Hệ thống pháp luật

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 03-CT/VP/N22

Hà Nội, ngày 26 tháng 01 năm 1962

THÔNG TƯ

VỀ CHO VAY KINH DOANH SẢN XUẤT NGOÀI KẾ HOẠCH ĐỐI VỚI NÔNG TRƯỜNG QUỐC DOANH TRUNG ƯƠNG

I. MỤC ĐÍCH

Theo Chỉ thị số 471 ngày 09-12-1961 của Thủ tướng Chính phủ thì đối với ngành nông trường quốc doanh, trên nguyên tắc phải cố gắng bảo đảm kế hoạch của Nhà nước về sản xuất và kiến thiết cơ bản (cả về các mặt chỉ tiêu số lượng và các chỉ tiêu chất lượng). Nông trường được phép làm một số kinh doanh sản xuất ngoài kế hoạch, được phép làm thêm khối lượng kiến thiết cơ bản ngoài kế hoạch. Nhà nước đã giao cho Bộ Nông trường trong phạm vi kỹ thuật và trong phạm vi biên chế đã được quy định bằng cách sử dụng hợp lý nhất nhân tài, vật lực, khai thác khả năng tiềm tàng của các nông trường quốc doanh để tăng thêm nguồn vốn và nguồn vật tư mà mở rộng sản xuất và kiến thiết.

Về tổ chức kinh doanh sản xuất ngoài kế hoạch trong chỉ thị có nêu, nông trường làm những việc này là nhằm tận dụng một cách hợp lý các nguồn tài nguyên của nông trường, ví dụ như tổ chức sản xuất than, xẻ gỗ ván sàn, nuôi cá, v.v… và có quy định. Bộ Nông trường quốc doanh phải cố gắng sử dụng các nguồn vốn sẵn có của nông trường để làm các việc trên đây, nếu cần thêm vốn thì có thể được vay tiền ở Ngân hàng Nhà nước để làm. Do đó mục đích cho vay của Ngân hàng là: tiếp thêm một phần vốn cho các nông trường, sau khi các nông trường đã động viên thật hết các nguồn vốn có thể sử dụng được trong nội bộ mà còn thiếu, nhằm giúp cho nông trường có khả năng khai thác lực lượng tiềm tàng để đẩy mạnh sản xuất, cung cấp thêm nhiều sản phẩm cho công nghiệp và xuất khẩu, tăng tích lũy cho Nhà nước, cải thiện đời sống cho lao động.

II. NGUYÊN TẮC CHO VAY

Việc cho vay tổ chức kinh doanh sản xuất ngoài kế hoạch của nông trường phải đảm bảo các nguyên tắc tín dụng ngắn hạn của nông trường sau đây:

- Cho vay có mục đích, có kế hoạch, và theo mức thực hiện kế hoạch; Nông trường không được dùng tiền vay loại này để sử dụng vào công việc khác. Nói ngoài kế hoạch là ngoài kế hoạch của Nhà nước, nhưng đối với nông trường phải có kế hoạch về loại này và kế hoạch đó phải được Bộ nông trường xét duyệt, Ngân hàng đồng ý và có ghi trong kế hoạch vay vốn của Ngân hàng. Vốn vay có thể cấp làm nhiều lần tùy theo mức thực hiện kế hoạch.

Tiền vay có vật tư tương đương đảm bảo: Vay tiền Ngân hàng để làm cái gì, mua cái gì phải làm ra cái ấy hoặc mua được cái ấy. Nếu không có những cái ấy thì Ngân hàng thu hồi vốn về, vì như thế là vốn vay không có bảo đảm.

Tiền vay phải trả đúng thời hạn. Khi vay vốn nông trường phải thảo luận với Ngân hàng, định kỳ hạn trả nợ, xuất phát từ ngày có thể có nhu cầu do vốn vay đó đưa lại. Việc trả nợ có thể định làm nhiều lần, nhưng lần cuối cùng trả xong nợ không quá 12 tháng kể từ ngày vay.

III. ĐIỀU KIỆN CHO VAY.

- Việc kinh doanh sản xuất ngoài kế hoạch này nhất thiết không ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch Nhà nước của nông trường. Ngân hàng Nhà nước cho vay các khoản này chỉ là cho vay ngắn hạn.

- Nông trường phải có kế hoạch sản xuất, tài vụ để được Bộ Nông trường xét duyệt và gửi trước đến Ngân hàng.

Đối với những công trình tương đối phức tạp phải có đồ án thiết kế cũng được Bộ Nông trường xét duyệt và gửi đến Ngân hàng.

- Phải có hợp đồng của tổ chức thu mua nhận mua sản phẩm làm ra được ký kết giữa nông trường và tổ chức tiêu thụ.

- Phải có sổ sách ghi chép theo dõi riêng loại kinh doanh sản xuất ngoài kế hoạch và định kỳ báo cáo cho Ngân hàng.

- Công việc kinh doanh nhất thiết phải có lãi, khi công việc kinh doanh ngoài kế hoạch đã có hiệu quả kinh tế, dù chưa có lãi nhiều đi nữa, Ngân hàng có thể cho vay ưu đãi, nghĩa là dễ dãi trong việc cho vay thu nợ ví dụ: đối với nợ đến hạn thì có thể kéo dài thời hạn mà không chuyển qua nợ quá hạn, v.v…

IV. ĐỐI TƯỢNG CHO VAY

1. Cho vay xây dựng cơ sở kinh doanh sản xuất ngoài kế hoạch.

a) Cho vay xây dựng trại, bể để máy, công trình trực tiếp phục vụ cho việc sản xuất như xây nền chuồng bò bằng nền xi măng để lấy nước đái bò làm át-xít, sửa chữa hồ ao thả cá, v.v…

b) Mua sắm các phương tiện dụng cụ dùng cho kinh doanh sản xuất ngoài kế hoạch như máy nổ, pin xay bột giấy, máy cưa xẻ ván sàn, v.v…

Đối với hai loại cho vay trên phải do Ngân hàng Trung ương xét duyệt.

2. Cho vay các loại dự trữ dùng cho kinh doanh sản xuất ngoài kế hoạch như nhiên liệu, vật liệu, các phụ tùng thay thế, những dụng cụ rẻ tiền dùng trong sản xuất.

Vì nguyên liệu thì chủ yếu do nông trường sử dụng những nguyên liệu do các ngành hoạt động chính của nông trường mà có, như gỗ do khai hoang, nước đái bò do chăn nuôi, nên Ngân hàng không cho vay. Đối với nguyên liệu, Ngân hàng chỉ cho vay về chi phí thu nhặt và vận chuyển đến nơi chế biến nếu có. Trường hợp để sử dụng hết công suất của máy móc và bên ngoài có những nguyên liệu ấy không ai tiêu thụ, Nông trường cần mua thêm để sản xuất thì Ngân hàng có thể cho vay, nhưng đại bộ phận phải là nguyên liệu có trong nông trường ví dụ: Nông trường sản xuất cói, dùng số cói loại ra làm bột giấy, nếu các hợp tác xã ở xung quanh cũng có loại cói không dùng, Nông trường mua để sản xuất thì Ngân hàng có thể cho vay tiền để mua thêm.

- Nếu hoạt động chính của nông trường không có sản xuất hoặc sản xuất rất ít loại nguyên liệu ấy mà phải mua toàn bộ hay phần lớn nguyên liệu ở ngoài thì Ngân hàng không cho vay. Ví dụ: Nông trường không có đánh cá hoặc đánh được ít cá mà đi mua đại bộ phận cá ngoài để làm mắm thì Ngân hàng không cho vay. Sở dĩ Ngân hàng không cho vay để mua toàn bộ hay phần lớn nguyên liệu bên ngoài vì nông trường làm như thế không đúng ý nghĩa của việc kinh doanh ngoài kế hoạch là nhằm tận dụng những nguyên liệu trong nội bộ nông trường, có như thế kinh doanh ngoài kế hoạch mới chắc chắn có lãi.

3. Cho vay các loại chi phí trực tiếp dùng cho sản xuất như chi phí vận chuyển, chi phí sửa chữa, v.v… Đối với các loại chi phí gián tiếp Ngân hàng không cho vay.

4. Cho vay thanh toán. Khi sản phẩm của loại kinh doanh ngoài kế hoạch đã được chở đi cho xí nghiệp mua , nhưng chưa được xí nghiệp mua trả tiền thì Ngân hàng cho nông trường vay để tiếp tục sản xuất và sẽ thu hồi nợ khi xí nghiệp mua trả tiền. Thủ tục cho vay thanh toán theo như thể lệ cho vay thanh toán của Ngân hàng.

Đối với các loại sản xuất chính của nông trường như trồng trọt, chăn nuôi đã có trong kế hoạch của Nhà nước giao cho nông trường mà nông trường có khả năng sản xuất vượt kế hoạch thì nông trường phai xin điều chỉnh kế hoạch được bộ Nông trường xét duyệt, Ngân hàng sẽ cho vay theo loại cho vay trên định mức trong kế hoạch như từ trước đến nay. Các loại này không thuộc đối tượng của loại cho vay kinh doanh sản xuất ngoài kế hoạch.

V. LÃI SUẤT CHO VAY

Theo lãi xuất cho vay nông trường hiện hành.

- Các loại xây dựng, dự trữ, chi phí sản xuất, lãi xuất: 0,3% 1 tháng

- Cho vay thanh toán 0,2% 1 tháng

- Nợ quá hạn 0,45% 1 tháng

VI. THỜI HẠN CHO VAY

Thời hạn cho vay đối với tất cả các loại trên (kể cả xây dựng, mở rộng thêm cơ sở, dự trữ và chi phí sản xuất) tối đa không quá 12 tháng kể từ ngày vay. Không trả đúng hạn sẽ chuyển qua nợ quá hạn, và tích lãi cao hơn gấp rưỡi trong thời gian quá hạn. Riêng nợ đến hạng vào tháng 12 mà nông trường không trả được thì Bộ Nông trường phải thanh toán nợ cho Ngân hàng bằng cách Ngân hàng sẽ trích tài khoản của Bộ để thu hồi nợ.

VII. THỦ TỤC CHO VAY, THU NỢ

Vì kinh doanh sản xuất ngoài kế hoạch của nông trường phải được Bộ Nông trường xét duyệt trước rồi Ngân hàng mới cho vay; do đó nông trường nào muốn kinh doanh ngoài kế hoạch loại nào phải làm kế hoạch cụ thể về loại ấy và gửi về Bộ Nông trường. Ngân hàng địa phương cần tham gia với nông trường trong việc xây dựng kế hoạch để sau này xét duyệt cho vay được dễ dàng. Khi tham gia lập kế hoạch với nông trường, các chi điếm, chi nhánh cần nắm tình hình cụ thể và phản ảnh về Ngân hàng trung ương với ý kiến mình đề xuất. Khi kế hoạch của nông trường được Bộ Nông trường xét duyệt và Ngân hàng trung ương thỏa thuận cho vay thì Ngân hàng trung ương sẽ phân phối chỉ tiêu về các chi nhánh, chi điếm cho vay.

1. Cho vay một lần, phát tiền nhiều lần. Nông trường có thể làm đơn xin vay một lần để toàn bộ số vốn dùng cho kinh doanh sản xuất ngoài kế hoạch, nhưng Ngân hàng chỉ phát tiền dần theo mức thực hiện của nông trường. Mỗi lần nhận tiền nông trường phải làm giấy nhận nợ và Ngân hàng chỉ tính lãi từ ngày nông trường nhận tiền vay.

2. Nông trường phải báo cáo kịp thời việc sử dụng vốn vay cho Ngân hàng phục vụ mình. Lần nhận tiền sau, nông trường phải xuất trình cho Ngân hàng những chứng từ chi tiền vay lần trước vào công việc kinh doanh sản xuất ngoài kế hoạch.

3. Trong thời gian cho vay, Ngân hàng phải thường xuyên theo dõi việc sử dụng của nông trường. Khi nợ gần đến hạn Ngân hàng phải báo cho nông trường biết để chuẩn bị tiền trả nợ. Trong khi vay vốn, nếu nông trường dùng vốn không đúng như trong kế hoạch thì Ngân hàng địa phương phải trực tiếp góp ý kiến với nông trường để khắc phục, nếu nông trường vi phạm nhiều lần mà không sửa chữa thì Ngân hàng cùng với nông trường lập biên bản báo cáo về Bộ Nông trường, Bộ Tài chính và Ngân hàng trung ương đồng thời có thể đình chỉ việc cho vay và đợi ý kiến của Ngân hàng trung ương.

VIII. CÁCH GHI CHÉP KẾ TOÁN THỐNG KÊ BÁO CÁO

Khi cho vay loại này, kế toán vẫn ghi nợ vào tài khoản “5-78” cho vay nông trường quốc doanh trung ương và tạm ghi chung vào tiểu khoản ngắn hạn “15” cho vay kinh doanh ngoài nông nghiệp. Nhưng khi ghi vào tiểu khoản cần chú thích rõ để dễ theo dõi về loại cho vay này. Trường hợp Nông trường cho vay thanh toán về loại này thì vẫn ghi chung vào tài khoản cho vay thanh toán, không cần phân biệt riêng.

Loại cho vay kinh doanh sản xuất ngoài kế hoạch đối với nông trường là loại cho vay đặc biệt, nên việc theo dõi của chi nhánh cũng như của trung ương phải chặt chẽ, thường xuyên, kịp thời.

Trong thống kê báo cáo thường kỳ của chi nhánh gửi về Ngân hàng trung ương phải thống kê riêng loại này, có ghi ý kiến đánh giá tác dụng của việc cho vay. Trường hợp bất thường phải báo cáo kịp thời cho Ngân hàng trung ương nghiên cứu giải quyết. Các chi nhánh, chi điếm cần chú ý giữ vững kỷ luật kế hoạch vốn và chấp hành đầy đủ chế độ thỉnh thị báo cáo về loại cho vay này.

Kinh doanh sản xuất ngoài kế hoạch của nông trường có tính chất đặc biệt và tạm thời vì có thể sau một thời gian nông trường không làm loại ấy nữa mà chuyển sang làm loại khác có lợi hơn. Do đó mà việc cho vay loại này của Ngân hàng cần phải hết sức tính toán cụ thể cẩn thận xét thấy thật có hiệu quả kinh tế mới cho vay.

Khi nông trường xây dựng kế hoạch. Ngân hàng cần tích cực tham gia ý kiến trong việc sử dụng nhân tài vật lực trong nông trường cùng với nông trường tính toán thật cụ thể những chi phí và khả năng thu nhập của loại này, đảm bảo sản xuất có lợi chắc chắn và không ảnh hưởng đến việc sản xuất chính của nông trường.

Nếu xét thấy không có lợi thì có thể bàn bạc với nông trường không nên làm. Khi cho vay phải luôn luôn theo dõi việc sử dụng vốn của nông trường, tính toán từng chi phí, góp ý kiến với nông trường để sử dụng vốn thật tiết kiệm, thật hợp lý, tránh lãng phí.

Trong khi thi hành có gì khó khăn, các chi nhánh, chi điếm cần báo cáo kịp thời để Ngân hàng trung ương biết và hướng dẫn thêm.

Q. TỔNG GIÁM ĐỐC
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM




Tạ Hoàng Cơ

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 03-CT/VP/N22 năm 1962 về việc cho vay kinh doanh sản xuất ngoài kế hoạch đối với nông trường quốc doanh Trung ương do Ngân hàng Nhà nước ban hành

  • Số hiệu: 03-CT/VP/N22
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 26/01/1962
  • Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước
  • Người ký: Tạ Hoàng Cơ
  • Ngày công báo: 14/02/1962
  • Số công báo: Số 4
  • Ngày hiệu lực: 10/02/1962
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản