Hệ thống pháp luật

TỔNG CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 05-TT/TCĐ

Hà Nội, ngày 19 tháng 2 năm 1980

THÔNG TƯ

SỐ 5 -TT/TCĐ CỦA TỔNG CÔNGĐOÀN VIỆT NAMNGÀY 19 THÁNG 2 NĂM 1980 VỀ CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ VIỆC SỬ DỤNG QUỸ PHÚC LỢI TẬP THỂ Ở CÁC CƠ SỞ SẢN XUẤT, KINH DOANH CỦA NHÀ NƯỚC

Điều 13 bản quy định về quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của công nhân, viên chức ban hành kèm theo nghị định số 182 - CP ngày 26 tháng 4 năm 1979 của Hội đồng Chính phủ quy định "ban chấp hành công đoàn cơ sở chịu trách nhiệm quản lý việc sử dụng quỹ phúc lợi tập thể của đơn vị cơ sở. Tổng công đoàn Việt Nam có trách nhiệm quy định cụ thể và hướng dẫn thi hành".

Sau khi trao đổi ý kiến với các Bộ, các ngành liên quan và Bộ trưởng Phủ thủ tướng, Tổng công đoàn Việt Nam quy định và hướng dẫn như sau.

I. MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA CỦA QUỸ PHÚC LỢI

Quỹ phúc lợi của xí nghiệp là một phần thu nhập mà Nhà nước để lại cho xí nghiệp sử dụng dưới hình thức phân phối lợi nhuận xí nghiệp, nhằm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân, viên chức của xí nghiệp; khuyến khích công nhân, viên chức phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước.

Quỹ phúc lợi được trích lập theo các điều lệ tạm thời ban hành kèm theo nghị định số 235 - CP ngày 4 tháng 12 năm 1969 (1), nghị định số 236-CP ngày 10 tháng 12 năm 1970 (2), thông tư số 88-CP ngày 2 tháng 5 năm 1972 (3) của Hội đồng Chính phủ và được bổ sung, sửa đổi bằng thông tư số 165 - TTg ngày 21 tháng 3 năm 1978 (4) của Thủ tướng Chính phủ để áp dụng thống nhất cho tất cả xí nghiệp quốc doanh, công tư hợp doanh.

(1) In trong công báo 1969 - số 20 - trang 313

(2) In trong công báo 1971 - số 23 - trang 309

(3) In trong công báo 1972 - số 8 - trang 82

(4) In trong công báo 1978 - số 6 - trang 87

II. NGUYÊN TẮC QUẢN LÝ VIỆC SỬ DỤNG QUỸ PHÚC LỢI

Quỹ phúc lợi được quản lý, sử dụng theo các nguyên tắc sau đây:

1. Quỹ phúc lợi được quản lý theo thể lệ quản lý tài chính hiện hành của Nhà nước và chịu sự giám đốc chi tiêu của các cơ quan tài chính, ngân hàng các cấp. Mọi sự vi phạm chi tiêu quỹ phúc lợi đều bị xử lý theo những quy định trong các thể lệ đó.

2. Quỹ phúc lợi do tập thể công nhân, viên chức ở cơ sở tạo ra từ nguồn lợi nhuận xí nghiệp, do đó, việc sử dụng quỹ phúc lợi phải nhằm phục vụ lợi ích của tập thể công nhân, viên chức xí nghiệp và gia đình họ. Tập thể công nhân, viên chức trong xí nghiệp là người có quyền cao nhất quyết định kế hoạch sử dụng quỹ phúc lợi. Các cơ quan cấp trên không có quyền giữ lại, hoặc bắt buộc xí nghiệp trích một phần quỹ phúc lợi nộp lên.

3. Ban chấp hành công đoàn cơ sở là người lập kế hoạch sử dụng quỹ phúc lợi, và thư ký công đoàn cơ sở là người ký lệnh chi quỹ phúc lợi.

Ban chấp hành công đoàn cơ sở thông qua bộ máy tài vụ kế toán của xí nghiệp để quản lý việc chi tiêu quỹ phúc lợi, không tổ chức bộ máy riêng.

4. Thủ trưởng đơn vị và ban chấp hành công đoàn cơ sở cùng nhau tổ chức thực hiện kế hoạch sử dụng quỹ phúc lợi theo nghị quyết của hội nghị công nhân, viên chức.

III. NỘI DUNG SỬ DỤNG QUỸ PHÚC LỢI

Nội dung sử dụng quỹ phúc lợi đã được quy định tại các điều 25, 30 điều lệ tạm thời kèm theo nghị định số 235 - CP, điều 31 điều lệ tạm thời kèm theo nghị định số 236 - CP và điểm 2b thông tư số 88 - CP. Nay quy định cụ thể như sau:

1. Chỉ bổ sung cho xây dựng, sửa chữa, mở rộng, trang bị, quản lý các công trình phúc lợi tập thể của xí nghiệp như nhà ăn, nhà ở, nhà nghỉ, nhà gửi trẻ, lớp mẫu giáo, vỡ lòng, câu lạc bộ, trạm xá, sân bãi và dụng cụ thể dục thể thao, trang bị cho các đội bóng, đội văn nghệ, mua ô tô ca đưa, đón công nhân, viên chức đi làm, đi nghỉ.

2. Chi bổ túc văn hoá cho công nhân, viên chức xí nghiệp như sách giáo khoa, dụng cụ học tập, thù lao cho giáo viên, nước uống trong các buổi học.

3. Chi tiền tàu xe cho công nhân, viên chức đi tham quan, nghỉ mát do xí nghiệp tự tổ chức ngoài chế độ nghỉ phép năm.

4. Cho tập thể vay làm vốn tăng gia, sản xuất, cho cá nhân vay để giải quyết khó khăn.

5. Chi thêm về trợ cấp cho gia đình công nhân, viên chức gặp khó khăn (kể cả khó khăn đột xuất và khó khăn thường xuyên) trong trường hợp quỹ xã hội không đủ giải quyết hoặc nội dung chế độ trợ cấp thuộc quỹ xã hội hạn chế.

6. Chi tiền thưởng cuối năm cho các đối tượng làm công tác ở nhà ăn tập thể, nhà gửi trẻ, trạm xá xí nghiệp.

7. Chi bồi dưỡng sức khoẻ cho tập thể công nhân, viên chức làm lao động xã hội chủ nghĩa, văn nghệ, thể thao.

Mức chi cụ thể cho mỗi đối tượng trong từng đợt do ban chấp hành công đoàn cơ sở quyết định căn cứ vào kết hoạch dự trù từ đầu năm mà hội nghị công nhân, viên chức đã thông qua.

8. Góp phần xây dựng, sửa chữa, trang bị những công trình phúc lợi của liên hiệp xí nghiệp hoặc của địa phương mà những công trình phúc lợi đó có lợi cho xí nghiệp.

Việc góp vốn này thuộc quyền hội nghị công nhân, viên chức xí nghiệp quyết định tuỳ theo sự cần thiết và lợi ích của những công trình đó đối với xí nghiệp. Các cơ quan cấp trên không được bắt buộc xí nghiệp phải đóng góp hoặc tự ý quyết định mức cho xí nghiệp phải đóng góp.

IV. QUYỀN HẠN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA BAN CHẤP HÀNH CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ VÀ THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ; CỦA CÁC CẤP, CÁC NGÀNH

Căn cứ nguyên tắc quản lý việc sử dụng quỹ phúc lợi, ban chấp hành công đoàn cơ sở và thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm:

1. Ban chấp hành công đoàn cơ sở:

Ban chấp hành công đoàn cơ sở chịu trách nhiệm trước công nhân, viên chức, trước Nhà nước và công đoàn cấp trên về việc quản lý, sử dụng quỹ phúc lợi của cơ quan mình. Cụ thể là:

- Lập kế hoạch sử dụng và phát triển sự nghiệp phúc lợi trong xí nghiệp để đưa ra hội nghị công nhân, viên chức thảo luận và quyết định;

- Kiểm tra đôn đốc việc thực hiện kế hoạch sử dụng quỹ phúc lợi đúng chế độ, chính sách, đúng nghị quyết của hội nghị công nhân, viên chức;

- Báo cáo sơ kết, tổng kết việc sử dụng quỹ phúc lợi với hội nghị công nhân, viên chức xí nghiệp, với công đoàn cấp trên và kiến nghị với cấp trên gải quyết những vấn đề tồn tại mới phát sinh trong quá trình sử dụng quỹ phúc lợi;

- Thư ký công đoàn là người ký lệnh chi quỹ phúc lợi đúng chế độ, chính sách và kế hoạch. Trong trường hợp thư ký công đoàn cơ sở vắng thì phải uỷ quyền cho phó thư ký và chỉ người được uỷ quyền đó mới được ký lệnh chi quỹ phúc lợi.

2. Thủ trưởng đơn vị:

- Tổ chức thực hiện kế hoạch sử dụng quỹ phúc lợi đúng chế độ, chính sách, đúng nghị quyết hội nghị công nhân, viên chức;

- Thông báo cho ban chấp hành công doàn biết số tiền quỹ phúc lợi được trích lập hàng năm; bố trí cán bộ giúp ban chấp hành công đoàn cơ sở trong việc lập kế hoạch sử dụng quỹ phúc lợi;

- Thực hiện mọi công việc về hành chính quản lý quỹ phúc lợi;

- Kiểm tra và có quyền khước từ chỉ tiêu những khoản chi về quỹ phúc lợi không đúng chính sách, chế độ, không đúng kế hoạch sử dụng quỹ phúc lợi. Trừ trường hợp đột xuất kế hoạch phải điều chỉnh thì ban chấp hành công đoàn cơ sở phải bàn bạc với giám đốc và báo cáo với hội nghị công nhân, viên chức trong kỳ họp gần nhất.

3. Uỷ ban nhân dân và liên hiệp công đoàn tỉnh, thành phố:

a. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo việc phát triển sự nghiệp phúc lợi tập thể (bao gồm ăn, ở, đi lại, giáo dục, y tế, giải trí...) ở các xí nghiệp kể cả xí nghiệp trung ương đóng ở địa phương. Chỉ đạo các cơ quan và các ngành ở địa phương cung cấp phương tiện, nguyên vật liệu cho các cơ sở trong việc mua sắm, xây dựng, sửa chữa, trang bị các công trình phúc lợi tập thể của xí nghiệp. Đôn đốc, kiểm tra và giúp đỡ các cơ sở trong địa phương thi hành đúng chế độ, chính sách quỹ phúc lợi.

b. Liên hiệp công đoàn tỉnh, thành phố có trách nhiệm tham gia với Uỷ ban nhân dân tỉnh trong việc chỉ đạo phát triển sự nghiệp phúc lợi tập thể, tạo điều kiện cho các cơ sở thực hiện tốt kế hoạch sử dụng quỹ phúc lợi tập thể.

Liên hiệp công đoàn tỉnh, thành phố có trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn, giải đáp về chính sách, chế độ, quản lý việc sử dụng quỹ phúc lợi cho tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh đóng tại địa phương, phối hợp với các cơ quan lao động, tài chính, ngân hàng tiến hành kiểm tra tình hình sử dụng quỹ phúc lợi ở các cơ sở.

Hàng năm các liên hiệp công đoàn tổng hợp tình hình sử dụng quỹ phúc lợi ở địa phương báo cáo về Tổng công đoàn vào ngày 10 đến 15 tháng 2 năm sau.

4. Các Bộ,Tổng cục và công đoàn ngành trung ương:

a. Các Bộ, Tổng cục có trách nhiệm thông báo rõ số tiền quỹ phúc lợi xí nghiệp được trích trong năm kế hoạch.

Bộ, Tổng cục giúp đỡ cơ sở về vật tư để xây dựng và quản lý, các công trình quỹ phúc lợi.

b. Công đoàn ngành trung ương có trách nhiệm đề xuất cho các cơ sở phương hướng sử dụng quỹ phúc lợi của mình; tham gia với bộ chủ quản trong việc xác định mức lợi nhuận được trích cho xí nghiệp; phối hợp với liên hiệp công đoàn đôn đốc, kiểm tra và giám sát việc xây dựng và thực hiện kế hoạch sử dụng quỹ phúc lợi.

V. KHOẢN THI HÀNH

1. Theo 28 của bản quy định kèm theo nghị định số 182 - CP thì nội dung các điều khoản trong bản quy định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1 tháng 6 năm 1979.

Giám đốc các xí nghiệp, các đơn vị có quỹ phúc lợi cần sơ kết tình hình việc sử dụng quỹ phúc lợi của đơn vị những năm qua để tiến hành bàn giao ngay cho ban chấp hành công đoàn cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho công đoàn quản lý việc sử dụng quỹ này vào đầu năm 1980.

2. Quỹ phúc lợi sử dụng vào những việc không đúng quy định trong mục III thông tư này, giải quyết như sau:

- Cá nhân quyết định chi sai thì phải bồi thường, trừ vào lương hàng tháng và tuỳ theo mức độ sai phạm sẽ thi hành kỷ luật theo quy định hiện hành.

- Cấp nào quyết định chi sai, thì số tiền chi sai cấp ấy phải trả lại quỹ phúc lợi. Nếu khoản chi ấy thuộc nguồn kinh phí nào, thì nguồn kinh phí đó phải chuyển trả lại quỹ phúc lợi. Nếu chia cho cá nhân, thì từng cá nhân phải góp đủ số tiền đó trả lại quỹ phúc lợi.

Nguyễn Đức Thuận

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 05-TT/TCĐ-1980 về chế độ quản lý việc sử dụng quỹ phúc lợi tập thể ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh của Nhà nước do Tổng Công đoàn Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 05-TT/TCĐ
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 19/02/1980
  • Nơi ban hành: Tổng Công đoàn Việt Nam
  • Người ký: Nguyễn Đức Thuận
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 4
  • Ngày hiệu lực: 03/03/1980
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản