Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 04-NL-TT

Hà Nội, ngày 27 tháng 02 năm 1956

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC ÁP DỤNG THỂ LỆ KHAI THÁC GỖ CỦI

Kính gửi:
Đồng kính gửi:

- Các ông Chủ tịch Ủy ban Hành chính Liên khu Việt Bắc, 3, 4, Khu tự trị Thái Mèo, Hồng Quảng, Hà Nội, Hải Phòng
- Các ông Giám đốc nông lâm các liên khu

Việc khai thác gỗ củi đã được quy định bằng điều lệ khai thác tạm thời số 596-TTg ngày 03 tháng 10 năm 1955 Thủ tướng phủ và Nghị định số 05-NL-QT ngày 23 tháng 2 năm 1956 của Bộ Nông Lâm.

Thông tư này giải thích thêm một số điểm và ấn định chi tiết thi hành hai nghị định trên.

I – PHÂN LOẠI QUY ĐỊNH CHUNG

Để hợp lý hóa việc khai thác, bảo vệ rừng, việc làm trước tiên là quy định phân loại rừng, tức là chia rừng thành nhiều loại và có chủ trương thích hợp cho từng loại:

- Rừng còn gỗ củi thì mở cho khai thác (rừng mở).

- Rừng còn non hay đã kiệt thì đóng để nuôi rừng (rừng đóng)

- Rừng xung yếu có tính cách bảo vệ nông nghiệp, giao thông v.v... Thì cấm chỉ khai thác (rừng bảo vệ).

A. – Tiêu chuẩn quy định phân loại rừng .

Những điểm sẽ áp dụng trong việc quy định là:

1) Rừng bảo vệ

a) Đối với rừng đầu nguồn: Phạm vi quy định sẽ do nhân dân bình nghị, dựa vào điều kiện từng nơi và kinh nghiệm đã có của nhân dân địa phương. Việc bình nghị sẽ căn cứ vào những yếu tố sau:

- Yêu cầu về nước nhiều hay ít.

- Dọc núi cao hay thấp, đất dễ sói lỡ hay không.

- Rừng tốt hay xấu.

Do những yếu tố trên diện tích rừng quy định sẽ rộng hay hẹp tối thiểu là dải rừng chạy theo hai bên nguồn nước rộng mỗi bên là 25m từ đỉnh núi đến chân ruộng.

Đối với rừng cần bảo vệ để điều hòa mức nước sông ngòi, Bộ sẽ chỉ đạo một địa phương để rút kinh nghiệm quy đinh sau.

b) Rừng ven đường giao thông: Chủ yếu là rừng hai bên đường xe lửa, các đường quốc lộ, rừng theo đê nước mặn.

c) Rừng khảo cứu thí nghiệm là những rừng thiên nhiên hoặc gây trồng dùng vào mục đích khảo cứu như rừng mở ở Yên Bái, tếch ở Yên Bái, lim ở Như Xuân v.v...

d) Đối với rừng danh thắng cổ tích có giá trị lịch sử văn hóa, rừng có mục đích quốc phòng, Bộ sẽ liên lạc với các Bộ Văn hóa, Quốc phòng để nghiên cứu và có chỉ thị sau.

Hiện nay những rừng thiên nhiên hay len ở trong những nơi nghỉ mát như Cha-pa, Tam-đảo, Đồ-sơn, Sầm-sơn v.v... cũng được xếp vào loại rừng danh thắng và được bảo vệ.

2) Rừng đóng. Riêng đối với những rừng gây trồng lên, còn non, hiện nay có rừng phi lao, rừng thông, rừng mỡ, bồ đề, về nguyên tắc tuổi ấn định cho khai thác là:

- 7 năm, đối với phi lao,

- 30 năm thông, bồ đề,

- 40 năm, mỡ

3) Các Ty Nông nghiệp cần lập thống kê, và hồ sơ về tình hình rừng gây trồng gửi về Bộ quyết định.

B. – Tiến hành việc quy định

Ty Nông nghiệp có nhiệm vụ và giúp Ủy ban tỉnh trong các việc làm để quy định phân loại rừng.

Việc quy định rừng sẽ tiến hành ba bước:

a) Chuẩn bị: Các công ty Nông lâm cần chỉ đạo một xã, khu Nông lâm cần chỉ đạo một nơi điển hình để rút kinh nghiệm chỉ đạo chung, sau một đợt chỉ đạo điển hình, các ty huấn luyện cho các cán bộ các xã có rừng nắm vững yêu cầu mục đích và phương pháp quy định rừng, đồng thời Ủy ban Hành chính tỉnh ra quyết định thành lập Ban quy định rừng.

b) Lập dự án quy định: Ban quy định tiến hành điều tra những rừng cần quy định, đồng thời thăm dò ý kiến thắc mắc của nhân dân, Sau đó tổ chức học tập cho nhân dân, tổ chức đi thăm rừng, lãnh đạo bình nghị, vận động nhân dân và lập quy uớc bảo vệ. Tất cả các công tác trên đây đều ghi vào biên bản.

Hồ sơ này kèm theo bản dự án quy định, bản quy ước bảo vệ rừng và một bản đồ sơ lược khu rừng quy định sẽ gửi lên Ủy ban Hành chính tỉnh sau khi có ý kiến Ủy ban Hành chính huyện.

c) Ủy ban tỉnh duyệt dự án và ra quyết định, đồng thời cũng giải quyết những vấn đề tranh chấp nếu có.

C. – Thực hiện quy định

Căn cứ vào quyết nghị Ủy ban Hành chính tỉnh. Ban quy định rừng thực hiện việc phân giới cắm mốc, và phổ biến quy ước cho nhân dân. Nếu trong trong xã không còn rừng quy định. Ban quy định rừng coi như là xong và giải tán.

D. – Cần chú ý trong việc quy định

- Cần chừa những đất riêng, ruộng vườn của nhân dân.

- Tuy theo nhu cầu chăn nuôi của địa phương, chừa những khoảng rừng cỏ cần thiết.

- Không làm mất đoàn kết giữa các dân tộc, các thôn xóm như việc lấy: măng, nâu, sa nhân, dược thảo, lá dong, v.v.... nhưng có tổ chức hướng dẫn vào từng thời kỳ nhất định và trong khoảng thời gian nhất định và tùy theo mùa lâm sản và tập quán địa phương, quy ước cần thiết hết sức cụ thể và đơn giản.

Hàng tháng các Ty Nông lâm sẽ báo cáo lên khu, kết quả việc quy định để theo dõi và có ý kiến bổ khuyết điều chỉnh nếu cần.

II – KHAI THÁC

A. – Đối với rừng bảo vệ và rừng đóng

Trong những rừng này cấm khai thác gỗ củi, mà cần nuôi dưỡng cho rừng ngày càng thêm tốt. Trường hợp cần làm những công tác tu bổ như chặt những cây già cỗi sâu bệnh, hoặc phải tỉa bớt một số cây mọc quá đông, tỉa cành nhánh hoặc dậm thêm, cây v.v... Ty Nông lâm sẽ ngihên cứu trình Ủy ban Hành chính tỉnh và Ủy ban Hành chính tỉnh cần có đề nghị kèm theo kế hoạch cụ thể gửi về khu Bộ. Sau khi Bộ duyệt, ty Nông lâm sẽ trực tiếp tiến hành các công tác tu bổ này để tránh làm hại rừng, trong những rừng này vẫn có thể cho thu nhặt lâm sản phụ, trừ tre nứa, (đối với những rừng bảo vệ chỉ còn có tre nứa để giữ đất) nhưng cần có quy ước cho nhân dân thu nhặt lâm sản phụ vào những thời kì nhất định.

B. – Đối với rừng mở

Được khai thác gỗ củi và tất cả các loại lâm sản phụ nhưng cần khai thách hợp lý, đúng kỹ thuật chuyên môn, có lãnh đạo và kiểm soát chặt chẽ.

a) Ty Nông lâm có nhiệm tính sản lượng hàng năm cho toàn bộ các khu rừng trong tỉnh, trình ủy ban Hành chính tỉnh xét và gửi về khu và Bộ. Bảng sản lượng phải gửi lên trong tháng tám và tới Bộ trong tháng mười để duyệt, căn cứ vào đó đặt kế hoạch khai thác cho năm sau.

Sản lượng tính cho rừng khu vực sau khi điều tra chính xác. Trong lúc chưa kịp làm điều tra sơ bộ và trong trường hợp này sẽ tính sản lượng trên tổng số những cây trên kích thước tối thiểu đã quy định. (Chừa cây che đất và gieo giống và những cây dưới kích thước nhưng cỗi xấu, hoặc đổ gẩy). Ở mỗi tỉnh các xã có rừng tổ chức điều tra dưới sự hướng dẫn của cán bộ ty Nông lâm để có số liệu tính toán về sản lượng.

b) Phương pháp khai thác:

- Đối với rừng nguyên (chưa ai khai thác) hoặc còn nhiều gỗ tập trung trên một diện tích rộng nhất định, phải khai thác chương trình điều chế (chia khoảnh khai thác dài hạn) chương trình do Bộ (Vụ Lâm nghiệp) nghiên cứu và ấn định.

- Đối với rừng còn gỗ tương đối tập trung, nhưng diện tích hẹp thì khai thác theo khoảnh. Chương trình này do ty Nông lâm nghiên cứu trình Ủy ban Hành chính tỉnh, Ủy ban Hành chính tỉnh sẽ xét và trình lên Ủy ban Hành chính khu duyệt.

- Đối với những rừng phân tán thì khai thác theo lối phân tán

Những công việc phân loại quy định rừng, định sản lượng rừng, điều chế tập trung áp dụng kỹ thuật chuyên môn đều là công tác nghiệp vụ mới, của các cơ quan nông lâm. Do đó cần chỉ đạo để rút kinh nghiệm, căn cứ vào đó đặt kế hoạch lan rộng dần, có trọng tâm, trọng điểm, thích hợp từng thời gian và từng địa phương.

Trong việc quản lý rừng đúng theo chính sách Nhà nước, các Ủy ban Hành chính phải lãnh đạo và cần sử dụng hợp lý tổ chức nông lâm làm các cấp vào việc đó.

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG LÂM




Nghiêm Xuân Yêm

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 04-NL-TT năm 1956 về việc áp dụng thể lệ khai thác gỗ củi do Bộ Nông nghiệp ban hành

  • Số hiệu: 04-NL-TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 27/02/1956
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp
  • Người ký: Nghiêm Xuân Yêm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 44
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản