Hệ thống pháp luật

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 03-BT

Hà Nội, ngày 06 tháng 01 năm 1979

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VIỆC TỔ CHỨC BẦU CỬ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP HUYỆN, XÃ VÀ TƯƠNG ĐƯƠNG NĂM 1979

Hội đồng Chính phủ đã ra Quyết định số 03-CP ngày 06-01-1979 bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp huyện, xã và tương đương. Để thực hiện quyết định đó Phủ Thủ tướng hướng dẫn việc bầu cử như sau.

Cuộc bầu cử lần này tiến hành trong tình hình nhân dân ta đang ra sức xây dựng chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Nhiệm vụ của chính quyền các cấp trước tình hình mới rất nặng nề. Chính quyền cấp huyện cần được xây dựng trở thành một cấp quản lý kinh tế, quản lý kế hoạch và ngân sách. Vì vậy cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp năm nay phải tiến hành chu đáo, theo đúng pháp luật, nhằm mục đích, yêu cầu như sau:

- Tập trung sức kiện toàn Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp cơ sở và tăng cường Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện theo chỉ thị số 33-CT/TU ngày 24-01-1978 của Bộ chính trị và quyết định số 139-CP ngày 14-06-1978 của Hội đồng Chính phủ, nhất là đối với các cơ sở và huyện vùng biên giới, các cơ sở và huyện thuộc các tỉnh miền Nam.

- Phát huy tinh thần làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của nhân dân, làm cho mọi người nhận rõ nghĩa vụ xây dựng chính quyền mà tự giác tham gia bầu cử, mạnh dạn phê bình, nhận xét công tác của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân và chọn người xứng đáng bầu vào Hội đồng nhân dân khóa mới.

- Gây không khí phấn khởi trong nhân dân, động viên phong trào thi đua đẩy mạnh sản xuất, chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu hoàn thành thắng lợi kế hoạch Nhà nước và mọi mặt công tác ở địa phương.

Để bảo đảm cho cuộc bầu cử đạt kết quả tốt, Ủy ban nhân dân các cấp và các ngành ở trung ương cần thực hiện đúng Thông tư số 249-CP ngày 28/12/1976 của Hội đồng Chính phủ hướng dẫn về bầu cử và tổ chức Hội đồng nhân dân. Đồng thời Ủy ban nhân dân các cấp chú ý thực hiện đúng mấy điểm sau đây:

1. Trước khi hết nhiệm kỳ, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp phải tự kiểm điểm nghiêm túc và báo cáo kết quả công tác của mình với nhân dân để nhân dân phê bình, nhận xét. Phải thành khẩn, khiêm tốn tiếp thu những ý kiến phê bình, nhận xét của nhân dân và có biện pháp sửa chữa ngay những việc làm không đúng mà quần chúng đã phát hiện, khắc phục những hiện tượng quan liêu, mệnh lệnh, thói cửa quyền, vi phạm quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động. Đối với những cán bộ phạm nhiều khuyết điểm, được nhân dân phê bình, góp ý mà có thái độ trả thù, chèn ép thì cần có hình thức kỷ luật thích đáng.

2. Ủy ban nhân dân các cấp phải tuyên truyền giải thích cho nhân dân về tình hình và nhiệm vụ mới hiện nay của đất nước và của địa phương, kết hợp với việc phổ biến mục đích, ý nghĩa, thể lệ bầu cử và về chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp huyện, xã và tương đương. Công tác tuyên truyền phải tiến hành sâu rộng, bằng nhiều hình thức phong phú, thiết thực nhằm động viên cử tri tự giác tham gia bầu cử, đồng thời vận động quần chúng đẩy mạnh sản xuất, cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Bộ Văn hóa và thông tin có kế hoạch và tài liệu hướng dẫn, giúp đỡ các địa phương về công tác tuyên truyền.

3. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm chủ động phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân để tổ chức chu đáo việc nhân dân bàn bạc, lựa chọn, đề cử và giới thiệu người ra ứng cử.

Trong cuộc bầu cử này phải chú trọng tăng cường chất lượng cho Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp; giới thiệu ra ứng cử những người có năng lực, có nhiệt tình cách mạng, hăng hái hoạt động, gần gũi quần chúng, được quần chúng tín nhiệm, có đạo đức chí công vô tư, có ý thức chấp hành và có khả năng vận động nhân dân chấp hành mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Chú ý lựa chọn những người đã tham gia Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp khóa trước, được quần chúng tín nhiệm. Những người bầu vào Ủy ban nhân phải có năng lực trực tiếp phụ trách một ngành của địa phương hoặc cơ sở.

Những nơi cần tăng cường cán bộ cho Ủy ban nhân dân các cấp huyện, xã và tương đương thì phải sắp xếp ngay cán bộ để giới thiệu ra ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân theo đúng thể lệ bầu cử.

Trong quá trình cử tri bàn bạc, đề cử hoặc chọn bầu đại biểu cần phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân, phải tôn trọng ý kiến của quần chúng.

4. Về thể lệ bầu cử, phải nghiêm chính chấp hành pháp lệnh ngày 18 tháng 01 năm 1961 về việc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp và cần chú ý:

- Khi lập danh sách cử tri phải dựa vào tài liệu mới về điều tra dân số để chuẩn bị. Vùng có chiến sự, cử tri sơ tán đến nơi nào thì ghi tên vào danh sách cử tri và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp ở nơi ấy; cử tri sơ tán có tính chất tạm lánh, sơ tán một vài ngày rồi lại trở về chỗ ở cũ thì bầu cử ở nơi cư trú cũ.

- Số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn ở vùng có chiến sự, nhân dân sơ tán hoặc nơi có người Việt gốc Hoa bỏ đi Trung Quốc, dân số còn lại dưới 300 nhân khẩu thì có thể bầu dưới 20 đại biểu; nhưng nên có số đại biểu khoảng gấp 3 lần số thành viên của Ủy ban nhân dân để Hội đồng nhân dân có đủ trí tuệ tập thể giải quyết công việc.

5. Về tổ chức bầu cử, Hội đồng Chính phủ đã quyết định việc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, huyện, xã và tương đương phải tiến hành xong trước ngày 31 tháng 5 năm 1979. Tùy tình hình địa phương, Ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương ấn định ngày bầy cử Hội đồng nhân dân các cấp ở địa phương. Để tiết kiệm thời gian và chi phí, nên tổ chức bầu cử cả hai cấp trong cùng một ngày. Đối với các vùng biên giới và nơi có chiến sự hoặc nơi tình hình an ninh chưa bảo đảm có thể tiến hành bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp cơ sở riêng một ngày, trong phạm vi thời gian Chính phủ đã quy định để tập trung cán bộ giúp đỡ, bảo đảm kết quả của cuộc bầu cử.

Ngày bầu cử phải tổ chức thật chu đáo, việc kiểm phiếu và lập biên bản kiểm phiếu phải tiến hành ngay sau khi kết thúc cuộc bỏ phiếu. Các biên bản kiểm phiếu, biên bản sơ kết và tổng kết cuộc bầu cử phải làm theo mẫu đã quy định, không được tẩy xóa, sửa chữa biên bản.

Vùng biên giới và nơi có chiến sự phải có kế hoạch bảo về an toàn cho nhân dân tiến hành bầu cử, bảo vệ thùng phiếu và tài liệu.

6. Sau khi bầu cử Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân khóa mới phải bắt tay vào hoạt động ngay một cách có hiệu lực. Ngay từ kỳ hợp đầu tiên Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp phải đặt được nền nếp cho hoạt động của cả nhiệm kỳ. Ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương phải chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp huyện, xã và tương đương chuẩn bị và tiến hành tốt kỳ hợp đầu tiên của Hội đồng nhân dân để bầu ra Ủy ban nhân dân khóa mới.

Phải kịp thời bồi dưỡng, huấn luyện cho tất cả các ủy viên Ủy ban nhân dân mới trúng cử về chức năng, nhiệm vụ, về nội dung và phương pháp công tác của Ủy ban nhân dân.

7. Ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương phải tăng cường sự lãnh đạo và chỉ đạo để cuộc bầu cử năm 1979 thu được kết quả tốt. cần có kế hoạch phối hợp chặt chẽ công việc chuẩn bị tổ chức bầu cử với mọimặt công tác khác ở địa phương; tăng cường kiểm tra đôn đốc bảo đảm kết quả bầu cử đúng chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Đối với các tỉnh và thành phố miền Nam, Ủy ban nhân dân các cấp phải tập trung một số cán bộ thích đáng để làm công tác bầu cử và củng cố chính quyền cấp cơ sở. Ngoài ra phải đề cao trách nhiệm phục vụ công tác bầu cử của các cơ quan, các ngành có liên quan.

Phải đề cao cảnh giác, đề phòng mọi âm mưu và thủ đoạn phá hoại của địch; phải có phương án đối phó kịp thời khi bọn phản động gây rối.

Để trung ương chỉ đạo được tốt cuộc bầu cử này, yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương báo cáo kịp thời về Phủ Thủ tướng tình hình chuẩn bị và kết quả bầu cử.

BỘ TRƯỞNG PHỦ THỦ TƯỚNG




Vũ Tuân

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 03-BT-1979 về việc tổ chức bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp huyện, xã và tương đương năm 1979 do Phủ thủ tướng ban hành

  • Số hiệu: 03-BT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 06/01/1979
  • Nơi ban hành: Phủ Thủ tướng
  • Người ký: Vũ Tuân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 1
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản