Hệ thống pháp luật

BỘ NGOẠI GIAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 22/2014/TB-LPQT

Hà Nội, ngày 31 tháng 03 năm 2014

 

THÔNG BÁO

VỀ VIỆC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CÓ HIỆU LỰC

Thực hiện quy định tại Khoản 3, Điều 47 của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Bộ Ngoại giao trân trọng thông báo:

Hiệp định về dẫn độ giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa dân chủ và nhân dân An-giê-ri, ký tại An-giê ngày 14 tháng 4 năm 2010, có hiệu lực kể từ ngày 28 tháng 3 năm 2014.

Bộ Ngoại giao trân trọng gửi bản sao Hiệp định theo quy định tại Điều 68 của Luật nêu trên./.

 

 

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG
VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Nguyễn Văn Ngự

 

HIỆP ĐỊNH

VỀ DẪN ĐỘ GIỮA CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CỘNG HÒA DÂN CHỦ VÀ NHÂN DÂN AN-GIÊ-RI

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa dân chủ và nhân dân An-giê-ri, dưới đây gọi là “các Bên”,

Với mong muốn nâng cao hiệu quả hợp tác chống tội phạm;

Nhận thức được lợi ích của hai Bên trong việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hình sự, đặc biệt là về dẫn độ;

Đã thỏa thuận như sau:

Điều 1.

Nghĩa vụ dẫn độ

Phù hợp với quy định của Hiệp định này, mỗi Bên đồng ý dẫn độ cho Bên kia người có hành vi phạm tội hoặc người bị kết án hình sự đang có mặt trên lãnh thổ nước mình.

Điều 2

Các tội bị dẫn độ

1. Các tội có thể bị dẫn độ là các tội có thể bị xử phạt tù với thời hạn từ một năm trở lên hoặc nghiêm khắc hơn theo quy định pháp luật của cả hai Bên.

2. Trong trường hợp yêu cầu dẫn độ liên quan tới một người bị kết án về tội bị yêu cầu dẫn độ để thi hành hình phạt tù, thì việc dẫn độ chỉ được thực hiện nếu thời hạn chấp hành hình phạt còn lại ít nhất sáu (6) tháng.

3. Phù hợp với quy định của Điều này, một tội phạm bị coi là tội phạm theo pháp luật của cả hai Bên được xác định như sau:

a) Không yêu cầu pháp luật của cả hai Bên quy định hành vi hay là yếu tố cấu thành tội phạm đó phải thuộc cùng một nhóm tội hoặc cùng một tội danh;

b) Tất cả hành vi phạm tội của người bị yêu cầu dẫn độ phải được xem xét một cách toàn diện và không nhất thiết hành vi và các yếu tố cấu thành của tội phạm đó theo pháp luật của các Bên phải giống nhau.

Điều 3

Từ chối dẫn độ công dân

1. Các Bên sẽ không dẫn độ công dân của mình.

2. Bên được yêu cầu cam kết sẽ truy tố công dân của mình trước cơ quan có thẩm quyền về tội thực hiện trên lãnh thổ của Bên kia. Trong trường hợp đó, Bên kia sẽ gửi yêu cầu kèm theo các tài liệu và vật chứng thông qua đường ngoại giao.

3. Bên yêu cầu phải được thông báo về lộ trình tiếp theo thực hiện yêu cầu của mình.

Điều 4

Bắt buộc từ chối dẫn độ

Việc dẫn độ bị sẽ từ chối nếu:

1. Bên được yêu cầu nhận thấy rằng yêu cầu xâm hại đến chủ quyền, an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng của mình.

2. Người bị dẫn độ đang bị xét xử về tội bị yêu cầu dẫn độ.

3. Tội phạm đã bị xét xử ở nước được yêu cầu hoặc nước thứ ba.

4. Hành vi hoặc hình phạt theo pháp luật của một trong các Bên đã hết thời hạn vào thời điểm nhận được yêu cầu.

5. Yêu cầu liên quan đến một tội phạm mà Bên được yêu cầu coi như là tội phạm chính trị hoặc có liên quan đến chính trị, tuy nhiên tội phạm về khủng bố không được coi là tội phạm chính trị.

6. Tội phạm đã được đặc xá hoặc đại xá do Bên yêu cầu hoặc Bên được yêu cầu.

7. Bên được yêu cầu có lý do cho rằng yêu cầu dẫn độ là nhằm truy tố, trừng trị người bị dẫn độ vì lý do chủng tộc, giới tính, tôn giáo, quốc tịch, hoặc quan điểm chính trị hoặc xâm hại đến vị trí của người này trong tố tụng vì các lý do trên.

8. Những tội phạm được yêu cầu theo luật pháp của Bên được yêu cầu chỉ là một tội quân sự thuần túy.

Điều 5

Có thể từ chối dẫn độ

Các Bên có thể từ chối dẫn độ:

1. Nếu theo luật pháp của Bên được yêu cầu tội phạm đó đã được thực hiện toàn bộ hoặc một phần trên lãnh thổ của mình.

2. Trong những trường hợp đặc biệt, Bên được yêu cầu tính đến mức độ nghiêm trọng của tội phạm và quyền lợi của mình, thấy rằng việc dẫn độ không phù hợp với nguyên tắc nhân đạo về độ tuổi, tình trạng sức khỏe và các điều kiện khác.

Điều 6

Yêu cầu dẫn độ và các tài liệu cần thiết

1. Yêu cầu dẫn độ phải được lập bằng văn bản và được gửi qua đường ngoại giao.

2. Yêu cầu dẫn độ phải kèm theo:

a) Trong tất cả các trường hợp:

(i) Thông tin chính xác về người bị dẫn độ và các thông tin khác để xác định quốc tịch và căn cước của người đó;

(ii) Văn bản nêu rõ tội danh và các căn cứ buộc tội và các quy định pháp luật có thể áp dụng;

(iii) Bản sao trích dẫn văn bản quy phạm pháp luật quy định hình phạt đối với tội dẫn độ kể cả các văn bản liên quan đến thời hiệu.

b) Trong trường hợp để truy tố người đó thì phải kèm theo các giấy tờ đã đề cập tại điểm a của Điều này và:

(i) Bản gốc hoặc bản sao có chứng thực của lệnh bắt hoặc các quyết định tố tụng khác được;

(ii) Bản sao cáo trạng;

(iii) Nếu có thể thì tất cả các thông tin về việc người này phạm tội.

c) Trong trường hợp dẫn độ người đã bị kết án thì phải kèm theo các giấy tờ đã đề cập tại điểm a của Điều này và:

(i) Bản gốc hoặc bản sao có chứng thực bản án và các quyết định khác có liên quan;

(ii) Những thông tin để khẳng định người bị dẫn độ đúng là người bị kết án.

Điều 7

Dẫn độ đơn giản

1. Trong trường hợp người bị dẫn độ đồng ý thì các Bên có thể dẫn độ theo thủ tục đơn giản.

2. Nếu một người bị dẫn độ theo quy định tại khoản 1 Điều này thì sau đó các cơ quan có thẩm quyền sẽ gửi các tài liệu theo quy định tại Điều 6 Hiệp định này.

Điều 8

Thông tin bổ sung

1. Nếu Bên được yêu cầu thấy rằng thông tin đã cung cấp kèm theo yêu cầu dẫn độ là không đầy đủ để tiến hành dẫn độ theo Hiệp định này, thì có thể yêu cầu cung cấp thêm thông tin trong thời hạn do Bên được yêu cầu ấn định.

2. Trường hợp người bị yêu cầu dẫn độ đang bị bắt giữ và các thông tin bổ sung đã cung cấp theo Hiệp định này không đầy đủ hoặc không nhận được trong khoảng thời gian đã ấn định, thì người bị bắt giữ có thể được trả tự do.

3. Trong trường hợp người đó được trả tự do khỏi nơi giam giữ theo khoản 2 Điều này, Bên được yêu cầu sẽ thông báo cho Bên yêu cầu trong thời gian sớm nhất có thể.

Điều 9. Bắt khẩn cấp

1. Trong trường hợp khẩn cấp, theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền của Bên yêu cầu thì các cơ quan chức năng của Bên được yêu cầu sẽ bắt giữ khẩn cấp người bị dẫn độ.

2. Yêu cầu bắt giữ khẩn cấp sẽ được chuyển cho các cơ quan chức năng của các Bên.

3. Yêu cầu dẫn độ phải có các tài liệu kèm theo nêu tại khoản 2 Điều 6 Hiệp định này và phải thông báo yêu cầu dẫn độ. Mặt khác, yêu cầu phải có chi tiết mô tả hành vi phạm tội của người bị dẫn độ, bản tóm tắt vụ việc, thời gian, địa điểm thực hiện tội phạm và thông tin liên quan đến người bị dẫn độ.

4. Bên yêu cầu sẽ được thông báo ngay lập tức về diễn biến tiếp theo của yêu cầu dẫn độ.

5. Việc bắt khẩn cấp sẽ chấm dứt nếu sau 40 ngày Bên được yêu cầu không nhận được yêu cầu chính thức. Việc trả tự do không cản trở quá trình dẫn độ nếu như Bên được yêu cầu sau đó nhận được yêu cầu dẫn độ và các tài liệu quy định tại Điều 6.

Điều 10

Cơ quan Trung ương

1. Để thực hiện Hiệp định này, Cơ quan trung ương gồm có:

a) Cơ quan trung ương của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Bộ Công an;

b) Cơ quan trung ương của Cộng hòa dân chủ và nhân dân An-giê-ri là Bộ Tư pháp.

2. Các Bên thông báo cho Bên kia về sự thay đổi Cơ quan trung ương của mình qua đường ngoại giao.

Điều 11

Quyết định và chuyển giao người bị dẫn độ

1. Bên được yêu cầu phải thông báo cho Bên yêu cầu về quyết định dẫn độ.

2. Mọi sự từ chối từng phần hoặc toàn bộ đều phải nêu lý do.

3. Nếu việc dẫn độ được Bên được yêu cầu chấp thuận thì địa điểm và thời hạn chuyển giao người bị dẫn độ phải được các Bên thỏa thuận.

4. Bên yêu cầu phải tiếp nhận người bị dẫn độ bằng các nhân viên của mình trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày quyết định dẫn độ. Nếu hết thời hạn này thì người bị dẫn độ được trả tự do và có thể từ chối dẫn độ người đó với cùng một tội danh.

5. Tuy nhiên, trong trường hợp đặc biệt ngăn cản việc chuyển giao hoặc tiếp nhận người bị dẫn độ thì Bên liên quan phải thông báo cho Bên kia trước khi hết thời hạn dự kiến và các Bên phải thống nhất một thời hạn chuyển giao khác.

6. Bên được yêu cầu thông báo cho Bên yêu cầu về thời hạn mà người bị dẫn độ còn bị giam giữ trước khi chuyển giao.

Điều 12

Chuyển giao tài sản

1. Trong phạm vi pháp luật của Bên được yêu cầu cho phép và trên cơ sở tôn trọng quyền lợi của Bên thứ ba, tất cả các tài sản do phạm tội mà có hoặc cần để làm vật chứng được tìm thấy trên lãnh thổ của Bên được yêu cầu sẽ được chuyển giao theo đề nghị của Bên yêu cầu nếu việc dẫn độ được chấp thuận.

2. Theo khoản 1 Điều này, những tài sản nêu trên sẽ được chuyển giao cho Bên yêu cầu nếu Bên yêu cầu đề nghị, kể cả khi việc dẫn độ không thể thực hiện được vì người bị yêu cầu dẫn độ bị chết, mất tích hoặc bỏ trốn.

3. Khi pháp luật của Bên được yêu cầu quy định hoặc vì quyền lợi của Bên thứ ba, bất kỳ tài sản nào bị chuyển giao sẽ được hoàn trả lại miễn phí cho Bên được yêu cầu nếu Bên đó đề nghị.

4. Trường hợp các tài sản nêu trên cần thiết để phục vụ điều tra hoặc truy tố, xét xử người phạm tội ở Bên được yêu cầu, việc chuyển giao tài sản có thể trì hoãn cho đến khi kết thúc việc điều tra hoặc truy tố, xét xử, hoặc có thể chuyển giao với điều kiện sẽ phải trả lại sau khi kết thúc thủ tục tố tụng ở Bên yêu cầu.

Điều 13

Hoãn dẫn độ và chuyển giao tạm thời

1. Nếu người bị dẫn độ đang bị Bên được yêu cầu truy tố hoặc kết án về một tội khác với tội nêu trong yêu cầu dẫn độ thì Bên này phải xem xét để hoãn dẫn độ và thông báo cho Bên yêu cầu về việc hoãn đó theo các quy định tại Điều 11 của Hiệp định này.

2. Trong trường hợp đồng ý dẫn độ thì việc trao người dẫn độ được hoãn cho đến khi các thủ tục tố tụng kết thúc hoặc cho đến khi người này chấp hành xong hình phạt.

3. Các quy định trong Điều này không gây cản trở tới việc người này có thể được chuyển giao tạm thời để làm chứng trước cơ quan tư pháp của Bên yêu cầu với điều kiện là người này phải được trao trả lại ngay khi các cơ quan chức năng kết thúc yêu cầu tố tụng. Việc trao trả không ảnh hưởng tới quá trình thực hiện các thủ tục tố tụng xét xử của Bên được yêu cầu.

Điều 14

Quy tắc đặc biệt

1. Người bị dẫn độ không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xét xử, giam giữ nhằm thực hiện một hình phạt hoặc để thi hành án trên lãnh thổ của Bên yêu cầu vì bất kỳ tội phạm nào khác với tội nêu trong yêu cầu dẫn độ được thực hiện trước khi bị dẫn độ, trừ một trong các trường hợp sau đây:

a) Khi được trả tự do, người bị dẫn độ không rời lãnh thổ của Bên mà người đó bị yêu cầu dẫn độ trong thời hạn quy định hoặc người đó tự nguyện quay trở lại lãnh thổ của Bên yêu cầu sau khi đã rời khỏi lãnh thổ đó.

b) Khi Bên dẫn độ đồng ý và với một yêu cầu mới được gửi kèm theo tài liệu, văn bản đi cùng được nêu tại khoản 2 Điều 6 của Hiệp định này kèm theo một biên bản về tư pháp thông báo những tuyên bố của người bị dẫn độ về việc đồng ý dẫn độ;

c) Khi người được dẫn độ đồng ý, vào thời điểm triệu tập trước các cơ quan của Bên được yêu cầu.

2. Khi xét xử các vụ việc phạm tội được sửa đổi trong quá trình tố tụng, người bị dẫn độ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay xét xử về các yếu tố cấu thành tội phạm mới cho phép dẫn độ.

Điều 15

Nhiều yêu cầu dẫn độ đối với một người

Trong trường hợp nhiều yêu cầu dẫn độ đối với cùng một tội phạm thì Bên được yêu cầu quyết định về yêu cầu này có tính đến những yếu tố sau:

- Quốc tịch, nơi ở của người bị yêu cầu dẫn độ;

- Các yêu cầu phải nằm trong khuôn khổ của hiệp định;

- Thời gian và nơi xảy ra tội phạm;

- Mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội;

- Quốc tịch của người bị hại;

- Khả năng dẫn độ người này đến quốc gia khác của bất kỳ quốc gia yêu cầu nào;

- Ngày đưa ra yêu cầu.

Điều 16

Dẫn độ lại

Nếu người bị dẫn độ trốn tránh việc truy cứu trách nhiệm hình sự, trước khi kết thúc việc truy tố đối với bản án của người đó và quay trở lại lãnh thổ của Bên được yêu cầu thì sẽ bị dẫn độ trở lại khi có một yêu cầu mà không cần phải có các văn bản giấy tờ đi kèm.

Điều 17

Chuyển giao cho nước thứ ba

Bên được yêu cầu dẫn độ không được dẫn độ người này cho nước thứ ba mà không có sự đồng ý của Bên yêu cầu dẫn độ, trừ trường hợp mà người này không rời lãnh thổ của Bên yêu cầu hay quay trở lại với điều kiện được nêu tại điểm a khoản 1 Điều 14 của Hiệp định này.

Điều 18

Quá cảnh

1. Khi một người bị dẫn độ tới một Bên từ Bên thứ ba thông qua lãnh thổ của Bên kia, Bên mà người được dẫn độ tới yêu cầu Bên kia cho phép quá cảnh người này qua lãnh thổ của Bên đó.

Quy định này không áp dụng khi việc di chuyển được thực hiện bằng đường hàng không và không tiến hành hạ cánh dự định trên lãnh thổ của Bên kia.

2. Khi nhận được một yêu cầu bao gồm các thông tin thích đáng (có liên quan), Bên được yêu cầu sẽ xử lý theo quy định luật pháp của mình. Bên được yêu cầu chấp nhận nhanh chóng yêu cầu tiếp nhận trừ trường hợp khi Bên này có những lý do hợp lý để từ chối việc quá cảnh.

3. Việc cho phép quá cảnh phải tuân theo luật pháp của Bên được yêu cầu bao gồm cả việc giam giữ người đó trong thời hạn 48h. Nếu sau thời hạn 48h, Bên đang giam giữ người đó không nhận được yêu cầu quá cảnh chính thức từ Bên yêu cầu thì cơ quan có thẩm quyền của Bên mà người đó đang bị giam giữ sẽ trả tự do ngay cho người đang bị giam giữ.

Điều 19

Chi phí

1. Mọi chi phí trong quá trình thực hiện yêu cầu dẫn độ phát sinh trên lãnh thổ nước nào thì nước đó chi trả, trừ có thỏa thuận khác, mỗi Bên sẽ chịu chi phí trên lãnh thổ nước mình.

2. Bên yêu cầu chịu mọi chi phí phát sinh có liên quan đến việc quá cảnh của người bị dẫn độ qua lãnh thổ của nước được yêu cầu quá cảnh.

Điều 20

Ngôn ngữ

Các yêu cầu về dẫn độ cũng như các văn bản, tài liệu đi cùng được soạn thảo bằng ngôn ngữ của Bên yêu cầu kèm theo bản dịch theo đúng ngôn ngữ của Bên được yêu cầu hoặc tiếng Anh hoặc tiếng Pháp.

Điều 21

Trao đổi thông tin về các văn bản quy phạm pháp luật về dẫn độ

Theo yêu cầu của một trong hai Bên, các Bên sẽ trao đổi thông tin về các văn bản quy phạm pháp luật về dẫn độ.

Điều 22

Mối quan hệ với các điều ước khác

Hiệp định này sẽ không ảnh hưởng đến bất kỳ nghĩa vụ nào theo các điều ước hay các thỏa thuận quốc tế khác mà hai Bên là thành viên.

Điều 23

Tham vấn

Các Bên có thể tham vấn, theo đề nghị của một trong hai Bên, liên quan đến việc giải thích hoặc áp dụng toàn phần hoặc từng phần Hiệp định này trên bình diện chung hoặc trong từng vụ việc cụ thể.

Điều 24

Áp dụng

Hiệp định này cũng được áp dụng đối với các tội phạm xảy ra trước ngày Hiệp định này có hiệu lực.

Điều 25

Phê chuẩn và hiệu lực

1. Hiệp định này sẽ được phê chuẩn theo pháp luật hiện hành của mỗi Bên. Hiệp định này sẽ có hiệu lực sau 30 ngày kể từ khi trao đổi văn kiện phê chuẩn.

2. Hiệp định này sẽ có hiệu lực vô thời hạn.

Điều 26

Sửa đổi và chấm dứt hiệu lực

1. Hiệp định này có thể được sửa đổi. Việc sửa đổi sẽ có hiệu lực trong những điều kiện được thiết lập để thực hiện Hiệp định này.

2. Mỗi Bên ký kết có thể chấm dứt Hiệp định vào bất kỳ thời điểm nào bằng thông báo qua đường ngoại giao. Việc chấm dứt này có hiệu lực sau (06) tháng kể từ ngày Bên kia nhận được thông báo về quyết định này.

Làm tại An-giê, ngày 14 tháng 4 năm 2010 thành hai bản gốc bằng tiếng Việt, tiếng Ả-rập và tiếng Pháp; tất cả các văn bản đều có giá trị như nhau. Trong trường hợp có sự giải thích khác nhau, văn bản tiếng Pháp sẽ được dùng làm cơ sở.

 

THAY MẶT CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM




Hà Hùng Cường
BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

THAY MẶT CỘNG HÒA DÂN CHỦ VÀ NHÂN DÂN AN-GIÊ-RI




Tayeb BELAIZ
BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP, CHƯỞNG ẤN

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo hiệu lực của Hiệp định về dẫn độ giữa Việt Nam và An-giê-ri

  • Số hiệu: 22/2014/TB-LPQT
  • Loại văn bản: Điều ước quốc tế
  • Ngày ban hành: 14/04/2010
  • Nơi ban hành: Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ Cộng hòa An-giê-ri
  • Người ký: Hà Hùng Cường, Tayeb Belaiz
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 437 đến số 438
  • Ngày hiệu lực: 28/03/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản