Hệ thống pháp luật

BỘ NGOẠI GIAO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 25/2013/TB-LPQT

Hà Nội, ngày 04 tháng 05 năm 2013

 

THÔNG BÁO

VỀ VIỆC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CÓ HIỆU LỰC

Thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Bộ Ngoại giao trân trọng thông báo:

Hiệp định hợp tác du lịch giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa I-ta-li-a, ký tại Milano ngày 12 tháng 12 năm 2009, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 4 năm 2013.

Bộ Ngoại giao trân trọng gửi bản sao Hiệp định theo quy định tại Điều 68 của Luật nêu trên.

 

 

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG
VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Nguyễn Văn Ngự

 

HIỆP ĐỊNH

HỢP TÁC DU LỊCH GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA I-TA-LI-A

Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa I-ta-li-a (sau đây gọi là “Các Bên”),

Mong muốn phát triển và đẩy mạnh hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực du lịch,

Nhận thức được tầm quan trọng của quan hệ song phương trong lĩnh vực du lịch và tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước,

Nhằm đẩy mạnh hơn nữa giao lưu du lịch giữa hai nước trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi,

ĐÃ THỎA THUẬN NHƯ SAU:

Điều 1.

Các Bên sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực du lịch theo tinh thần của Hiệp định này, phù hợp với luật pháp hiện hành của mỗi nước và các điều ước quốc tế mà các Bên đều là thành viên.

Điều 2.

Các Bên chỉ định các cơ quan thẩm quyền của mình dưới đây thực hiện Hiệp định này:

- Phía Việt Nam: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam

- Phía I-ta-li-a: Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng - Bộ phát triển và cạnh tranh Du lịch

Điều 3.

Các Bên khuyến khích và tạo điều kiện cho công dân nước mình và nước thứ ba đi du lịch theo nhóm hoặc du lịch cá nhân tới Việt Nam và I-ta-lia Các Bên tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty du lịch của nước hợp tác trong các lĩnh vực kinh doanh, đầu tư du lịch, đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch.

Điều 4.

Các Bên sẽ tăng cường hợp tác trong xúc tiến quảng bá du lịch, bao gồm:

- Tạo điều kiện và hỗ trợ lẫn nhau cho việc thiết lập và hoạt động của văn phòng đại diện du lịch quốc gia, văn phòng đại diện của doanh nghiệp du lịch mỗi nước tại nước kia nhằm thúc đẩy các hoạt động du lịch và đầu tư.

- Hỗ trợ nhau tổ chức các chương trình giới thiệu về du lịch, văn hóa, nghệ thuật ẩm thực tại hai nước.

Điều 5.

Các Bên khuyến khích trao đổi thông tin, kinh nghiệm liên quan tới tổ chức, quản lý và hoạt động kinh doanh du lịch, bao gồm:

a) Các văn bản pháp lý của hai nước liên quan đến hoạt động du lịch

b) Tình hình phát triển du lịch, số liệu thống kê du lịch, phát triển sản phẩm du lịch

c) Bảo vệ và giữ gìn tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa du lịch

d) Kinh nghiệm quản lý khách sạn và các loại hình lưu trú khác

e) Tài liệu tham khảo, thông tin du lịch và xuất bản ấn phẩm nghiên cứu thị trường.

Điều 6.

Các Bên tăng cường hợp tác trong lĩnh vực đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch thông qua việc nghiên cứu phối hợp triển khai các dự án cụ thể. Phía I-ta-li-a sẽ quan tâm hỗ trợ có những chương trình cụ thể giúp Du lịch Việt Nam xây dựng cơ sở vật chất; bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý du lịch.

Điều 7.

- Những nội dung hợp tác nêu trong Hiệp định này có thể được triển khai, theo ngân sách được phân bổ, thông qua các chương trình hoặc dự án do các cơ quan có thẩm quyền của các Bên phê duyệt.

- Các Bên sẽ thành lập một Ủy ban Hỗn hợp để theo dõi việc thực hiện Hiệp định, nhằm nghiên cứu những để xuất hữu ích cho việc triển khai Hiệp định này. Ủy ban Hỗn hợp sẽ họp hàng năm luân phiên tại mỗi nước. Thời gian, địa điểm họp sẽ do Hai Bên cùng thảo luận và nhất trí.

Điều 8.

Các Bên có thể bằng văn bản thông qua con đường ngoại giao yêu cầu sửa đổi Hiệp định này. Bất kỳ sửa đổi nào sẽ có hiệu lực sau khi các Bên thực hiện đầy đủ các thủ tục theo pháp luật hiện hành của mỗi nước.

Điều 9.

Hiệp định này có hiệu lực kể từ ngày nhận được thông báo sau cùng về việc các Bên đã hoàn thành các thủ tục phê chuẩn và có giá trị trong năm (5) năm. Hiệp định này sẽ mặc nhiên được gia hạn thêm từng năm (5) năm tiếp theo, trừ khi một trong các Bên thông báo cho Bên kia bằng văn bản thông qua đường ngoại giao về ý định chấm dứt hiệu lực Hiệp định này ít nhất sáu (6) tháng trước khi Hiệp định hết hiệu lực.

Việc chấm dứt Hiệp định này không ảnh hưởng đến việc thực hiện các chương trình và dự án du lịch được thỏa thuận giữa các Bên trong khuôn khổ Hiệp định này trong thời gian Hiệp định có hiệu lực, trừ trường hợp các Bên có thỏa thuận khác.

Để làm bằng, các đại diện được ủy quyền hợp pháp của hai Chính phủ đã ký Hiệp định này.

Làm tại Milano, ngày 12 tháng 12 năm 2009 thành hai bản, mỗi bản bằng tiếng Việt, tiếng I-ta-li-a và tiếng Anh. Các văn bản đều có giá trị như nhau. Trong trường hợp có sự giải thích khác nhau, văn bản tiếng Anh sẽ được dùng làm cơ sở.

 

THAY MẶT CHÍNH PHỦ
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
PHÓ THỦ TƯỚNG,
BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO




Phạm Gia Khiêm

THAY MẶT CHÍNH PHỦ
CỘNG HÒA I-TA-LI-A
BỘ TRƯỞNG BỘ DU LỊCH





Michela Vittoria Brambilla

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo hiệu lực của Hiệp định hợp tác du lịch giữa Việt Nam và I-ta-li-a

  • Số hiệu: 25/2013/TB-LPQT
  • Loại văn bản: Điều ước quốc tế
  • Ngày ban hành: 12/12/2009
  • Nơi ban hành: Chính phủ Cộng hoà Italia, Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
  • Người ký: Phạm Gia Khiêm, Michela Vittoria BramBilla
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 279 đến số 280
  • Ngày hiệu lực: 05/04/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản