VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 38/TB | Hà Nội, ngày 11 tháng 3 năm 1995 |
THÔNG BÁO
CỦA VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ SỐ 38/TB NGÀY 11 THÁNG 3 NĂM 1995 VỀ KẾT QUẢ LÀM VIỆC CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỚI UỶ BAN BẢO VỆ VÀ CHĂM SÓC TRẺ EM VIỆT NAM
Ngày 4 tháng 3 năm 1995, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã làm việc với Uỷ ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam.
Cùng dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh, đại diện các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Tài chính, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Ban Tổ chức - cán bộ Chính phủ, Trung ương Đoàn thanh niên, Văn phòng Chính phủ.
Sau khi nghe đồng chí Trần Thị Thanh Thanh, Bộ trưởng Chủ nhiệm Uỷ ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam báo cáo về việc thực hiện Công ước quốc tế về quyền trẻ em ở nước ta, tình hình thi hành Luật bảo vệ và chăm sóc trẻ em; kiểm điểm chương trình hành động Vì trẻ em trong những năm qua và phương hướng hành động cho những năm tới.
Thủ tướng Chính phủ đã kết luận:
1. Công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em những năm qua có tiến bộ rõ rệt, đã hình thành chương trình hành động quốc gia vì trẻ em.
Uỷ ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam với tư cách là một cơ quan chuyên trách lo công tác này đã tổ chức phối hợp với các bộ, ngành, các đoàn thể liên quan hoạt động theo mục tiêu của chương trình hành động quốc gia. Một số ngành chuyên môn đã đi sâu chỉ đạo giải quyết có hiệu quả nhiều vấn đề về trẻ em. Công tác tuyên truyền, báo chí đã có tác dụng nâng cao một bước nhận thức đối với vấn đề chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể, Uỷ ban Chăm sóc và bảo vệ trẻ em Việt Nam các cấp và các tổ chức xã hội đã có nhiều sáng kiến đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở nước ta đã huy động được sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật của các tổ chức quốc tế, các tổ chức Chính phủ và phi Chính phủ và được quốc tế đánh giá cao về hoạt động nghiêm túc, có kết quả của Việt Nam.
Tuy nhiên, sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc trẻ em chưa được thể hiện rõ rệt trong kế hoạch kinh tế và xã hội dài hạn cũng như hàng năm của Nhà nước. Còn nhiều vấn đề của trẻ em rất đáng quan tâm lo lắng như: trẻ em có hành vi phạm tội có xu hướng tăng lên; trẻ em lang thang gắn với các tệ nạn xã hội mại dâm, ma tuý đang phát triển nhất là ở các thành phố và thị xã. Việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em chưa trở thành ý thức thường trực của từng Bộ, từng ngành. Có những bộ tuy là thành viên của Uỷ ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em nhưng công việc này mới dừng lại ở nhiệm vụ của cá nhân đồng chí lãnh đạo được phân công, chưa biến thành chương trình công tác và kế hoạch của toàn ngành. Uỷ ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam chưa làm tốt chức năng thanh tra, giám sát việc thi hành luật pháp trong lĩnh vực trẻ em, xem xét một cách nghiêm túc các văn bản, chỉ thị của các ngành đã ban hành chỉ ra những điểm vi phạm Công ước hoặc trái với luật của Nhà nước.
2. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
a) Các bộ, các ngành chức năng có liên quan đến trẻ em phải tổ chức sơ kết, kiểm điểm nghiêm túc về trách nhiệm của ngành mình đối với công tác bảo vệ và chăm sóc, giáo dục trẻ em, trên cơ sở đó đề ra các kế hoạch cụ thể; kiến nghị các cơ chế chính sách nhằm thực hiện tốt Luật Bảo vệ và chăm sóc trẻ em cũng như Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Cần nêu ra một cách rõ ràng những vấn đề bản thân ngành phải tự giải quyết, những vấn đề có tính chất liên ngành, những vấn đề dựa vào cộng đồng dân cư và các vấn đề cần đề nghị Chính phủ.
Thời gian tiến hành kiểm điểm trong 3 tháng năm 1995. Thủ tướng Chính phủ sẽ nghe một số ngành báo cáo kiểm điểm về vấn đề này vào hạ tuần tháng 4-1995.
Các Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng sơ kết kiểm điểm công việc này vào tháng 3 và tháng 4-1995 và có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ.
b) Uỷ ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam phải rút kinh nghiệm về sự chỉ đạo và cách làm việc trong thời gian vừa qua, phải tập trung sự hoạt động vào chức năng phối hợp, điều hoà hoạt động của các bộ, các ngành trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đôn đốc, hỗ trợ các bộ, các ngành, trước hết là các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hoá - Thông tin, Thể dục - Thể thao, đặt nhiệm vụ chăm sóc trẻ em vào kế hoạch công tác chung của bộ, của ngành và chỉ đạo thực hiện có kết quả các kế hoạch ấy. Uỷ ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam phải tăng cường các hoạt động về quản lý Nhà nước, kiểm tra thường xuyên và chặt chẽ các cấp, các ngành trong việc tổ chức thi hành Luật Bảo vệ chăm sóc trẻ em và các quyết định của Chính phủ. Uỷ ban làm việc theo cơ chế phối hợp liên ngành, rất hạn chế trực tiếp phụ trách những công việc cụ thể thuộc chức năng và trách nhiệm thường xuyên của các bộ.
c) Uỷ ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam và các bộ cần mời một số chuyên gia, một số nhà tâm huyết nghiên cứu về trẻ em góp ý kiến về cách tổ chức huy động các nguồn lực xã hội, các tổ chức quốc tế tham gia vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ trẻ em, làm cho việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em thực sự là công sức của toàn xã hội và sử dụng có hiệu quả tiền tài, sức lực của xã hội cho sự nghiệp này.
d) Cho phép tiếp tục thực hiện một số biện pháp gây quỹ cho Quỹ bảo trợ trẻ em như mở xổ số định kỳ, phát hành tem bưu điện có phụ thu, v.v... Uỷ ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam làm việc cụ thể với Bộ Tài chính và các ngành liên quan để giải quyết.
3. Để động viên phong trào toàn dân chăm sóc trẻ em, Thủ tướng đồng ý cho ban hành huy chương vì trẻ em.
Thủ tướng Chính phủ sẽ thường xuyên theo dõi và tạo điều kiện cho việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em đặc biệt là chăm lo cho các trẻ em thiệt thòi, nghèo khó.
| Lê Xuân Trinh (Đã ký) |
Thông báo số 38/TB về kết quả làm việc của Thủ tướng Chính phủ với Uỷ ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam do Văn phòng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 38/TB
- Loại văn bản: Thông báo
- Ngày ban hành: 11/03/1995
- Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
- Người ký: Lê Xuân Trinh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 11/03/1995
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định