Hệ thống pháp luật

BỘ NGOẠI GIAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 68/2014/TB-LPQT

Hà Nội, ngày 29 tháng 09 năm 2014

 

THÔNG BÁO

VỀ VIỆC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CÓ HIỆU LỰC

Thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Bộ Ngoại giao trân trọng thông báo:

Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hung-ga-ri về hợp tác đào tạo, nghiên cứu, pháp quy và kỹ thuật trong sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình, ký tại Bu-đa-pét ngày 16 tháng 9 năm 2013, có hiệu lực kể từ ngày 12 tháng 9 năm 2014.

Bộ Ngoại giao trân trọng gửi Bản sao Hiệp định theo quy định tại Điều 68 của Luật nêu trên./.

 

 

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG
VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Nguyễn Văn Ngự

 

HIỆP ĐỊNH

GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ HUNG-GA-RI VỀ HỢP TÁC ĐÀO TẠO, NGHIÊN CỨU, PHÁP QUY VÀ KỸ THUẬT TRONG SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ VÌ MỤC ĐÍCH HÒA BÌNH

Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hung-ga-ri, sau đây gọi chung là "hai Bên",

Xét thấy nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Hung-ga-ri đều là thành viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế;

Nhận định việc sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình là yếu tố then chốt trong việc thúc đẩy sự phát triển xã hội, khoa học và kinh tế của cả hai Bên;

Mong muốn củng cố tình hữu nghị lâu dài, phát triển mối quan hệ hợp tác giữa hai Bên trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi;

Xét thấy Hung-ga-ri là thành viên của Liên minh Châu Âu và thành viên của Cộng đồng Năng lượng Hạt nhân Châu Âu, phải tuân thủ những Hiệp ước của Liên minh Châu Âu (Hiệp ước thành lập Liên minh Châu Âu, Hiệp ước và Hoạt động của Liên minh Châu Âu và Hiệp ước thành lập Cộng đồng Năng lượng Hạt nhân Châu Âu) và mọi quy định pháp luật khác phát sinh từ những hiệp ước trên.

Hai Bên đồng ý thỏa thuận như sau:

Điều 1. Mục đích hợp tác

Hai Bên thúc đẩy và hỗ trợ sự hợp tác giữa các đơn vị của hai Bên có đủ năng lực trong các hoạt động về phát triển nguồn nhân lực, đào tạo, nghiên cứu khoa học, kỹ thuật và pháp quy trong lĩnh vực sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình.

Điều 2. Các lĩnh vực hợp tác

Sự hợp tác của hai Bên trong lĩnh vực sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình theo Hiệp định này bao gồm các lĩnh vực sau:

a) Đào tạo nghề, đào tạo chuyên sâu về lý thuyết và thực hành cho giảng viên, nghiên cứu viên, kỹ sư và kỹ thuật viên;

b) Đào tạo trình độ đại học và sau đại học; xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ các cơ sở giáo dục đại học hoặc cơ sở năng lượng hạt nhân; phát triển, cập nhật phương pháp giảng dạy trong việc bồi dưỡng các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân;

c) Sản xuất, cung cấp, lắp đặt và bảo trì các hệ thống, trang thiết bị, công nghệ, mô hình, giáo trình nghe nhìn, chương trình mô phỏng và các chương trình phần mềm sử dụng cho các khóa đào tạo lý thuyết và thực hành tại các phòng thí nghiệm phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học;

d) Phát triển hoạt động nghiên cứu cơ bản và ứng dụng;

e) Hợp tác giữa các cơ quan pháp quy, đặc biệt chú ý đến việc thành lập hệ thống pháp quy an toàn hạt nhân;

f) Tăng cường sự chấp thuận của công chúng đối với năng lượng nguyên tử;

g) Trao đổi các nhà khoa học, chuyên viên kỹ thuật, chuyên gia chuyên ngành;

h) Hợp tác trong các lĩnh vực khác theo thỏa thuận của hai Bên.

Điều 3. Thực hiện các hoạt động hợp tác

Các hoạt động hợp tác giữa hai Bên trong khuôn khổ của Hiệp định này sẽ được xác định bởi các đơn vị của hai Bên quyết định thông qua các thỏa thuận cụ thể.

Điều 4. Quản lý việc thực hiện các hoạt động hợp tác

Hai Bên sẽ đánh giá hàng năm việc thực hiện các hoạt động hợp tác theo Hiệp định này.

Điều 5. Bảo vệ sở hữu trí tuệ

a) Hai Bên, trong phạm vi pháp luật của mình và tuân theo các quy định của Công ước về Sở hữu trí tuệ ngày 14/07/1967 và được chỉnh sửa ngày 28/09/1979, cũng như các điều khoản của Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của Quyền Sở hữu trí tuệ ngày 15/04/1994, sẽ có những biện pháp cần thiết để hạn chế và bảo lưu việc sử dụng cũng như phổ biến thông tin, dữ liệu và bảo vệ mọi sở hữu trí tuệ nằm trong phạm vi pháp lý của hai Bên và tất cả mọi vấn đề về sở hữu trí tuệ được chuyển giao qua những người được ủy quyền, bao gồm cả các bí mật kinh doanh và bí mật công nghiệp.

b) Bất cứ thông tin và dữ liệu nào được chuyển giao trong các chương trình đào tạo về lý thuyết và thực hành (các hệ thống, trang thiết bị, công nghệ, mô hình, giáo trình nghe nhìn, chương trình mô phỏng, các chương trình phần mềm và các dữ liệu liên quan) không được phép chuyển giao hoặc chuyển ra khỏi phạm vi lãnh thổ pháp lý của Bên nhận được, trừ trường hợp có những thỏa thuận cụ thể khác.

Điều 6. Giải quyết sự khác biệt

Bất cứ sự khác biệt nào phát sinh trong việc giải thích hoặc thực hiện Hiệp định này sẽ được giải quyết bằng tham vấn giữa hai Bên.

Điều 7. Sự liên quan đến các Thỏa thuận Quốc tế khác

a) Hiệp định này không làm ảnh hưởng đến bất cứ trách nhiệm nào liên quan đến việc Hung-ga-ri là thành viên của Liên minh Châu Âu. Do đó, các điều khoản của Hiệp định này không được coi là sẽ có thể làm mất hiệu lực, làm thay đổi hay có bất cứ ảnh hưởng nào đến trách nhiệm của Hung-ga-ri được xuất phát từ các Hiệp ước cơ sở của Liên minh Châu Âu cũng như những quy định pháp luật cơ sở của Liên minh Châu Âu.

b) Hiệp định này không làm ảnh hưởng đến các quyền lợi và nghĩa vụ của hai Bên, xuất phát từ các điều ước quốc tế khác trong hiện tại và trong tương lai liên quan đến nội dung của Hiệp định này.

Điều 8. Bắt đầu có hiệu lực, sửa đổi và chấm dứt hiệu lực

a) Hiệp định này sẽ kết thúc sau thời gian 4 năm. Hai Bên thông báo cho nhau bằng văn bản qua đường ngoại giao việc hoàn tất các thủ tục pháp lý nội bộ cần thiết để Hiệp định này có hiệu lực. Hiệp định này sẽ có hiệu lực vào ngày thứ ba mươi kể từ ngày nhận được thông báo ngoại giao sau cùng về việc mỗi Bên đã hoàn tất các quy định pháp lý nội bộ.

b) Bất cứ sửa đổi nào của Hiệp định này phải được hai Bên đồng ý bằng văn bản, được hai Bên ký kết và sẽ có hiệu lực kể từ ngày do hai Bên xác định.

c) Hiệp định này mặc nhiên được gia hạn thêm 4 năm nữa trừ khi một trong hai Bên thông báo bằng văn bản ý định chấm dứt Hiệp định này ít nhất ba tháng trước khi Hiệp định hết hiệu lực.

d) Trong trường hợp Hiệp định này hết hiệu lực, các điều khoản của nó vẫn được thực hiện đối với những dự án hay chương trình đang triển khai trong phạm vi của Hiệp định cho đến khi chúng được hoàn thành.

Hiệp định này được ký tại Bu-đa-pét ngày 16 tháng 9 năm 2013 thành hai bộ gốc, mỗi bộ bằng tiếng Việt, tiếng Hung-ga-ri và tiếng Anh, tất cả các văn bản có giá trị ngang nhau. Trong trường hợp có sự khác nhau về việc giải thích, bản tiếng Anh sẽ được ưu tiên áp dụng.

 

THAY MẶT CHÍNH PHỦ NƯỚC
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM




Phạm Mạnh Hùng
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

THAY MẶT
CHÍNH PHỦ HUNG-GA-RI




Pal Kovacs
Quốc vụ khanh về Năng lượng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo hiệu lực của Hiệp định về hợp tác đào tạo, nghiên cứu, pháp quy và kỹ thuật trong sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình giữa Việt Nam và Hung-ga-ri

  • Số hiệu: 68/2014/TB-LPQT
  • Loại văn bản: Điều ước quốc tế
  • Ngày ban hành: 16/09/2013
  • Nơi ban hành: Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ Cộng hoà Hungary
  • Người ký: Phạm Mạnh Hùng, Pal Kovacs
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 947 đến số 948
  • Ngày hiệu lực: 12/09/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản