Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ THUỶ SẢN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/1998/TT-BTS | Hà Nội, ngày 27 tháng 10 năm 1998 |
Căn cứ Nghị định số 49/1998/NĐ-CP ngày 13-7-1998 của Chính phủ;
Sau khi thống nhất với các Bộ liên quan;
Bộ Thuỷ sản hướng dẫn một số điểm cụ thể như sau:
1. Đối tượng:
Giấy đăng ký được cấp cho phương tiện nước ngoài và người đi trên phương tiện đó, hoạt động nghề cá trong các vùng biển của Việt Nam.
1.1. Phương tiện nước ngoài:
1.1.1. Thuộc sở hữu:
- Cá nhân, doanh nghiệp nước ngoài, tổ chức quốc tế không có quốc tịch Việt Nam, không đăng ký hoạt động tại Việt Nam.
- Doanh nghiệp Thuỷ sản hoặc có hoạt động Thuỷ sản có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập và hoạt động theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
1.1.2. Không đăng ký quốc tịch Việt Nam.
1.1.3. Riêng các tàu không phải là tàu khai thác hải sản và các tàu không tham gia và hoạt động nghề cá, ra vào các cảng quốc gia theo quy định của Bộ luật hàng hải Việt Nam, để thực hiện các hợp đồng thương mại về xuất nhập khẩu hàng hoá (kể cả hàng hoá là hải sản) thì không thuộc đối tượng thi hành Nghị định số 49/1998/NĐ-CP.
1.2. Người đi trên phương tiện nước ngoài: là người nước ngoài và người Việt Nam (nếu có, trừ giám sát viên Việt Nam) làm việc trên phương tiện theo chức danh mỗi người.
2. Điều kiện:
2.1. Đã có một trong các loại Giấy phép do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp sau đây:
- Giấy phép Đầu tư
- Giấy phép Hợp tác kinh doanh.
2.2. Có giấy phép hoặc văn bản cho phép của Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường hoặc Bộ Thuỷ sản nếu hợp tác với bên Việt Nam trên cơ sở hợp đồng hợp tác khoa học kỹ thuật về lĩnh vực thuỷ sản như: điều tra, thử nghiệm, huấn luyện kỹ thuật...
2.3. Hợp đồng thương mại có ý kiến đồng ý của Bộ Thuỷ sản hoặc Sở Thuỷ sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu.
2.4. Trong các trường hợp cụ thể, chủ phương tiện phải thoả mãn các yêu cầu nêu tại các điểm 1, 2, 3 của mục II dưới đây:
3. Cơ quan cấp Giấy đăng ký.
Bộ Thuỷ sản uỷ quyền cho Cục Bảo vệ Nguồn lợi Thuỷ sản là cơ quan duy nhất để tiếp nhận hồ sơ, cấp mới, gia hạn, đổi Giấy đăng ký cho phương tiện nước ngoài hoạt động nghề cá trong các vùng biển của Việt Nam và sẽ thông báo kết quả cho người có đơn xin phép sau 5 ngày, kể từ thời điểm nhận hồ sơ trực tiếp hoặc nhận được theo dấu bưu điện.
4. Nhận Giấy đăng ký và nộp lệ phí:
- Khi nộp đơn và hồ sơ, chủ phương tiện sẽ nhận Giấy chứng nhận đã nộp hồ sơ và ngày hẹn thông báo kết quả xét duyệt.
- Nếu sau 30 ngày kể từ ngày được hẹn mà chủ phương tiện hoặc người được uỷ nhiệm không tới cơ quan cấp giấy đăng ký hoạt động nghề cá để nhận Giấy đăng ký hoặc bổ sung hồ sơ (trừ các trường hợp bất khả kháng) thì Bộ Thuỷ sản sẽ không giải quyết việc cấp Giấy đăng ký, hoặc gia hạn Giấy đăng ký theo đơn cũ.
- Lệ phí Giấy đăng ký nộp tại Cục Bảo vệ nguồn lợi Thuỷ sản theo quy định của Bộ Tài chính tại Thông tư Liên Bộ số 07 TT/LB ngày 01-4-1993 của Bộ Tài chính và Bộ Thuỷ sản.
- Lệ phí có thể thu bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi được quy đổi từ mức lệ phí bằng tiền Việt Nam, theo tỷ giá Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm thu lệ phí.
II. CÁC LOẠI GIẤY ĐĂNG KÝ XÉT CẤP
1. Cấp Giấy đăng ký lần đầu:
1.1. Xin cấp giấy đăng ký:
Chủ phương tiện phải lập hồ sơ xin đăng ký cho từng phương tiện và người đi trên phương tiện gửi đến Cục Bảo vệ nguồn lợi Thuỷ sản.
Hồ sơ bao gồm:
1.1.1. Đơn xin đăng ký hoạt động nghề cá (theo mẫu của Bộ Thuỷ sản).
1.1.2. Một trong các loại Giấy phép đã cấp nêu tại điểm 2.1, 2.2 mục I, hoặc hợp đồng thương mại nêu tại điểm 2.3 mục I của Thông tư này.
1.1.3. Hồ sơ phương tiện.
- Giấy đăng ký của phương tiện do cơ quan có thẩm quyền của nước mà phương tiện mang quốc tịch cấp;
- Giấy đăng kiểm của phương tiện do cơ quan đăng kiểm của nước mà phương tiện mang quốc tịch, đăng ký hoặc treo cờ hoặc của một quốc gia khác cấp hoặc của cơ quan Đăng kiểm Việt Nam cấp;
- Ảnh chụp phương tiện phía trước, sau, mạn trái, mạn phải (ảnh màu, kích thước 9x13 mỗi ảnh 1 chiếc).
1.1.4. Danh sách, chức danh, ảnh của từng người trên phương tiện do chủ phương tiện kê khai và xác nhận.
1.1.5. Giấy uỷ nhiệm cho người đại diện hoặc đối tác Việt Nam (nếu có) trong trường hợp chủ phương tiện không trực tiếp xin cấp Giấy đăng ký.
1.1.6. Đối với phương tiện thuộc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập và hoạt động theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, hoặc phương tiện thuộc các Dự án hợp tác nghiên cứu khoa học thì chỉ cần lập hồ sơ gồm các khoản 1.1.1, 1.1.3, 1.1.4, 1.1.5 điểm 1.1 này gửi Cục Bảo vệ nguồn lợi Thuỷ sản xem xét.
1.2. Xét cấp giấy đăng ký.
1.2.1. Căn cứ để xét cấp giấy đăng ký.
- Hồ sơ đầy đủ và hợp lệ.
- Giấy đăng kiểm của phương tiện còn thời hạn ít nhất là 12 tháng.
1.2.2. Sau 5 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Cục Bảo vệ nguồn lợi Thuỷ sản sẽ thông báo kết quả xét duyệt.
Đối với phương tiện nói tại khoản 1.1.6 điểm 1.1 mục II nêu trên, Bộ Thuỷ sản sẽ phối hợp với các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường để cấp Giấy đăng ký.
1.3. Thời hạn của Giấy đăng ký:
Đối với phương tiện thuộc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thuộc dự án hợp tác nghiên cứu khoa học thì thời hạn cấp lần đầu là 24 tháng.
Đối với các phương tiện chỉ hoạt động ở lĩnh vực thu gom, vận chuyển hàng hải sản thì thời hạn không quá 12 tháng.
2. Gia hạn giấy đăng ký.
2.1. Các trường hợp sau đây được xét gia hạn Giấy đăng ký:
- Các Giấy phép đã nêu tại các điểm 2.1, 2.2 và 2.3 mục I Thông tư này vẫn còn hiệu lực không ít hơn 12 tháng.
- Thời gian bắt đầu triển khai hoạt động chậm hoặc kết thúc bị kéo dài từ 30 đến 45 ngày so với thời điểm ghi trong Giấy đăng ký mà có lý do chính đáng.
- Ý kiến phê chuẩn cho phép kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng của các dự án, hoặc các Giấy phép được gia hạn... của các cơ quan có thẩm quyền cấp các loại Giấy phép đó.
- Không có vi phạm nào bị xử phạt theo các quy định pháp luật Việt Nam trong quá trình hoạt động tại Việt Nam.
- Chủ phương tiện phải gửi hồ sơ xin gia hạn đến Cục Bảo vệ nguồn lợi trước khi Giấy đăng ký hết thời hạn ít nhất là 15 ngày.
2.2. Hồ sơ xin gia hạn:
- Đơn xin gia hạn.
- Các báo cáo hoạt động của phương tiện trong thời gian của Giấy đăng ký đã cấp.
- Những thay đổi của phương tiện và người đi trên phương tiện (nếu có).
- Giấy đăng ký đã cấp.
2.3. Xét gia hạn Giấy đăng ký:
- Cục Bảo vệ nguồn lợi Thuỷ sản xem xét và thông báo kết quả xét duyệt sau 3 ngày kể từ khi nhận được đơn và hồ sơ xin gia hạn.
- Đối với phương tiện chuyên dùng vận tải hàng thuỷ sản thì việc gia hạn và thời hạn gia hạn được xem xét trong từng trường hợp cụ thể nhưng không quá 2 lần và mỗi lần gia hạn không quá 6 tháng.
3. Đổi và cấp lại Giấy đăng ký:
3.1. Các trường hợp sau đây được xét đổi và cấp lại Giấy đăng ký:
3.1.1. Có sự thay đổi về nội dung hoạt động nghề cá đã được Bộ Thuỷ sản Việt Nam phê duyệt; hoặc có sự thay đổi về nội dung hoạt động nghiên cứu khoa học đã được Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường phê duyệt.
3.1.2. Giấy đăng ký cũ bị rách, nát trong quá trình sử dụng.
3.1.3. Thay đổi phương tiện do phương tiện cũ bị hỏng không có khả năng phục hồi và Giấy đăng ký còn thời hạn từ 1 năm trở lên.
3.1.4. Giấy đăng ký bị mất trong các trường hợp có lý do chính đáng.
3.1.5. Phương tiện vận chuyển đã được 2 lần gia hạn nhưng không có vi phạm.
3.2. Hồ sơ xin đổi và cấp lại Giấy đăng ký:
3.2.1. Đơn xin đổi hoặc cấp lại Giấy đăng ký hoạt động nghề cá, trình bày rõ lý do; kèm theo Giấy đăng ký cũ (nếu có).
3.2.2. Đối với trường hợp xin đổi Giấy đăng ký cho phương tiện thay thế phương tiện cũ, chủ phương tiện phải lập hồ sơ gồm:
- Đơn xin đổi (trình bày rõ lý do).
- Giấy đăng ký đã cấp.
- Hồ sơ phương tiện như quy định đối với phương tiện xin cấp lần đầu.
3.3. Xét cấp lại Giấy đăng ký:
3.3.1. Cục Bảo vệ nguồn lợi Thuỷ sản xem xét và thông báo kết quả xét duyệt sau 5 ngày, kể từ khi nhận được đơn và hồ sơ đầy đủ và hợp lệ.
3.3.2. Thời hạn của Giấy đăng ký được cấp lại như thời hạn của Giấy đăng ký đã cấp.
3.4. Lệ phí.
3.4.1. Đối với trường hợp cấp lại các Giấy đăng ký bị rách nát, bị mất, phương tiện vận chuyển đã được 2 lần gia hạn thì mức thu lệ phí như với trường hợp gia hạn Giấy đăng ký.
3.4.2. Đối với trường hợp thay đổi phương tiện thì mức thu lệ phí như trường hợp cấp lần đầu.
III. QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG NGHỀ CÁ TRONG CÁC VÙNG BIỂN VIỆT NAM:
Trong quá trình hoạt động nghề cá trên vùng biển Việt Nam, người và phương tiện nước ngoài phải tuân thủ các quy định sau:
1. Dấu hiệu nhận biết của phương tiện.
- Tên, số đăng ký, ký hiệu, màu sơn của phương tiện phải rõ ràng. Tàu, thuyền phải được sơn, kẻ rõ tên và số đăng ký ở hai bên Cabin và hai bên mạn tàu.
- Treo quốc kỳ Việt Nam trên đỉnh cột cao nhất của phương tiện trong suốt thời gian tại Việt Nam. Quốc kỳ Việt Nam có kích thước nhỏ nhất là 1,2m x 0,8m. Quốc kỳ phải được thay mới khi bị rách, cũ hoặc bị phai màu.
- Trang bị đầy đủ các loại cờ hiệu, đèn hiệu và phương tiện thông tin liên lạc ở tình trạng hoạt động tốt.
2. Giám sát viên Việt Nam.
2.1. Bộ thuỷ sản sẽ cử từ 1 đến 2 giám sát viên làm việc trên các phương tiện nước ngoài hoạt động khai thác hải sản, điều tra thăm dò, nghiên cứu khoa học, huấn luyện kỹ thuật...
Cục bảo vệ Nguồn lợi thuỷ sản sẽ thông báo cho chủ phương tiện biết khi nhận Giấy đăng ký về số người, địa điểm nhận và trả giám sát viên; thời gian làm việc của giám sát viên trên phương tiện.
2.2. Nhiệm vụ của giám sát viên:
- Giám sát các hoạt động và việc tuân thủ pháp luật Việt Nam của người và phương tiện nước ngoài hoạt động nghề cá trên vùng biển Việt Nam
- Báo cáo cho Cục Bảo vệ Nguồn lợi thuỷ sản, Chi Cục Bảo vệ Nguồn lợi Thuỷ sản (nơi quản lý giám sát viên Việt Nam) hoặc các cơ quan có thẩm quyền biết các thông tin liên quan đến hoạt động của người và phương tiện nước ngoài theo nhiệm vụ được giao một cách đầy đủ, kịp thời.
2.3. Quyền hạn của Giám sát viên.
- Yêu cầu sĩ quan, thuyền viên thực hiện nghiêm chỉnh luật pháp Việt Nam và các quy định ghi trong Giấy đăng ký.
- Yêu cầu thuyền trưởng đưa phương tiện về cảng hoặc bến đậu gần nhất trong trường hợp phát hiện người và phương tiện có hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam.
- Đề xuất với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam về hình thức, mức phạt đối với người và phương tiện trong các trường hợp cụ thể.
- Được kiểm tra, giám sát mọi hoạt động trên phương tiện, kể cả các thiết bị dò cá, thông tin liên lạc... có trên phương tiện.
2.4. Quyền lợi của Giám sát viên.
- Được hưởng chế độ sinh hoạt ăn, ở như sĩ quan trên phương tiện.
- Được quyền sử dụng các thiết bị thông tin liên lạc của phương tiện để làm việc.
3. Chế độ báo cáo.
Mọi phương tiện được cấp Giấy đăng ký trên vùng biển Việt Nam phải chấp hành nghiêm chỉnh chế độ báo cáo theo quy định sau đây:
3.1. Đối với các phương tiện hoạt động trong lĩnh vực khai thác hải sản phải thực hiện báo cáo gồm:
3.1.1. Báo cáo hàng ngày do thuyền trưởng thực hiện 24 giờ 1 lần và gửi cho đối tác Việt Nam.
- Báo cáo hàng ngày với các nội dung:
- Ngư trường hoạt động (xác định bằng toạ độ).
- Tình hình hoạt động, kết quả khai thác.
- Những vấn đề khác, nếu có.
3.1.2. Báo cáo kết thúc chuyển biển:
Báo cáo kết thúc chuyến biển do thuyền trưởng thực hiện gửi cho Chi cục Bảo vệ Nguồn lợi Thuỷ sản nơi cử giám sát viên đi trên phương tiện và cho đối tác Việt Nam.
Báo cáo được thực hiện khi phương tiện kết thúc chuyến biển. Nội dung báo cáo gồm:
- Khu vực hoạt động (xác định bằng toạ độ).
- Thời gian chuyến biển, thời gian thực tế hoạt động trên biển.
- Các loại nghề đã sử dụng.
- Tổng sản lượng và chủng loại có trên phương tiện, trong đó sản lượng đánh bắt của chuyến biển.
- Những vấn đề khác, nếu có.
3.2. Đối với phương tiện chuyên dùng thu gom, vận chuyển hải sản phải thực hiện báo cáo chuyến.
Báo cáo chuyến do thuyền trưởng thực hiện gửi cho đối tác Việt Nam. Báo cáo gồm các nội dung sau:
- Địa điểm nhận hàng hoặc khu vực thu gom sản phẩm.
- Tổng số hàng thuỷ sản có trên phương tiện và chủng loại thuỷ sản.
- Thời gian lưu lại cảng hoặc khu vực thu gom.
- Những vấn đề khác liên quan, nếu có.
3.3. Đối với phương tiện dùng trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản phải thực hiện báo cáo định kỳ theo chu trình vật nuôi, cây trồng.
Báo cáo định kỳ do người quản lý phương tiện thực hiện gửi cho Chi cục bảo vệ Nguồn lợi Thuỷ sản của địa phương được giao trách nhiệm quản lý vùng đất, vùng biển ven bờ đó.
Nội dung báo cáo gồm các điểm chính sau:
- Đối tượng nuôi, trồng.
- Diện tích hoặc lồng bè nuôi, trồng.
- Sản lượng và doanh số.
- Chi phí các khoản.
- Số lượng và nơi tiêu thụ (trong, ngoài nước).
- Các loại hoá chất đã sử dụng.
3.4. Đối với các phương tiện hoạt động trên các lĩnh vực huấn luyện kỹ thuật, khảo sát, điều tra, thăm dò, thử nghiệm ...v.v. phải thực hiện báo cáo chuyến biến.
Báo cáo chuyến biển do thuyền trưởng thực hiện gửi Cục Bảo vệ Nguồn lợi Thuỷ sản và đối tác Việt Nam.
Nội dung báo cáo gồm các nội dung sau:
- Khu vực hoạt động (xác định bằng toạ độ)
- Thời gian hoạt động của chuyến biển.
- Nội dung chủ yếu của hoạt động (huấn luyện, thử nghiệm...).
- Sản phẩm hải sản thu được trong quá trình hoạt động.
- Kết quả đạt được sau chuyến biển.
- Mục tiêu, khu vực và thời gian dự kiến của chuyến sau.
- Sự thay đổi người Việt Nam, nước ngoài có trên phương tiện so với Giấy đăng ký đã cấp.
- Những vấn đề khác, nếu có.
3.5. Báo cáo trước khi rời khỏi vùng biển Việt Nam.
Báo cáo do thuyền trưởng thực hiện gửi Cục Bảo vệ Nguồn lợi Thuỷ sản và đối tác Việt Nam trước khi rời khỏi vùng biển Việt Nam ít nhất 3 ngày.
Báo cáo gồm các điểm chính sau:
- Tổng hợp tình hình và kết quả hoạt động trong thời gian hoạt động tại các vùng biển Việt Nam.
- Lý do rời khỏi vùng biển Việt Nam.
- Thời gian rời khỏi vùng biển Việt Nam.
- Các vấn đề khác.
3.6. Các tổ chức, cá nhân Việt Nam trực tiếp ký hợp đồng (là đối tác Việt Nam) có trách nhiệm thông báo các thông tin về hoạt động nghề cá của người và phương tiện nước ngoài trong các vùng biển của Việt Nam theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam. Theo định kỳ (6 tháng, 1 năm) và kết thúc hợp đồng phải tập hợp và tổng kết, báo cáo kết quả hoạt động của người và phương tiện nước ngoài cho Cục Bảo vệ Nguồn lợi Thuỷ sản.
Các Sở Thuỷ sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có quản lý thuỷ sản nơi có doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài hoạt động nghề cá, có trách nhiệm báo cáo hàng năm cho Bộ Thuỷ sản về hoạt động của các doanh nghiệp đó.
4. Phương tiện rời khỏi vùng biển Việt Nam:
4.1. Khi phương tiện rời khỏi vùng biển Việt Nam trong các trường hợp Giấy đăng ký hết hạn, hoặc định kỳ theo kế hoạch, hoặc đột xuất, chủ phương tiện phải có nghĩa vụ:
- Thông báo trước cho Cục Bảo vệ Nguồn lợi Thuỷ sản biết ít nhất là 3 ngày nếu là trường hợp Giấy đăng ký hết hạn hoặc định kỳ; hoặc trước ít nhất là 24 giờ trong trường hợp đột xuất.
- Thực hiện báo cáo nêu tại điểm 3.5 mục III Thông tư này.
- Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo pháp luật Việt Nam và các cam kết đã ký kết.
- Trả Giám sát viên Việt Nam tại địa điểm đã được quy định.
4.2. Cục Bảo vệ Nguồn lợi Thuỷ sản có trách nhiệm thông báo cho các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và các Lực lượng kiểm soát trên biển của Việt Nam quy định tại Điều 14 của Nghị định số 49/1998/NĐ-CP.
5. Phương tiện ngừng hoạt động:
Trong thời hạn của Giấy đăng ký, nếu phương tiện muốn ngừng hoạt động thì chủ phương tiện phải báo cáo Cục Bảo vệ Nguồn lợi Thuỷ sản biết trước ít nhất 3 ngày về lý do và thời điểm dự kiến ngừng hoạt động.
Trường hợp ngừng do bất khả kháng, chủ phương tiện phải thông báo ngay cho Cục Bảo vệ Nguồn lợi Thuỷ sản và Chi Cục Bảo vệ nguồn lợi Thuỷ sản nơi gần nhất.
6. Phương tiện ra vào cảng biển Việt Nam:
Phương tiện ra vào cảng biển Việt Nam phải tuân thủ các quy định theo Bộ luật Hàng hải Việt Nam.
1.Bắt giữ người và phương tiện nước ngoài vi phạm
1.1. Trình tự thủ tục bắt giữ:
- Khi người và phương tiện nước ngoài hoạt động nghề cá trên các vùng biển Việt Nam vi phạm các quy định của Nghị định 49/1998/NĐ-CP hoặc các quy định khác có liên quan của Pháp luật Việt Nam, Lực lượng kiểm soát trên biển của Việt Nam có quyền bắt giữ, áp giải giao cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý.
- Khi bắt giữ trên biển, Lực lượng kiểm soát phải lập biên bản vi phạm tại chỗ, niêm phong các trang thiết bị thông tin liên lạc, sổ nhật ký hành trình, máy định vị và tang vật; giữ nguyên hiện trạng của phương tiện, áp giải vào cảng hoặc bến đậu gần nhất giao cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý.
- Biên bản vi phạm tại chỗ phải gồm các điểm cơ bản như: ngày giờ, toạ độ, tên phương tiện, tên thuyền trưởng hoặc người quản lý, hành vi vi phạm, kể cả hành động chống đối, hoặc chạy trốn Lực lượng kiểm soát; tang vật (hải sản, ngư cụ, dụng cụ dùng để hoạt động vi phạm); các trang thiết bị có trên phương tiện...
- Trình tự, thủ tục việc bắt giữ, áp giải người và phương tiện phải tuân theo đúng quy định của Nghị định 49/1998/NĐ-CP và các quy định khác có liên quan của Pháp luật Việt Nam.
1.2. Đối tượng tạm giữ.
- Việc tạm giữ người chỉ áp dụng với thuyền trưởng hoặc người quản lý, điều hành phương tiện vi phạm và người trực tiếp có hành vi vi phạm hoặc chống đối nhân viên thi hành công vụ của Việt Nam.
- Người trực tiếp có hành vi vi phạm (kể cả thuyền trưởng) là người cố ý hoặc không tuân theo mệnh lệnh của thuyền trưởng, của người quản lý, điều hành phương tiện để điều khiển phương tiện xâm phạm vào vùng biển Việt Nam đánh bắt trộm hải sản, hoặc sử dụng các ngư cụ, dụng cụ không được phép, hoặc không đúng ngư trường, thời gian... đã ghi trong Giấy đăng ký, hoặc chống đối nhân viên thi hành công vụ của Việt Nam.
- Những người còn lại đi trên phương tiện đều không áp dụng chế độ tạm giữ, nhưng phải quản lý trong thời gian phương tiện bị áp giải vào bờ đến khi hồi hương.
2. Xử lý vi phạm.
2.1. Đối với phương tiện nước ngoài không có Giấy đăng ký hoặc sử dụng Giấy đăng ký mất giá trị:
- Phạt tiền 100 triệu đồng với trường hợp không có Giấy đăng ký.
- Phạt tiền 50 đến 70 triệu đồng với trường hợp sử dụng Giấy đăng ký đã mất giá trị, hoặc Giấy đăng ký đã hết hạn từ 31 ngày trở lên kể từ ngày hết hạn.
2.2. Đối với phương tiện nước ngoài có Giấy đăng ký mà có các hành vi vi phạm các quy định của Nghị định này và các quy định khác có liên quan:
- Phạt tiền 100 triệu đồng đối với các hành vi sử dụng chất nổ, xung điện hoặc hoá chất để khai thác hải sản; phục hồi trạng thái ban đầu nếu làm thay đổi sinh cảnh của các loài hải sản, buộc xử lý ô nhiễm nếu gây ô nhiễm;
- Phạt tiền 70 triệu đồng đối hành vi sử dụng lưới có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định.
- Phạt tiền 70 triệu đồng với hành vi khai thác có mục đích thương mại các đối tượng hải sản trong danh mục cấm.
- Phạt tiền 70 triệu đồng đối với hành vi tàng trữ các loại chất nổ, chất độc.
- Phạt tiền 50 triệu đồng đối với hành vi tàng trữ trên phương tiện các ngư cụ, công cụ bị cấm sử dụng.
- Phạt tiền 50 triệu đồng đối với hành vi phá hoại các rạn san hô.
- Phạt tiền từ 30-50 triệu đồng với hành vi khai thác không nhằm mục đích thương mại các đối tượng hải sản trong danh mục cấm.
- Phạt tiền 30 triệu đồng đối với hành vi sử dụng Giấy đăng ký quá thời hạn nhiều nhất 30 ngày kể từ ngày hết hạn.
- Phạt tiền 20 triệu đồng và buộc khôi phục lại trạng thái ban đầu đối với các hành vi khác làm thay đổi nơi cư trú, sinh sản của các loài hải sản.
- Phạt tiền 20 triệu đồng và buộc thả xuống biển đối với hành vi thu gom, vận chuyển, xuất nhập khẩu giống hải sản trái phép và bị tịch thu toàn bộ hải sản đó.
- Phạt tiền 20 triệu đồng đối với hành vi hoạt động không đúng khu vực đã được quy định trong Giấy đăng ký.
- Phạt tiền 20 triệu đồng đối với hành vi sử dụng loại nghề hoặc công cụ không đúng quy định ghi trong Giấy đăng ký.
- Phạt tiền 20 triệu đồng với hành vi chạy trốn, gây cản trở cho người thi hành công vụ.
- Phạt tiền 10 triệu đồng với hành vi sửa chữa, tẩy xoá các chứng từ, gây trở ngại cho việc điều tra, xác minh hành vi vi phạm, phi tang tang vật.
- Phạt tiền 10 triệu đồng đối với hành vi nuôi , thả các loại hải sản đã nhiễm bệnh.
- Phạt tiền 5 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện thường xuyên các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh ở nơi nuôi trồng hải sản.
- Phạt tiền 5 triệu đồng đối với hành vi lăng mạ người thừa hành công vụ.
3. Những trường hợp vi phạm nghiêm trọng là:
- Không có Giấy đăng ký hoạt động nghề cá mà vào sâu trong các vùng biển của Việt Nam; thuyền trưởng hoặc phương tiện xâm phạm nhiều lần để đánh bắt trộm hải sản; sử dụng vũ khí để chống lại, chạy trốn lực lượng kiểm soát trên biển của Việt Nam; hành vi vi phạm có tính chất huỷ diệt các loài hải sản hoặc phá hoại môi trường sống của hải sản...
- Có Giấy đăng ký hoạt động nghề cá nhưng đã ít nhất 2 lần bị xử phạt theo quy định của Nghị định 49/1998/NĐ-CP trong thời gian hoạt động của Giấy đăng ký được cấp; hành vi vi phạm có tính chất huỷ diệt các loài hải sản hoặc phá hoại môi trường sống của hải sản;
4. Các trường hợp tạm đình chỉ, đình chỉ và thu hồi Giấy đăng ký hoạt động nghề cá:
- Tạm đình chỉ Giấy đăng ký trong thời hạn 3 tháng trong trường hợp tổng số tiền phạt tới 50 triệu đồng.
- Đình chỉ Giấy đăng ký trong thời hạn 6 tháng trong trường hợp tổng số tiền phạt từ 100 triệu đồng trở lên hoặc đã bị tạm đình chỉ 1 lần.
- Thu hồi Giấy đăng ký trong trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi có hành vi nghiêm trọng hoặc đã bị đình chỉ 1 lần, hoặc các loại Giấy phép nêu tại các điểm 2.1, 2.2 và 2.3 mục I của Thông tư này bị thu hồi.
1. Bộ Thuỷ sản uỷ quyền cho Cục Bảo vệ nguồn lợi Thuỷ sản ra quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoặc thu hồi Giấy đăng ký hoạt động nghề cá; đề xuất kiến nghị Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền để đình chỉ hoặc thu hồi các Giấy phép quy định tại Điều 6 của Nghị định số 49/1998/NĐ-CP.
2. Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định tại Điều 19 của Nghị định 49/1998/NĐ-CP.
3. Các lực lượng kiểm soát trên biển:
3.1. Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng và Thanh tra bảo vệ nguồn lợi Thuỷ sản có nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát các hoạt động nghề cá trên biển, có quyền bắt giữ người và phương tiện nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam, lập biên bản vi phạm tại chỗ, niêm phong các trang thiết bị thông tin liên lạc, sổ hành trình, máy định vị và tang vật, giữ nguyên hiện trạng áp giải về cảng, bến đậu gần nhất giao cho cơ quan có thẩm quyền xử lý vùng với đầy đủ hồ sơ, tang vật theo quy định của Pháp luật Việt Nam.
3.2. Các lực lượng thanh tra chuyên ngành khác hoạt động trên biển có trách nhiệm thông báo và phối hợp với các lực lượng Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng, Thanh tra Bảo vệ nguồn lợi Thuỷ sản để bắt giữ, xử lý.
1. Cục Bảo vệ nguồn lợi Thuỷ sản bố trí cán bộ, nơi tiếp nhận hồ sơ và hướng dẫn, niêm yết các quy định cần thiết về các thủ tục... nhằm tạo điều kiện thuận lợi và giải quyết nhanh chóng cho người và phương tiện nước ngoài hoạt động nghề cá tại Việt Nam.
2. Lực lượng Thanh tra Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản căn cứ chức năng, nhiệm vụ đã được quy định, tăng cường, củng cố lực lượng kiểm tra kiểm soát trên biển, phối hợp chặt chẽ với Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng và các lực lượng thanh tra chuyên ngành khác để giám sát việc thi hành pháp luật Việt Nam trên các vùng biển.
3. Để thống nhất quản lý và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành liên quan, giữa Trung ương với địa phương, Bộ Thuỷ sản cùng các Bộ, ngành, địa phương tiến hành một số công việc sau:
- Cục Bảo vệ nguồn lợi Thuỷ sản phối hợp với Viện Nghiên cứu Hải sản các cơ quan nghiên cứu biển có liên quan để quy định thống nhất các khu vực vùng biển cho phép tàu thuyền nước ngoài hoạt động nghề cá, các điểm trú gió bão, điểm tập kết, điểm tập kết sản phẩm xuất khẩu... trình Bộ Thuỷ sản ban hành.
- Cục Bảo vệ nguồn lợi Thuỷ sản phối hợp với các lực lượng Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng và lực lượng chuyên ngành khác để xây dựng Quy định về cơ chế phối hợp trong việc tổ chức tuần tra kiểm soát, bắt giữ tàu thuyền nước ngoài vi phạm pháp luật trên vùng biển Việt Nam; tổ chức mạng lưới thông tin liên lạc thống nhất để quản lý biển, trình Bộ Quốc phòng và Bộ Thuỷ sản ban hành.
4. Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển căn cứ vào Nghị định số 49/1998/NĐ-CP ngày 13-7-1998 và Thông tư này để tổ chức, tuyên truyền giáo dục việc tuân thủ pháp luật và chỉ đạo các lực lượng chức năng của địa phương phối hợp với các lực lượng vũ trang ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trên các vùng biển Việt Nam; tổ chức phố biến hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có trụ sở tại địa phương hiểu rõ chính sách và các quy định của Nhà nước về quản lý hoạt động nghề cá trên biển của Việt Nam.
Thông tư này được phổ biến rộng rãi tới các doanh nghiệp thuỷ sản, ngư dân và cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Nguyễn Ngọc Hồng (Đã ký) |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
1. Người xin phép:
- Họ tên cá nhân, doanh nghiệp
- Địa chỉ cá nhân và nơi đặt trụ sở chính:
- Họ tên và địa chỉ nơi đặt đại diện tại Việt Nam.
2. Phương tiện xin hoạt động tại Việt Nam:
- Mô tả đặc điểm:
- Quốc gia đăng ký: Số đăng ký:
- Tổng số người đi trên phương tiện:
Trong đó: - Người nước ngoài:
- Người Việt Nam (nếu có):
- Hô hiệu máy thông tin:
- Tần số làm việc:
- Công suất động cơ chính (nếu có):
3. Thuyền trưởng hoặc người quản lý phương tiện:
- Họ và tên:
- Quốc tịch:
- Sinh ngày... tháng.... năm.... Tại:
- Địa chỉ thường trú:
4. Xin hoạt động nghề cá:
5. Địa điểm và thời gian xin phép:
- Địa điểm khu vực:
- Thời gian: từ.... đến
6. Cam kết:
Khi hoạt động trong các vùng biển Việt Nam, chúng tôi sẽ:
- Nghiêm chỉnh thực hiện các quy định của Pháp luật Việt Nam; các quy định ghi trong Giấy đăng ký hoạt động nghề cá; các điều khoản cam kết trong hợp đồng nghề cá đã ký kết.
Ngày... tháng.... năm....
Người làm đơn
(Ghi rõ họ tên, chức vụ)
BỘ THUỶ SẢN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
1. Ông bà:
Đã nộp hồ sơ xin đăng ký hoạt động nghề cá gồm:
-
-
2. Đề nghị ông, bà tới nhận thông báo kết quả vào ngày... tháng...
Hà Nội, ngày..... tháng.... năm....
Người nhận hồ sơ
(Ghi rõ họ tên, chức vụ)
DANH SÁCH ĐOÀN THUỶ THỦ
(Kèm theo ảnh từng người cỡ 3x4)
Số TT | Họ và tên | Tuổi | Quốc tịch | Chức danh | Ảnh |
Chủ phương tiện
(Ghi rõ họ, tên, chức vụ)
- 1Nghị định 49/1998/NĐ-CP về việc quản lý hoạt động nghề cá của người và phương tiện nước ngoài trong các vùng biển của Việt Nam
- 2Thông tư liên bộ 07-TT/LB năm 1992 hướng dẫn Điều 12, Điều 25 Nghi định 437-HĐBTvề cấp giấy phép, thu lệ phí (người và phương tiện hoạt động nghề cá của nước ngoài) và sử dụng tiền phạt do Bộ Tài chính; Bộ Thuỷ sản ban hành
Thông tư 03/1998/TT-BTS hướng dẫn Nghị định 49/1998/NĐ-CP về quản lý hoạt động nghề cá của người và phương tiện nước ngoài trong các vùng biển của Việt Nam do Bộ Thủy sản ban hành
- Số hiệu: 03/1998/TT-BTS
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 27/10/1998
- Nơi ban hành: Bộ Thuỷ sản
- Người ký: Nguyễn Ngọc Hồng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra