Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
*******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 235-CP

Hà Nội, ngày 04 tháng 12 năm 1969

NGHỊ ĐỊNH

BAN HÀNH ĐIỀU LỆ TẠM THỜI VỀ CHẾ ĐỘ THU TÀI CHÍNH VÀ CHẾ ĐỘ PHÂN PHỐI LỢI NHUẬN XÍ NGHIỆP QUỐC DOANH TRONG NGÀNH NỘI THƯƠNG

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Quyết định số 140-CP ngày 13 tháng 09 năm 1968 của Hội đồng Chính phủ về việc thí điểm cải tiến chế độ thu tài chính và chế độ phân phối lợi nhuận xí nghiệp quốc doanh;
Xét sự cần thiết phải cải tiến chế độ thu tài chính đối với các xí nghiệp thương nghiệp quốc doanh và chế độ phân phối lợi nhuận xí nghiệp thương nghiệp để góp phần tăng cường quản lý kinh tế và tài chính trong các xí nghiệp thương nghiệp và ngành nội thương;

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. – Nay ban hành Điều lệ tạm thời về chế độ thu tài chính và chế độ phân phối lợi nhuận xí nghiệp quốc doanh trong ngành nội thương kèm theo quy định này.

Điều 2. – Các ông Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ Nội thương, Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước và Chủ nhiệm Uỷ ban Vật giá Nhà nước, các ông Chủ tịch Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố và khu vực Vĩnh-Linh chịu trách nhiệm thi hành nghị định này.

T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Đỗ Mười

ĐIỀU LỆ TẠM THỜI

VỀ CHẾ ĐỘ THU TÀI CHÍNH VÀ CHẾ ĐỘ PHÂN PHỐI LỢI NHUẬN XÍ NGHIỆP QUỐC DOANH TRONG NGÀNH NỘI THƯƠNG

Chương 1:

NGUYÊN TẮC CHUNG

Điều 1. – Chế độ thu tài chính và chế độ phân phối lợi nhuận xí nghiệp thương nghiệp quốc doanh nhằm mục đích:

1. Thúc đẩy và tạo điều kiện cho xí nghiệp thương nghiệp mở rộng lưu thông hàng hoá, cải tiến kinh doanh, cải tiến thiết bị, kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm phí lưu thông, phục vụ tốt sản xuất, chiến đấu và đời sống nhân dân.

2. Góp phần tăng tích luỹ xã hội chủ nghĩa, đáp ứng nhu cầu tăng thu cho ngân sách Nhà nước và góp phần phân bố hợp lý nguồn thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; đồng thời đáp ứng nhu cầu phát triển kinh doanh của xí nghiệp thương nghiệp và chăm lo phúc lợi cho cán bộ, công nhân viên ngành thương nghiệp.

3. Tăng cường quản lý kinh tế - tài chính, quản lý chặt chẽ lao động, hàng hoá, vật tư, tiền vốn, thực hành tiết kiệm, cải tiến và nâng cao trình độ hạch toán kinh tế, làm cho xí nghiệp thương nghiệp quan tâm đến kết quả công việc kinh doanh, ra sức làm ăn có tính toán, phấn đấu tiết kiệm phí lưu thông và sử dụng tiền vốn có hiệu quả kinh tế cao.

Điều 2. – Chế độ thu tài chính và chế độ phân phối lợi nhuận xí nghiệp thương nghiệp quốc doanh theo nguyên tắc:

1. Giữ vững sự lãnh đạo tập trung và quản lý thống nhất của Nhà nước, nâng cao trách nhiệm xây dựng kinh tế địa phương của tỉnh, thành phố; trên cơ sở ấy xác lập quyền làm chủ tập thể của xí nghiệp thương nghiệp, mở rộng thêm một bước trách nhiệm và quyền hạn về tài chính của xí nghiệp thương nghiệp.

2. Bảo đảm quản lý kinh tế có kế hoạch theo các chỉ tiêu pháp lệnh của Nhà nước; trên cơ sở ấy, sử dụng đúng đắn các đòn bẩy kinh tế, thúc đẩy xí nghiệp thương nghiệp đi vào phương thức kinh doanh xã hội chủ nghĩa, thực hành chế độ hạch toán kinh tế, tăng doanh lợi xã hội chủ nghĩa.

3. Kết hợp đúng đắn lợi ích của Nhà nước, lợi ích của nhân dân, với lợi ích của xí nghiệp thương nghiệp và lợi ích của cán bộ, công nhân viên thương nghiệp, làm cho cán bộ,công nhân viên thương nghiệp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích của nhân dân, lợi ích của xí nghiệp thương nghiệp và lợi ích của bản thân mà luôn luôn chăm lo phát triển kinh doanh, mở rộng hoạt động của xí nghiệp, nâng cao năng suất lao động, để vừa phục vụ tốt quần chúng tiêu thụ, vừa cải thiện đời sống vật chất và văn hoá cho cán bộ, công nhân viên của xí nghiệp thương nghiệp.

Chương 2:

CHẾ ĐỘ THU TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI XÍ NGHIỆP THƯƠNG NGHIỆP QUỐC DOANH

Đối với xí nghiệp thương nghiệp kinh doanh hàng công nghiệp.

Điều 3. – Xí nghiệp thương nghiệp kinh doanh hàng công nghiệp không phải nộp thuế doanh nghiệp; khoản thu này được thu ở các xí nghiệp sản xuất công nghiệp hoặc ở các tổng công ty xuất nhập khẩu thông qua hệ thống giá bán buôn công nghiệp và giá bán buôn thương nghiệp.

Xí nghiệp thương nghiệp kinh doanh hàng công nghiệp phải trích nộp lợi nhuận cho ngân sách Nhà nước theo các điều 14 và 15 dưới đây.

Điều 4. – Xí nghiệp thương nghiệp kinh doanh hàng công nghiệp mua hàng của xí nghiệp công nghiệp trung ương hoặc địa phương theo giá bán buôn công nghiệp.

Giá bán buôn công nghiệp là giá bán lẻ trừ (-) chiết khấu thương nghiệp.

a) Giá bán lẻ là giá bán cho người tiêu dùng do Nhà nước quy định:

- Đối với hàng của xí nghiệp trung ương thì lấy giá bán lẻ hệ thống I trung ương;

- Đối với hàng của xí nghiệp địa phương thì lấy giá bán lẻ hệ thống I địa phương sản xuất (thị trường chính của tỉnh, thành phố).

b) Chiết khấu thương nghiệp (chiết khấu của xí nghiệp thương nghiệp bán buôn cấp I, chiết khấu của xí nghiệp thương nghiệp bán buôn cấp II và chiết khấu của xí nghiệp thương nghiệp bán lẻ) gồm: phí lưu thông thương nghiệp định mức (trong đó có cả số hoa hồng dành cho hợp tác xã mua bán xã đại lý hàng công nghiệp) và lợi nhuận định mức của xí nghiệp thương nghiệp.

- Đối với hàng của xí nghiệp trung ương thì lấy chiết khấu thương nghiệp toàn ngành;

- Đối với hàng của xí nghiệp địa phương tiêu thụ ngay tại địa phương sản xuất thì lấy chiết khấu thương nghiệp của cấp II địa phương; nếu bán cho xí nghiệp thương nghiệp cấp I hoặc cho địa phương khác mà là loại hàng do trung ương thống nhất phân phối và thống nhất quản lý giá thì lấy chiết khấu thương nghiệp toàn ngành; nếu là loại hàng không do trung ương thống nhất phân phối và thống nhất quản lý thì Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố sản xuất quy định giá bán buôn công nghiệp và hai bên (bên mua và bên bán) giao dịch với nhau theo giá cả thoả thuận.

Điều 5. – Đối với vật tư kỹ thuật, tư liệu sản xuất do các xí nghiệp thương nghiệp kinh doanh thì mua theo giá bán buôn vật tư, trừ (-) chiết khấu thương nghiệp, và bán theo giá thống nhất của Nhà nước như Quyết định số 60-TTg ngày 28- 06-1969 của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 6. – Đối với hàng công nghiệp mà Nhà nước chưa định giá bán lẻ hoặc giá bán buôn vật tư thì xí nghiệp thương nghiệp bán theo giá mua, cộng (+) thặng số thương nghiệp.

Thặng số thương nghiệp phải bảo đảm đủ phí lưu thông thương nghiệp định mức và lợi nhuận định mức của xí nghiệp thương nghiệp, như nói ở điểm b, điều 4 trên đây.

Điều 7. – Hàng công nghiệp thuộc loại hàng tiêu dùng nếu mua để làm nguyên liệu đưa vào sản xuất (như mua đường để sản xuất bánh kẹo) thì theo giá như sau:

- Nếu mua của xí nghiệp sản xuất thì theo giá bán buôn công nghiệp.

- Nếu mua của xí nghiệp thương nghiệp cấp nào, thì theo giá bán buôn thương nghiệp cấp đó (cấp I hoặc cấp II).

Điều 8. – Giá bán buôn thương nghiệp cấp I là giá bán lẻ ở thị trường chính của tỉnh, thành phố mua hàng, trừ (-) chiết khấu thương nghiệp cấp II (bán buôn và bán lẻ).

Giá bán buôn thương nghiệp cấp II là giá bán lẻ ở nơi xí nghiệp thương nghiệp bán lẻ, trừ (-) chiết khấu thương nghiệp bán lẻ.

Điều 9. - Khoản chênh lệch giá khu vực giữa giá hệ thống I của trung ương với giá hệ thống I của các địa phương phát sinh do thì hành điều 8 nói trên thì xí nghiệp thương nghiệp cấp I nộp vào ngân sách trung ương.

Khoản chênh lệch giá khu vực trong phạm vi từng địa phương thì xí nghiệp thương nghiệp cấp II nộp vào ngân sách địa phương.

Điều 10. – Ngân sách địa phương được hưởng một phần số thu vào hàng công nghiệp do ngân sách trung ương thu ở khâu sản xuất công nghiệp trung ương; Bộ Tài chính trích từ ngân sách trung ương, chuyển cho ngân sách địa phương, một tỷ lệ phần trăm (%) tính trên doanh số bán hàng của các xí nghiệp thương nghiệp cấp I cho địa phương.

ĐỐI VỚI CÁC LOẠI XÍ NGHIỆP THƯƠNG NGHIỆP KHÁC.

Điều 11. – Các xí nghiệp sản xuất, gia công, nếu là đơn vị kinh doanh hạch toán kinh tế độc lập, thì áp dụng chế độ thu như đối với các xí nghiệp sản xuất công nghiệp; nếu còn là đơn vị phụ thuộc thì áp dụng chế độ thu thuế và thu lợi nhuận hiện hành.

Điều 12. – Các xí nghiệp chăn nuôi, phục vụ, sửa chữa, ăn uống, vận tải, v.v…, trong khi chưa có chế độ thu mới, vẫn áp dụng chế độ thu thuế và thu lợi nhuận hiện hành.

Điều 13. – Các xí nghiệp kinh doanh hàng nông sản, thực phẩm có quy định riêng.

ĐỐI VỚI VIỆC TRÍCH NỘP LỢI NHUẬN.

Điều 14. – Xí nghiệp thương nghiệp quốc doanh trích nộp một phần lợi nhuận vào ngân sách Nhà nước: xí nghiệp cấp I trích nộp lợi nhuận vào ngân sách trung ương, cấp II trích nộp vào ngân sách địa phương.

Số lợi nhuận mà xí nghiệp phải trích nộp ngân sách là số lợi nhuận thực tế đạt được, trừ (-) phần mà Nhà nước để lại cho xí nghiệp để lập các quỹ của xí nghiệp (quỹ khuyến khích phát triển kinh doanh, quỹ phúc lợi và quỹ khen thưởng).

Xí nghiệp phải trích nộp vào ngân sách ít nhất 10% số lợi nhuận kế hoạch; phần còn lại, nếu không đủ để phân phối cho các quỹ của xí nghiệp theo đúng như quy định ở mục III, chương III dưới đây, thì ngân sách Nhà nước cấp bù cho đủ, nhưng số bù thêm này không được lớn hơn số lợi nhuận mà xí nghiệp đã trích nộp vào ngân sách.

Điều 15. – Xí nghiệp phải tạm nộp theo kế hoạch và theo lịch nộp do Bộ Tài chính (đối với cấp I) hoặc do Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố (đối với cấp II) ấn định; cuối tháng hoặc cuối quý thì thanh toán theo thực tế, căn cứ bảng quyết toán hoặc bảng cân đối tài khoản của xí nghiệp.

Xí nghiệp phải chủ động tính toán, trích nộp lợi nhuận kế hoạch vào ngân sách; phải chủ động thanh toán, nộp số lợi nhuận còn thiếu căn cứ theo lợi nhuận thực tế đạt được.

Ngân hàng Nhà nước phải trích tài khoản của xí nghiệp, chuyển nộp ngay vào ngân sách trong ngày kế tiếp ngày nhận được giấy nộp tiền của xí nghiệp. Nếu tài khoản của xí nghiệp không đủ tiền nộp thì Ngân hàng phải căn cứ vào thứ tự ưu tiên Nhà nước đã quy định mà trích tài khoản chuyển nộp vào ngân sách; sau đó tiền vào tài khoản xí nghiệp đến đâu thì cũng căn cứ vào thứ tự ưu tiên của Nhà nước mà tiếp tục trích tài khoản, nộp vào ngân sách đến đó cho đủ số tiền xí nghiệp phải nộp.

Các xí nghiệp đến hạn nộp lợi nhuận mà chưa nộp thì mỗi ngày nộp chậm phải phạt một số tiền bằng một phần nghìn (0,1%) số tiền chậm nộp.

Cơ quan Ngân hàng, bưu điện có thiếu sót, làm cho xí nghiệp phải phạt, thì phải bồi thường cho xí nghiệp.

Chương 3:

CHẾ ĐỘ PHÂN PHỐI VÀ SỬ DỤNG LỢI NHUẬN XÍ NGHIỆP THƯƠNG NGHIỆP

MỤC I. - CHIẾT KHẤU THƯƠNG NGHIỆP.

Điều 16. – Chiết khấu thương nghiệp định mức cho toàn ngành nội thương, về các hoạt động lưu thông thuần tuý, là một tỷ lệ phần trăm (%) do Nhà nước ấn định, tính trên doanh số bán ra, bao gồm:

- Phí lưu thông thương nghiệp định mức (bao gồm định mức phí lưu thông thuần tuý của hệ thống thương nghiệp quốc doanh và định mức hoa hồng dành cho hợp tác xã mua bán xã bán hàng công nghiệp).

- Lợi nhuận định mức của xí nghiệp thương nghiệp quốc doanh do Nhà nước ấn định.

Lợi nhuận định mức của xí nghiệp thương nghiệp đối với hoạt động lưu thông thuần tuý, làm một tỷ lệ phần trăm (%) trên doanh số bán của xí nghiệp; đối với các xí nghiệp sản xuất công nghiệp thuộc ngành nội thương quản lý, sẽ quy định cùng với các xí nghiệp sản xuất thuộc các bộ công nghiệp; đối với các xí nghiệp khác (phục vụ, sửa chữa, vận tải, chăn nuôi, gia công, ăn uống), sẽ quy định riêng.

Bộ Nội thương căn cứ vào chiết khấu thương nghiệp định mức của Nhà nước mà phân phối cụ thể chiết khấu thương nghiệp cho các loại hoạt động khác nhau trong ngành nội thương (kinh doanh hàng công nghiệp, thu mua hàng nông sản, thực phẩm, v.v…) cũng như cho cấp I và chỉ đạo việc phân phối định mức chiết khấu thương nghiệp ở cấp II bán buôn, bán lẻ, nhằm bảo đảm không vượt định mức chung do Nhà nước ấn định.

MỤC II. – PHÂN PHỐI LỢI NHUẬN XÍ NGHIỆP THƯƠNG NGHIỆP.

Điều 17. – Lợi nhuận xí nghiệp thương nghiệp gồm có lợi nhuận kế hoạch, lợi nhuận vượt kế hoạch và lợi nhuận ngoài kế hoạch.

Lợi nhuận kế hoạch là lợi nhuận do cơ quan chủ quản và cơ quan tài chính đã duyệt cho xí nghiệp, căn cứ vào các chỉ tiêu kế hoạch mà Bộ Nội thương, Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố giao cho xí nghiệp; lợi nhuận kế hoạch được ghi trong kế hoạch tài chính hàng năm của xí nghiệp.

Lợi nhuận vượt kế hoạch là số chênh lệch giữa lợi nhuận thực hiện và lợi nhuận kế hoạch.

Lợi nhuận ngoài kế hoạch là lợi nhuận mà xí nghiệp, ngoài việc bảo đảm đủ nhiệm vụ kinh doanh, sản xuất theo kế hoạch của cấp trên giao, còn thu thêm được do những hoạt động kinh doanh không ghi vào kế hoạch mà Bộ Nội thương hay Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố không giao cho xí nghiệp.

Những mặt hàng do xí nghiệp sản xuất, chế biến ngoài kế hoạch bằng phế liệu, phế phẩm được Nhà nước khuyến khích tạm thời không thu quốc doanh thì toàn bộ số chênh lệch giữa giá bán buôn công nghiệp và giá thành của sản phẩm được coi là lợi nhuận ngoài kế hoạch.

Bộ Tài chính cùng Bộ Nội thương (đối với cấp I), hoặc Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố (đối với cấp II), xác định lúc nào các hoạt động này đã ổn định thì đưa vào chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước và tiến hành thu.

Điều 18. – Xí nghiệp thương nghiệp hạch toán kinh tế độc lập được trích lợi nhuận xí nghiệp để lập các quỹ của xí nghiệp (quỹ khuyến khích phát triển kinh doanh, quỹ phúc lợi, quỹ khen thưởng), và phải nộp một phần lợi nhuận cho ngân sách Nhà nước theo như quy định ở điều 14 trên đây.

Việc phân phối lợi nhuận xí nghiệp (lợi nhuận kế hoạch, lợi nhuận vượt kế hoạch, lợi nhuận ngoài kế hoạch) quy định như sau:

a) Lợi nhuận kế hoạch được phân phối:

- 60% (sáu mươi phần trăm) cho quỹ khuyến khích phát triển kinh doanh;

- Một phần bằng 8% (tám phần trăm) quỹ tiền lương của xí nghiệp cho quỹ phúc lợi và quỹ khen thưởng.

- Số còn lại nộp cho ngân sách Nhà nước.

b) Lợi nhuận vượt kế hoạch được phân phối:

- 30% (ba mươi phần trăm) cho quỹ khuyến khích phát triển kinh doanh;

- 20% (hai mươi phần trăm) cho quỹ phúc lợi và quỹ khen thưởng;

- 50% (năm mươi phần trăm) còn lại nộp cho ngân sách Nhà nước.

c) Lợi nhuận ngoài kế hoạch được phân phối:

- 40% (bốn mươi phần trăm) cho quỹ khuyến khích phát triển kinh doanh;

- 40% (bốn mươi phần trăm) cho quỹ phúc lợi và khen thưởng;

- 20% (hai mươi phần trăm) còn lại nộp cho ngân sách Nhà nước.

Điều 19. – Đối với các xí nghiệp thương nghiệp được duyệt là không có lợi nhuận kế hoạch hoặc có lỗ kế hoạch thì:

- Xí nghiệp được coi là đạt lợi nhuận kế hoạch, nếu xí nghiệp thực hiện đúng mức phí lưu thông kế hoạch và không có lỗ, hoặc lỗ thực hiện không vượt quá chỉ tiêu kế hoạch; căn cứ để tính lợi nhuận kế hoạch là lợi nhuận định mức mà Nhà nước đã định cho xí nghiệp.

- Xí nghiệp được coi là có lợi nhuận vượt kế hoạch nếu giảm được phí lưu thông thực tế so với phí lưu thông kế hoạch; số phí lưu thông tiết kiệm được coi là lợi nhuận vượt kế hoạch.

Các xí nghiệp nói trên cũng được trích lập quỹ khuyến khích phát triển kinh doanh, quỹ phúc lợi và quỹ khen thưởng như quy định ở điều 18 trên đây.

MỤC III. – TRÍCH LẬP VÀ SỬ DỤNG CÁC QUỸ XÍ NGHIỆP.

A. Quỹ khuyến khích phát triển kinh doanh.

Điều 20. - Quỹ khuyến khích phát triển kinh doanh dùng để củng cố, mở rộng những công trình (kho, cửa hàng, v.v…) đã có, xây dựng những công trình nhỏ không ghi trong kế hoạch kiến thiết cơ bản của Nhà nước; mua sắm những thiết bị lẻ, phương tiện vận chuyển, bốc dỡ, bảo quản cho những cơ sở đã có; chi về vệ sinh, an toàn lao động trong kinh doanh, sản xuất; mua sắm thiết bị kỹ thuật để sản xuất, chế biến sản phẩm bằng phế liệu, phế phẩm; nghiên cứu cải tiến kỹ thuật kinh doanh, sản xuất; trả lãi tiền vay và vốn vay Ngân hàng trong trưòng hợp xí nghiệp vay để tăng thêm tài sản cố định, cải tiến kỹ thuật kinh doanh, sản xuất; bổ sung vốn lưu động tăng thêm do sản xuất ngoài kế hoạch những mặt hàng bằng phế liệu, phế phẩm.

Trưòng hợp xí nghiệp chưa cần dùng số tiền quỹ đã có vào các mục đích trên, xí nghiệp có thể tạm thời dùng cho nhu cầu vốn lưu động như một nguồn vốn tự có.

Điều 21. - Quỹ khuyến khích phát triển kinh doanh trích lập như sau:

a) Các xí nghiệp lưu thông thuần tuý trích:

- 60% lợi nhuận kế hoạch;

- 30% lợi nhuận vượt kế hoạch;

- 40% lợi nhuận ngoài kế hoạch;

- 30% số tiền khấu hao cơ bản về tài sản cố định dùng trong kinh doanh sản xuất;

- Toàn bộ số biến giá tài sản cố định.

b) Đối với các xí nghiệp khác trong ngành nội thương chưa định mức lợi nhuận xí nghiệp, tạm thời được trích từ “lãi thực hiện” của xí nghiệp để lập quỹ khuyến khích phát triển kinh doanh, và tính như sau:

- Xí nghiệp phục vụ (khách sạn, giặt là, cắt tóc, v.v…) sửa chữa (bút máy, đồng hồ, v.v…) tính bằng 1% doanh thu phục vụ, sửa chữa;

- Xí nghiệp vận tải tính bằng 2,5% doanh thu về cước vận tải.

Ngoài ra các xí nghiệp nói trên cũng được trích vào quỹ khuyến khích phát triển kinh doanh 30% số tiền khấu hao cơ bản và toàn bộ số biến giá tài sản cố định.

c) Các xí nghiệp sản xuất: sẽ quy định cùng với các xí nghiệp sản xuất thuộc các bộ công nghiệp.

d) Các xí nghiệp chăn nuôi, gia công, ăn uống: sẽ quy định riêng.

Điều 22. – Xí nghiệp không đạt kế hoạch lợi nhuận chỉ được trích lập quỹ khuyến khích phát triển kinh doanh theo tỷ lệ phần trăm (%) thực tế đạt được; nếu xí nghiệp có kế hoạch lợi nhuận nhưng khi thực hiện lại không có lợi nhuận hoặc bị lỗ thì không được trích.

Điều 23. – Xí nghiệp được trích quỹ khuyến khích phát triển kinh doanh hàng quý theo kế hoạch, và thanh toán lại theo thực tế cả năm sau khi có báo cáo quyết toán chính thức của xí nghiệp.

Điều 24. - Quỹ khuyến khích phát triển kinh doanh thuộc quyền sử dụng của xí nghiệp; cấp trên không được điều từ xí nghiệp này sang xí nghiệp khác. Tuy nhiên, trường hợp Bộ Nội thương (đối với cấp I), hoặc sở, ty thương nghiệp (đối với cấp II) xét cần thiết phải huy động một phần để dùng vào việc cải tiến kỹ thuật, hợp lý sản xuất, kinh doanh của các xí nghiệp trong cùng một ngành kinh doanh, thì sau khi bàn bạc thoả thuận với xí nghiệp, có thể huy động không quá 15% số tiền quỹ của mỗi xí nghiệp.

Hàng năm khi lập kế hoạch kinh tế, kỹ thuật, tài chính, xí nghiệp phải đồng thời lập kế hoạch và dự toán sử dụng quỹ khuyến khích phát triển kinh doanh. Ngành chủ quản có trách nhiệm bố trí kế hoạch cung cấp cho xí nghiệp các vật tư thuộc loại Nhà nước thống nhất phân phối; nếu vật tư không thuộc loại Nhà nước thống nhất phân phối thì xí nghiệp có thể ký hợp đồng mua thẳng với các xí nghiệp bán.

B. Quỹ phúc lợi và quỹ khen thưởng.

Điều 25. - Quỹ phúc lợi dùng để:

- Xây dựng, mở rộng và sửa chữa nơi ăn, ở, nghỉ ngơi, giải trí, chữa bệnh, điều dưỡng, tập thể dục thể thao, giữ trẻ, hầm hố, và làm những công việc khác phục vụ đời sống tập thể trong xí nghiệp; cải thiện điều kiện sinh hoạt văn hoá và chăm lo sức khoẻ cho công nhân, viên chức và gia đình trong xí nghiệp.

- Phụ thêm một phần tiền để tổ chức học bổ túc văn hoá, học tập nghiệp vụ kỹ thuật ở xí nghiệp, ngoài phần đóng góp của người đi học, chi phí cho cán bộ hay công nhân không chuyên trách đi họp, đi học ngắn ngày, tham gia các hoạt động văn hoá quần chúng, thể dục thể thao, bổ túc văn hoá, v.v…;

- Cho tập thể công nhân, viên chức trong xí nghiệp tạm vay làm vốn tăng gia sản xuất tự túc;

- Trợ cấp khó khăn đột xuất cho công nhân, viên chức.

Quỹ khen thưởng dùng để thưởng cho lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua, tổ và đội lao động tiên tiến; khen thưởng trong năm cho những công nhân, viên chức có thành tích xuất sắc, những điển hình tốt về cải tiến kinh doanh, sản xuất và quản lý; khen thưởng cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và cán bộ chuyên trách công tác đảng, đoàn thể có thành tích trong việc thực hiện và vận động thực hiện kế hoạch xí nghiệp và kế hoạch Nhà nước.

Điều 26. - Quỹ phúc lợi và quỹ khen thưởng trích lập như sau:

a) Đối với các xí nghiệp lưu thông thuần tuý:

- Trích từ lợi nhuận kế hoạch, bằng 8% quỹ tiền lương của xí nghiệp; Bộ Nội thương căn cứ mức này mà phân phối cụ thể cho từng ngành hoạt động kinh doanh, có phân biệt đối đãi tuỳ theo đặc điểm hoạt động của mỗi ngành.

- Ngoài ra xí nghiệp còn được trích vào quỹ phúc lợi và quỹ khen thưởng 20% lợi nhuận vượt kế hoạch và 40% lợi nhuận ngoài kế hoạch.

b) Đối với các xí nghiệp khác trong ngành nội thương chưa định mức lợi nhuận xí nghiệp, tạm thời được trích từ “lãi thực hiện” của xí nghiệp để lập quỹ phúc lợi, quỹ khen thưởng và tính như sau:

- Đối với các xí nghiệp phục vụ, sửa chữa: bằng 9% quỹ tiền lương của xí nghiệp;

- Đối với các xí nghiệp vận tải: bằng 10% quỹ tiền lương của xí nghiệp.

c) Đối với các xí nghiệp sản xuất công nghiệp trong ngành nội thương: sẽ quy định cùng với các xí nghiệp sản xuất thuộc các bộ công nghiệp.

d) Đối với các xí nghiệp chăn nuôi, ăn uống, gia công: sẽ quy định riêng.

Quỹ tiền lương dùng làm căn cứ để tính là quỹ tiền lương kế hoạch chính thức của xí nghiệp sau khi đã quy theo doanh số hoặc sản lượng thực tế.

Điều 27. – Xí nghiệp thương nghiệp phải đạt hai điều kiện và ba tiêu chuẩn sau đây mới được trích lập quỹ phúc lợi và quỹ khen thưởng.

Hai điều kiện là:

1. Hoàn thành kế hoạch, doanh số mua vào, bán ra do Nhà nước giao và kế hoạch số lượng hiện vật mua vào, bán ra về những mặt hàng chính do Nhà nước giao;

2. Hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch tích luỹ và nộp các khoản phải nộp cho ngân sách Nhà nước, đủ và đúng hạn.

Nếu so với kế hoạch, xí nghiệp thực hiện cả hai điều kiện thấp hơn 80% mức kế hoạch, thì - trừ trưòng hợp chiếu cố nói ở điều 28 dưới đây – xí nghiệp nhất thiết không được trích quỹ phúc lợi và quỹ khen thưởng, mà chỉ được xét khen thưởng thi đua theo chế độ hiện hành.

Nếu so với kế hoạch, xí nghiệp không hoàn thành cả 2 điều kiện nhưng thực hiện cả hai điều kiện đều cao hơn 80% mức kế hoạch, thì vẫn được trích lập hai quỹ nhưng với mức thấp hơn: cứ một phần trăm (1%) không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận thì trừ đi 5% số được trích.

Ba tiêu chuẩn là:

1. Bảo quản hàng hoá tốt, không vượt quá tỷ lệ hao hụt quy định;

2. Không vượt chỉ tiêu quỹ lương;

3. Không phạm những khuyết điểm nghiêm trọng trong việc chấp hành các chính sách của Nhà nước về phục vụ đời sống của nhân dân, phục vụ sản xuất và chiến đấu, bảo vệ tài sản, giao nhận vật tư, hàng hoá, phân phối sản phẩm, giá cả, kỷ luật lao động, an toàn lao động, kỷ luật tài chính, thanh toán, tín dụng, tiền mặt, v.v…

Nếu xí nghiệp không đạt một trong hai tiêu chuẩn đầu thì cứ mỗi tiêu chuẩn không đạt phải trừ đi 10% số được trích; nếu xí nghiệp không đạt tiêu chuẩn thứ 3 thì tuỳ theo lỗi nặng nhẹ mà giảm mức trích từ 5% đến 10%.

Điều 28. – Trưòng hợp vì khó khăn khách quan không thể khắc phục nổi mà xí nghiệp không thực hiện được các điều kiện và tiêu chuẩn nói ở điều 27, thì cấp có thẩm quyền xét duyệt việc hoàn thành kế hoạch hàng năm cần chiếu cố thoả đáng.

Điều 29. – Toàn bộ số tiền trích chung cho quỹ phúc lợi và quỹ khen thưởng phân chia:

- 75% cho quỹ phúc lợi;

- 25% cho quỹ khen thưởng.

Hàng quý xí nghiệp được trích trước 75% mức kế hoạch quý của quỹ phúc lợi và quỹ khen thưởng; khi có quyết toán năm, phải điều chỉnh theo thực tế.

Điều 30. - Quỹ phúc lợi do công đoàn xí nghiệp quản lý; công đoàn có trách nhiệm cùng với thủ trưởng đơn vị đề ra kế hoạch sử dụng quỹ, đưa ra đại hội công nhân, viên chức thảo luận và quyết định.

Quỹ khen thưởng do thủ trưởng đơn vị quản lý; thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm cùng với công đoàn bàn bạc quyết định việc sử dụng cho đúng chế độ.

Quỹ phúc lợi và quỹ khen thưởng phải sử dụng riêng biệt. Trưòng hợp đặc biệt, sau khi thủ trưởng và công đoàn xí nghiệp đã bàn bạc nhất trí, thì có thể điều hoà không quá 15% quỹ khen thưởng sang quỹ phúc lợi, hoặc không quá 5% quỹ phúc lợi sang quỹ khen thưởng.

Các xí nghiệp thương nghiệp cấp I trích một phần quỹ phúc lợi cho Bộ Nội thương, các xí nghiệp thương nghiệp cấp II trích một phần quỹ phúc lợi cho các sở, ty thương nghiệp, để dùng cho công việc phúc lợi tập thể chung; mức trích không được quá 15% quỹ phúc lợi của xí nghiệp.

MỤC IV. - ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH.

Điều 31. - Điều lệ này thi hành kể từ ngày 1-1-1970.

Điều 32. – Các Bộ Tài chính, Nội thương, Ngân hàng Nhà nước, Uỷ ban Vật giá Nhà nước chịu trách nhiệm quy định chi tiết và hướng dẫn việc thi hành điều lệ này.

Ban hành kèm theo Nghị định của Hội đồng Chính phủ số 235-CP ngày 04 tháng 12 năm 1969.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 235-CP năm 1969 điều lệ tạm thời về chế độ thu tài chính và chế độ phân phối lợi nhuận xí nghiệp quốc doanh trong ngành nội thương do Hội đồng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 235-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 04/12/1969
  • Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
  • Người ký: Đỗ Mười
  • Ngày công báo: 31/12/1969
  • Số công báo: Số 20
  • Ngày hiệu lực: 01/01/1970
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản