Hệ thống pháp luật

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 8249/TB-BTP

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2013

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN CHỈ ĐẠO CỦA BỘ TRƯỞNG HÀ HÙNG CƯỜNG TẠI HỘI NGHỊ SƠ KẾT 03 NĂM THỰC HIỆN LUẬT LÝ LỊCH TƯ PHÁP VÀ QUYẾT ĐỊNH SỐ 2369/QĐ-TTG CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Ngày 25 tháng 11 năm 2013, Hội nghị sơ kết 03 năm thực hiện Luật Lý lịch tư pháp và Quyết định số 2369/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã được tổ chức tại Hà Nội. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng và hơn 130 đại biểu đại diện cho Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các Bộ, Ban, Ngành liên quan ở Trung ương, Lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Lãnh đạo Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đại diện một số Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, cơ quan Công an, cơ quan Thi hành án dân sự cấp tỉnh. Sau khi nghe tóm tắt Báo cáo sơ kết 03 năm thi hành Luật Lý lịch tư pháp và Quyết định số 2369/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo tham luận của đại diện Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án quân sự Trung ương, Cục Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát - Bộ Công an, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã có ý kiến phát biểu chỉ đạo như sau:

1. Sau hơn 03 năm triển khai thi hành Luật của Quốc hội, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, qua nghe tóm tắt Báo cáo sơ kết trình bày tại Hội nghị, tham luận của đại diện Tòa án quân sự Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Nghệ An có thể khẳng định rằng công tác thi hành Luật Lý lịch tư pháp, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, như đồng chí Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đã báo cáo, đó là:

Thứ nhất, việc xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật về cơ bản đã được quan tâm thực hiện và cơ bản đã được ban hành đầy đủ. Đặc biệt, để bảo đảm phát triển công tác lý lịch tư pháp theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, theo lộ trình phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, trên cơ sở đề xuất của Bộ Tư pháp, ngày 19/02/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 338/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược phát triển lý lịch tư pháp đến năm 2020, tầm nhìn 2030”; đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng, mang tính định hướng và xác lập các điều kiện về vật chất, kỹ thuật và nguồn nhân lực cho việc phát triển lý lịch tư pháp ở nước ta.

Thứ hai, bộ máy, biên chế làm công tác lý lịch tư pháp bước đầu được kiện toàn. Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia thuộc Bộ Tư pháp, 05 Phòng Lý lịch tư pháp thuộc Sở Tư pháp 05 thành phố trực thuộc Trung ương đã được thành lập và đi vào hoạt động ngày càng hiệu quả; nhiều Sở Tư pháp khác cũng đã bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác lý lịch tư pháp.

Thứ ba, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lý lịch tư pháp, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ và thực hiện giải quyết yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp được các Bộ, ngành, địa phương quan tâm, chỉ đạo thực hiện dưới nhiều hình thức.

Thứ tư, công tác cấp Phiếu lý lịch tư pháp cơ bản đáp ứng được yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức, từng bước được cải cách thủ tục, đơn giản hóa và thuận tiện hơn, có những sáng tạo như trả kết quả tại nhà. Trong 03 năm, từ khi Luật có hiệu lực đến ngày 01/7/2013, các Sở Tư pháp đã cấp 483.580 Phiếu lý lịch tư pháp, gần bằng 3/4 số lượng Phiếu lý lịch tư pháp cấp trong thời gian 10 năm trước khi Luật Lý lịch tư pháp có hiệu lực pháp luật (655.537 Phiếu)

Thứ năm, công tác xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp được chú trọng thực hiện; nguồn thông tin lý lịch tư pháp đã được khai thông, số lượng thông tin lý lịch tư pháp từ các cơ quan Tòa án, Kiểm sát, Công an, Quân đội, Thi hành án dân sự cung cấp cho cơ quan lý lịch tư pháp để xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp ngày càng nhiều, thường xuyên và kịp thời hơn. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý lý lịch tư pháp và cấp Phiếu lý lịch tư pháp bước đầu được triển khai và đạt được một số kết quả cụ thể.

Với những kết quả đạt được như đã nêu trên, thông qua việc triển khai Luật Lý lịch tư pháp, nhận thức của xã hội về ý nghĩa, giá trị của lý lịch tư pháp ngày càng được nâng lên, qua đó ngày càng phục vụ tốt hơn yêu cầu chứng minh về nhân thân của người dân khi tham gia vào các quan hệ pháp lý, bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ. Bên cạnh đó, lý lịch tư pháp cũng trở thành một công cụ hỗ trợ đắc lực cho các cơ quan nhà nước trong quản lý dân cư, quản lý xã hội, nhất là trong hoạt động tố tụng hình sự.

Thay mặt Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng đã biểu dương những cố gắng, nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác lý lịch tư pháp nói chung, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, một số Sở Tư pháp như thành phố Hồ Chí Minh nói riêng trong việc giúp Chính phủ, Bộ Tư pháp thực hiện lĩnh vực công tác mới mẻ và quan trọng này. Nhân dịp này, Bộ trưởng cũng cảm ơn sự phối kết hợp ngày càng hiệu quả của các Bộ, Ngành ở Trung ương, đặc biệt là Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng. Đồng thời, Bộ trưởng cảm ơn và ghi nhận những đóng góp của đồng chí Phạm Quý Tỵ trong việc trực tiếp chỉ đạo triển khai thi hành Luật trong hơn 02 năm về công tác tại Bộ Tư pháp.

2. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác lý lịch tư pháp vẫn còn có những điểm còn hạn chế, bất cập, cụ thể là:

- Việc xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành Luật còn chưa kịp thời, có văn bản sau 02 năm Luật có hiệu lực pháp luật mới được ban hành.

- Việc kiện toàn tổ chức, bộ máy chưa nhận được sự quan tâm đúng mức, cán bộ làm công tác lý lịch tư pháp kiêm nhiệm vẫn còn nhiều.

- Việc xử lý thông tin lý lịch tư pháp còn chưa kịp thời, số lượng thông tin lý lịch tư pháp còn tồn đọng nhiều.

- Tình trạng cấp Phiếu lý lịch tư pháp chậm, quá thời hạn vẫn còn khá phổ biến; việc lạm dụng quy định Luật để yêu cầu công dân xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 vẫn đang diễn ra.

- Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý lý lịch tư pháp còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu.

Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, bất cập nêu trên, ngoài nguyên nhân khách quan, bởi đây là lĩnh vực hoạt động còn mới mẻ, thì về chủ quan có thể kể đến là do nhận thức của một bộ phận cơ quan nhà nước, tổ chức, người dân về vị trí, vai trò của công tác lý lịch còn chưa đầy đủ; sự quan tâm lãnh đạo của một số Bộ, ngành, địa phương đối với công tác lý lịch tư pháp trong phạm vi Bộ, Ngành, địa phương mình còn hạn chế; các quy định của pháp luật còn tồn tại một số bất cập, chưa phù hợp với quy định của pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và thi hành án dân sự; công tác phối hợp giữa các cơ quan có liên quan còn chưa thực sự chặt chẽ, thậm chí có tình trạng chưa thực hiện đúng quy định của Luật, nhất là trong việc cung cấp thông tin về lý lịch tư pháp…

3. Trong bối cảnh nước ta đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế, Hội nghị phải xác định rõ những hạn chế, bất cập và nguyên nhân kể cả trong thể chế và năng lực thực thi để từ đó có những giải pháp cả về trước mắt và lâu dài nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lý lịch tư pháp trong thời gian tới và cần lưu ý một số vấn đề sau:

Thứ nhất, cần tiếp tục nâng cao nhận thức về ý nghĩa chính trị, pháp lý của công tác lý lịch tư pháp đối với việc bảo đảm và phát huy hơn nữa quyền công dân quyền con người, đồng thời góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Trên cơ sở đó, đề các Bộ, Ban, Ngành, các cơ quan hữu quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quán triệt, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật Lý lịch tư pháp, các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và nhất là Quyết định số 338/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển lý lịch tư pháp đến năm 2020, tầm nhìn 2030”, bảo đảm phát triển công tác này theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.

Thứ hai, tiếp tục rà soát để đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật đã được ban hành nhưng còn có vướng mắc trong quá trình thực thi như quy định về kinh phí phục vụ hoạt động cung cấp thông tin, xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp; chuẩn hóa các biểu mẫu, quy trình liên quan đến cung cấp thông tin lý lịch tư pháp... Đối với những vướng mắc liên quan đến các quy định của Luật như về mô hình cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, về tổ chức cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, về cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho cá nhân… và kể cả các quy định của các luật khác có liên quan, Hội nghị cần thảo luận, phân tích thật kỹ, để từ đó tổng hợp, đề xuất với Chỉnh phủ, Quốc hội xem xét việc sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới.

Thứ ba, công tác lý lịch tư pháp là lĩnh vực mới, lại là lĩnh vực chuyên môn đòi hỏi sự chuyên sâu. Do đó, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, các Sở Tư pháp cần tích cực tham mưu cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm đầu tư, bố trí đủ biên chế làm công tác lý lịch tư pháp theo hướng chuyên môn hóa, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đi thẳng vào hiện đại. Các tỉnh cũng cần chủ động nghiên cứu sử dụng biên chế sự nghiệp làm công tác lý lịch tư pháp. Đồng thời, chú trọng đến phẩm chất đạo đức của công chức, viên chức làm công tác lý lịch tư pháp.

Thứ tư, tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong quản lý, chỉ đạo công tác lý lịch tư pháp. Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, các Sở Tư pháp cần phối hợp thường xuyên, kịp thời, chặt chẽ với các cơ quan, đặc biệt là Tòa án, Viện Kiểm sát, Công an, các đơn vị có liên quan của Bộ Quốc phòng trong việc trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp.

Đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục phối hợp với Bộ Tư pháp, chỉ đạo chỉ đạo Toà án, Viện Kiểm sát các cấp phối hợp với Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, các Sở Tư pháp trong cung cấp, tiếp nhận thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp; Bộ Công an, Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Tư pháp, chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ và Công an địa phương, các cơ quan, đơn vị có liên quan trong quân đội tổ chức tra cứu, cung cấp thông tin để phục vụ việc xây dựng cơ dữ liệu lý lịch tư pháp và cấp Phiếu lý lịch tư pháp đáp ứng tốt nhất yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo đúng Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP đã được ban hành. Ở các địa phương, tiếp tục tăng cường công tác phối hợp, trong trường hợp cần thiết, Sở Tư pháp cần đề xuất các ngành ký kết Quy chế phối hợp liên ngành theo tinh thần Thông tư liên tịch số 04 nói trên.

Thứ năm, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là kiểm tra liên ngành đối với hoạt động lý lịch tư pháp, để kịp thời uốn nắn các sai sót, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động lý lịch tư pháp. Qua đó kịp thời phát hiện những bất cập trong hoạt động lý lịch tư pháp và có giải pháp để khắc phục.

4. Giao Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia sớm hoàn thiện Báo cáo sơ kết để báo cáo Quốc hội, Chính phủ theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nghiên cứu, trong trường hợp cần thiết thì đề xuất sửa đổi Luật Lý lịch tư pháp, Nghị định của Chính phủ và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật, bảo đảm công tác lý lịch tư pháp ngày càng đi vào nền nếp, tiến tới hiện đại. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với Vụ Pháp luật Hình sự hành chính tham gia tích cực vào việc sửa đổi Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, tạo sự đồng bộ giữa các đạo luật liên quan đến lý lịch tư pháp./.

Trên đây là ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Hà Hùng Cường tại Hội nghị sơ kết 03 năm thực hiện Luật Lý lịch tư pháp và Quyết định số 2369/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp thông báo để các cơ quan, đơn vị biết, thực hiện hoặc phối hợp thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ trưởng (để b/c);
- Thứ trưởng Lê Hồng Sơn (để b/c);
- TANDTC, VKSNDTC, BCA,BQP (để p/h);
- Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp;
- Các đơn vị: Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia;
 - TCTHADS, Vụ TCCB, Vụ PL HS-HC, Cục CNTT (để t/h);
 - UBND, STP các tỉnh, thành phố trực thuộc TW (để t/h);
- Lưu: VT, BTK.

TL. BỘ TRƯỞNG
CHÁNH VĂN PHÒNG




Trần Tiến Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 8249/TB-BTP năm 2013 ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Hà Hùng Cường tại Hội nghị sơ kết 03 năm thực hiện Luật Lý lịch tư pháp và Quyết định 2369/QĐ-TTg do Bộ Tư pháp ban hành

  • Số hiệu: 8249/TB-BTP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 30/12/2013
  • Nơi ban hành: Bộ Tư pháp
  • Người ký: Trần Tiến Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản