Hệ thống pháp luật

BỘ THUỶ SẢN
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 04/2006/TT-BTS

Hà Nội, ngày 24 tháng 05 năm 2006

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN MỘT SỐ NỘI DUNG CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 107/2005/NĐ-CP NGÀY 17 THÁNG 8 NĂM 2005 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA THANH TRA THUỶ SẢN

Căn cứ Nghị định số 43/2003/NĐ-CP ngày 02 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thủy sản;
Căn cứ Nghị định số 107/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Thủy sản;
Bộ Thuỷ sản hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 107/2005/NĐ-CP như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

Thông tư này hướng dẫn những nội dung sau: việc chuyển giao nhiệm vụ thanh tra, biên chế, cơ sở vật chất của Thanh tra Thủy sản ở Trung ương và địa phương; việc bổ nhiệm lại Thanh tra viên thủy sản; việc sử dụng tạm thời trang phục, phù hiệu, biển hiệu, cấp hiệu và thẻ Thanh tra viên; thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Việc chuyển giao nhiệm vụ thanh tra, biên chế, cơ sở vật chất của các cơ quan Thanh tra Thuỷ sản
a) Thanh tra Bộ Thủy sản

Thanh tra Bộ Thủy sản (gọi tắt là Thanh tra Bộ) là cơ quan của Bộ Thủy sản, thực hiện chức năng thanh tra hành chính đối với các tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý trực tiếp của Bộ Thủy sản và thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Thủy sản.

Cơ cấu tổ chức của Thanh tra Bộ thực hiện theo Quyết định số 08/2006/QĐ-BTS ngày 19 tháng 4 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Bộ Thủy sản.

Tổ chức Thanh tra Bộ được sắp xếp theo nguyên tắc chuyển giao nguyên trạng nhiệm vụ thanh tra, tổ chức, biên chế, cơ sở vật chất, phương tiện thanh tra, kiểm tra, các trang thiết bị phục vụ công tác thanh tra chuyên ngành từ Thanh tra Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Trung ương thuộc Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản về Thanh tra Bộ.

Đối với Cục Quản lý chất lượng, An toàn vệ sinh và Thú y thuỷ sản không có hệ thống thanh tra chuyên ngành thủy sản nay chuyển giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, biên chế, cơ sở vật chất liên quan đến nhiệm vụ thanh tra về Thanh tra Bộ Thuỷ sản.

Việc chuyển giao phải đảm bảo công tác thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Bộ hoạt động bình thường, không bị gián đoạn.

b) Thanh tra Sở Thủy sản

Thanh tra Sở Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quan lý thủy sản (gọi tắt là Thanh tra Sở) là cơ quan của Sở, có trách nhiệm giúp Giám đốc Sở thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành trong phạm vi, nhiệm vụ quyền hạn của Giám đốc Sở.

Việc sắp xếp tổ chức Thanh tra Sở căn cứ Thông tư liên tịch số 01/2006/TTLT/BTS-BNV ngày 20 tháng 3 năm 2006 của Bộ Thủy sản - Bộ Nội vụ hướng dẫn nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của Thanh tra Thủy sản ở địa phương.

Tổ chức Thanh tra Sở được sắp xếp theo nguyên tắc chuyển giao nhiệm vụ thanh tra, tổ chức, biên chế, cơ sở vật chất, phương tiện tuần tra, kiểm tra, các trang thiết bị phục vụ công tác thanh tra chuyên ngành từ Thanh tra Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh thuộc Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Chi cục Quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh và thú y thủy sản, Chi cục thủy sản (gọi tắt là Chi cục chuyên ngành thủy sản) về Thanh tra Sở.

Việc chuyển giao phải đảm bảo công tác thanh tra chuyên ngành của Sở hoạt động bình thường, không gián đoạn và không làm xáo trộn tổ chức và hoạt động của Chi cục chuyên ngành thủy sản.

Sau khi kiện toàn tổ chức Thanh tra Sở, Chánh Thanh tra Sở tham mưu cho Giám đốc Sở ban hành Quy chế phối hợp giữa Thanh tra Sở và các Chi cục chuyên ngành đảm bảo không chồng chéo nhiệm vụ, xác định rõ trách nhiệm, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực thủy sản ở địa phương.

2. Việc bổ nhiệm lại Thanh tra viên thủy sản

a) Thanh tra viên Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản đã được Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản bổ nhiệm theo Quy chế về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản ban hành kèm theo Quyết định số 415/TTg ngày 10 tháng 8 năm 1994 của Thủ tướng Chính phủ, khi được điều chuyển về Thanh tra Bộ hoặc Thanh tra Sở, được xem xét bổ nhiệm lại theo quy định tại Điều 31 Luật Thanh tra, Điều 11 Nghị định số 107/2005/NĐ-CP, Nghị định của Chính phủ về Thanh tra viên, Cộng tác viên thanh tra và Quyết định của Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản quy định tiêu chuẩn Thanh tra viên thủy sản.

Thanh tra viên thủy sản sau khi được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra được hưởng quyền lợi, chế độ, phụ cấp của Thanh tra viên theo quy định của pháp luật.

b) Thanh tra viên Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản đã được Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản bổ nhiệm theo Quy chế về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản ban hành kèm theo Quyết định số 415/TTg ngày 10 tháng 8 năm 1994 của Thủ tướng Chính phủ, không được điều chuyển về Thanh tra Bộ và Thanh tra Sở do không đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 31 Luật Thanh tra và Tiêu chuẩn Thanh tra viên thủy sản được xem xét bố trí công tác phù hợp với chuyên môn nghiệp vụ và phải nộp lại trang phục, phù hiệu, biển hiệu, cấp hiệu, Thẻ Thanh tra viên về Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi Thuỷ sản.

3. Về trang phục, phù hiệu, cờ hiệu, biển hiệu, cấp hiệu và Thẻ thanh tra viên; thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản

Trong khi chờ ban hành đồng bộ các văn bản hướng dẫn Nghị định số 107/2005/NĐ-CP, Giám đốc Sở Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (có quản lý thuỷ sản) chỉ đạo cơ quan Thanh tra Sở thực hiện các quy định hiện hành cho đến khi có các văn bản hướng dẫn mới thay thế, cụ thể:

a) Tiếp tục sử dụng trang phục, phù hiệu, cờ hiệu, cấp hiệu và Thẻ thanh tra viên Bảo vệ nguồn lợi thủy sản khi thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành. Trường hợp Thẻ thanh tra viên của Thanh tra Bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã hết hạn, Bộ trưởng Bộ Thủy sản giao Cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tiếp tục gia hạn Thẻ Thanh tra viên Bảo vệ nguồn lợi thủy sản đến ngày 30 tháng 9 năm 2006. Sau thời điểm ngày 30 tháng 9 năm 2006, Thẻ Thanh tra viên Bảo vệ nguồn lợi thủy sản không còn giá trị sử dụng. Cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản có trách nhiệm phối hợp với Giám đốc các Sở chỉ đạo Chi cục chuyên ngành thủy sản và các cơ quan có liên quan thuộc Sở thu hồi Thẻ Thanh tra viên Bảo vệ nguồn lợi thủy sản và nộp về Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo đúng quy định của pháp luật.

Thẻ Thanh tra viên được cấp sau ngày 30 tháng 9 năm 2006 cho Thanh tra viên thủy sản theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ và Bộ Thủy sản.

b) Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính:

Công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản ở địa phương do Thanh tra Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thực hiện nay chuyển giao cho Thanh tra Sở thực hiện; thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của thanh tra chuyên ngành thủy sản theo quy định tại Điều 26 Nghị định số 128/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2005 của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản và các văn bản hướng dẫn của Bộ Thủy sản.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ giúp Bộ trưởng Bộ Thủy sản kiện toàn tổ chức Thanh tra Bộ căn cứ hướng dẫn tại Thông tư này và Quyết định số 08/2006/QĐ-BTS ngày 19 tháng 4 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Bộ Thủy sản.

2. Chánh Thanh tra Bộ chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Thủy sản hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về Thanh tra Thủy sản, sớm trình Bộ và cơ quan có thẩm quyền ban hành đồng bộ các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định 107/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Thủy sản.

3. Cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi Thuỷ sản có trách nhiệm rà soát danh sách Thanh tra viên đủ tiêu chuẩn để xem xét bổ nhiệm lại và danh sách Thanh tra viên không đủ tiêu chuẩn để bổ nhiệm theo quy định tại Điều 31 Luật Thanh tra Điều 11 Nghị định 107/2005/NĐ-CP; đồng thời thu hồi và chỉ đạo các Chi cục chuyên ngành thủy sản thu hồi trang phục, phù hiệu, biển hiệu, cấp hiệu và Thẻ thanh tra viên bảo vệ nguồn lợi.

4. Giám đốc Sở tham mưu cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành Quyết định quy định nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của Thanh tra Sở theo hướng dẫn tại Thông tư này, Thông tư liên tịch số 01/2006/TTLT/BTS-BNV ngày 20 tháng 3 năm 2006 của Bộ Thủy sản - Bộ Nội vụ hướng dẫn về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và biên chế của Thanh tra Thủy sản ở địa phương và Quyết định của Bộ trưởng Bộ Thủy sản ban hành Quy chế hoạt động của Thanh tra Thủy sản.

5. Việc kiện toàn tổ chức của Thanh tra Bộ, Thanh tra Sở và việc xây dựng , hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Nghị định số 107/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Thủy sản thực hiện trong Quý II/2006.

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Trong quá trình thực hiện, có gì vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Thủy sản để được hướng dẫn cụ thể./.

KT/BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lương Lê Phương

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 04/2006/TT-BTS hướng dẫn Nghị định 107/2005/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Thuỷ sản do Bộ Thủy sản ban hành

  • Số hiệu: 04/2006/TT-BTS
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 24/05/2006
  • Nơi ban hành: Bộ Thuỷ sản
  • Người ký: Lương Lê Phương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 7
  • Ngày hiệu lực: 22/06/2006
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản