Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-----

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 1127/CT-BNN-TC

Hà Nội, ngày 25 tháng 4 năm 2008

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP THỰC HÀNH TIẾT KIỆM NHẰM MỤC TIÊU KIỀM CHẾ LẠM PHÁT

Trong thời gian qua, những biến động bất lợi của tình hình kinh tế thế giới cùng những hệ quả nặng nề của thiên tai, dịch bệnh đã tác động tiêu cực đến tăng trưởng và mặt bằng giá trong nước. Trước tình hình đó, Chính phủ đã thống nhất xác định nhiệm vụ trọng tâm hiện nay của đất nước ta là: kiềm chế lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững, trong đó kiềm chế lạm phát là mục tiêu ưu tiên hàng đầu.

Để hoàn thành những nhiệm vụ và mục tiêu do Chính phủ đề ra, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt và đồng bộ các biện pháp sau:

I. ĐỐI VỚI LĨNH VỰC ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CƠ BẢN NĂM 2008

1. Với các dự án đang triển khai:

- Tập trung vốn cho các dự án hoàn thành, hoặc cơ bản hoàn thành để phát huy ngay hiệu quả đầu tư.

- Không cho đấu thầu vượt kế hoạch đã phân bổ.

- Đối với dự án chuyển tiếp: Rà soát lại các hạng mục chưa triển khai, chưa thi công các hạng mục chưa thực sự cấp thiết, để tập trung vốn hoàn thành các hạng mục phát huy ngay hiệu quả.

2. Với các dự án dự kiến khởi công mới: Tạm dừng, không bố trí vốn cho các dự án chưa thực sự cấp bách, không mang lại hiệu quả. Không bố trí vốn cho các dự án chưa đủ thủ tục đầu tư, chưa giải phóng mặt bằng.

3. Sắp xếp lại vốn đầu tư: Trên cơ sở tổng mức kế hoạch vốn được giao năm 2008, phân bổ lại kế hoạch vốn đầu tư, tăng vốn thực hiện cho các dự án có hiệu quả, cấp bách, hoàn thành trong năm 2008-2009, giảm vốn ở các dự án khởi công mới.

II. ĐỐI VỚI LĨNH VỰC CHI THƯỜNG XUYÊN TRONG DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2008

1. Đối với chương trình, dự án viện trợ không hoàn lại:

- Bằng mọi biện pháp triển khai thực hiện đúng kế hoạch tiến độ giải ngân nguồn viện trợ không hoàn lại.

2. Đối với chi sự nghiệp thường xuyên:

- Cắt giảm, tiết kiệm 10% chi thường xuyên trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2008 bằng các biện pháp sau:

+ Thực hiện tốt các biện pháp khoán chi, thực hành tiết kiệm chi phí văn phòng phẩm, điện thoại, điện, nước, chi phí đi lại, chi phí xăng dầu... (tiết kiệm tối thiểu 10%) nhưng vẫn đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch được giao.

+ Cắt giảm 1 số dự án mua sắm tài sản, dự án sửa chữa lớn, xây dựng nhỏ do các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức khoa học công nghệ đề nghị thực hiện năm 2008 nhưng chưa thực sự cần thiết. Tạm dừng mua sắm ô tô, phương tiện, tài sản có giá trị lớn, sửa chữa lớn trụ sở làm việc.

+ Rà soát kỹ việc tổ chức hội họp trước khi phê duyệt dự toán: từ thành phần tham dự, địa điểm tổ chức, quy mô tổ chức, in ấn tài liệu, hình thức đưa đón đại biểu,...

+ Hạn chế tối đa các hoạt động lễ hội, lễ kỷ niệm, tổng kết, sơ kết, đón nhận danh hiệu thi đua và các cuộc họp không cần thiết.

+ Xác định đúng đối tượng, nhu cầu công việc để cử đoàn ra cũng như tiếp đón đoàn vào. Việc tổ chức các đoàn đi khảo sát, học tập ở nước ngoài cần có nội dung cụ thể và thiết thực, không trùng lắp, không kết hợp học tập kinh nghiệm nước ngoài với giải quyết các đối tượng chính sách, kết hợp tham quan, du lịch…, tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.

+ Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc Bộ.

III. ĐỐI VỚI CÔNG TÁC TỔ CHỨC, NHÂN SỰ

- Đẩy nhanh quá trình tinh giản biên chế.

- Tuyển chọn cán bộ, các đối tượng hợp đồng theo yêu cầu công việc cụ thể, có tiêu chí lựa chọn rõ ràng và nhiệm vụ cụ thể, làm cơ sở cho việc tuyển chọn cũng như đánh giá cán bộ.

- Bố trí nhân sự phù hợp với nhu cầu công việc.

- Tăng cường phân cấp để nâng cao trách nhiệm của các đơn vị dự toán, tránh trường hợp ỷ lại quá nhiều vào các quyết định của cấp trên.

- Thực hiện tốt việc xây dựng chức danh công chức tới mọi cán bộ, công chức, hợp đồng lao động …

- Tiếp tục rà soát, xác định rõ chức năng nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị để hạn chế tối đa việc đùn đẩy trách nhiệm giải quyết công việc cũng như việc tổ chức các cuộc họp nhiều bên không cần thiết.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Bộ trưởng giao Vụ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn các cơ quan, đơn vị các biện pháp tiết kiệm và phân bổ số kinh phí cắt giảm, tiết kiệm chi thường xuyên và thường xuyên theo dõi, tổng hợp báo cáo Bộ trưởng.

Văn phòng Bộ, Thủ trưởng các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức khoa học công nghệ thuộc Bộ căn cứ vào số phân bổ về cắt giảm, tiết kiệm chi thường xuyên được giao xây dựng kế hoạch, phương án và các biện pháp cụ thể thực hiện báo cáo Bộ đồng thời quán triệt tới công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện.

Bộ trưởng yêu cầu Thủ trưởng các Vụ, Cục, Thanh tra, Văn phòng Bộ, Ban Đổi mới và Quản lý doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ khẩn trương, nghiêm túc triển khai thực hiện chỉ thị này./.

 

 

BỘ TRƯỞNG




Cao Đức Phát

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 1127/CT-BNN-TC năm 2008 về tăng cường thực hiện các biện pháp thực hành tiết kiệm nhằm mục tiêu kiềm chế lạm phát do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 1127/CT-BNN-TC
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 25/04/2008
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Cao Đức Phát
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 25/04/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản