Hệ thống pháp luật

BỘ QUỐC PHÒNG
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 03/2008/TT-BQP

Hà Nội, ngày 09 tháng 01 năm 2008

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 150/2007/NĐ-CP NGÀY 09 THÁNG 10 NĂM 2007 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ HUẤN LUYỆN QUÂN NHÂN DỰ BỊ HẠNG HAI

Thực hiện Nghị định số 150/2007/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2007 của Chính phủ về huấn luyện quân nhân dự bị hạng hai, Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện Điều 5, Điều 6, Điều 8 và Điều 11 của Nghị định này như sau:

I. PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH VÀ ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

1. Phạm vi điều chỉnh:

Thông tư này hướng dẫn:

a. Tiêu chuẩn tuyển chọn nam quân nhân dự bị hạng hai tập trung huấn luyện, để chuyển thành quân nhân dự bị hạng một (sau đây gọi tắt là huấn luyện chuyển hạng);

b. Tổ chức huấn luyện chuyển hạng;

c. Chế độ chính sách đối với quân nhân dự bị hạng hai trong thời gian tập trung huấn luyện (kể cả huấn luyện chuyển hạng và huấn luyện theo đơn vị dự bị động viên để nâng cao chất lượng).

2. Đối tượng áp dụng:

a. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi chung là Bộ, ngành), các địa phương, đơn vị quân đội được giao chỉ tiêu tuyển chọn hoặc huấn luyện quân nhân dự bị hạng hai;

b. Quân nhân dự bị hạng hai đã xếp hoặc chưa xếp vào đơn vị dự bị động viên.

II. TIÊU CHUẨN TUYỂN CHỌN NAM QUÂN NHÂN DỰ BỊ HẠNG HAI TẬP TRUNG HUẤN LUYỆN CHUYỂN HẠNG

1. Tuổi đời: đến hết ba lăm tuổi, chủ yếu chọn các đối tượng dưới ba mươi tuổi.

2. Tiêu chuẩn chính trị:

Thực hiện theo Thông tư liên tịch số 76/2006/TTLT-BQP-BCA ngày 03 tháng 5 năm 2006 của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an hướng dẫn tiêu chuẩn chính trị, nguyên tắc, thủ tục tuyển chọn công dân vào phục vụ trong Quân đội.

3. Tiêu chuẩn sức khoẻ:

Tuyển chọn những quân nhân dự bị hạng hai có sức khoẻ loại 1, loại 2, loại 3 theo tiêu chuẩn sức khoẻ quy định tại Thông tư liên tịch số 14/2006/TTLT-BYT-BQP ngày 20 tháng 11 năm 2006 của Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng hướng dẫn việc khám sức khoẻ thực hiện nghĩa vụ quân sự.

4. Tiêu chuẩn văn hoá:

a. Tuyển chọn những quân nhân dự bị hạng hai, có trình độ văn hoá từ lớp tám trở lên, thứ tự từ những quân nhân dự bị có trình độ văn hoá cao trở xuống, cho đến khi đủ chỉ tiêu;

b. Những địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa được tuyển chọn từ 20% đến 30% quân nhân dự bị hạng hai, có trình độ văn hoá cấp tiểu học.

III. TỔ CHỨC HUẤN LUYỆN CHUYỂN HẠNG

1. Thủ tục xét duyệt và gọi tập trung huấn luyện:

Việc xét duyệt và gọi quân nhân dự bị hạng hai tập trung huấn luyện chuyển hạng, được tiến hành tương tự như xét duyệt và gọi công dân nhập ngũ.

2. Nội dung và chương trình huấn luyện:

Do Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam quy định.

3. Thời gian huấn luyện:

a. Thời gian huấn luyện chuyển hạng là sáu tháng, chia thành hai lần, mỗi lần ba tháng. Tổ chức huấn luyện trong hai năm liên tiếp, trường hợp đặc biệt được kéo dài, nhưng không quá ba năm;

b. Thời gian tập trung huấn luyện, được tính từ khi đơn vị quân đội tiếp nhận quân nhân dự bị hạng hai, đến khi kết thúc huấn luyện, bàn giao trả lại địa phương;

c. Kết thúc thời gian huấn luyện, đơn vị được giao nhiệm vụ huấn luyện (từ cấp trung đoàn và tương đương trở lên), tổ chức kiểm tra đánh giá kết quả, cấp giấy chứng nhận cho những quân nhân dự bị đã hoàn thành nội dung, chương trình huấn luyện chuyển hạng và thông báo cho Ban chỉ huy quân dự cấp huyện, nơi quân nhân dự bị hạng hai đăng ký nghĩa vụ quân sự.

4. Quản lý quân nhân dự bị hạng hai:

Trong thời gian tập trung huấn luyện, quân nhân dự bị hạng hai chịu sự quản lý của đơn vị quân đội được giao nhiệm vụ huấn luyện và thực hiện các quy định tại Điều lệnh quản lý bộ đội của Quân đội nhân dân Việt Nam.

IV. CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI QUÂN NHÂN DỰ BỊ HẠNG HAI TRONG THỜI GIAN TẬP TRUNG HUẤN LUYỆN

Trong thời gian tập trung huấn luyện, quân nhân dự bị hạng hai (không phân biệt đối tượng huấn luyện chuyển hạng hoặc huấn luyện theo đơn vị dự bị động viên, để nâng cao chất lượng), được hưởng các chế độ chính sách theo quy định tại Nghị định số 39/CP ngày 28 tháng 4 năm 1997 của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên và Nghị định số 17/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 02 năm 2007 của Chính phủ, về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ phục vụ của hạ sỹ quan, binh sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam, ban hành kèm theo Nghị định số 54/CP ngày 07 tháng 8 năm 1995 của Chính phủ. Cụ thể như sau:

1. Chế độ tiền lương và phụ cấp:

a. Quân nhân dự bị hạng hai, đang hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, được cơ quan, đơn vị nơi làm việc trả nguyên lương và các khoản phụ cấp, trợ cấp, phúc lợi, phụ cấp đi đường và tiền tàu xe theo chế độ hiện hành đối với công nhân, viên chức đi công tác. Cơ quan, đơn vị đang trả lương từ nguồn ngân sách nào thì do nguồn ngân sách đó bảo đảm;

b. Quân nhân dự bị hạng hai, thuộc các đối tượng khác được đơn vị tổ chức huấn luyện cấp một khoản phụ cấp bằng mức phụ cấp quân hàm 18 tháng đầu của hạ sỹ quan, binh sỹ tại ngũ có cùng cấp bậc quân hàm, đối với quân nhân dự bị chưa có cấp bậc quân hàm thì được hưởng phụ cấp quân hàm theo cấp bậc binh nhì (thời gian tính hưởng phụ cấp tính tròn theo tháng, nếu có ngày lẻ thì dưới mười lăm ngày tính nửa tháng, từ mười sáu ngày trở lên được tính cả tháng); được cấp tiền tàu xe và phụ cấp đi đường như đối với quân nhân tại ngũ.

2. Tiêu chuẩn quân trang và đồ dùng sinh hoạt:

Quân nhân dự bị được gọi tập trung từ năm ngày trở lên trong một đợt thì được cấp hoặc mượn quân trang, đồ dùng sinh hoạt theo quy định hiện hành của Bộ Quốc phòng.

Quân nhân dự bị huấn luyện chuyển hạng được Bộ Quốc phòng bảo đảm toàn bộ quân trang.

3. Tiêu chuẩn ăn:

Được đơn vị tổ chức huấn luyện bảo đảm ăn theo chế độ hiện hành đối với hạ sỹ quan, binh sỹ tại ngũ.

4. Trợ cấp gia đình:

Trong thời gian quân nhân dự bị hạng hai tập trung huấn luyện, gia đình được hưởng một khoản trợ cấp như sau:

a. Mức trợ cấp:

- Đối với quân nhân dự bị hạng hai đang hưởng tiền lương, tiền công của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, thì gia đình được trợ cấp mỗi ngày bằng hệ số 0,025 so với mức lương tối thiểu theo quy định chung của Chính phủ;

- Đối với quân nhân dự bị hạng hai không hưởng tiền lương, tiền công (không phân biệt thành phần kinh tế), thì gia đình được trợ cấp mỗi ngày bằng hệ số 0,05 so với mức lương tối thiểu theo quy định chung của Chính phủ.

b. Tổ chức chi trả:

- Đơn vị tổ chức huấn luyện, diễn tập, kiểm tra (từ cấp trung đoàn và tương đương trở lên) lập danh sách quân nhân dự bị hạng hai tập trung trong từng đợt, xác nhận số ngày tập trung và mức trợ cấp cho từng quân nhân dự bị hạng hai gửi về Ban chỉ huy quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện). Nếu đơn vị huấn luyện là cấp tiểu đoàn hoặc tương đương trở xuống, phải đề nghị cấp trên trực tiếp xác nhận danh sách;

- Ban chỉ huy quân sự cấp huyện chi trả trợ cấp cho gia đình quân nhân dự bị hạng hai ngay sau khi kết thúc đợt tập trung huấn luyện và quyết toán với Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) để tổng hợp báo cáo quyết toán vào ngân sách tỉnh.

5. Trường hợp đang nghỉ phép năm:

Quân nhân dự bị hạng hai đang công tác ở các cơ quan, đơn vị, nếu đang nghỉ phép năm mà được gọi tập trung huấn luyện, thì những ngày phép còn lại được nghỉ tiếp sau đó hoặc nghỉ tiếp vào thời gian thích hợp.

6. Trường hợp được hoãn tập trung huấn luyện:

Nếu thời gian tập trung huấn luyện của quân nhân dự bị hạng hai trùng với thời gian thi nâng bậc thợ, nâng ngạch công chức, thi kết thúc học kỳ, thi kết thúc khoá học tại chức, có chứng nhận của cơ quan nơi quân nhân dự bị hạng hai làm việc, học tập hoặc khó khăn đặc biệt, có giấy chứng nhận của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi quân nhân dự bị hạng hai cư trú, thì được hoãn tập trung huấn luyện đợt đó.

7. Chế độ chính sách khi quân nhân dự bị hạng hai bị ốm đau, bị thương, bị chết:

a. Quân nhân dự bị hạng hai đang tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trong thời gian tập trung huấn luyện, nếu bị ốm đau, bị thương hoặc chết được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định hiện hành;

b. Quân nhân dự bị hạng hai chưa tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trong thời gian tập trung huấn luyện bị ốm đau, bị thương hoặc bị chết được Nhà nước trợ cấp như sau:

- Trường hợp bị ốm đau phải đưa đi bệnh viện, thì được điều trị tại bệnh viện quân y hoặc bệnh viện dân y nơi gần nhất. Trong thời gian điều trị, quân nhân dự bị hạng hai được hưởng chế độ khám, chữa bệnh như quân nhân tại ngũ, được cấp khoản phụ cấp, được bảo đảm tiền ăn theo quy định tại khoản 1, khoản 3 Mục này. Hết thời gian tập trung huấn luyện, mà bệnh của quân nhân dự bị hạng hai chưa ổn định, cần phải điều trị tiếp, thì được đơn vị tổ chức huấn luyện hỗ trợ một phần tiền ăn, tiền thuốc chữa bệnh, mỗi ngày bằng hệ số 0,08 so với mức lương tối thiểu, theo số ngày điều trị thực tế, nhưng tối đa không quá 15 ngày;

- Trường hợp bị thương trong luyện tập hoặc tai nạn rủi ro, quân nhân dự bị hạng hai được điều trị tại bệnh viện quân y hoặc dân y cho đến khi khỏi vết thương, trong thời gian điều trị, quân nhân dự bị hạng hai được hưởng chế độ như quân nhân dự bị hạng hai tập trung huấn luyện bị ốm đau, phải đi bệnh viện. Trường hợp vết thương trở thành thương tật thì đơn vị tổ chức huấn luyện giới thiệu về Ban chỉ huy quân sự cấp huyện để làm thủ tục xét hưởng trợ cấp tai nạn lao động theo quy định hiện hành;

- Trường hợp quân nhân dự bị hạng hai bị chết trong thời gian tập trung huấn luyện thì được hưởng mai táng phí theo chế độ hiện hành, đơn vị huấn luyện phối hợp với gia đình, địa phương, nơi quân nhân dự bị hạng hai cư trú, tổ chức mai táng theo quy định như đối với quân nhân tại ngũ. Trường hợp quân nhân dự bị hạng hai bị chết vì tai nạn trong huấn luyện hoặc tai nạn rủi ro thì còn được hưởng chế độ tử tuất theo quy định hiện hành;

- Trường hợp quân nhân dự bị hạng hai bị ốm đau, bị thương, bị chết do say rượu, dùng chất ma tuý, các chất huỷ hoại sức khoẻ khác hoặc do lỗi tự bản thân gây ra thì quân nhân dự bị hạng hai đó phải tự lo kinh phí khám, chữa bệnh, không được hưởng tiền ăn, phụ cấp trong thời gian khám, chữa bệnh và không được hưởng trợ cấp tai nạn lao động, trợ cấp tử tuất theo quy định trên.

c. Trong thời gian huấn luyện quân nhân dự bị hạng hai, nếu bị thương hoặc bị chết và có đủ các điều kiện quy định trong các văn bản pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng thì được xét công nhận là thương binh, người được hưởng chính sách như thương binh hoặc liệt sỹ. Bản thân họ và gia đình được hưởng các chế độ chính sách ưu đãi của Nhà nước theo quy định hiện hành.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

2. Căn cứ hướng dẫn tại Thông tư này các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chỉ huy các cơ quan, đơn vị quân đội có liên quan triển khai thực hiện.

Quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Quốc phòng để nghiên cứu, giải quyết.

BỘ TRƯỞNG
ĐẠI TƯỚNG




Phùng Quang Thanh

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 03/2008/TT-BQP hướng dẫn thực hiện Nghị định 150/2007/NĐ-CP về huấn luyện quân nhân dự bị hạng hai do Bộ Quốc phòng ban hành

  • Số hiệu: 03/2008/TT-BQP
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 09/01/2008
  • Nơi ban hành: Bộ Quốc phòng
  • Người ký: Phùng Quang Thanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 39 đến số 40
  • Ngày hiệu lực: 04/02/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản