Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 93/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 18 tháng 03 năm 2015

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ, TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA TẠI PHIÊN HỌP TOÀN THỂ BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA VỀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ

Ngày 03 tháng 3 năm 2015, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì Phiên họp toàn thể Ban Chỉ đạo (BCĐ) quốc gia về hội nhập quốc tế. Tham dự Phiên họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, Phó Trưởng BCĐ quốc gia, Trưởng BCĐ liên ngành hội nhập quốc tế về chính trị, an ninh, quốc phòng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, Phó Trưởng BCĐ quốc gia, Trưởng BCĐ liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Trưởng BCĐ quốc gia, Trưởng BCĐ liên ngành hội nhập quốc tế về văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ và giáo dục đào tạo và các ủy viên BCĐ quốc gia về hội nhập quốc tế.

Sau khi nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng kết hoạt động hội nhập quốc tế năm 2014, phương hướng, nhiệm vụ năm 2015; Lãnh đạo Bộ Ngoại giao báo cáo về trọng tâm đối ngoại đa phương Việt Nam đến năm 2020 và ý kiến của các đại biểu tham dự Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng BCĐ quốc gia kết luận như sau:

I. Năm 2014, thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10 tháng 4 năm 2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, Chính phủ đã tích cực triển khai các nhiệm vụ: ban hành Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2014 về các chương trình hành động cụ thể; thành lập BCĐ quốc gia về hội nhập quốc tế gồm 03 BCĐ liên ngành trong 3 lĩnh vực: Chính trị, an ninh, quốc phòng; Kinh tế và Khoa giáo, văn xã, tạo cơ sở pháp lý để hoạt động hội nhập quốc tế được triển khai đồng bộ và hiệu quả. Công tác hội nhập quốc tế đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp vào thành tựu phát triển chung của đất nước: góp phần mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường các nguồn hỗ trợ phát triển ODA, đầu tư nước ngoài FDI, giải quyết các vấn đề phức tạp như dân chủ, nhân quyền, biên giới, lãnh thổ. Trên tinh thần "tích cực và chủ động hội nhập", Việt Nam đã phát huy vai trò thành viên có trách nhiệm trong các tổ chức quốc tế lớn như: ASEAN, APEC, ASEM, WTO, đưa ra các sáng kiến, đề xuất quan trọng, nhận được sự ủng hộ và đồng thuận cao của cộng đồng quốc tế, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia. Điều đó khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc mở rộng hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực trong đó hội nhập quốc tế về kinh tế là trọng tâm.

Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế cần phải nghiêm túc nhìn nhận và khắc phục trong thời gian tới. Các Bộ, ngành, địa phương còn chưa quan tâm đúng mức đến công tác hội nhập quốc tế, thiếu chủ động trong việc rà soát nhu cầu hội nhập, phối hợp chưa nhịp nhàng trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao. Công tác thông tin tuyên truyền chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Việc thực hiện các cam kết và nội luật hóa cam kết chưa đầy đủ và đồng bộ.

II. Giải pháp, nhiệm vụ năm 2015: Trong bối cảnh toàn cầu hóa, công nghệ thông tin, thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, chúng ta phải chủ động bắt kịp xu thế chung, đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện, trên tất cả các lĩnh vực. Trong năm 2015, các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:

1. Tiếp tục kiện toàn về thể chế

Các Ban Chỉ đạo liên ngành khẩn trương hoàn thiện tổ chức nhân sự, các cơ quan giúp việc để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao; xây dựng và đảm bảo thực hiện cơ chế phối hợp chặt chẽ và thống nhất giữa các Ban Chỉ đạo liên ngành, các đơn vị, bộ phận giúp việc BCĐ quốc gia và các BCĐ liên ngành, cơ quan trung ương và địa phương trong việc triển khai các nhiệm vụ được giao về hội nhập quốc tế.

2. Hoàn thiện cơ chế, chính sách về hội nhập quốc tế

- Các Bộ, ngành, địa phương rà soát nhu cầu thực tế, xây dựng chiến lược hội nhập của Bộ, ngành, địa phương mình, đảm bảo hội nhập chủ động, tích cực và hiệu quả; thực hiện các nhiệm vụ (Đề án) được giao tại Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10 tháng 4 năm 2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế và Nghị quyết số 49/NQ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới; trình Thủ tướng Chính phủ đúng thời hạn.

- Bộ Ngoại giao xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục triển khai Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế nhằm phát huy hơn nữa vai trò của hội nhập quốc tế phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển bền vững và bảo vệ chủ quyền quốc gia; trong đó nêu rõ các trọng tâm đối ngoại đa phương của Việt Nam đến năm 2020, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4 năm 2015.

3. Tập trung hoàn thành các mục tiêu đối ngoại trong năm 2015:

- Đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ đàm phán các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đang ở giai đoạn cuối để ký kết trong nửa đầu hoặc cuối năm 2015, bao gồm các Hiệp định: Việt Nam - EU, Việt Nam- Hàn Quốc, Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu, Việt Nam - Khối thương mại tự do châu Âu (EFTA).

- Các Bộ, ngành liên quan tham gia đầy đủ và sâu sắc hơn trong các cơ chế hợp tác kinh tế ASEAN thông qua các hội nghị các cấp nhằm nỗ lực cao nhất cho mục tiêu hiện thực hóa Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015.

- Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Đề án đào tạo, bồi dưỡng, cử đại diện Việt Nam tham gia vào các tổ chức quốc tế, trình Thủ tướng Chính phủ trong Quý IV năm 2015.

4. Phát huy hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền:

- Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch thông tin tuyên truyền về các sự kiện hội nhập quốc tế nổi bật trong năm 2015 (Cộng đồng kinh tế ASEAN, các FTA sắp được ký kết), trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5 năm 2015.

- Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục chủ động thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến về hội nhập quốc tế, tăng cường đối thoại doanh nghiệp, đảm bảo các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam thực sự đi vào cuộc sống, mang lại lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp và người dân.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, cơ quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Cảc thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, QHQT (3b).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Sỹ Hiệp

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 93/TB-VPCP năm 2015 kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia tại Phiên họp toàn thể Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 93/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 18/03/2015
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Sỹ Hiệp
  • Ngày công báo: 01/04/2015
  • Số công báo: Từ số 397 đến số 398
  • Ngày hiệu lực: 18/03/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản