BỘ TÀI CHÍNH | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 06-TC-KTKT | Hà Nội, ngày 26 tháng 01 năm 1959 |
BỘ TÀI CHÍNH
Tiếp theo Thông tư số 16/TC-KTKT ngày 15-02-1958 của Bộ Tài chính quy định tạm thời chế độ đối với phế liệu phế phẩm ở các đơn vị kiến thiết cơ bản và xí nghiệp xây lắp bao thầu, văn bản này quy định cách giải quyết từng trường hợp cụ thể, kể cả các giải quyết đối với các khoản thiệt hại.
I. ĐỐI VỚI ĐƠN VỊ KIẾN THIẾT TỰ LÀM
1. Những thứ loại ra trong quá trình sử dụng vật liệu:
- Số tiền bán loại phế phẩm này coi là khoản thu nhập khác về kiến thiết cơ bản và phải nộp vào Ngân hàng Nhà nước, khi toàn bộ giá trị của vật liệu đã tính vào giá thành công trình.
- Nếu giá trị còn lại của những thứ loại ra này đã trừ mà không tính vào giá thành công trình, thì giá trị đó vẫn nằm trong vốn kiến thiết cơ bản và số tiền bán được sẽ phải nộp vào Ngân hàng kiến thiết để giảm cấp phát.
2. Vật liệu sử dụng luân chuyển bị hỏng loại ra:
Giá trị còn lại của loại vật liệu này không tính vào giá thành công trình, mà vẫn nằm trong vốn kiến thiết cơ bản do đó số tiền bán được phải nộp vào Ngân hàng kiến thiết để giảm cấp phát.
3. Bao bì loại ra: chia làm 2 loại:
- Loại do mua vật liệu mà có (không phải trả lại cho người bán vật liệu).
- Loại do mua hay tự chế để dùng vào việc chứa đựng…mà có.
a) Loại do mua vật liệu mà có:
- Số tiền bán loại bao bì này coi là khoản thu nhập khác về kiến thiết cơ bản và phải nộp vào Ngân sách Nhà nước khi toàn bộ giá thành thu mua của vật liệu (kể cả bao bì) đã tính vào giá thành công trình.
Nếu giá trị của bao bì đã trừ ra không tính vào giá thành thu mua của vật liệu, do đó không tính vào giá thành công trình, thì giá trị đó vẫn nằm trong vốn kiến thiết cơ bản và số tiền bán được sẽ phải nộp vào Ngân hàng kiến thiết để giảm cấp phát.
b) Loại do mua hay tự chế để dùng…mà có:
Loại bao bì này coi là vật rẻ tiền mau hỏng giá trị được phân bố dần vào giá thành của đối tượng sử dụng. Khi hỏng giá trị còn loại của bao bì vẫn nằm trong vốn kiến thiết cơ bản và số tiền bán được sẽ phải nộp vào Ngân hàng kiến thiết để giảm cấp phát.
Trên đây là cách giải quyết đối với các loại vật liệu đã đưa ra sử dụng. Đối với các loại chưa đưa ra sử dụng mà đã hư hỏng, thiếu hụt hoặc bị thiệt hại bất thường thì giải quyết như đối với các trường hợp 4 và 5 ở dưới.
4. Phế kiệu do bảo quản kém mà có, gồm 3 trường hợp:
- Vật liệu có quy định mức hư hỏng và hao hụt.
- Vật liệu không có quy định mức hư hỏng và hao hụt
- Thiết bị hư hỏng và thiếu hụt.
a) Vật liệu có quy định mức hư hỏng và hao hụt:
- Nếu trong phạm vi mức quy định, thì khoản thiệt hại này coi là khoản chi về mua sắm và kho tàng và tính vào giá thành vật liệu thu mua.
- Nếu quá mức quy định, thì phần thiệt hại trong phạm vi mức, giải quyết như trên, còn phần quá mức do người để hoặc làm hư hỏng, hao hụt phải bồi thường. Nếu không xác định người phải bồi thường, hoặc xác định được người này chỉ phải bồi thường một phần, thì xí nghiệp phải báo cáo lên cơ quan chủ quản xét định. Khi cơ quan này đã duyệt bỏ phần hao hụt quá mức không phải bồi thường hoặc vì không xác định được người có trách nhiệm, thì khoản thiệt hại được duyệt bỏ này sẽ coi như chi phí gián tiếp để tính vào giá thành công trình.
- Nếu là trường hợp bị mất cắp, khi đã xác định được thủ phạm thì thủ phạm phải bồi thường toàn bộ số đã lấy, không thể chỉ bồi thường riêng phần quá mức quy định.
b) Vật liệu không có quy định mức hư hỏng và hao hụt:
Cũng tiến hành những thủ tục về quy trách nhiệm, bắt bồi thường và báo cáo lên cơ quan chủ quản xét định, như đối với vật liệu hư hỏng và hao hụt quá mức quy định. Nhưng vì loại vật liệu này không có quy định mức hư hỏng và hao hụt, cho nên sẽ, do cơ quan chủ quản tùy tình hình cụ thể xét định bắt bồi thường toàn bộ hay một phần. Khoản thiệt hại được duyệt bỏ cũng sẽ coi là chi phí gián tiếp khác để tính vào giá thành công trình.
c) Thiết bị hư hỏng và thiếu hụt:
Người làm hư hỏng và thiếu hụt phải bồi thường. Nếu không xác định người phải bồi thường hoặc xác định người này chỉ phải bồi thường một phần thì xí nghiệp phải báo cáo lên cơ quan chủ quản xét định. Khi cơ quan này đã duyệt bỏ phần thiệt hại không phải bồi thường hoặc vì không xác định được người có trách nhiệm, thì khoản thiệt hại được duyệt bỏ coi là khoản thiệt hại về kiến thiết cơ bản được duyệt bỏ.
Trong cả 3 trường hợp trên, khoản thiệt hại phải giải quyết không bao gồm giá trị phần còn lại của vật liệu và thiết bị hư hỏng còn có thể bán hoặc sử dụng được. Tiền bán các loại phế liệu này vẫn nằm trong vốn kiến thiết cơ bản và phải nộp vào Ngân hàng Kiến thiết để giảm cấp phát.
5. Do thiệt hại bất thường (vì thiên tai…) có hai trường hợp:
- Bị mất hẳn
- Bị hư hỏng một phần
Trong trường hợp thứ hai này có thể có phế liệu (đối với vật liệu và thiết bị) hay phế phẩm (đối với công trình làm dở dang, hoặc đã làm xong chưa đưa vào sản xuất), khoản thiệt hại phải giải quyết này cũng không bao gồm giá trị của phế liệu hay phế phẩm (giá trị còn lại của vật liệu, thiết bị hoặc công trình hư hỏng còn có thể bán hoặc sử dụng được)
Trong cả hai trường hợp trên, các khoản thiệt hại sau khi được cơ quan chủ quản xí nghiệp duyệt bỏ đều coi là khoản thiệt hại về kiến thiết cơ bản được duyệt bỏ.
Nếu có bán phế liệu hay phế phẩm trong trường hợp thứ hai thì số tiền thu được vẫn nằm trong vốn kiến thiết cơ bản và phải nộp vào Ngân hàng kiến thiết để giảm cấp phát.
II. ĐỐI VỚI CÁC XÍ NGHIỆP XÂY LẮP BAO THẦU
(Hiện nay gọi là Công ty Kiến trúc, thực hiện chế độ cấp phát theo khối lượng công trình)
1. Những thứ loại ra trong quá trình sử dụng vật liệu;
- Vật liệu sử dụng luân chuyển bị hư hỏng loại ra;
- Bao bì loại ra.
Tiền bán các loại phế liệu này thuộc vốn lưu động của xí nghiệp bao thầu và nộp vào tài khoản tiền gửi Ngân hàng kiến thiết của xí nghiệp này.
2. Phế liệu do bảo quản kém mà có gồm 2 trường hợp:
- Vật liệu có quy định mức hư hỏng và hao hụt
- Vật liệu không có quy định mức hư hỏng hao hụt.
Không có trường hợp thiết bị hư hỏng và thiếu hụt, vì xí nghiệp bao thầu nhận thiết bị đến đâu lắp đến đó, không dự trữ tại kho.
Tùy theo vật liệu bị hư hỏng, hao hụt ở kho đơn vị thi công (công trình) hay kho của xí nghiệp bao thầu (Cục nhận thầu) cách giải quyết các khoản thiệt hại quy định như sau:
a) Ở kho đơn vị thi công: giải quyết như các trường hợp a và b điểm 4 “đối với đơn vị kiến thiết tự làm” nói ở trên.
b) Ở kho của xí nghiệp bao thầu: cũng giải quyết như ở kho đơn vị thi công, nhưng khác là: nếu hư hỏng và hao hụt quá mức quy định, thì khoản thiệt hại (tất cả hay chỉ phần không được bồi thường) coi là khoản lỗ của xí nghiệp bao hầu, nếu được cơ quan chủ quản của xí nghiệp này phê chuẩn.
Trong cả hai trường hợp trên, khoản thiệt hại phải giải quyết không bao gồm giá trị của phế liệu (phần vật liệu hư hỏng còn có thể bán hoặc sử dụng được).
Tiền bán loại phế liệu này thuộc xí nghiệp bao thầu và nộp vào tài khoản tiền gửi Ngân hàng kiến thiết của xí nghiệp này.
3. Do thiệt hại bất thường (vì thiên tai…) cũng có 2 trường hợp:
- Bị mất hẳn
- Bị hư hỏng 1 phần
Trong trường hợp thứ hai này, có thể có phế liệu (đối với vật liệu và thiết bị) hay phế phẩm (đối với công trình làm dở dang hay đã làm xong nhưng chưa bàn giao cho đơn vị kiến thiết); và khoản thiệt hại phải giải quyết không bao gồm giá trị của phế liệu hay phế phẩm (giá trị còn lại của vật liệu, thiết bị hoặc công trình hư hỏng còn có thể bán hoặc sử dụng được).
Trong cả hai trường hợp trên:
a) Giá trị thiệt hại tính như sau:
Giá trị thiệt hại = (đơn giá thực tế x khối lượng) – giá ước tính còn lại
b) Các khoản thiệt hại về vật liệu chủ yếu và thiết bị mua sắm bằng vốn kiến thiết cơ bản do đơn vị kiến thiết giao cho đơn vị nhận thầu đều coi là khoản thiệt hại về kiến thiết cơ bản được duyệt bỏ, sau khi được cơ quan chủ quản của đơn vị kiến thiết đồng ý.
Nếu có bán phế liệu hay phế phẩm (trong trường hợp thứ hai) thuộc vật liệu chủ yếu và thiết bị nói trên, thì số tiền thu được vẫn nằm trong vốn kiến thiết cơ bản mà đơn vị kiến thiết đã giao cho đơn vị nhận thầu.
c) Các khoản thiệt hại về vật liệu phụ, vật rẻ tiền mau hỏng, phụ tùng linh tinh…mua sắm bằng vốn lưu động của đơn vị nhận thầu, thì coi là khoản lỗ của đơn vị nhận thầu sau khi được cơ quan chủ quản của đơn vị nhận thầu đồng ý.
Nếu có bán phế liệu hay phế phẩm (trường hợp thứ hai) thuộc các loại vật liệu này, thì số tiền thu được vẫn nằm trong vốn lưu động của đơn vị nhận thầu và phải nộp vào tài khoản tiền gửi Ngân hàng kiến thiết của đơn vị này.
Những điều quy định trước trái với những quy định trên đây đều bãi bỏ.
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH |
- 1Thông tư 04-TC/CĐKT năm 1959 quy định phương pháp hạch toán những vật liệu ứ đọng và tài sản cố định thừa phát hiện trong quá trình hoặc sau khi kiểm kê, đánh giá tài sản và xét định vốn ở các xí nghiệp quốc doanh do Bộ Tài Chính ban hành
- 2Thông tư 36-TC/CĐKT năm 1959 quy định hạch toán kế toán lao động xã hội chủ nghĩa ở các công trường kiến thiết cơ bản do Bộ Tài chính ban hành
- 1Thông tư 04-TC/CĐKT năm 1959 quy định phương pháp hạch toán những vật liệu ứ đọng và tài sản cố định thừa phát hiện trong quá trình hoặc sau khi kiểm kê, đánh giá tài sản và xét định vốn ở các xí nghiệp quốc doanh do Bộ Tài Chính ban hành
- 2Thông tư 36-TC/CĐKT năm 1959 quy định hạch toán kế toán lao động xã hội chủ nghĩa ở các công trường kiến thiết cơ bản do Bộ Tài chính ban hành
Thông tư 06-TC-KTKT năm 1959 về cách giải quyết cụ thể đối với phế liệu, phế phẩm và các khoản thiệt hại ở các công trường kiến thiết cơ bản do Bộ Tài chính ban hành.
- Số hiệu: 06-TC-KTKT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 26/01/1959
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính
- Người ký: Thanh Sơn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 5
- Ngày hiệu lực: 10/02/1959
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định