về hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 2Quyết định 05/2023/QĐ-TTg về Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Công văn 5891/BKHĐT-TCTK năm 2023 hướng dẫn ban hành biểu mẫu báo cáo thống kê thu thập thông tin thuộc Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 4Thông tư 06/2023/TT-BKHĐT quy định về hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Thống kê do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 5Thông tư 13/2023/TT-BXD quy định về Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
- 6Thông tư 03/2024/TT-BTC quy định về Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Tài chính do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 1Nghị quyết 43/2013/QH13 phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Tài chính do Quốc hội ban hành
- 2Luật đấu thầu 2013
- 3Luật thống kê 2015
- 4Nghị định 94/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật thống kê
- 5Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017
- 6Luật Đầu tư 2020
- 7Luật Đầu tư công 2019
- 8Luật Doanh nghiệp 2020
- 9Nghị định 80/2020/NĐ-CP về quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam
- 10Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư
- 11Nghị định 35/2022/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế
- 12Nghị định 80/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
- 13Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê 2021
- 14Nghị định 114/2021/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài
- 15Luật Đấu thầu 2023
- 16Nghị định 89/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư
- 17Nghị định 94/2022/NĐ-CP quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
- 18Quyết định 05/2023/QĐ-TTg về Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 19Công văn 5891/BKHĐT-TCTK năm 2023 hướng dẫn ban hành biểu mẫu báo cáo thống kê thu thập thông tin thuộc Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 20Thông tư 06/2023/TT-BKHĐT quy định về hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Thống kê do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 21Thông tư 13/2023/TT-BXD quy định về Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
- 22Thông tư 03/2024/TT-BTC quy định về Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Tài chính do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
Thông tư 09/2023/TT-BKHĐT quy định hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Kế hoạch và Đầu tư do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- Số hiệu: 09/2023/TT-BKHĐT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 09/10/2023
- Nơi ban hành: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
- Người ký: Trần Quốc Phương
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 1069 đến số 1070
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra