BỘ NÔNG LÂM | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ |
Số: 02-NL/TT | Hà Nội, ngày 14 tháng 02 năm 1958 |
VỀ VIỆC GIẢI THÍCH CHÍNH SÁCH VỀ NGHỀ ĐÁNH CÁ VÀ NUÔI CÁ.
Nước ta nhiều sông ngòi, hồ ao, có bờ biển dài, nguồn lợi nghề cá dồi dào, nhưng khai thác còn ít so với khả năng và đối chiếu với yêu cầu của Nhà nước và nhân dân. Vì vậy sau thời kỳ khôi phục, bước vào kế hoạch mới, nghề đánh cá được phát triển mạnh mẽ nhằm cải thiện đời sống cho ngư dân thỏa mãn yêu cầu cần thiết về thức ăn cho nhân dân và cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp. Để đẩy mạnh sản xuất cần phát triển nghề đánh cá và nghề nuôi cá.
Nhằm mục đích nói trên, Chính phủ đã ban hành chính sách đảm bảo quyền lợi của ngư dân, bảo vệ sản xuất, khuyến khích ngư dân phát triển nghề thuyền lưới, dụng cụ hợp tác tương trợ, cải tiến kỹ thuật để tăng thu hoạch. Chính sách này cần được phổ biến giải thích sâu rộng, làm cho ngư dân thật tin tưởng và an tâm phấn khởi sản xuất.
1) Tôn trọng quyền sở hữu tài sản của ngư dân và chủ thuyền:
Điểm này cần khuyến khích người có nghề, có vốn mạnh dạn bỏ ra kinh doanh nghề đánh cá, và nuôi cá, xác định quyền sở hữu tài sản, công cụ sản xuất cá.
Những tài sản, ngư cụ như thuyền lưới, đay, đăng, ao hồ của ngư dân và nông dân tự mình mua sắm, bỏ sức ra làm hay được chia trong cải cách ruộng đất, cải cách dân chủ, sửa sai đã được điều chỉnh đều được tôn trọng.
Đối với người có vốn bỏ ra sắm dọn thuyền lưới v.v… thuê mướn ngoài làm hoặc đưa cho người khác thuê trên nguyên tắc kẻ có của người có công hai bên đều có quyền lợi và hai bên đều thỏa thuận thì công cụ bỏ ra vẫn thuộc quyền sở hữu của họ: Điều này giải quyết cho anh em ngư dân thiếu vốn sắm công cụ sản xuất có phương tiện làm ăn và huy động người có vốn bỏ ra kinh doanh trên tinh thần đoàn kết, tương trợ sản xuất
Trong nhân dân còn có thắc mắc sợ bỏ vốn kinh doanh thuyền lưới đánh cá sẽ lên thành phần. Đây là một sự hiểu lầm cần giải thích rõ để họ an tâm.
Riêng đối với địa chủ cần chỉ rõ cho họ thấy nếu họ tham gia lao động đánh cá để cải tạo tuân theo pháp luật, sau này họ có thể được thay đổi thành phần, và hiện nay họ có thể sắm thêm dụng cụ đánh cá như ngư dân, nhưng không được sinh hoạt chính trị chung với ngư dân và ở trong đoàn.
2) Khuyến khích tổ chức làm ăn tập thể, bảo đảm quyền lợi của nhau,và giúp đỡ lẫn nhau:
Căn bản là khuyến khích việc làm ăn tập thể mới đủ sức mạnh chống chọi với thiên nhiên và mới có điều kiện phát huy sáng kiến, cải tiến dụng cụ và kỹ thuật đánh cá, nuôi cá, cải thiện đời sồng cho ngư dân và nông dân nói chung. Đây là một điểm hết sức cần thiết và có lợi.
Tiếp tục xóa bỏ triệt để những tàn tích có tính chất bóc lột, kìm hãm sản xuất của chế độ đế quốc và phong kiến. Chỉ có xây dựng cơ sở tập thể hóa theo đường lối phát triển kinh tế xã hội chủ nghĩa mới xóa bỏ được tình trạng sản xuất còn lạc hậu bấp bênh.
Để xây dựng và phát triển tổ chức sản xuất tập thể, cán bộ lãnh đạo cần nắm vững áp dụng những nguyên tắc: tự nguyện dân chủ, cũng có lợi, cụ thể là:
- Việc tổ chức phải hoàn toàn dựa vào sự tự nguyện tự giác của bản thân và người trong gia đình của họ vui vẻ xin gia nhập tổ chức, tuyệt đối không nên dùng các hình thức cưỡng ép mệnh lệnh.
- Về quản lý dân chủ cần phát huy quyền tự do bàn bạc thảo luận mọi việc, tự xây dựng bộ máy quản trị, xây dựng thực hiện kế hoạch, nguyên liệu dụng cụ, sản xuất, tiêu thụ, tài vụ v.v… làm cho việc quản lý được công khai rành mạch, do đó mới phát huy được tinh thần, trách nhiệm của mỗi người trong tổ chức, thiết tha gắn bó với tổ chức.
Việc phân chia quyền lợi theo lối bình quân, làm trái nguyên tắc hai bên cùng có lợi, hạn chế rất lớn khả năng và sáng kiến trong lao động sản xuất, gây ra những tư tưởng ỷ lại lười biếng, ít muốn học tập để trau dồi nghề nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến mức thu hoạch.
Trong tập thể cần chú ý trước hết đến sức lao động và tài năng về kỹ thuật, làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, có tài hơn thì đãi ngộ hơn.
Ngoài những điểm trên, việc bỏ vốn, bỏ dụng cụ sản xuất vào tập đoàn cũng cần xét kỹ đến vốn nhiều hay ít, dụng cụ tốt hay xấu, giá trị bao nhiêu để quy định việc hưởng lợi cho hợp lý; nếu vốn được hưởng lợi quá ít thì người có vốn không muốn bỏ vốn vào tập đoàn nhưng trái lại vốn hưởng thụ quá nhiều thì anh em trong tổ chức tập đoàn cũng không phấn khởi đẩy mạnh sản xuất, do đó lao động phải được bảo đảm.
Chủ yếu là quy định nội dung chính sách lao tư lưỡng lợi, áp dụng đảm bảo quyền lợi giữa người có vốn cho vay và người vay, giữa người có công cụ cho thuê và người thuê, giữa người chủ thuyền và người làm công như thợ bạn, để đảm bảo sự đoàn kết phát triển sản xuất.
Chính phủ thừa nhận việc cho vay trên cơ sở có vay có trả, có vốn có lãi do hai bên thỏa thuận, nghĩa là vay phải trả lãi với tỷ lệ vừa phải không quá nặng, với tinh thần tương trợ lẫn nhau không được bóc lột quá đáng, nhằm lợi cho sản xuất, cho đoàn kết và kiến quốc.
Mặt khác việc tự do lao động và tự do kinh doanh, Chính phủ, đoàn thể không ngăn cấm nhưng phải sử dụng cho đúng quyền tự do cho hợp lý, phải có sự cam kết và giữ nguyên tắc cam kết với nhau, chủ thuyền không có quyền đuổi thợ bạn ra với những lý do không chính đáng nhưng mặt khác anh em ngư dân có trách nhiệm đảm bảo sản xuất không tự do nghỉ việc bỏ thuyền lưới giữa mùa đi thuyền khác một cách không chính đáng. Vì trong nghề đánh cá mỗi khi muốn đi đánh cá phải đủ số người mới có thể điều khiển công cụ đánh cá được, nếu một vài người tự động bỏ việc thì phải nghỉ việc sản xuất ảnh hưởng đến quyền lợi chung của tất cả anh em trong thuyền.
Điểm tự do thuê và cho thuê dụng cụ sản xuất cá, nhằm đảm bảo cho hai bên: người thuê mướn dụng cụ, người chủ cho thuê mướn cũng không làm trở ngại cho người thuê dụng cụ sản xuất, quyền lợi và nguyên tắc thời gian do hai bên thỏa thuận với nhau.
4) Khuyến khích bảo vệ các nguồn lợi cá và ngăn cấm việc dùng chất nổ, chất độc, giết hại cá:
Cá cũng như các loại động vật khác sinh sản có chừng, nếu khai thác bừa bãi không có kế hoạch bảo vệ thì dần dần sẽ hết, do đó song song với việc khuyến khích phát triển nghề đánh cá phải khuyến khích nhân dân bảo vệ nguồn lợi cá nhằm đạt yêu cầu đánh cá lâu dài mà thu hoạch ngày càng tăng.
Trình độ kỹ thuật đánh cá của nhân dân còn thấp kém, tập quán bắt cá còn quá phức tạp chưa chú trọng bảo vệ nguồn lợi cá cho nên bước đầu chủ yếu là giáo dục tinh thần tự giác bảo vệ, chăm sóc những nơi cá tập trung sinh đẻ, những nơi cá con mới sinh và các giống cá quý.
Đồng bào trung du áp dụng nhiều phương tiện như chài lưới để bắt cá, nhưng còn một số người dùng chất nổ thuốc độc, men giết hại hàng loạt cá, lớn, bé, trứng cá ở bãi, vùng cá mới sinh làm tuyệt giống cá và có khi hại đến tính mạng con người nữa. Việc này rất có hại cần phải ngăn cấm, vì ngư dân có thể dùng những phương tiện khác để bắt cá mà vẫn đảm bảo thu hoạch.
Vùng thượng du từ lâu đời thuốc cá của nhân dân đến nay còn sử dụng phổ biến mà chưa biết cách dùng chài lưới bắt cá, do đó cần đặt vấn đề giáo dục, chỉ dẫn cải tiến cách bắt cá để dần dần tiến đến xóa bỏ tình trạng này, vì đây là những vùng sinh nở của cá.
5) Khuyến khích cải tiến kỹ thuật tăng thu hoạch:
Nguồn lợi cá của nước ta rất phong phú, nghề đánh cá nuôi cá đã có từ lâu nên có rất nhiều kinh nghiệm sáng kiến tốt chưa được trao đổi tập hợp và phổ biến, chỉ người nào biết người ấy áp dụng thôi, nay Chính phủ chú trọng hướng dẫn, trao đổi phổ biến rộng rãi nhằm nâng cao kỹ thuật để thu hoạch được nhiều cá. Trong lúc ta chưa sử dụng những phương tiện và kỹ thuật tiền tiến về đánh cá, nuôi cá, việc trao đổi kinh nghiệm, phổ biến nghề nghiệp từ vùng này qua vùng khác sẽ giúp ích rất nhiều trong việc cải tiến kỹ thuật tăng thu hoạch. Các trạm kỹ thuật sẽ được tổ chức và có nhiệm vụ hướng dẫn ngư dân về mặt này.
6) Giúp đỡ ngư dân giải quyết khó khăn về nghề nghiệp:
Việc phát triển nghề đánh cá của ngư dân hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, phần thì thiếu dụng cụ, phương tiện, nguyên vật liệu, phần vì bị trở ngại trong việc tiêu thụ chế biến làm giảm mức thu hoạch và có thu hoạch được cá cũng phải bỏ phí v.v… Do đó Chính phủ cần có chính sách giúp đỡ ngư dân bằng mọi biện pháp thiết thực như: tổ chức cung cấp nguyên vật liệu cho ngư dân để sắm dọn ngư cụ sản xuất, hướng dẫn xây dựng các tập đoàn hợp tác xã vay mượn mua bán, tiêu thụ cá để giúp đỡ lẫn nhau, đồng thời Chính phủ tổ chức Công ty hải sản nhằm bình ổn giá cả, giúp đỡ ngư dân tiêu thụ trong những trường hợp đánh được nhiều cá bị ứ đọng, không bị đầu cơ bóp chẹt giá.
Chính phủ hướng dẫn ngư dân làm ăn tập thể, tiếp thêm vốn (cho vay) trong hoàn cảnh ngư dân thiếu ít nhiều để phát triển sản xuất.
7) Chính sách thuế đối với nghề đánh cá biển, nuôi cá hồ, ao, ruộng và đối với nghề ương cá giống:
Nhằm phục vụ cho quảng đại quần chúng nông dân và ngư dân lao động, khuyến khích phục hồi lại những ao, hồ, của công và tư đang bỏ hoang và tạo điều kiện phát triển thêm cơ sở nuôi cá, ương cá, phát triển cá ruộng, mặt khác khuyến khích phát triển nghề phụ như: chấp gai, đan lưới v.v… để phục vụ nghề cá. Nói chung để tăng cường cải thiện đời sống cho nông dân và ngư dân, tăng nguồn lợi cá.
Chính sách thuế đối với nghề cá không phải để khuyến khích một số người đấu thầu kinh doanh để bóc lột như trước kia.
Miễn thuế cho các nghề phụ vì thực tế những nghề như: xe gai, đan lưới, vớt cá bọt, ương cá v.v… không phải là nghề sống chính của nhân dân, mà chỉ làm trong thời vụ đồng áng đã rỗi rảnh hay nghề này chỉ có một số bà già, phụ nữ thiếu sức lao động tham gia, vả lại cũng là những nghề cần thiết để tạo điều kiện phát triển nghề đánh cá.
Thuế là một nguồn thu kiến thiết quốc gia nên mỗi một công dân đều có nhiệm vụ đóng góp, nếu nông dân có thuế nông nghiệp thì ngư dân cần có một chính sách thuế cho hợp lý với nguyện vọng ngư dân vì 3 năm khôi phục kinh tế Chính phủ còn phải bỏ vốn giúp ngư dân sắm ngư cụ nên chưa đặt ra nay bắt đầu nghề cá sẽ có quy định cho ngư dân đóng góp kiến quốc như nông dân.
Đối với những ao hồ chuyên môn thả cá, trong trường hợp bị thiên tai như lụt, rét, v.v… tức là bị thất thu, người nuôi cá ảnh hưởng đến thu hoạch cũng như nông dân bị mất hoa lợi trên ruộng đất, nên Chính phủ xét chiếu cố miễn giảm.
Đối với ao ương cá giống để nuôi cá và có đủ bán ra ngoài được miễn thuế, điểm này căn bản là khuyến khích nông dân phát triển ương cá, nuôi cá giống, vì cơ sở ương cá nhiều ít sẽ quyết định việc phát triển nuôi cá và nhiều vùng có khả năng phát triển nuôi cá cần được cung cấp cá con, mà hiện nay cơ sở ương cá con còn ít.
Miễn thuế cho những hồ ao mới vỡ hoang trong thời gian từ một năm đến 3 năm, điểm này chiếu cố sức lao động và vốn bỏ ra dọn dẹp vỡ hoang và khả năng thu hoạch để quy định thời gian miễn thuế, nhưng mặt khác vẫn cần hướng dẫn cho nhân dân chăn nuôi và chăm sóc cáđể thu hoạch được kết quả tốt, vì nếu không chú ý chăm sóc cá thì dầu Chính phủ miễn thuế, thu hoạch vẫn ít, thu hồi vốn lâu, nhân dân sẽ kém phấn khởi.
8) Tổ chức bảo vệ sản xuất cho ngư dân:
Nghề đánh cá của ta hiện nay với những dụng cụ thô sơ, đi ra biển thường gặp giông bão bất ngờ, ngư dân chưa biết trước một cách chính xác nên nhiều lúc bị nguy hại đến tính mạng và tài sản. Thêm nữa, muốn tăng thu hoạch, phạm vi hoạt động của ngư dân cần phải mở rộng ra khơi, và cần tạo điều kiện để ngư dân có điều kiện hoạt động lâu ngày trên mặt biển.
Do đó, để đảm bảo toàn cho ngư dân, đồng thời khuyến khích ngư dân phát triển nghề đánh cá khơi, Chính phủ sẽ nghiên cứu thành lập các trạm báo bão bằng tín hiệu cho ngư dân biết để tránh bão, mặt khác giáo dục cho ngư dân có ý thức tổ chức tương trợ cứu giúp nhau trong khi gặp tai nạn. Nhưng điểm quan trọng nữa là đi đôi với sự chú ý của Chính phủ, ngư dân phải tự mình tăng cường tổ chức của mình để có điều kiện thông tin, giúp đỡ nhau. Việc cải tiến dụng cụ và tăng cường tổ chức đánh cá (ví dụ: đi đánh cá từng đoàn bằng thuyền lớn) không những đi ra xa, đi lâu ngày sẽ thu hoạch nhiều được mà còn là tăng cường điều kiện bảo đảm an toàn cho ngư dân trên mặt biển.
9) Khen thưởng các đơn vị cá nhân có thành tích sản xuất:
Nguồn lợi cá của ta góp một phần quan trọng trong nền kinh tế quốc gia, nhưng đi sâu mặt kỹ thuật đánh cá, nuôi cá hiện nay, còn thấp kém, kinh nghiệm sáng kiến tiềm tàng trong quần chúng nông dân và ngư dân có nhiều trong quá trình lao động sản xuất, nhưng chúng ta cũng chưa nhận thức đúng được những giá trị tác dụng của nó, để tập hợp, trao đổi phổ biến, do đó Chính phủ đề ra chính sách khen thưởng để khuyến khích khả năng sáng tạo của ngư dân và nông dân trong sản xuất để làm cho nghề đánh cá, nuôi cá phát triển nhanh chóng. Có đoàn kết tương trợ mới có điều kiện củng cố tổ chức, tăng cường phương tiện, trao đổi kinh nghiệm, phổ biến kỹ thuật rộng rãi.
10) Nghiêm cấm phá hoại sản xuất:
Việc sản xuất nghề cá gắn liền với việc bảo vệ mọi dụng cụ phương tiện cần thiết cho nghề cá như đèn biển, phao nổi, tín hiệu… cho người đánh cá biển, cũng như hồ, ao, đăng, rậu, của người nuôi cá không được phá hoại, dù là của công hay của tư. Cần giáo dục để mọi người thấy không nên vì quyền lợi cá nhân mà gây thiệt hại đến việc sản xuất nghề cá, cũng như một sự phá hoại nhỏ có thể gây thiệt hại lớn, như là mất cá thu hoạch của một ao cá lớn, hoặc làm thiệt hại đến cả tính mạng người đi biển, người nuôi cá riêng, tập thể cơ quan Chính phủ, nếu ai vi phạm sẽ bị trừng trị theo pháp luật.
K.T BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG LÂM |
Thông tư 02-NL/TT năm 1958 giải thích chính sách về nghề đánh cá và nuôi cá do Bộ Nông Lâm ban hành
- Số hiệu: 02-NL/TT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 14/02/1958
- Nơi ban hành: Bộ Nông lâm
- Người ký: Lê Duy Trinh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 11
- Ngày hiệu lực: 01/03/1958
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định