Hệ thống pháp luật

BỘ NGOẠI GIAO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 42/2013/TB-LPQT

Hà Nội, ngày 14 tháng 08 năm 2013

 

THÔNG BÁO

VỀ VIỆC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CÓ HIỆU LỰC

Thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Bộ Ngoại giao trân trọng thông báo:

Hiệp định về dẫn độ giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Ấn Độ, ký tại Niu Đê-li ngày 12 tháng 10 năm 2011, có hiệu lực kể từ ngày 12 tháng 8 năm 2013.

Bộ Ngoại giao trân trọng gửi bản sao Hiệp định theo quy định tại Điều 68 của Luật nêu trên./.

 

 

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG
VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Nguyễn Văn Ngự

 

HIỆP ĐỊNH

VỀ DẪN ĐỘ GIỮA CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CỘNG HÒA ẤN ĐỘ

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Ấn Độ (sau đây gọi là "hai Bên”),

Với mong muốn nâng cao hiệu quả hợp tác trong việc phòng, chống tội phạm và thúc đẩy quan hệ trong lĩnh vực dẫn độ giữa hai nước thông qua việc ký kết một hiệp định về dẫn độ người phạm tội,

Nhận thức rằng những biện pháp cụ thể là cần thiết để đấu tranh chống khủng bố,

Đã thỏa thuận như sau:

Điều 1. Nghĩa vụ dẫn độ

Theo quy định của Hiệp định này, mỗi Bên đồng ý dẫn độ cho Bên kia bất kỳ người nào đang có mặt trên lãnh thổ của nước mình mà Bên đó yêu cầu để tiến hành truy tố, xét xử hoặc thi hành án vì một tội có thể bị dẫn độ được thực hiện trước hoặc sau thời điểm có hiệu lực của Hiệp định này.

Điều 2. Các tội bị dẫn độ

1. Người bị dẫn độ theo quy định của Hiệp định này là người có hành vi phạm tội có thể bị xử phạt tù với thời hạn từ một năm trở lên theo quy định pháp luật của cả hai Bên tại thời điểm yêu cầu dẫn độ.

2. Người bị dẫn độ cũng có thể là người chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt hoặc tổ chức, xúi giục, giúp sức người khác thực hiện tội phạm, che giấu hành vi phạm tội được quy định tại Khoản 1 Điều này.

3. Trường hợp yêu cầu dẫn độ liên quan tới một người đã bị Tòa án của Bên yêu cầu xử phạt tù về tội có thể bị dẫn độ, thì việc dẫn độ chỉ được thực hiện nếu thời hạn chấp hành hình phạt còn lại ít nhất sáu (06) tháng.

4. Phù hợp với quy định của Điều này, việc xác định tội phạm theo pháp luật của cả hai Bên được tiến hành như sau:

a) Không yêu cầu pháp luật của cả hai Bên quy định hành vi phạm tội đó phải thuộc cùng một nhóm tội hoặc cùng một tội danh;

b) Tất cả các hành vi phạm tội của người bị yêu cầu dẫn độ phải được xem xét một cách toàn diện và không nhất thiết các yếu tố cấu thành của tội phạm đó theo pháp luật của các Bên phải giống như nhau.

5. Trường hợp yêu cầu dẫn độ một người có liên quan đến một tội về thuế, thuế hải quan, kiểm soát ngoại hối hoặc các vấn đề về thu nhập khác, thì Bên được yêu cầu không được từ chối dẫn độ với lý do là pháp luật của Bên đó không quy định hoặc áp dụng cùng loại thuế, thuế hải quan đó hoặc không có quy chế ngoại hối tương tự như pháp luật của Bên yêu cầu.

6. Trường hợp tội phạm được thực hiện bên ngoài lãnh thổ của Bên yêu cầu, thì việc dẫn độ người phạm tội sẽ được tiến hành khi pháp luật của Bên được yêu cầu cũng quy định hình phạt đối với tội phạm đó nếu thực hiện bên ngoài lãnh thổ của mình trong điều kiện tương tự. Trường hợp pháp luật của Bên được yêu cầu không quy định như vậy, thì Bên được yêu cầu có thể chủ động tiến hành việc dẫn độ.

7. Nếu yêu cầu dẫn độ liên quan đến một số tội và mỗi tội trong đó đều có thể bị xử phạt theo pháp luật của cả hai Bên, nhưng có một số tội không đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này, thì việc dẫn độ người phạm tội có thể được thực hiện với điều kiện người đó ít nhất phạm một tội là tội có thể bị dẫn độ.

Điều 3. Từ chối dẫn độ

1. Việc dẫn độ sẽ không được thực hiện khi có một trong các trường hợp sau đây:

a) Người bị yêu cầu dẫn độ là công dân của Bên được yêu cầu;

b) Người bị yêu cầu dẫn độ không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự do đã hết thời hiệu;

c) Người bị yêu cầu dẫn độ để truy cứu trách nhiệm hình sự đã bị Tòa án có thẩm quyền kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật về hành vi phạm tội được nêu trong yêu cầu dẫn độ hoặc vụ án đã bị đình chỉ theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự của Bên được yêu cầu; hoặc

d) Trường hợp yêu cầu dẫn độ liên quan đến nhiều tội danh và mỗi tội danh đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nước yêu cầu dẫn độ nhưng không đáp ứng các quy định tại Điều 2 của Hiệp định này.

2. Việc dẫn độ sẽ không được thực hiện nếu Bên được yêu cầu, sau khi đã xem xét các tình tiết liên quan, mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội, cho rằng, nếu cho phép tiến hành dẫn độ thì sẽ không công bằng đối với người bị yêu cầu dẫn độ hoặc sẽ không đạt được mục đích công lý khi tiến hành dẫn độ người đó.

3. Việc dẫn độ sẽ không được thực hiện nếu tội phạm được nêu trong yêu cầu dẫn độ là tội phạm quân sự.

Điều 4. Ngoại lệ của tội phạm chính trị

1. Việc dẫn độ không bị từ chối nếu tội phạm bị yêu cầu dẫn độ là tội phạm mang tính chính trị.

2. Theo Hiệp định này, những tội sau sẽ không được coi là tội phạm mang tính chính trị:

a) Tội phạm mà các Bên có nghĩa vụ thiết lập quyền truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc dẫn độ theo một điều ước quốc tế đa phương mà cả hai Bên là thành viên hoặc sẽ là thành viên;

b) Xâm phạm tính mạng hoặc phạm tội chưa đạt, hoặc xâm phạm thân thể người đứng đầu nhà nước, chính phủ hay thành viên gia đình của người đó;

c) Tội giết người hoặc tội vô ý làm chết người hoặc tội giết người có dự mưu;

d) Dùng vũ khí, hung khí, chất nổ, chất cháy, vũ khí hủy diệt gây chết người, gây thương tích nặng hoặc gây tổn hại nghiêm trọng về tài sản;

e) Lập kế hoạch, chuẩn bị hoặc tham gia vào việc thực hiện hành vi phạm tội;

f) Tội phạm liên quan đến khủng bố mà tại thời gian yêu cầu theo luật của nước ký kết, không bị coi là tội phạm mang tính chất chính trị;

g) Bắt cóc tống tiền, bắt, giữ, giam người khác trái pháp luật, kể cả việc bắt giữ con tin.

Điều 5. Hoãn dẫn độ

1. Khi người bị yêu cầu dẫn độ đang bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc đang chấp hành hình phạt về tội phạm nhưng không phải là tội đang bị yêu cầu dẫn độ trên lãnh thổ của Bên được yêu cầu, thì Bên được yêu cầu có thể hoãn việc dẫn độ người đó cho đến khi kết thúc quá trình điều tra, truy tố, xét xử hay chấp hành xong toàn bộ hoặc một phần hình phạt đã tuyên. Bên được yên cầu sẽ thông báo cho Bên yêu cầu về việc hoãn dẫn độ nói trên. Khi điều kiện hoãn dẫn độ không còn nữa thì Bên được yêu cầu phải thông báo ngay cho Bên yêu cầu và tiếp tục tiến hành việc dẫn độ nếu không có thông báo kháo của Bên yêu cầu.

2. Trường hợp việc hoãn dẫn độ quy định tại Khoản 1 Điều này làm cản trở quá trình tố tụng hình sự do hết thời hiệu hoặc gây khó khăn nghiêm trọng cho việc tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự, thì theo đề nghị Bên yêu cầu, Bên được yêu cầu căn cứ vào pháp luật bước mình có thể cho dẫn độ tạm thời theo yêu cầu.

3. Người bị dẫn độ tạm thời phải được trả lại ngay sau khi quá trình tố tụng hình sự đã kết thúc hoặc hết thời hạn yêu cầu dẫn độ tạm thời mà hai Bên đã thỏa thuận. Khi có yêu cầu, Bên được yêu cầu sẽ gia hạn thời hạn đã thỏa thuận trên nếu có lý do chính đáng cho việc gia hạn này.

Điều 6. Dẫn độ công dân

1. Các Bên không có nghĩa vụ phải dẫn độ công dân của mình theo Hiệp định này.

2. Nếu việc dẫn độ bị từ chối chỉ trên cơ sở quốc tịch của người bị dẫn độ, thì theo đề nghị của Bên yêu cầu, Bên được yêu cầu sẽ đưa vụ án ra cơ quan có thẩm quyển để truy tố.

3. Quốc tịch được xác định vào thời điểm thực hiện tội phạm và vì tội đó mà có yêu cầu dẫn độ.

Điều 7. Thủ tục dẫn độ

1. Yêu cầu dẫn độ theo Hiệp định này phải được gửi thông qua đường ngoại giao.

2. Văn bản yêu cầu dẫn độ phải kèm theo:

a) Các tài liệu mô tả chi tiết về người bị yêu cầu dẫn độ, bao gồm các thông tin để xác định đặc điểm nhận dạng, quốc tịch và nơi cư trú của người đó;

b) Một văn bản nêu sự việc của vụ án;

c) Một văn bản nêu các luật, nếu có, quy định về:

i) Các yếu tố cấu thành tội phạm và tội danh; và

ii) Khung hình phạt cao nhất đối với tội phạm đó.

3. Khi yêu cầu dẫn độ liên quan đến người chưa bị kết án, thì phải kèm theo bản sao lệnh bắt của thẩm phán hay người có thẩm quyền khác của Bên yêu cầu dẫn độ và văn bản xác nhận theo quy định của Bên được yêu cầu dẫn độ, việc chuẩn bị xét xử về tội phạm đã thực hiện trên lãnh thổ Bên đó, bao gồm thông tin xác nhận người bị dẫn độ là người được nêu trong lệnh bắt;

Khi yêu cầu dẫn độ liên quan đến người đã bị kết án, thì phải kèm theo:

a) Bản sao bản án kết tội do tòa án của Bên yêu cầu dẫn độ tuyên;

b) Thông tin xác nhận bản án, quyết định hình sự đã có hiệu lực pháp luật và xác định phần hình phạt chưa được thi hành.

5. Tất cả các tài liệu kèm theo văn bản yêu cầu dẫn độ phải được tiếp nhận và được xác định là chứng cứ trong quá trình xem xét việc dẫn độ, phải được thẩm phán hoặc quan chức có thẩm quyền chứng thực bản gốc hoặc bản sao và đóng dấu chính thức của tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền.

6. Trường hợp yêu cầu dẫn độ liên quan đến người bị kết án vắng mặt, thủ tục yêu cầu dẫn độ người đó sẽ áp dụng theo Khoản 4 Điều này.

7. Nếu Bên được yêu cầu cho rằng chứng cứ hoặc thông tin đã cung cấp không đầy đủ để tiến hành việc dẫn độ theo Hiệp định này, thì có thể yêu cầu cung cấp chứng cứ hoặc thông tin bổ sung trong thời hạn do Bên được yêu cầu ấn định.

Điều 8. Thông tin bổ sung

1. Nếu Bên được yêu cầu cho rằng thông tin đã cung cấp kèm theo yêu cầu dẫn độ không đầy đủ để tiến hành việc dẫn độ theo Hiệp định này, thì có thể yêu cầu cung cấp các thông tin bổ sung trong thời hạn do Bên được yêu cầu ấn định.

2. Nếu người bị yêu cầu dẫn độ đang bị bắt giữ và các thông tin bổ sung đã cung cấp theo Hiệp định này không đầy đủ hoặc không nhận được trong thời hạn ấn định, thì người bị bắt giữ có thể được trả tự do. Việc trả tự do cho người bị yêu cầu dẫn độ nói trên không cản trở Bên yêu cầu đưa ra yêu cầu mới về dẫn độ người đó.

3. Trong trường hợp người đó được trả tự do, ra khỏi nơi giam giữ theo Khoản 2 Điều này thì Bên được yêu cầu sẽ thông báo cho Bên yêu cầu ngay khi có thể được.

Điều 9. Bắt khẩn cấp

1. Trong trường hợp khẩn cấp, Bên yêu cầu có thể đề nghị bắt khẩn cấp người để dẫn độ trước khi có yêu cầu dẫn độ. Yêu cầu bắt khẩn cấp có thể được các Bên gửi qua đường ngoại giao hoặc trực tiếp giữa Bộ Công an nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Ngoại giao Cộng hòa Ấn Độ.

2. Yêu cầu bắt khẩn cấp phải được lập bằng văn bản và gồm các nội dung sau đây:

a) Mô tả về người bị bắt để dẫn độ, kể cả các thông tin về quốc tịch của người đó;

b) Nơi người bị bắt để dẫn độ đang có mặt, nếu biết được;

c) Bản tóm tắt sự việc của vụ án, và nếu có thể, cả thời gian và địa điểm thực hiện tội phạm;

d) Mô tả các luật bị vi phạm;

e) Thông báo về lệnh bắt hay lệnh tạm giữ, hoặc bản án đối với người đó;

f) Khẳng định rõ sẽ gửi văn bản yêu cầu dẫn độ đối với người bị bắt để dẫn độ.

3. Sau khi nhận được yêu cầu bắt khẩn cấp, Bên được yêu cầu sẽ tiến hành các bước cần thiết để bảo đảm việc bắt giữ người bị yêu cầu và thông báo ngay kết quả cho Bên yêu cầu.

4. Người bị bắt giữ sẽ được trả tự do nếu Bên yêu cầu không đưa ra yêu cầu dẫn độ kèm theo các tài liệu nêu tại Điều 7 trong thời hạn sáu mươi (60) ngày kể từ ngày bắt giữ với điều kiện là việc trả tự do này không cản trở quá trình tố tụng nếu sau đó lại nhận được yêu cầu dẫn độ.

Điều 10. Dẫn độ đơn giản

Trường hợp người bị yêu cầu dẫn độ chấp nhận việc dẫn độ thì Bên được yêu cầu có thể áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật Bên đó, để tiến hành ngay việc chuyển giao người bị yêu cầu dẫn độ.

Điều 11. Nhiều yêu cầu dẫn độ đối với một người

1. Trường hợp nhận được yêu cầu dẫn độ từ hai hay nhiều quốc gia đối với cùng một người về cùng một tội phạm hay nhiều tội phạm khác nhau, thì Bên được yêu cầu sẽ quyết định dẫn độ người đó cho một trong các quốc gia nói trên và thông báo quyết định của mình cho các quốc gia đó.

2. Khi quyết định dẫn độ một người cho một quốc gia nào đó, thì Bên được yêu cầu phải xem xét tất cả các yếu tố liên quan, kể cả nhưng không giới hạn đối với các yếu tố sau:

a) Quốc tịch và nơi thường trú của người bị yêu cầu dẫn độ;

b) Các yêu cầu có được lập theo đúng quy định của Hiệp định dẫn độ hay không;

c) Thời gian và địa điểm thực hiện tội phạm;

d) Lợi ích riêng của các quốc gia yêu cầu;

e) Mức độ nghiêm trọng của tội phạm;

f) Quốc tịch của người bị hại;

g) Khả năng dẫn độ tiếp theo giữa các quốc gia yêu cầu;

h) Ngày đưa ra yêu cầu dẫn độ.

Điều 12. Chuyển giao người bị dẫn độ

1. Ngay sau khi có quyết định về yêu cầu dẫn độ, Bên được yêu cầu thông báo quyết định đó cho Bên yêu cầu qua đường ngoại giao. Nếu từ chối dẫn độ thì phải cho biết lý do.

2. Bên được yêu cầu sẽ chuyển giao người bị dẫn độ cho cơ quan có thẩm quyền của Bên yêu cầu tại một địa điểm trên lãnh thổ của Bên được yêu cầu mà hai Bên chấp thuận.

3. Bên yêu cầu sẽ đưa người bị dẫn độ ra khỏi lãnh thổ của Bên được yêu cầu trong một thời hạn hợp lý do Bên được yêu cầu ấn định, nếu hết thời hạn trên mà người đó chưa được chuyển đi, thì Bên được yêu cầu có thể trả tự do cho người đó và có thể từ chối dẫn độ đối với tội phạm tương tự.

4. Nếu có tình huống phát sinh vượt quá khả năng kiểm soát của một Bên, cản trở Bên đó chuyển giao hay tiếp nhận người bị dẫn độ, thì phải thông báo cho Bên kia biết. Trường hợp đó, sẽ không áp dụng các quy định nêu tại Khoản 3 Điều này. Hai Bên sẽ cùng nhau thỏa thuận để đưa ra thời hạn chuyển giao hoặc tiếp nhận người bị dẫn độ nhưng không quá thời hạn 60 ngày, kể từ ngày thỏa thuận.

Điều 13. Dẫn độ lại

Nếu người bị dẫn độ trốn tránh việc truy cứu trách nhiệm hình sự và quay trở lại lãnh thổ của Bên được yêu cầu thì Bên yêu cầu có thể đưa ra yêu cầu dẫn độ lại nguời đó.

Điều 14. Giữ và chuyển giao tài sản

1. Khi yêu cầu dẫn độ được chấp nhận, Bên được yêu cầu có thể giữ và chuyển giao tất cả đồ vật, tài liệu có được do phạm tội mà có và chứng cứ liên quan đến tội phạm cho Bên yêu cầu.

2. Bên được yêu cầu, theo đề nghị, có thể chuyển giao đồ vật cho Bên yêu cầu kể cả trong trường hợp việc dẫn độ không thể thực hiện vì người bị yêu cầu dẫn độ đã chết, mất tích hoặc đã chạy trốn.

3. Theo pháp luật của Bên được yêu cầu về việc bảo vệ quyền lợi của bên thứ ba, tất cả tài sản được chuyển giao theo quy định của Điều này phải được hoàn trả ngay cho Bên được yêu cầu và miễn phí.

Điều 15. Quy tắc đặc biệt

1. Người bị dẫn độ theo Hiệp định này có thể không bị giam giữ, xét xử hay xử phạt trên lãnh thổ của Bên yêu cầu, trừ trường hợp đối với:

a) Tội mà theo đó việc dẫn độ đã được chấp nhận hoặc tội tuy có tên gọi khác nhưng cùng dựa trên các sự việc mà theo đó việc dẫn độ đã được phép tiến hành với điều kiện tội đó là tội có thể bị dẫn độ hoặc một tội nhẹ hơn;

b) Tội phạm mà theo đó việc dẫn độ đã được thực hiện hoặc tội khác mà người bị yêu cầu dẫn độ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự trên cơ sở các sự việc được nêu trong yêu cầu dẫn độ đối với người đó.

c) Tội mà cơ quan có thẩm quyển của Bên được yêu cầu đồng ý với việc giam giữ, xét xử hay xử phạt người đó về việc thực hiện một tội phạm.

Theo quy định của Khoản này:

i) Bên được yêu cầu có thể yêu cầu cung cấp các tài liệu nêu tại Điều 7;

ii) Bản sao lời khai của người bị dẫn độ về tội đó sẽ được gửi cho Bên được yêu cầu, nếu có;

iii) Trong thời gian yêu cầu đang được xử lý, người bị dẫn độ có thể bị Bên yêu cầu giam giữ theo thời hạn mà Bên được yêu cầu cho phép

2. Người bị dẫn độ theo Hiệp định này không thể bị dẫn độ cho quốc gia thứ ba về tội đã thực hiện trước khi người đó bị dẫn độ trừ trường hợp Bên được yêu cầu đồng ý.

3. Khoản 1 và Khoản 2 của Điều này không cản trở việc giam giữ, xét xử hay xử phạt người bị dẫn độ hoặc dẫn độ người đó đến nước thứ ba nếu:

a) Người đó rời khỏi lãnh thổ của Bên được yêu cầu sau khi dẫn độ và tự nguyện quay trở lại lãnh thổ đó;

b) Người đó không rời khỏi lãnh thổ của Bên được yêu cầu trong thời hạn sáu mươi (60) ngày kể từ ngày người đó được tự do rời đi.

Điều 16. Thông báo kết quả

Bên yêu cầu thông báo kịp thời cho Bên được yêu cầu các thông tin liên quan đến việc truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án đối với người bị dẫn độ hoặc việc tái dẫn độ người đó cho nước thứ ba.

Điều 17. Quá cảnh

1. Trong phạm vi được pháp luật của mình cho phép, việc chuyển giao người bị dẫn độ cho một trong các Bên do nước thứ ba tiến hành có quá cảnh qua lãnh thổ của Bên kia sẽ được phép thực hiện khi có văn bản yêu cầu gửi tới cơ quan trung ương.

2. Trường hợp chuyển giao bằng đường hàng không và không hạ cánh trên lãnh thổ của Bên quá cảnh, thì không yêu cầu phải xin phép quá cảnh. Nếu tiến hành việc hạ cánh không dự định trước trên lãnh thổ của Bên quá cảnh, thì Bên đó có thể yêu cầu Bên kia gửi yêu cầu xin quá cảnh theo quy định tại Khoản 1 Điều này. Bên đó phải giam giữ người bị dẫn độ đang chờ quá cảnh cho đến khi nhận được yêu cầu quá cảnh và được cho phép quá cảnh, trong trường hợp máy bay phải hạ cánh không nằm trong lịch trình bay thì thời hạn đó là bốn (4) ngày (96 giờ).

Điều 18. Chi phí

1. Bên được yêu cầu sẽ chịu mọi chi phí về các thủ tục trong phạm vi thẩm quyền của mình phát sinh từ yêu cầu dẫn độ.

2. Bên được yêu cầu sẽ chịu các chi phí phát sinh trên lãnh thổ của mình liên quan đến việc bắt và giam giữ người bị dẫn độ, hoặc liên quan đến việc thu giữ và chuyển giao tài sản.

3. Bên yêu cầu sẽ chịu các chi phí phát sinh trong việc chuyển người bị dẫn độ từ lãnh thổ của Bên được yêu cầu và chi phí quá cảnh.

Điều 19. Cơ quan trung ương

Theo quy định của Hiệp định này, các Bên ký kết sẽ trao đổi thông qua cơ quan trung ương. Đối với Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan trung ương là Bộ Công an; đối với Cộng hòa Ấn Độ, cơ quan trung ương là Bộ Ngoại giao.

Điều 20. Trao đổi

1. Theo yêu cầu của bất kỳ Bên nào, các Bên sẽ trao đổi với nhau những vấn đề liên quan đến việc giải thích và áp dụng Hiệp định này.

2. Bộ Công an nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Ngoại giao Cộng hòa Ấn Độ có thể cùng nhau trao đổi trực tiếp về quá trình giải quyết các vụ việc cụ thể và duy trì, thúc đẩy các thủ tục để thực hiện Hiệp định này.

Điều 21. Nghĩa vụ theo các điều ước quốc tế

Hiệp định này sẽ không ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của các Bên phát sinh từ các điều ước quốc tế mà các bên là thành viên.

Điều 22. Hiệu lực và chấm dứt hiệu lực của Hiệp định

1. Hiệp định này phải được phê chuẩn và bắt đầu có hiệu lực vào thời điểm trao đổi các văn kiện phê chuẩn.

2. Mỗi Bên có thể chấm dứt Hiệp định này bằng việc gửi thông báo bằng văn bản vào bất kỳ thời điểm nào. Trường hợp đó, Hiệp định sẽ hết hiệu lực sau sáu (06) tháng kể từ ngày gửi thông báo đó.

Để làm bằng, những người ký tên dưới đây, được ủy quyền đầy đủ, đã ký Hiệp định này.

Hiệp định này được làm tại Niu Đê-li ngày 12 tháng 10 năm 2011, thành hai bản, mỗi bản bằng tiếng Việt, tiếng Hindi và tiếng Anh, cả hai văn bản đều có giá trị như nhau. Trong trường hợp có sự giải thích khác nhau, văn bản tiếng Anh sẽ được sử dụng làm căn cứ.

 

THAY MẶT
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM
THỨ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN




Lê Quý Vương

THAY MẶT
CỘNG HÒA ẤN ĐỘ
BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO





S M Krishna

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo hiệu lực của Hiệp định về dẫn độ giữa Việt Nam - Ấn Độ năm 2011

  • Số hiệu: 42/2013/TB-LPQT
  • Loại văn bản: Điều ước quốc tế
  • Ngày ban hành: 12/10/2011
  • Nơi ban hành: Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ Cộng hoà Ấn Độ
  • Người ký: Lê Quý Vương, S M Kishna
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 513 đến số 514
  • Ngày hiệu lực: 12/08/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản