Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 63/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 11 tháng 3 năm 2008

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG THƯỜNG TRỰC NGUYỄN SINH HÙNG VỀ VIỆC TRIỂN KHAI CÁC BIỆN PHÁP ỔN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG, KIỀM CHẾ LẠM PHÁT NĂM 2008

Ngày 07 tháng 3 năm 2008, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trường trực Nguyễn Sinh Hùng đã chủ trì cuộc họp bàn về việc triển khai các biện pháp ổn định thị trường, kiềm chế lạm phát năm 2008. Tham dự có Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, đại diện lãnh đạo các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công an, Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Văn phòng Chính phủ.

Sau khi nghe báo cáo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, của Bộ trưởng Bộ Tài chính, ý kiến của lãnh đạo các cơ quan dự họp và ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng có ý kiến chỉ đạo như sau:

1. Tiếp tục thực hiện đồng bộ và quyết liệt các giải pháp kiềm chế lạm phát, kiểm soát tăng giá năm 2008 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 75/TTg-KTTH ngày 15 tháng 01 năm 2008 về biện pháp kiềm chế lạm phát, kiểm soát tăng giá năm 2008 và văn bản số 319/TTg-KTTH ngày 03 tháng 3 năm 2008 về tăng cường các biện pháp kiềm chế lạm phát năm 2008.

Các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bám sát nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản nêu trên, xây dựng thành chương trình hành động cụ thể, thiết thực và khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện.

2. Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần thực hiện quản lý các hoạt động tài chính, tín dụng theo các chuẩn mực, tiêu chí cụ thể, rõ ràng, được công bố công khai; có biện pháp kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ các quy định này, xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm. Tăng cường công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô, phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện để các hiệp hội phát huy vai trò trong việc đề xuất chính sách, thực hiện tốt chỉ đạo điều hành của Chính phủ trong các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, góp phần bình ổn thị trường, kiềm chế lạm phát.

3. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố rõ việc hỗ trợ vốn bảo đảm khả năng thanh toán của các ngân hàng thương mại. Thực hiện điều hành chính sách lãi suất dương phù hợp với tình hình thực tế thị trường; đồng thời, thường xuyên phân tích, đánh giá tình hình thị trường, xu hướng lãi suất, có biện pháp cụ thể để kiểm soát chặt chẽ lãi suất huy động, giảm dần xuống mức hợp lý để tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh.

4. Giao Bộ trưởng Bộ Tài chính:

Chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tham gia mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán để góp phần ổn định thị thường. Bộ trưởng Bộ Tài chính - Chủ tịch Hội đồng quản trị SCIC quyết định số lượng và danh mục cổ phiếu, thời điểm và cách thức triển khai. Việc mua cổ phiếu của SCIC cần hướng tới mục tiêu dài hạn của doanh nghiệp và của thị trường chứng khoán.

Đồng ý về chủ trương cho nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của công ty đại chúng chưa niêm yết với hạn mức 40%, trừ những lĩnh vực có quy định riêng của Chính phủ.

Khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách và lộ trình thực hiện hỗ trợ của Nhà nước đối với đồng bào nghèo, các đối tượng chính sách, các doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện cơ chế giá thị trường.

Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xử lý tiền gửi của Kho bạc Nhà nước theo hướng: những nơi có ngân hàng Nhà nước thì chuyển về gửi tại ngân hàng Nhà nước; trường hợp thật sự do yêu cầu tiện lợi cho việc thanh toán và những nơi không có ngân hàng Nhà nước thì gửi ở ngân hàng thương mại.

5. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì:

Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát lại các công trình, dự án, lên danh mục các dự án cần phải đình hoãn hoặc dãn tiến độ, tập trung vốn cho các công trình có khả năng hoàn thành trong năm 2008 và tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15 tháng 4 năm 2008.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện về cơ chế chính sách để cải thiện môi trường đầu tư, tăng khả năng huy động vốn đáp ứng nhu cầu tăng trưởng.

6. Các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực phải xác định rõ trách nhiệm trong tổ chức hoạt động thông tin, tuyên truyền về chủ trương và các giải pháp bình ổn thị trường, giá cả, kiềm chế lạm phát; chủ động cung cấp thông tin cho nhà báo và các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình diễn biến thị trường và chủ trương điều hành của Chính phủ.

7. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan, đưa tin, bài chính xác, ủng hộ các chủ trương, chính sách của Nhà nước trên lĩnh vực nhạy cảm này, tránh những thông tin sai sự thật, có tính kích động, gây tâm lý bất an trong xã hội; đồng thời xử lý hoặc đề xuất xử lý việc đưa thông tin sai lệch trên các phương tiện thông tin.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Bí thư TW Đảng;
- Thủ tướng CP, các Phó TTgCP;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương, các Ban của Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty 91;
- Website Chính phủ;
- Các thành viên HĐTVCSTCTTQG;
- VPCP: BTCN, các PCN, các Vụ, cục
- Lưu: VT, KTTH (6b).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Văn Trọng Lý

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo số 63/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng về việc triển khai các biện pháp ổn định thị trường, kiềm chế lạm phát năm 2008 do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 63/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 11/03/2008
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Văn Trọng Lý
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản