Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 238/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 05 tháng 08 năm 2009

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI TẠI HỘI NGHỊ GIAO BAN BAN CHỈ ĐẠO ĐIỀU PHỐI, PHÁT TRIỂN VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Ngày 21 tháng 7 năm 2009, tại thành phố Cần Thơ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì Hội nghị giao ban Ban Chỉ đạo điều phối, phát triển Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Lao động – Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Chính phủ và lãnh đạo 4 tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau.

Sau khi nghe đại diện lãnh đạo các địa phương và Bộ, ngành báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2009 và định hướng hoạt động điều phối Vùng trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG:

Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long tuy mới được thành lập (tháng 4/2009) như có xuất phát điểm ở mức khá cao so với cả nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2001-2005 của các địa phương trong Vùng bình quân đạt 10,96%/năm (cả nước 7,5%/năm) và 13,57%/năm trong các năm 2006-2008 (cả nước 7,6%/năm). Cơ cấu các ngành kinh tế các địa phương trong Vùng đều chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp – xây dựng và dịch vụ.

Vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long là địa bàn có vị trí địa lý thuận lợi cho phát triển nông nghiệp và thủy hải sản, với các mặt hàng chiến lược là lúa gạo và cá tra, basa, là nơi hội tụ các điều kiện ứng dụng công nghệ cao vào phát triển sản xuất nông nghiệp phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu quy mô lớn nhất cả nước.

Trong điều kiện kinh tế thế giới suy giảm, tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam, các địa phương trong Vùng đã quyết liệt thực hiện Nghị quyết 30/2008/NQ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động, nên tình hình kinh tế - xã hội của các địa phương trong Vùng tiếp tục phát triển và đạt trên mức bình quân của cả nước, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chiến lược vẫn đạt được ở mức cao.

II. CÁC NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI

1. Đối với các địa phương thuộc Vùng Kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long:

a) Tiếp tục triển khai 5 nhóm giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế đã đề ra trong Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ. Tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, tăng tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản.

b) Từng tỉnh, thành phố phải đánh giá, xác định cơ cấu kinh tế hợp lý, chuyển dịch cơ cấu lao động để phát triển bền vững; đa dạng hóa mặt hàng sản xuất và ngành nghề sản xuất tại khu, cụm công nghiệp; tập trung rà soát các quy hoạch hiện có, tiến hành thực hiện công tác quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội và quy hoạch ngành cho giai đoạn từ năm 2011-2020.

c) Tập trung phát triển nguồn nhân lực thông qua việc đẩy mạnh công tác đào tạo; đa dạng hóa các hình thức dạy nghề, coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Vùng.

d) Chủ động phối hợp với Văn phòng Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Quyết định số 159/2007/QĐ-TTg ngày 10/10/2007 của Thủ tướng Chính phủ về quy chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương đối với các Vùng kinh tế trọng điểm, từ đó đề xuất được các vấn đề cần điều phối tại địa phương mình.

đ) Trên cơ sở các kịch bản về biến đổi khí hậu, các địa phương chủ động phối hợp với các Bộ, ngành trung ương nghiên cứu, đánh giá các tác động của biến đổi khí hậu đối với từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể của địa phương mình, từ đó phối hợp với các Bộ, ngành trung ương và các địa phương trong Vùng đề xuất các nhóm giải pháp cụ thể để khắc phục.

e) Thực hiện tốt, hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng, bảo vệ hành lang dọc theo các tuyến đường để phát triển các tuyến đường cao tốc trong tương lai.

g) Khẩn trương và nghiêm túc rà soát để dừng việc cấp giấy phép khai thác cát xuất khẩu.

h) Phối hợp với Văn phòng Ban Chỉ đạo điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm đăng tải, cập nhật thông tin kinh tế - xã hội của từng địa phương lên website Vùng, website của Ban chỉ đạo; tổ chức các Hội nghị chuyên đề, xây dựng các Chương trình hợp tác cụ thể với các tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về việc xem xét nâng mức hỗ trợ các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long (hỗ trợ cho các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu) cao hơn so với mức bình quân chung đang áp dụng đối với các Vùng kinh tế trọng điểm khác để tạo thêm điều kiện thuận lợi trong việc định hướng thu hút các nguồn vốn trước hết là nguồn vốn ODA, FDI và hỗ trợ các địa phương kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước.

b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan xem xét bổ sung các dự án đường ôtô đến trung tâm các xã chưa có đường ôtô tại các địa phương thuộc Vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long, dự án Mở rộng quốc lộ 91 (đoạn từ Ngã tư Bến xe – Trà Nóc, thành phố Cần Thơ), dự án Bệnh viện đa khoa thành phố Cần Thơ vào danh mục đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn tiếp theo báo cáo Thủ tướng Chính phủ để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội.

c) Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất nguồn vốn để thực hiện dự án kiểm soát lũ vùng đê bao Nam Vàm Nao, tỉnh An Giang; bố trí tạm ứng vốn xây dựng các khu neo đậu tránh bão của tỉnh Cà Mau là: Cái Đôi Vàm và Khánh Hội (đã phê duyệt tại Quyết định số 288/2005/QĐ-TTg ngày 08/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ), mỗi dự án 10 tỷ đồng.

3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Khẩn trương nghiên cứu, cải tiến cơ chế hợp tác “4 nhà” trong việc sản xuất, chế biến, xuất khẩu cá tra, basa nhằm chia sẻ lợi ích cũng như rủi ro giữa các bên sản xuất, chế biến, kinh doanh …, bảo đảm ổn định sản xuất và phát triển bền vững khi thị trường hàng thủy sản xuất khẩu có biến động về giá.

b) Chủ trì, phối hợp với Hiệp hội ngành hàng tiến hành xem xét việc thuê kiểm định quốc tế để kiểm định chất lượng hàng nông nghiệp, thủy sản xuất khẩu; ban hành quy trình kỹ thuật chung cho việc sản xuất, bảo quản, chế biến đối với từng loại sản phẩm xuất khẩu chiến lược, đảm bảo chất lượng để giữ vững thị trường cho các mặt hàng này; rà soát điều chỉnh, bổ sung quy hoạch nuôi, chế biến, tiêu thụ cá ba sa cho Vùng, đảm bảo phát triển bền vững.

c) Phối hợp với các địa phương trong Vùng khẩn trương triển khai việc xây dựng các tuyến đê biển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

d) Xây dựng quy hoạch nông, lâm, thủy sản cho Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long trong đó có vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến của Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020.

đ) Phối hợp với Văn phòng Ban Chỉ đạo và các địa phương trong Vùng tổ chức Hội nghị chuyên đề về phát triển nông thôn mới, triển khai các Chương trình, dự án để các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm trở thành các địa phương đi đầu trong việc xây dựng nông thôn mới tại vùng đồng bằng sông Cửu Long.

e) Xem xét điều chỉnh tiến độ triển khai thực hiện dự án đê biển Đông, tỉnh Cà Mau (dài 125 km) trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2015 cho phù hợp, điều chỉnh tiến độ triển khai thực hiện dự án các tiểu vùng thủy lợi tỉnh Cà Mau, phục vụ cho việc nuôi trồng thủy sản với định hướng là từng tiểu vùng sẽ lựa chọn đầu tư một số công trình cấp bách, nhưng không tăng tổng mức vốn so với quy hoạch.

4. Bộ Xây dựng:

a) Khẩn trương hoàn thành quy hoạch tổng thể các dự án xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại cho Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long, để có căn cứ triển khai xây dựng đưa vào sử dụng sớm đồng thời đề xuất các cơ chế khuyến khích để thu hút đầu tư từ nguồn ngoài ngân sách nhà nước xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại cho toàn Vùng.

b) Lập quy hoạch và đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống cấp nước, thoát nước cho các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long.

5. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội:

a) Phối hợp chặt chẽ với các địa phương thuộc Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong việc kiểm soát tình hình thị trường lao động – việc làm.

b) Phối hợp với Văn phòng Ban Chỉ đạo và các địa phương tổ chức các Hội nghị chuyên đề nhằm đáp ứng nhu cầu của các địa phương, doanh nghiệp trong Vùng.

c) Thành lập Trung tâm giới thiệu việc làm Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long như tại các Vùng kinh tế trọng điểm: Bắc Bộ, phía Nam và miền Trung. Hướng dẫn để việc đào tạo, dạy nghề tập trung vào chất lượng, gắn với nhu cầu thị trường; ưu tiên đào tạo chuyển đổi nghề cho lao động bị mất việc làm …, đồng bộ với các giải pháp hỗ trợ tín dụng, chuyển giao kỹ thuật công nghệ để phát triển sản xuất.

6. Bộ Giao thông vận tải:

a) Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình giao thông vận tải đường bộ, đường biển theo quy hoạch; bổ sung, chi tiết đường bộ cao tốc qua Vùng, quy hoạch chi tiết tuyến đường bộ ven biển, quy hoạch giao thông vận tải đường sắt và đường thủy trong Vùng.

b) Chủ trì, phối hợp với tỉnh An Giang xem xét việc nâng cấp đường tỉnh 956 thành quốc lộ và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh An Giang do Bộ Giao thông vận tải trực tiếp quản lý.

c) Xem xét việc đầu tư tuyến đường ven biển, nối từ Gành Hào tỉnh Bạc Liêu xuống Năm Căn và theo đê biển Tây nối lên An Minh tỉnh Kiên Giang (theo quy hoạch tuyến đường ven biển).

d) Khẩn trương thực hiện các dự án (trên quốc lộ 1A, dự án nạo vét luồng cửa Bồ Đề) để đưa cảng Năm Căn, tỉnh Cà Mau vào hoạt động, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Vùng.

7. Bộ Tài nguyên và Môi trường:

a) Xác định và công bố cho các địa phương trong Vùng các trọng tâm bảo vệ môi trường cần ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2010-2020.

b) Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành quy định của Luật bảo vệ môi trường tại các khu đô thị, khu dân cư nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế và khu vực thuộc các khu vực sông lớn.

c) Nghiên cứu lập quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn nước sông Hậu.

8. Bộ Công Thương:

a) Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội lương thực Việt Nam và các địa phương khẩn trương xây dựng Nghị định của Chính phủ về kinh doanh lúa, gạo, đảm bảo thực hiện tốt việc điều hành xuất khẩu gạo theo các mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ.

b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề xuất các chính sách thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm chiến lược của Vùng tại thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu; chủ trì, phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng đề xuất chế tài xử phạt các doanh nghiệp có hành vi bán phá giá các mặt hàng xuất khẩu chiến lược.

c) Phối hợp với các địa phương trong Vùng lập Quy hoạch phát triển điện lực giai đoạn 2011-2015 có xét đến năm 2020, trình duyệt trong năm 2009 hoặc 2010; lập các Quy hoạch công nghiệp, thương mại cho Vùng.

d) Chỉ đạo Tập đoàn dầu khí phối hợp với Văn phòng Ban Chỉ đạo và các địa phương trong Vùng tổ chức Hội nghị chuyên đề về dự án khí Đông – Tây, nhằm đánh giá và phát huy tối đa vai trò của dự án này đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong Vùng.

đ) Chỉ đạo Tập đoàn điện lực Việt Nam tiếp tục đầu tư xây dựng lưới trung thế, hạ thế và các trạm biến áp phát triển hệ thống điện lưới quốc gia về tận thôn, xã, đáp ứng cơ bản nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân và phục vụ phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp của toàn Vùng kinh tế trọng điểm.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long biết, thực hiện.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ;
- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Lao động – Thương binh và Xã hội;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- TU, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long;
- Văn phòng BCĐ điều phối các Vùng KTTĐ (Viện Chiến lược, Bộ Kế hoạch và Đầu tư);
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ: TH, KTTH, KTN, TKBT;
- Lưu: VT, ĐP (6).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Phạm Văn Phượng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo số 238/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại hội nghị giao ban Ban Chỉ đạo điều phối, phát triển vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 238/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 05/08/2009
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Văn Phượng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/08/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản