Hệ thống pháp luật

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 471-TTg

Hà Nội, ngày 09 tháng 12 năm 1961 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG VỐN ÁP DỤNG ĐỐI VỚI BỘ NÔNG TRƯỜNG VÀ CÁC NÔNG TRƯỜNG QUỐC DOANH

Thi hành nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5, để ngành Nông trường quốc doanh có thể phát huy đầy đủ tính tích cực của cán bộ và công nhân trong ngành khai thác mọi khả năng tiềm tàng, hoàn thành tốt nhiệm vụ của ngành nông trường quốc doanh là bảo đảm cung cấp một phần quan trọng những sản phẩm nông nghiệp cho Nhà nước; tích lũy vốn để tái sản xuất mở rộng; tăng tỷ trọng cho thành phần kinh tế quốc doanh trong nông nghiệp và căn cứ vào tình hình và đặc điểm của ngành nông trường quốc doanh, Thủ tướng Chính phủ quy định một số vấn đề về quản lý và sử dụng vốn áp dụng đối với Bộ Nông trường và các nông trường quốc doanh do Bộ Nông trường quản lý như sau:

1. Tất cả các chế độ và thể lệ của Nhà nước ban hành có liên quan đến vấn đề quản lý kiến thiết cơ bản, quản lý tài vụ và cấp phát vốn kiến thiết cơ bản, quản lý tài vụ sản xuất và hạch toán kinh tế, Bộ Nông trường quốc doanh và các nông trường quốc doanh có nhiệm vụ chấp hành đúng và đầy đủ.

2. Bộ Nông trường quốc doanh và các nông trường quốc doanh phải phát huy cao độ tính tích cực, đẩy mạnh sản xuất và kiến thiết, ra sức tiết kiệm để có thể sử dụng số vốn, số vật tư, thiết bị, cũng như lực lượng lao động và tài nguyên phong phú do các nông trường quốc doanh quản lý một cách hợp lý nhất, tiết kiệm nhất, thực hiện chi phí ít nhất để làm được khối lượng công việc nhiều, và tốt nhất, tăng cường tích lũy cho Nhà nước.

Trên nguyên tắc phải bảo đảm kế hoạch của Nhà nước về sản xuất và về kiến thiết cơ bản (cả về mặt các chỉ tiêu số lượng và các chỉ tiêu chất lượng), Bộ Nông trường quốc doanh được phép làm một số kinh doanh sản xuất ngoài kế hoạch được phép làm thêm khối lượng kiến thiết cơ bản ngoài kế hoạch Nhà nước đã giao cho Bộ trong phạm vi vật tư kỹ thuật và trong phạm vi biên chế đã được quy định, bằng cách sử dụng hợp lý nhất nhân tài, vật lực, khai thác khả năng tiềm tàng của các nông trường quốc doanh, tăng thêm nguồn vốn và nguồn vật tư mà mở rộng sản xuất và kiến thiết.

3. Tất cả các sản phẩm do các nông trường quốc doanh làm ra (sản xuất trong kế hoạch Nhà nước, vượt mức kế hoạch Nhà nước, hoặc ngoài kế hoạch, hoặc mọi khoản thu nhập trong kiến thiết cơ bản…) đều là tài sản của Nhà nước và trừ phần được giữ lại theo chế độ của Nhà nước, thì đều phải nộp lại tất cả cho Nhà nước, theo những chế độ và giá cả do Nhà nước quy định.

Tất cả các công trình kiến thiết cơ bản do các Nông trường quốc doanh làm nên (trong và ngoài kế hoạch Nhà nước) đều là tài sản của Nhà nước, phải được quản lý và sử dụng tốt, phải tính toán khấu hao khi đem ra sử dụng theo chế độ của Nhà nước.

Các Nông trường quốc doanh có thành tích vượt kế hoạch sẽ được thưởng – Các Nông trường quốc doanh không hoàn thành kế hoạch thì sẽ tùy tình hình cụ thể mà truy cứu trách nhiệm và xử lý thích đáng.

4. Bộ Nông trường quốc doanh và các nông trường quốc doanh được phép tổ chức một số kinh doanh sản xuất ngoài kế hoạch Nhà nước - nhằm tận dụng một cách hợp lý các nguồn tài nguyên của nông trường – ví dụ như tổ chức sản xuất than, xẻ gỗ ván sàn, nuôi cá, v.v... để tăng thêm sản phẩm cung cấp cho xã hội.

Những việc kinh doanh sản xuất ngoài kế hoạch này không được làm ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch Nhà nước và phải được sắp xếp bố trí ở từng nông trường cho hợp lý, bảo đảm cân đối các mặt, đặc biệt phải chú ý đến hiệu quả kinh tế của mọi công việc làm, giá thành và giá bán các sản phẩm làm ra, cũng như điều kiện vận tải và tiêu thụ các sản phẩm đó.

Các loại kinh doanh sản xuất này, phải được ghi vào kế hoạch của nông trường (kế hoạch sản xuất – tài vụ – kỹ thuật của mỗi nông trường quốc doanh) và phải được Bộ Nông trường quốc doanh xem xét, phê chuẩn. Bộ Nông trường quốc doanh phải tổng hợp các kế hoạch này (cả về mặt kinh tế và tài chính) và gửi cho Ủy ban kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước để các cơ quan này theo dõi và tham gia ý kiến.

Bộ Nông trường quốc doanh phải cố gắng sử dụng các nguồn vốn sẵn có của Nông trường để làm các việc trên đây, nếu cần thêm vốn thì có thể được vay tiền ở Ngân hàng Nhà nước để làm. Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Nông trường quốc doanh sẽ quy định cụ thể về điều kiện vay và trả của các Nông trường quốc doanh, cũng như nguồn vốn để Ngân hàng Nhà nước sử dụng để cho vay. Số lãi thu được do các hoạt động kinh doanh sản xuất ngoài kế hoạch này được để lại cho các nông trường quốc doanh sử dụng để mở rộng kiến thiết cơ bản.

5. Bộ Nông trường quốc doanh và các nông trường quốc doanh sau khi đã bảo đảm hoàn thành kế hoạch kiến thiết cơ bản hàng năm của Nhà nước giao cho, (hoàn thành kế hoạch về các mặt khối lượng, chất lượng, thời gian, và giá cả…) thì còn được phép làm thêm khối lượng kiến thiết cơ bản ngoài kế hoạch.

Những khối lượng kiến thiết cơ bản làm ngoài kế hoạch này cũng dựa chủ yếu trên việc sử dụng hợp lý các nguồn vốn, vật tư, nhân lực và tài nguyên Nhà nước đã giao cho nông trường quản lý – và nhằm làm vượt kế hoạch Nhà nước để tăng thêm khối lượng khai hoang, trồng mới, công trình thủy lợi, v.v...

Kế hoạch khối lượng kiến thiết cơ bản làm thêm này phải được ghi vào kế hoạch kiến thiết cơ bản của từng nông trường quốc doanh, phải được Bộ Nông trường quốc doanh phê chuẩn, và phải bảo đảm cân đối vật tư, tài chính, nhân lực.

Bộ Nông trường quốc doanh xem xét các kế hoạch kiến thiết cơ bản làm thêm này cân đối các mặt, và sau khi phê chuẩn, sẽ tổng hợp và gửi cho Ủy ban kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính và Ngân hàng kiến thiết để theo dõi và tham gia ý kiến.

6. Để bảo đảm tăng thêm nguồn vốn làm thêm khối lượng kiến thiết cơ bản, thì Bộ Nông trường quốc doanh được phép giữ lại để sử dụng các nguồn vốn sau đây:

a) Lãi của kinh doanh sản xuất ngoài kế hoạch như đã nói ở điều 4.

Về kinh doanh sản xuất theo kế hoạch Nhà nước thì số lãi kế hoạch, số lãi vượt kế hoạch cũng như số khấu hao cơ bản phải nộp toàn bộ cho Ngân sách Nhà nước – sau khi đã trích lập quỹ xí nghiệp theo chế độ hiện hành, Bộ Nông trường quốc doanh phải bảo đảm số lãi kế hoạch về kinh doanh sản xuất. Nếu vì nguyên nhân chủ quan mà không đảm bảo được thì Bộ Nông trường quốc doanh phải lấy những nguồn thu khác đã ghi trong điều 6 (a, b, c) để bù vào cho đủ kế hoạch.

b) Về kiến thiết cơ bản, thì được giữ lại:

- Số lãi định mức 2,5% đã tính trong đơn giá và giá dự toán của Nhà nước.

- Số lãi do hạ giá thành kế hoạch – và hạ giá thành kiến thiết cơ bản vượt kế hoạch (nếu có chỉ tiêu hạ giá thành kiến thiết cơ bản).

- Số tiền tiết kiệm được trong kiến thiết cơ bản (chênh lệch giữa đơn giá hoặc giá dự toán đã trừ lãi định mức 2,5% của Nhà nước và giá thành thực tế kiến thiết cơ bản). Số lãi và số tiền tiết kiệm được trong kiến thiết cơ bản cũng sẽ trích lập quỹ xí nghiệp theo chế độ của Nhà nước. Còn lại bao nhiêu, sẽ để lại để Bộ Nông trường quốc doanh sử dụng làm thêm khối lượng kiến thiết cơ bản.

c) Các khoản thu trong kiến thiết cơ bản – như thu về gỗ trong khai hoang, về hoa quả bói của cây lâu năm trước khi chuyển về sản xuất, v.v... sẽ được nộp vào ngân sách Nhà nước bằng cách trừ thẳng vào vốn kiến thiết cơ bản do ngân sách cấp phát.

Hàng năm, khi lập kế hoạch thu chi tài vụ kiến thiết cơ bản, Bộ Nông trường quốc doanh và Bộ Tài chính sẽ xác định mức phải nộp và phải trừ khoản này. Nếu Bộ Nông trường quốc doanh cố gắng thu vượt mức đã quy định, thì được giữ lại phần vượt mức đó để sử dụng làm thêm khối lượng kiến thiết cơ bản. Nếu thu không đạt mức, thì Bộ Nông trường quốc doanh cũng không được cấp phát thêm để bù.

Riêng về tiền bán khoán lâm sản theo chế độ hiện nay đối với gỗ và các lâm sản trong khi khai hoang, thì vẫn theo chế độ hiện nay mà nộp cho ngân sách Nhà nước, nhưng cũng sẽ trừ vào số cấp phát kiến thiết cơ bản của ngân sách Nhà nước cho Bộ Nông trường quốc doanh. Cách tính số phải nộp và phải trừ trong kế hoạch thu chi tài vụ kiến thiết cơ bản của Bộ Nông trường quốc doanh cũng làm như phần trên đã nói.

Tất cả các nguồn vốn trên đây để lại cho Bộ Nông trường quốc doanh được coi là vốn đầu tư thêm về kiến thiết cơ bản của Nhà nước cho Bộ Nông trường quốc doanh để làm thêm khối lượng kiến thiết cơ bản nói ở điều 5.

Từng nông trường quốc doanh cũng như Bộ Nông trường quốc doanh sẽ lập kế hoạch kiến thiết cơ bản và kế hoạch thu chi tài vụ về phần khối lượng kiến thiết cơ bản làm thêm này, và Bộ Nông trường quốc doanh sẽ gửi cho Ủy ban kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính và Ngân hàng kiến thiết để theo dõi và tham gia ý kiến. Kế hoạch của từng nông trường sau khi được Bộ Nông trường quốc doanh phê chuẩn phải gửi cho các Chi hàng kiến thiết ở địa phương mình.

Toàn bộ số vốn đầu tư thêm về kiến thiết cơ bản của Nhà nước cho Bộ Nông trường quốc doanh này phải được tập trung vào Ngân hàng kiến thiết quản lý, theo đúng điều lệ cấp phát vốn kiến thiết cơ bản của Nhà nước.

7. Để bảo đảm khuyến khích vật chất đối với các nông trường quốc doanh nào có thành tích hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước về sản xuất và về kiến thiết cơ bản, thì các nông trường quốc doanh đều được trích lập quỹ xí nghiệp và sử dụng quỹ đó như chế độ hiện hành đối với các nông trường quốc doanh.

Ngoài ra, trong khối lượng kiến thiết cơ bản làm thêm ngoài kế hoạch, đại bộ phận là tập trung làm các công trình sản xuất , Bộ Nông trường quốc doanh có thể xem xét quy định một tỷ lệ dành để làm nhà ở và các công trình phúc lợi cho các công trường quốc doanh. Tỷ lệ này sẽ do Bộ Nông trường quốc doanh bàn bạc với Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Tài chính để quy định.

8. Tất cả những điều quy định trên đây là nhằm phát huy tính tích cực của Bộ Nông trường quốc doanh và các nông trường quốc doanh khai thác mọi khả năng tiềm tàng để thực hiện vượt mức kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch kiến thiết cơ bản của Nhà nước.

Trong phạm vị kế hoạch Nhà nước về kiến thiết cơ bản, nguyên tắc là tiến hành giao khoán khối lượng, chất lượng, thời gian và giá dự toán để Bộ Nông trường quốc doanh và các nông trường khi làm vượt mức các mức khoán đó có thể làm thêm được khối lượng kiến thiết cơ bản.

Nhiệm vụ quản lý của Bộ Nông trường quốc doanh và của các nông trường quốc doanh theo tinh thần các điều quy định trên đây cần được tăng cường đúng mức.

Cần phải kiện toàn các mặt quản lý ở nông trường: công tác kế hoạch nông trường (bao gồm kế hoạch lao động tiền lương, kế hoạch biện pháp tổ chức kỹ thuật, kế hoạch thu chi, tài vụ…) cũng như các công tác kế toán, thống kê, quản lý tài chính nông trường cần phải được nâng cao đúng mức; công việc hạch toán kinh tế ở các nông trường về mặt sản xuất cũng như về mặt kiến thiết cơ bản phải được đẩy mạnh; vai trò của quần chúng công nhân viên nông trường phải được phát huy đầy đủ.

Bộ Nông trường vừa phải giúp đỡ, hướng dẫn các nông trường quốc doanh tăng cường quản lý phát huy tính tích cực của mình, lại vừa phải tăng cường lãnh đạo tập trung, đề phòng những xu hướng phát triển bừa bãi, thiếu cân đối, những việc làm không có tính toán, không có hiệu quả kinh tế thiết thực, ngăn chặn kịp thời mọi biểu hiện của tư tưởng cục bộ, bản vị, tự do vô Chính phủ, làm theo số lượng mà không chú trọng chất lượng.

Ủy ban kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cũng như Ngân hàng kiến thiết phải tăng cường giúp đỡ Bộ Nông trường quốc doanh lên một bước cao hơn, phát huy được đầy đủ tác dụng tích cực của các điều quy định trên đây, nhằm xây dựng các nông trường quốc doanh lớn mạnh mau chóng.

Trong khi tiến hành công tác, Bộ Nông trường quốc doanh và các Bộ có liên quan cần kịp thời rút kinh nghiệm để áp dụng tốt các điều quy định trên đây.

 

 

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG

 
 

 
Phạm Hùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 471-TTg năm 1961 về quản lý và sử dụng vốn áp dụng đối với Bộ Nông trường và các Nông trường quốc doanh do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

  • Số hiệu: 471-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 09/12/1961
  • Nơi ban hành: Phủ Thủ tướng
  • Người ký: Phạm Hùng
  • Ngày công báo: 27/12/1961
  • Số công báo: Số 50
  • Ngày hiệu lực: 24/12/1961
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản