Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 535/TB-BGDĐT

Hà Nội, ngày 10 tháng 08 năm 2017

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA BỘ TRƯỞNG PHÙNG XUÂN NHẠ TẠI PHIÊN HỌP LẦN THỨ HAI BAN CHỈ ĐẠO ĐỔI MỚI CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG NHÀ GIÁO VÀ CÁN BỘ QUẢN LÝ GIÁO DỤC

Ngày 27 tháng 7 năm 2017, tại trụ sở cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (NGCBQLGD).

Tham dự cuộc họp có các thành viên Ban chỉ đạo đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng NGCBQLGD, đại diện lãnh đạo các vụ, cục, dự án, đề án, chương trình thuộc Bộ GDĐT, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam; Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng các trường đại học sư phạm (ĐHSP), các trường cao đẳng sư phạm trung ương, một số trường đại học có khoa sư phạm, Học viện Quản lý giáo dục và Trường Cán bộ quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh.

Sau khi nghe Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo báo cáo đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao theo các thông báo kết luận của Bộ trưởng liên quan đến nhiệm vụ của các trường sư phạm, ý kiến trao đổi của các đại biểu tham dự cuộc họp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ kết luận:

Thời gian qua, các trường sư phạm đã thực hiện được một số nhiệm vụ phục vụ đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và có được một số kết quả ban đầu. Các trường sư phạm đặc thù đã tham gia cùng quá trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, công tác phối hợp và sự kết nối giữa các trường chưa nhịp nhàng, hiệu quả, dẫn đến một số nhiệm vụ chưa hoàn thành, chất lượng sản phẩm chưa tốt, còn phải chỉnh sửa nhiều lần.

Thời gian tới, các đơn vị cần triển khai tốt một số nhiệm vụ sau đây:

1. Đẩy nhanh tiến độ nâng cao năng lực các trường sư phạm

a) Chương trình Phát triển các trường sư phạm (ETEP) chủ trì hỗ trợ các trường sư phạm đánh giá và phát triển năng lực theo bộ chỉ số TEIDI; từ đó rà soát và xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển nhà trường, trong đó xác định rõ sứ mạng của trường sư phạm về đào tạo, bồi dưỡng NGCBQLGD, có lộ trình, bước đi theo từng giai đoạn cụ thể, 5 năm, 10 năm, nhất là phải đồng bộ với những giải pháp tổng thể của Bộ, Chính phủ về phát triển các trường sư phạm. Thời hạn hoàn thành trước ngày 30 tháng 11 năm 2017.

b) Vụ Giáo dục Đại học nghiên cứu sử dụng kết quả đánh giá năng lực theo bộ chỉ số TEIDI của các trường sư phạm phục vụ hoàn thiện Đề án quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm và hình thành hệ thống trường sư phạm đạt chuẩn. Định hướng xây dựng 02 trường ĐHSP tầm quốc gia là Trường ĐHSP Hà Nội và Trường ĐHSP Thành phố Hồ Chí Minh làm nòng cốt, hỗ trợ hệ thống các trường sư phạm toàn quốc.

2. Đẩy nhanh tiến độ ban hành các chuẩn nghề nghiệp để làm căn cứ quản lý chất lượng giáo dục, cụ thể:

a) Cục NGCBQLGD là đơn vị đầu mối, đôn đốc các nhóm nghiên cứu đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, sớm thẩm định các nghiên cứu và hoàn thiện các thủ tục trình Bộ trưởng ban hành các Thông tư quy định Chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông, Chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông, Chuẩn nghề nghiệp giảng viên sư phạm; các văn bản về tiêu chí, quy trình lựa chọn giáo viên phổ thông cốt cán, cán bộ quản lý phổ thông cốt cán, giảng viên sư phạm cốt cán trước ngày 30 tháng 11 năm 2017. Các văn bản cần ngắn gọn, rõ ràng, bảo đảm định lượng, tường minh, dễ thực hiện, dễ quản lý và chỉ đạo; các chuẩn có mức tối thiểu và các mức cao hơn để các đối tượng tự đánh giá, tự học, tự đạt được theo thời gian; các tiêu chí lựa chọn cốt cán phải phù hợp để chọn được các giáo viên, CBQLGD, giảng viên sư phạm có năng lực, tận tụy, trách nhiệm, có thời gian để hỗ trợ hướng dẫn “tại chỗ” cho đồng nghiệp.

b) Học viện Quản lý giáo dục hoàn thiện nghiên cứu Chuẩn hiệu trưởng/phó hiệu trưởng và chủ tịch hội đồng trường các cơ sở giáo dục đại học; Chuẩn giám đốc/phó giám đốc sở GDĐT; Chuẩn trưởng phòng/phó trưởng phòng GDĐT, gửi Cục NGCBQLGD thẩm định trước ngày 30 tháng 9 năm 2017.

c) Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Hà Nội chủ trì, phối hợp với các trường ĐHSP, cao đẳng sư phạm mầm non đẩy nhanh nghiên cứu xây dựng Chuẩn nghề nghiệp giáo viên và hiệu trưởng trường mầm non, gửi Cục NGCBQLGD thẩm định, trình Bộ trưởng trước ngày 15 tháng 10 năm 2017.

d) Các trường sư phạm đặc thù phối hợp hoàn thiện các khung năng lực nghề nghiệp giáo viên các môn: Công nghệ (Trường ĐHSP Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì); Nghệ thuật (Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương chủ trì); Giáo dục thể chất (Trường ĐHSP Thể dục Thể thao Hà Nội chủ trì), Ngoại ngữ (Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì), chuyển Cục NGCBQLGD thẩm định, trình Bộ trưởng trước ngày 15 tháng 10 năm 2017.

3. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các chương trình đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng theo chuẩn

a) Về chương trình đào tạo và đào tạo lại

- Xây dựng mới các chương trình đào tạo giáo viên gắn với đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, đặc biệt chú trọng các môn học mới như: Khoa học tự nhiên (THCS), Công nghệ (THCS, THPT), Giáo dục kinh tế và pháp luật (THPT)...; xây dựng các chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình đào tạo giáo viên giảng dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh, chương trình đào tạo liên kết quốc tế. Các trường sư phạm họp bàn để thống nhất chương trình khung đào tạo cử nhân sư phạm, có khoảng 80% nội dung dùng chung. Thời hạn hoàn thành trước ngày 30 tháng 11 năm 2017.

- Việc đào tạo lại giáo viên mầm non tạm chấp nhận thời kỳ quá độ để đảm bảo về số lượng và chất lượng ở mức cơ bản. Tuy nhiên, cần kiểm soát chất lượng đạt chuẩn tối thiểu thì mới đủ điều kiện đứng lớp.

b) Về chương trình bồi dưỡng

- Các chương trình bồi dưỡng (đạt các mức chuẩn) cần đảm bảo tính kế thừa, ngắn gọn, tường minh, phù hợp với đối tượng được bồi dưỡng; phương thức bồi dưỡng theo hướng người học có thể tự học mọi lúc, mọi nơi kết hợp có sự hướng dẫn “tại chỗ” cho người học, nhất là người học ở những nơi khó khăn hoặc có hoàn cảnh khó khăn.

- Đẩy mạnh bồi dưỡng đội ngũ theo hướng hiện đại hóa trên cơ sở tăng cường các ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và mạng xã hội, ưu tiên bồi dưỡng trực tuyến và trực tiếp. Cục CNTT phối hợp với các Chương trình, Dự án và Trung tâm Truyền thông giáo dục (Văn phòng) phát triển hệ thống LMS và TEMIS phục vụ bồi dưỡng trực tuyến, đảm bảo có nguồn học liệu dùng chung, có trung tâm bồi dưỡng trực tuyến/từ xa đặt tại địa điểm phù hợp.

- Huy động những giảng viên sư phạm giỏi, giáo viên, CBQLGD các cấp có kinh nghiệm và các chuyên gia đến từ các tổ chức xã hội khác tham gia xây dựng, tài liệu chương trình bồi dưỡng.

- Học viện Quản lý giáo dục thực hiện khảo sát nhu cầu bồi dưỡng và xây dựng các chương trình, tài liệu bồi dưỡng thường xuyên cho các cấp quản lý giáo dục, trong đó ưu tiên bồi dưỡng nâng cao năng lực cho hiệu trưởng trường phổ thông, lãnh đạo sở GDĐT, phòng GDĐT, lãnh đạo các trường sư phạm, triển khai bồi dưỡng cán bộ quản lý theo chương trình hợp tác với Singapore.

- Các trường sư phạm thực hiện khảo sát nhu cầu bồi dưỡng và xây dựng các chương trình, tài liệu bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên phổ thông, giảng viên sư phạm.

- Kinh phí cho học tập bồi dưỡng được huy động từ các chương trình, dự án của Bộ, ngân sách địa phương, sự đóng góp của người học và các nguồn xã hội hóa khác.

4. Về quy hoạch đội ngũ

- Nhóm nghiên cứu của 02 trường được giao nhiệm vụ đầu mối (ĐHSP Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh) chủ động thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu dự báo đảm bảo chất lượng, đáng tin cậy, báo cáo Bộ trưởng về các kết quả và điều kiện thực hiện trước ngày 31 tháng 8 năm 2017. Cần dự báo nhu cầu giáo viên ở các bậc học (mầm non, phổ thông) để xác định chỉ tiêu đào tạo giáo viên phù hợp đảm bảo chất lượng, đáp ứng được chuẩn cơ bản theo quy định. Công tác nghiên cứu dự báo được coi là nhiệm vụ thường xuyên của các trường sư phạm.

- Các sở giáo dục và đào tạo quy hoạch đội ngũ cho phù hợp với thực tế địa phương, phối hợp với các trường sư phạm có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đạt các mức chuẩn quy định, không để tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ.

5. Về cách thức triển khai

a) Câu lạc bộ Hiệu trưởng các trường sư phạm cần được mở rộng với sự tham gia của hiệu trưởng các trường sư phạm khác để tăng cường sự kết nối, chia sẻ và hỗ trợ nhau cùng phát triển; bầu một đồng chí hiệu trưởng trường sư phạm là Chủ tịch Câu lạc bộ và cần được luân phiên. Trong tháng 8 năm 2017, hoàn thành việc lập trang web của Câu lạc bộ nhằm trao đổi và cập nhật các chỉ đạo của Bộ trưởng, tạo nguồn dữ liệu thông tin tổng thể, đầy đủ về hoạt động cửa các trường sư phạm để kịp thời xử lý các vấn đề vướng mắc, bất cập.

b) Các trường sư phạm, chương trình, đề án, dự án thuộc Bộ đẩy mạnh công tác truyền thông về vấn đề đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và CBQLGD phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

c) Ban chỉ đạo đổi mới công tác đào tạo bồi dưỡng nhà giáo và CBQLGD sắp xếp các nhóm việc theo hệ thống, có phân công trách nhiệm cụ thể, báo cáo kịp thời các sản phẩm, kết quả công việc cụ thể để Bộ trưởng có căn cứ, quyết định chỉ đạo kịp thời.

Trân trọng thông báo kết luận của Bộ trưởng để các đơn vị liên quan triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng (để chỉ đạo);
- Các đơn vị thuộc cơ quan Bộ (để thực hiện);
- Các chương trình, dự án, để án (để thực hiện);
- Các trường/khoa sư phạm (để thực hiện);
- Các sở giáo dục và đào tạo (để thực hiện)
- Học viện QLGD (để thực hiện);
- Lưu: VT, TH.

TL. BỘ TRƯỞNG
CHÁNH VĂN PHÒNG




Nguyễn Viết Lộc

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 535/TB-BGDĐT năm 2017 về kết luận của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại phiên họp lần thứ hai Ban chỉ đạo đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

  • Số hiệu: 535/TB-BGDĐT
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 10/08/2017
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
  • Người ký: Nguyễn Viết Lộc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/08/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản