Hệ thống pháp luật

BỘ NGOẠI GIAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 70/2014/TB-LPQT

Hà Nội, ngày 07 tháng 10 năm 2014

 

THÔNG BÁO

VỀ VIỆC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CÓ HIỆU LỰC

Thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Bộ Ngoại giao trân trọng thông báo:

Bản ghi nhớ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Va-nu-a-tu về hợp tác kỹ thuật và phát triển, ký tại Hà Nội ngày 06 tháng 10 năm 2014, có hiệu lực kể từ ngày 06 tháng 10 năm 2014.

Bộ Ngoại giao trân trọng gửi Bản sao Bản ghi nhớ theo quy định tại Điều 68 của Luật nêu trên./.

 

 

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG
VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Nguyễn Văn Ngự

 

BẢN GHI NHỚ

GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA VA-NU-A-TU VỀ HỢP TÁC KỸ THUẬT VÀ PHÁT TRIỂN

Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Va-nu-a-tu (sau đây gọi là “hai Bên”),

Trên tinh thần quan hệ hữu nghị sẵn có giữa hai nước và nhân dân hai nước;

Với mong muốn thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế và phát triển giữa hai nước trên các lĩnh vực có chung lợi ích nhằm mục đích đẩy mạnh tiến bộ kỹ thuật và tăng trưởng kinh tế, bao gồm cả nâng cao mức sống người dân;

Tái khẳng định cam kết đối với Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc đoàn kết giữa các quốc gia; dựa trên nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của cả hai Bên và nguyên tắc không can thiệp công việc nội bộ của nhau;

Thừa nhận sự cần thiết phải bảo đảm sự phát triển bền vững của mỗi Bên;

Phù hợp với luật pháp và các quy định hiện hành của mỗi nước cũng như các nguyên tắc của luật pháp quốc tế,

Đã nhất trí như sau:

ĐIỀU I

MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chính của Bản ghi nhớ này là tạo khuôn khổ nhằm làm sâu sắc, mở rộng và gìn giữ sự hợp tác phát triển song phương trong những lĩnh vực mà hai Bên cùng quan tâm và có chung lợi ích. Bản ghi nhớ này cũng nhằm duy trì, thúc đẩy hòa bình, an ninh và ổn định, và củng cố hơn nữa các giá trị hướng tới hòa bình trong giao thiệp của hai Bên.

2. Không quy định nào trong Bản ghi nhớ này ảnh hưởng tới các quyền và nghĩa vụ hiện có của mỗi Bên theo luật quốc tế.

ĐIỀU II

LĨNH VỰC HỢP TÁC

Phạm vi của Bản ghi nhớ này bao gồm các lĩnh vực hoạt động sau đây phù hợp nhất đối với sự hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau giữa hai nước:

1. Hợp tác nông-ngư nghiệp

Hai Bên, có lợi ích to lớn trong nông nghiệp (trồng lúa) và ngư nghiệp (thủy sản) sẽ nỗ lực hợp tác hơn nữa bằng việc xây dựng các chương trình và hoạt động mới trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy lợi, thủy sản và phát triển nông thôn và các lĩnh vực liên quan khác.

2. Hợp tác lâm nghiệp

Nhằm đối phó với tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và quản lý lâm nghiệp bền vững, hai Bên sẽ tăng cường tham vấn và phát triển các cơ chế hợp tác về lâm nghiệp, đặc biệt trong quản lý lâm nghiệp bền vững và giảm thiểu khí thải do phá rừng và thoái hóa rừng.

3. Hợp tác xây dựng năng lực nguồn nhân lực

Nhằm tăng cường hợp tác kỹ thuật, hai Bên sẽ khuyến khích tiếp xúc và trao đổi giữa các cơ quan chủ quản của mỗi Bên ở tất cả các cấp về các chương trình đào tạo, học bổng, hỗ trợ giáo dục và đào tạo nghề, huấn luyện quân sự, cử chuyên gia và tình nguyện viên.

4. Hợp tác Thương mại, đầu tư

Hai Bên, có lợi ích to lớn trong việc phát triển, đổi mới, tái cơ cấu nền kinh tế và hội nhập quốc tế, sẽ nỗ lực hợp tác hơn nữa bằng việc xúc tiến các hoạt động thương mại, đầu tư lẫn nhau. Theo tinh thần đó, Va-nu-a-tu công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.

5. Hợp tác du lịch

Hai Bên, với sự quan tâm lớn đối với lĩnh vực du lịch, sẽ trao đổi thông tin cập nhật về du lịch; hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá du lịch trên mạng thông tin điện tử du lịch quốc gia, thông tin cho nhau về những sự kiện du lịch quan trọng của mỗi Bên.

ĐIỀU III

ĐỐI TÁC BA BÊN

Nhằm triển khai mục tiêu của Bản ghi nhớ này, hai Bên có thể hưởng lợi từ cơ chế hợp tác ba bên, thông qua thỏa thuận đối tác ba bên với các nước khác, các tổ chức quốc tế và thể chế khu vực.

ĐIỀU IV

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

1. Các dự án hợp tác kỹ thuật sẽ được triển khai thông qua các Thỏa thuận với sự tuân thủ qui trình đã được xác lập của quốc gia.

2. Các cơ chế điều hành, điều phối, nhân sự tham gia và các đóng góp cần thiết cho việc triển khai các dự án nêu tại Điều II sẽ được thành lập thông qua các Thỏa thuận để xây dựng các dự án theo Bản ghi nhớ này.

3. Hai Bên sẽ cùng nhau hoặc đơn phương đóng góp để triển khai các dự án đã được các Bên thông qua cũng như tìm nguồn vốn cần thiết từ các tổ chức quốc tế, các quỹ, các chương trình khu vực và quốc tế và các nhà tài trợ khác, phù hợp với luật lệ và qui trình đã được xác lập của quốc gia. Hai Bên có thể yêu cầu trợ giúp và đóng góp của các tổ chức công và khu vực tư nhân cũng như từ các tổ chức phi chính phủ của hai nước, phù hợp với các thỏa thuận cụ thể của hai Bên.

4. Việc triển khai các Chương trình tùy thuộc vào nguồn vốn sẵn có và theo quy định hiện hành của mỗi Bên.

V

CÁC CUỘC HỌP ĐÁNH GIÁ

1. Cuộc họp giữa đại diện của hai Bên được tổ chức nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến các dự án hợp tác kỹ thuật như:

(a) Đánh giá và xác định các lĩnh vực ưu tiên chung phù hợp với việc triển khai hợp tác kỹ thuật;

(b) Xác định các cơ chế và thủ tục để hai Bên thông qua;

(c) Kiểm điểm và thông qua các Chương trình làm việc;

(d) Đánh giá, thông qua và triển khai các chương trình hợp tác kỹ thuật, các dự án và hoạt động; và

(e) Đánh giá kết quả thực hiện các dự án được triển khai theo các khoản của Bản ghi nhớ này.

2. Địa điểm, thời gian họp sẽ được thống nhất qua đường ngoại giao.

VI

CÁC CƠ QUAN CÓ THẨM QUYỀN

Các cơ quan có thẩm quyền chịu trách nhiệm thực thi Bản ghi nhớ này là:

- Về phía Việt Nam: Bộ Ngoại giao.

- Về phía Va-nu-a-tu: Bộ Ngoại giao, Hợp tác quốc tế và Ngoại thương.

VII

BẢO MẬT

Mỗi Bên sẽ bảo vệ thông tin được cung cấp theo chế độ mật phù hợp với quy định của luật pháp mỗi Bên, và một Bên không được phép cung cấp thông tin cho bên thứ ba mà không được sự đồng ý của Bên kia.

VIII

GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP

Bất kỳ tranh chấp nào liên quan đến việc giải thích hoặc thực hiện Bản ghi nhớ này sẽ được giải quyết một cách thân thiện thông qua đàm phán trực tiếp giữa hai Bên (qua đường ngoại giao).

IX

SỬA ĐỔI

Bản ghi nhớ này có thể được sửa đổi, bổ sung theo sự nhất trí chung giữa hai Bên.

Nội dung sửa đổi, bổ sung sẽ được làm thành văn bản trong đó nêu rõ thời điểm các sửa đổi, bổ sung bắt đầu có hiệu lực.

X

HIỆU LỰC, THỜI HẠN VÀ CHẤM DỨT HIỆU LỰC

1. Bản ghi nhớ này có hiệu lực kể từ ngày ký.

2. Bản ghi nhớ này có thời hạn năm (05) năm và được tự động gia hạn mỗi lần cho năm (05) năm tiếp theo.

3. Mỗi Bên có thể chấm dứt Bản ghi nhớ bằng việc thông báo bằng văn bản cho Bên kia ít nhất sáu (06) tháng trước khi Bản ghi nhớ hết hiệu lực.

4. Việc chấm dứt hiệu lực của Bản ghi nhớ này không ảnh hưởng đến các chương trình, dự án được tiến hành theo Bản ghi nhớ này cho đến khi hoàn thành, trừ khi hai Bên có thỏa thuận khác.

ĐỂ LÀM BẰNG, những người ký tên dưới đây, được ủy quyền đầy đủ của Chính phủ nước họ, đã ký Bản ghi nhớ này.

Làm tại Hà Nội, ngày 06 tháng 10 năm 2014 thành hai bản gốc bằng tiếng Việt và tiếng Anh, cả hai văn bản có giá trị như nhau.

 

THAY MẶT
CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA
XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM




Phạm Bình Minh
PHÓ THỦ TƯỚNG,
BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO

THAY MẶT
CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA
VA-NU-A-TU




Sa-Tô Kiu-Man
BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO,
HỢP TÁC QUỐC TẾ
VÀ NGOẠI THƯƠNG

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo hiệu lực của Bản ghi nhớ về hợp tác kỹ thuật và phát triển giữa Việt Nam và Va-nu-a-tu

  • Số hiệu: 70/2014/TB-LPQT
  • Loại văn bản: Điều ước quốc tế
  • Ngày ban hành: 06/10/2014
  • Nơi ban hành: Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ Cộng hòa Va-nu-a-tu
  • Người ký: Phạm Bình Minh, Sa-Tô Kiu-Man
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 947 đến số 948
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản