BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 05-TCT/QD | Hà Nội, ngày 30 tháng 03 năm 1978 |
Chấp hành chỉ thị số 382-TTg ngày 29-9-1961 của Thủ tướng Chính phủ về việc thi hành thí điểm chế độ thu quốc doanh; thông báo số 21-TB ngày 13-6-1964 của hội nghị Thường vụ Hội đồng Chính phủ họp ngày 03-06-1964 cho phép mở rộng thu quốc doanh; thông tư số 140-CP ngày 13-9-1968 của Hội đồng Chính phủ về việc thí điểm cải tiến chế độ thu tài chính và chế độ phân phối lợi nhuận xí nghiệp quốc doanh.
Chế độ thu quốc doanh đã được thí điểm từ năm 1961 và đã dần dần mở rộng áp dụng ra các xí nghiệp khác, nhưng do hoàn cảnh chiến tranh nên diện mở rộng còn ít và chậm.
Hiện nay còn có những xí nghiệp quốc doanh trung ương và hầu hết các xí nghiệp quốc doanh địa phương đang còn áp dụng hình thức thuế (thuế doanh nghiệp, thuế hàng hóa…) thuộc chế độ thuế công thương nghiệp đối với kinh tế tập thể và tư doanh.
Đối với các tỉnh phía Nam, được phép của Thường vụ Hội đồng Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư số 06-TC/TQD ngày 14-5-1977 quy định chế độ thu tài chính tạm thời, áp dụng đối với các xí nghiệp quốc doanh với các hình thức phù hợp với tình hình thực hiện bước đầu ở miền Nam các chế độ kế hoạch hoá, giá thành, giá cả, chiết khấu thương nghiệp.
Cùng với các đòn bẩy kinh tế khác, chế độ thu quốc doanh có tác dụng thúc đẩy xí nghiệp thực hiện tốt Điều lệ xí nghiệp; quan tâm hơn nữa đến chế độ hạch toán kinh tế nhất là quản lý giá thành, giá cả, tiêu thụ, thanh toán và đảm bảo tập trung nhanh chóng vào ngân sách Nhà nước một phần thu nhập thuần tuý được sáng tạo ra trong các xí nghiệp sản xuất, phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị của các ngành trung ương và của các địa phương.
Để góp phần tăng cường quản lý kinh tế tài chính, thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về kế hoạch Nhà nước và ngân sách năm 1978 và 5 năm (1976-1980), Bộ Tài chính hướng dẫn việc mở rộng, nâng cao và thống nhất áp dụng chế độ thu quốc doanh đối với tất cả các xí nghiệp sản xuất quốc doanh trung ương và địa phương trong phạm vi cả nước như sau.
1. Đối tượng áp dụng chế độ thu quốc doanh
Chế độ thu quốc doanh tập trung vào ngân sách Nhà nước (trung ương và địa phương) phần thu nhập thuần tuý của xã hội thể hiện trong chênh lệch giữa giá bán buôn công nghiệp và giá bán buôn xí nghiệp các sản phẩm hàng hóa do xí nghiệp quốc doanh sáng tạo ra.
a) Đối tượng áp dụng chế độ thu quốc doanh là tất cả các sản phẩm công nghiệp do các xí nghiệp quốc doanh sản xuất và bán ra có thu nhập thuần tuý, (kể cả xí nghiệp quốc doanh trung ương và xí nghiệp quốc doanh địa phương) thuộc tất cả các ngành kinh tế quốc dân.
b) Chế độ thu quốc doanh chưa áp dụng đối với các hoạt động lưu thông, phân phối, kinh doanh phục vụ, kinh doanh ăn uống, vận tải, cảng vụ, đại lý,… Đối với các loại xí nghiệp này, nơi nào từ trước tới nay nộp các loại thuế (thuế hàng hóa, thuế doanh nghiệp…) thì từ nay thay vì nộp thuế, các xí nghiệp được tính gộp số tiền phải nộp thuế hiện hành cộng với phần lợi nhuận mà xí nghiệp phải nộp vào ngân sách Nhà nước để thực hiện nghĩa vụ nộp vào ngân sách Nhà nước dưới hình thức trích nộp lợi nhuận.
Các ngành chủ quản thoả thuận với cơ quan tài chính đồng cấp để quy định cụ thể số lần trích nộp lợi nhuận hàng tháng (2, 3, 4, 5 lần) để những xí nghiệp loại này thực hiện trích nộp lợi nhuận kịp thời vào ngân sách Nhà nước.
2. Cơ sở để tính mức thu quốc doanh
Mức thu quốc doanh được ấn định căn cứ vào mức chênh lệch giữa giá bán buôn công nghiệp trừ (-) giá bán buôn xí nghiệp của từng sản phẩm.
Tuỳ theo tính chất và đặc điểm của từng xí nghiệp và từng sản phẩm mà mức thu quốc doanh được ấn định theo một trong ba hình thức sau đây:
a) Số chênh lệch tuyệt đối giữa giá bán buôn công nghiệp trừ (-) giá bán buôn xí nghiệp. Hình thức này áp dụng đối với các xí nghiệp có cơ cấu mặt hàng khác nhau tương đối đơn giản và đã xác định được hai giá (giá bán buôn công nghiệp và giá bán buôn xí nghiệp).
b) Định mức thu cố định trên một đơn vị sản phẩm. Hình thức này áp dụng đối với các xí nghiệp sản xuất hàng loạt hay sản xuất đơn chiếc ra những sản phẩm giống nhau.
c) Định một tỷ lệ phần trăm (%) trên giá bán buôn công nghiệp hay giá bán lẻ của từng loại sản phẩm hay từng nhóm sản phẩm. Hình thức này áp dụng đối với các xí nghiệp có cơ cấu mặt hàng phức tạp, nhiều kích cỡ, nhiều mặt hàng phẩm cấp khác nhau.
Đối với các tỉnh phía Nam, xí nghiệp nào đã có điều kiện tính toán được giá thành, đã có giá bán buôn công nghiệp, hoặc giá bán lẻ và có định mức lợi nhuận thì áp dụng một trong ba hình thức nói ở điểm a, b, c trên đây; xí nghiệp nào chưa có các điều kiện nói trên thì áp dụng mức thu quốc doanh là tỷ lệ phần trăm trên tổng số doanh thu sản phẩm hàng hóa bán ra thay cho cách tính gộp các thứ thuế trước đây.
Ngoài quy định thay thế về mức thu quốc doanh trên đây, thông tư số 6-TC/TQD ngày 14-5-1977 vẫn được tiếp tục thực hiện.
a) Về giá bán buôn công nghiệp của các sản phẩm:
Giá bán buôn công nghiệp được quy định theo nghị định số 235-CP ngày 04-02-1969 của Hội đồng Chính phủ (giá bán lẻ trừ (-) chiết khấu thương nghiệp). Đối với chiết khấu thương nghiệp thì áp dụng theo tỷ lệ chiết khấu đã được Ủy ban Vật giá Nhà nước và Bộ Tài chính cùng Bộ Nội thương thống nhất quy định.
Nếu mặt hàng nào chưa có giá bán buôn công nghiệp thì cơ quan chủ quản xí nghiệp (Bộ, Tổng cục đối với các xí nghiệp trung ương; Sở, Ty đối với các xí nghiệp địa phương) phải lập đề nghị giá cho cơ quan có thẩm quyền quyết định. Trong khi chờ đợi, cơ quan chủ quản cùng với xí nghiệp và cơ quan tiêu thụ hàng hóa của xí nghiệp tạm quy định một giá giao dịch, trên cơ sở đó các cơ quan tài chính cùng cấp tạm tính mức thu quốc doanh để áp dụng cho đến khi có giá chính thức.
b) Về giá bán buôn xí nghiệp:
Việc xác định giá bán buôn xí nghiệp cho các xí nghiệp trung ương cũng như xí nghiệp quốc doanh địa phương thực hiện theo chỉ thị số 206-TTg ngày 13-8-1974 của Thủ tướng Chính phủ.
Mức thu quốc doanh được tính căn cứ vào giá bán buôn xí nghiệp của sản phẩm do Ủy ban Vật giá Nhà nước quyết định.
Đối với những sản phẩm chưa có giá bán buôn xí nghiệp do Ủy ban Vật giá Nhà nước quyết định thì cơ quan chủ quản xí nghiệp cùng cơ quan tài chính đồng cấp tạm thời xác định giá bán buôn xí nghiệp để tính mức thu quốc doanh và áp dụng cho đến khi Ủy ban Vật giá Nhà nước ban hành giá bán buôn xí nghiệp chính thức.
c) Về giá thành sản phẩm:
- Giá thành sản phẩm được dùng để làm giá bán buôn xí nghiệp là giá thành hợp lý bao gồm tương đối đầy đủ hao phí lao động xã hội đối với từng loại sản phẩm như quy định trong nghị định số 43-CP ngày 16-9-1960 của Hội đồng Chính phủ, đối với các xí nghiệp ở các tỉnh phía Nam như quy định trong quyết định số 443-TTg ngày 06-12-1977 của Thủ tướng Chính phủ và thông tư số 17-TC/CNXD ngày 15-12-1977 của Bộ Tài chính.
- Đối với sản phẩm đã có giá bán buôn xí nghiệp do các cơ quan có thẩm quyền xét duyệt, thì giá thành được dùng để tính mức thu quốc doanh cũng là giá thành được duyệt để xây dựng giá bán buôn xí nghiệp.
- Đối với các sản phẩm chưa có giá thành hợp lý, tạm thời được dùng giá thành kế hoạch năm 1978 đã được Bộ chủ quản hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành duyệt để làm căn cứ tính lợi nhuận cho xí nghiệp và tạm xác định giá bán buôn xí nghiệp để tính mức thu quốc doanh đối với sản phẩm đó; nếu chưa có giá thành kế hoạch năm 1978 thì dùng giá thành sản phẩm thực tế năm 1977; (nếu giá thành thực tế năm 1977 cũng chưa có thì được dùng giá thành kế hoạch năm 1977) có loại trừ các yếu tố phi kinh tế đã thấy rõ để làm căn cứ tính mức thu quốc doanh, khi nào có giá thành hợp lý và giá bán buôn xí nghiệp chính thức sẽ điều chỉnh lại mức thu quốc doanh.
d) Về lợi nhuận định mức:
Đối với các xí nghiệp trung ương, vẫn áp dụng định mức lợi nhuận theo thông tư số 377-TC/CNKT ngày 16-11-1971 của Bộ Tài chính, cụ thể là:
- Các xí nghiệp khai thác than 8%
- Các xí nghiệp khai thác thiếc cờ rôm, apatít 7%
- Các xí nghiệp cơ khí, gạch, gỗ, diêm 5%
- Các xí nghiệp ximăng, thủy tinh, hoá chất, phân bón 4,5%
- Các xí nghiệp giấy, sắt tráng men, đường 4%
- Các xí nghiệp dệt, chè 3,5%
- Các xí nghiệp xà phòng, mì chính, rượu, bia, thuốc lá, dược phẩm 3%
Đối với các xí nghiệp trung ương khác tạm thời định mức lợi nhuận như sau:
- Các xí nghiệp khai thác gỗ 8%
- Các xí nghiệp khai thác đá 7%
- Các xí nghiệp sản xuất cao su mủ khô 6%
- Các xí nghiệp chế biến hải sản, thức ăn gia súc 5%
- Các xí nghiệp bánh kẹo, chế biến hoa quả, mì sợi 3%
Đối với các xí nghiệp quốc doanh địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố căn cứ vào các định mức lợi nhuận trên đây ra quyết định vận dụng thích hợp nhưng không được vượt mức quy định trên (từ 3 đến 8%), bảo đảm cho xí nghiệp có đủ nguồn tài chính để trích lập ba quỹ (khuyến khích phát triển sản xuất, khen thưởng, phúc lợi) và phần lợi nhuận tối thiểu quy định trích nộp ngân sách.
4. Tổ chức thực hiện và thời hạn hoàn thành việc mở rộng áp dụng chế độ thu quốc doanh.
Việc mở rộng áp dụng chế độ thu quốc doanh cần được tiến hành nhanh gọn trong những tháng đầu năm 1978.
Yêu cầu các Bộ, Tổng cục chủ quản cùng với ngành tài chính xây dựng và xét duyệt các phương án áp dụng chế độ thu quốc doanh đối với từng xí nghiệp sau khi đã thoả thuận, Bộ Tài chính sẽ công bố mức thu quốc doanh cho các xí nghiệp trung ương.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, các Sở, Ty tài chính cùng với các Sở, Ty chủ quản, hướng dẫn các xí nghiệp quốc doanh địa phương lập các phương án áp dụng chế độ thu quốc doanh để Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố xét duyệt và công bố cho thi hành mức thu quốc doanh cho các xí nghiệp quốc doanh địa phương đồng gửi cho Bộ Tài chính biết.
Các Sở, Ty tài chính có trách nhiệm giúp ngành chủ quản và Bộ Tài chính trong việc tính toán mức thu quốc doanh đối với các sản phẩm do các xí nghiệp quốc doanh trung ương sản xuất tại địa phương và kiểm tra việc thực hiện thu nộp.
Thời gian hoàn thành mở rộng áp dụng chế độ thu quốc doanh quy định là ngày 30 tháng 6 năm 1978.
Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các Sở, Ty chủ quản cùng với Bộ Tài chính và các Sở, Ty tài chính hoàn thành thực hiện mở rộng và thống nhất áp dụng chế độ thu quốc doanh đúng thời gian quy định nói trên để thiết thực và kịp thời góp phần tăng cường quản lý kinh tế tài chính, thúc đẩy hoàn thành kế hoạch Nhà nước và ngân sách Nhà nước năm 1978.
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH |
- 1Quyết định 443-TTg năm 1977 về chế độ lập kế hoạch, hạch toán giá thành và phí lưu thông đối với các xí nghiệp quốc doanh ở các tỉnh miền Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Nghị định 235-CP năm 1969 điều lệ tạm thời về chế độ thu tài chính và chế độ phân phối lợi nhuận xí nghiệp quốc doanh trong ngành nội thương do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 3Nghị định 43-CP năm 1960 ban hành điều lệ tạm thời về việc lập kế hoạch, hạch toán và thống kê giá thành và phí lưu thông hàng hóa do Hội Đồng Chính Phủ ban hành
- 4Chỉ thị 206-TTg năm 1974 về việc làm giá bán buôn xí nghiệp do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1Quyết định 443-TTg năm 1977 về chế độ lập kế hoạch, hạch toán giá thành và phí lưu thông đối với các xí nghiệp quốc doanh ở các tỉnh miền Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Nghị định 235-CP năm 1969 điều lệ tạm thời về chế độ thu tài chính và chế độ phân phối lợi nhuận xí nghiệp quốc doanh trong ngành nội thương do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 3Nghị định 43-CP năm 1960 ban hành điều lệ tạm thời về việc lập kế hoạch, hạch toán và thống kê giá thành và phí lưu thông hàng hóa do Hội Đồng Chính Phủ ban hành
- 4Chỉ thị 206-TTg năm 1974 về việc làm giá bán buôn xí nghiệp do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Thông tư 05-TCT/QD-1978 về việc mở rộng và thống nhất áp dụng chế độ thu quốc doanh do Bộ Tài chính ban hành
- Số hiệu: 05-TCT/QD
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 30/03/1978
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính
- Người ký: Võ Trí Cao
- Ngày công báo: 31/03/1978
- Số công báo: Số 6
- Ngày hiệu lực: 14/04/1978
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định